Sáng 21/2, phát biểu tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 2/2020 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định:
Chúng ta có kinh nghiệm trong điều trị bệnh SARS trước đây và hiện nay đã điều trị thành công Covid-19.
Việt Nam là nước thứ 4 trên thế giới nuôi cấy, phân lập virus corona thành công. Chúng ta có thể tự tin trong việc chữa trị bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới và khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. |
Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, thành công lớn nhất trong việc phòng chống dịch lần này chính là sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bằng các văn bản chỉ đạo rất chặt chẽ, kịp thời, cụ thể.
Như Công văn 79 của Ban Bí thư xác định việc phòng chống dịch là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, ưu tiên, cấp bách, huy động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia.
Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp chỉ đạo chống dịch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên nhất. Sử dụng “4 tại chỗ” gồm: nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí, không trông đợi vào cơ quan Trung ương cấp kinh phí hay trang thiết bị phòng hộ khác.
“Các biện pháp chống dịch lần này rất quyết liệt, mạnh mẽ, triệt để hơn so với dịch trước kia. Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là “chống dịch như chống giặc”, phải áp dụng tổng thể các biện pháp. Sẵn sàng hy sinh lợi ích về kinh tế để đảm bảo sức khỏe cho người dân” – ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay Việt Nam có đủ khả năng để cách ly khoảng 30.000 người, đối với tất cả các địa phương đều có phương án cụ thể.
Ngoài ra, cũng có đủ giường nằm trong điều trị y tế với các bệnh nhân, phân tuyến điều trị tới tuyến huyện. Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã chuẩn bị tất cả phương án cụ thể.
“Đến bây giờ, có thể nói rằng, chúng ta tự tin trong vấn đề kiểm soát và chúng ta đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Hy vọng tình hình dịch ở Trung Quốc sẽ sớm được kiểm soát”- ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Hết tháng 2 đã đủ điều kiện để học sinh, sinh viên đi học trở lại chưa? |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, đến thời điểm hiện nay đã có 28 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo có trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó phần lớn là ở Trung Quốc đại lục. Hiện đã có gần 76.000 người mắc, gần 2500 tử vong.
Tỷ lệ tử vong của dịch bệnh là 3%. Bệnh có 3 cơ chế lây nhiễm chính: lây qua không khí khi tiếp xúc với những giọt nước bọt từ người bệnh; lây trực tiếp qua tiếp xúc, bắt tay với người bệnh; lây qua bề mặt (gỗ, đá, vật dụng, tay nắm cửa...) đã nhiễm virus gây bệnh.
Khi ra ngoài môi trường, virus sống rất lâu, có thể đến hơn 10 ngày, nhất là trong điều kiện lạnh. Bệnh có các triệu chứng đa dạng, nhưng chủ yếu là sốt, ho, đau mỏi người, khó thở.
Về biện pháp dự phòng, Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, hay đến vùng có nguy cơ mắc bệnh, tránh tiếp xúc với người có biểu hiện ho, sổ mũi; Khoảng cách tiếp xúc an toàn là 2m.
Bề mặt ở nơi công cộng như bến tàu, bến xe, lan can cần được lau rửa thường xuyên bằng nước sát khuẩn thông thường.
Đối với việc điều trị bệnh, theo Thứ trưởng Y tế, dù hiện nay chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh, nhưng Việt Nam có đủ năng lực và đã chữa khỏi bệnh bằng các phương pháp điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.
Trong điều trị dịch bệnh thuộc nhóm nguy hiểm này, biện pháp cách ly là hữu hiệu nhất. Nếu thực hiện nghiêm ngặt việc phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly và điều trị thì có thể kiểm soát được.
Không chỉ tuyến y tế ở Trung ương và các tuyến huyện, tỉnh đều điều trị được bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Trên chinhphu.vn đăng tải thông tin Phó Giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dù sắp tới (trong tháng 3) có thể xuất hiện ca bệnh mới. Tuy nhiên, thời tiết đang dần ấm lên, độc lực của virus đã giảm... Với sự phát triển của các kỹ thuật điều trị, thuốc chữa bệnh và với năng lực, kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam, chúng ta hoàn có thể nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng dập dịch tại chỗ, điều trị hiệu quả và khống chế được dịch bệnh, bảo đảm môi trường dịch tễ an toàn cho các hoạt động kinh tế, xã hội.
Tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - ông Tô Anh Dũng cho biết, tại nhiều nước có ca nhiễm COVID-9 (Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,…) học sinh, sinh viên vẫn đi học bình thường. Trong trường, người học, người dạy cũng không phải đeo khẩu trang.
Ngay tại Trung Quốc, cho đến nay vẫn đang áp dụng 2 hình thức. Trừ Thủ đô Bắc Kinh và các tỉnh Hồ Bắc, Cát Lâm, Thiên Tân hiện chưa có quyết định cho học sinh, sinh viên đi học trở lại còn các tỉnh còn lại cơ bản đến đầu tháng 3 sẽ tổ chức đi học trở lại.
Đương nhiên, để bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ, các cơ sở giáo dục, đào tạo đều triển khai các giải pháp tiêu trùng khử độc trường học; rà soát các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ; khuyến cáo giáo viên, học sinh rửa tay bằng xà phòng,… cũng như hạn chế một số hoạt động ngoại khoá, tập trung đông người…
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cũng cho biết, WHO và một số tổ chức quốc tế, ngoại giao đoàn cũng đã khuyến nghị, với tình hình dịch bệnh hiện tại, đã đến lúc Việt Nam xem xét thời điểm cho học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Về thời điểm cho học sinh, sinh viên đi học lại, hiện các địa phương đang có ý kiến khác nhau. Căn cứ tình hình thực tế đa số các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương muốn cho học sinh, sinh viên đi học trở lại vào đầu tháng 3. Riêng TPHCM đề nghị cho học sinh nghỉ hết tháng 3.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, thời gian qua các trường học đã tiến hành các biện pháp phòng dịch cần thiết, tiêu trùng khử độc nhiều lần, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các quy trình kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo người học đến trường an toàn… Theo quy định, chỉ địa phương có dịch mới được cho học sinh, sinh viên nghỉ học,… Nếu tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học thì sẽ rất khó khăn thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo,… Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xem xét phương án cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ ngày 2/3 tới.
Trên cơ sở xem xét phân tích điều kiện thực tiễn công tác phòng chống dịch, các điều kiện về y tế và kinh nghiệm các nước, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đồng tình với đề xuất cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 3.
Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, đối với các trường hợp như học sinh THPT, các cháu đã lớn, có ý thức và tự chăm sóc được bản thân thì có thể tổ chức cho đi học trở lại ngay tuần tới để tránh ảnh hưởng tới việc học tập, thi cử,…
Dù dịch bệnh ở nước ngoài còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường nhưng chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt tình hình và không chủ quan, tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ về dịch tễ, không lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh,...
Như Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn. Đặc biệt, để phòng chống dịch bệnh, chúng ta không chọn giải pháp dễ là đóng cửa mọi thứ. Thay vào đó chúng ta chọn giải pháp khó hơn là vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo các điều kiện đi lại của người dân, du khách. Chúng ta tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội… nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người dân.