Hỏi: Tôi thấy trên các kênh thông tin đại chúng đều chỉ nói về tác hại của thuốc lá mà chưa thấy nói về tác hại của thuốc lào, điều này khiến cho các "chiến binh điếu cày" vẫn một mực bảo thủ là hút thuốc lào không độc hại lại còn rẻ tiền. Nhiều người sau khi bỏ thuốc lá chuyển sang "đá" thuốc lào rất "cuồng say" ảnh hưởng đến những người xung quanh. Vậy tôi rất mong được các bác sĩ, các nhà khoa học và cộng đồng chung tay góp sức tuyên truyền sâu rộng về tác hại của thuốc lào để cuộc sống chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn. (Bùi Nhuận - nhuan...@gmail.com)
Trả lời: Bạn Nhuận thân mến, đọc thư bạn chúng tôi mới giật mình vì đúng là hồi nào giờ chỉ thấy tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, và có cả chương trình Cai thuốc lá của Phòng khám Hô hấp - BV Đại học Y dược TPHCM, mà chưa có ai hô hào về việc cai thuốc lào cả.
Thuốc lào - gốc là Nicotiana rustica thuộc chi thuốc lá, có hàm lượng Nicotin rất cao, nó còn được gọi là "tương tư thảo" (tức cỏ nhớ thương). Người nghiện sẽ nhớ từ khói thuốc cho đến tiếng kêu giòn giã thú vị của nước điếu khi hút. Vì vậy mới có câu ca dao:
"Nhớ ai như nhớ thuốc lào.
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên."
"Nhớ ai như nhớ thuốc lào.
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên."
Ảnh minh họa |
Thuốc lào dễ nghiện, rẻ tiền nhưng lại khó bỏ. Cảm giác say thuốc còn mạnh hơn thuốc lá, với người mới hút hay hút vào buổi sáng sớm có thể gây mất thăng bằng, thậm chí té ngã...
"...Một thằng hút bốn thằng say
Hai thằng châm điếu ngã lăn quay..."
Hai thằng châm điếu ngã lăn quay..."
Còn tác hại của thuốc lào thì không kém gì thuốc lá, thậm chí còn... "khủng" hơn trong vụ "tạo mùi". Thuốc lào gây ô nhiễm môi trường xung quanh, mất vệ sinh do mùi nước điếu rất hôi và khó bay, gây nghiện, gây chán ăn, gây bệnh đường hô hấp, thậm chí gây ung thư cho người hút thuốc chủ động lẫn thụ động...
Chính vì thuốc lào chưa được "quan tâm" đúng mức nên chưa có thống kê con số nghiện, nhưng cũng có thể ước chừng khoảng 50% nam giới độ tuổi trên 30 ở phía Bắc nước ta nghiện hút thuốc lào và hiện nay hút thuốc lào đang dần trở thành " mốt" của cả thanh niên sinh viên, học sinh phía Bắc.
Liệu có nên chăng bắt khắc lên tất cả điếu cày (hay điếu bát, điếu ống) câu như đã làm đối với bao thuốc lá: "Hút thuốc lào có thể gây chết người" ?
Xin cảm ơn bạn Nhuận đã đánh động vào một lĩnh vực đang bị... bỏ ngỏ. Hy vọng các độc giả sẽ cùng cảnh báo các "chiến binh điếu cày" về tác hại của thuốc lào, để các chiến binh ấy sớm tỉnh ngộ.
Nguồn: Alobacsi