Tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc tế Giáo dục (Center of International Higher Education) – Boston College, từ ngày 20-22/6/2018, hội thảo về Quốc tế hóa Giáo dục Đại học – Con đường cho cải cách giáo dục đã được tổ chức với nhiều chuyên gia về quốc tế hóa giáo dục từ Mỹ, Úc, Ireland, Hà Lan, Anh và các sinh viên sau đại học.
Chi tiết về chương trình, các bạn có thể tham khảo tại đường link sau:
https://knowledge.wes.org/2018-WES-CIHE-Summer-Institute.html
Là một người tham dự hội thảo và theo đuổi chủ đề “Quốc tế hóa Giáo dục” từ hơn 10 năm qua, tôi rất mong được chia sẻ một câu chuyện nhỏ về con đường quốc tế hóa giáo dục đại học, mà có thể thay đổi sinh viên và tư duy về thế giới xung quanh chúng ta.
Một đại diện từ Đại học bang New York, khi trình bày về chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học của mình, với xuất phát điểm là làm sao thay đổi cách tư duy và quan niệm của sinh viên Mỹ về sinh viên quốc tế và ngược lại, đã phát biểu:
“Trong quá trình nghiên cứu về thực trạng các mối quan hệ giữa sinh viên Mỹ và sinh viên quốc tế tại trường, chúng tôi nhận ra, hầu hết các sinh viên quốc tế không có bạn bè Mỹ, mà điều này sẽ là điều đáng tiếc nhất trong cuộc đời sinh viên.
Vì vậy, chúng tôi quyết định các hoạt động của sinh viên và các tổ chức sinh viên sẽ xoay quanh vấn đề này, để làm sao các sinh viên có thể chơi với nhau, làm bạn bè với nhau trong thời gian họ đang học trong trường”.
Việc chia xẻ về thực trạng sinh viên quốc tế đến Mỹ không hòa nhập với sinh viên Mỹ và cuộc sống Mỹ có lẽ không có gì mới.
Nhưng, cách tiếp cận cởi mở từ những lãnh đạo đại học Mỹ về việc họ cần coi đó là một ưu tiên trong quá trình được gọi là “quốc tế hóa giáo dục đại học”, “quốc tế hóa campus” của họ, là một bước tiến lớn trong nhận thức để hành động.
Bởi, trong thời gian quá dài trước đây, mọi sự không thành công của sinh viên quốc tế tại đại học Mỹ thường được đánh giá và ghi nhận là do bên “không tích cực tham gia hội nhập văn hóa Mỹ” của sinh viên quốc tế.
Từ chia sẻ trên đây về một sự thật trong campus và cách tư duy, đánh giá và tìm giải pháp giải quyết vấn đề, tôi nghĩ đến câu chuyện quyết tâm lọt vào Top 200 của đại học Việt Nam, như một ví dụ trong tư duy của hầu hết lãnh đạo giáo dục đại học của Việt Nam hiện tại.
Liệu có ai hiện đang quản trị giáo dục đại học, từ tầm vĩ mô như Bộ Giáo dục – đào tạo hay ở từng trường đại học, suy nghĩ đến việc quốc tế hóa giáo dục đại học của mình, xuất phát từ chính những thực tiễn trong hoạt động của trường mình, trung thực với thực trạng, với vấn đề đang phải đối mặt và tìm cách giải quyết với những kế hoạch mang tính hiệu quả thiết thực cao nhất cho sinh viên và môi trường dạy – học của mình?
Thư ngỏ gửi Giáo sư Phillip Altbach về Quốc tế hóa giáo dục đại học |
Lấy ví dụ, bàn về việc học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC 500 để có thể tốt nghiệp đại học, đây có thực sự là cách hiệu quả để giúp sinh viên đại học Việt Nam yêu thích học và sử dụng tiếng Anh hay không?
Hay nó đang là một thị trường để sinh viên đối phó, học và thi sao cho có chứng chỉ ra trường, nhưng thực tế thì mồm không nói được và tai thì không nghe được [1]?
Trong trường hợp thực tế như vậy, giải pháp hữu ích cho việc học tiếng Anh cho học sinh sinh viên Việt Nam sẽ là gì?
Với từng trường, từng khoa và thậm chí, từng sinh viên sẽ là gì?
Chia sẻ về tư duy “Kết bạn với sinh viên Mỹ” hay sinh viên quốc tế liệu có là giải pháp hữu ích để giúp sinh viên Việt Nam khá hơn trong giao tiếp tiếng Anh hay không?
Câu chuyện “Hãy làm bạn”… chỉ là một cách ẩn dụ về một phương pháp làm việc, phương pháp tư duy để giải quyết một vấn đề phát sinh trong giáo dục và nhà trường.
Điều cần nhất hiện tại trong quá trình hội nhập với thế giới, theo quan điểm cá nhân tôi, đó là TƯ DUY về con đường giúp cho học sinh sinh viên có thể sống và làm việc ở bất kỳ đâu, ở Việt Nam, ở khu vực châu Á hay bất kỳ chỗ nào họ có thể sống và cống hiến, và được là chính bản thân họ.
Chúng ta đang được nghe đến dự kiến, “Sẽ nhập các giáo trình đào tạo tiên tiến” ở Việt Nam gần đây [2], và ý tưởng này, cũng như biết bao ý tưởng đã được hiện thực hóa trong giáo dục Việt Nam hơn 20 năm qua.
Đều không dựa trên thực tế khảo sát nhu cầu của sinh viên, thực tế đòi hỏi của thị trường lao động, của nhà tuyển dụng và hơn thế, không tạo ra được một nếp học tập cho học sinh sinh viên Việt Nam, đặc biệt là về kỹ năng “Tự học những gì mình thấy cần”.
Trong đó, học từ bạn bè thế giới, học từ xung quanh, tự tìm ra những gì là giải pháp hữu ích, phù hợp với thực tế của mình.
Nếu học và thi chỉ là đối phó, nhập giáo trình quốc tế về dạy có thay đổi được gì con người của học sinh sinh viên Việt Nam?
Chưa kể đến bao vấn đề xung quanh giáo trình nước ngoài nhập về, chứ đâu chỉ là chuyện giáo trình.
“Hãy làm bạn với sinh viên Mỹ”, đó là con đường quốc tế hóa giáo dục đại học (Ảnh minh họa: theo Sansangduhoc). |
Trong lịch sử giáo dục đại học quốc tế, có nhiều thời điểm, đã có thực tế có nước nhập khẩu trọn vẹn giáo trình của nước khác về một số chuyên ngành cần thiết về để dạy và có lẽ tiết kiệm thời gian phát triển.
Nhưng bên cạnh đó, việc giáo trình đi cùng với năng lực giáo viên, năng lực ngoại ngữ của sinh viên, khả năng tiếp thu và sử dụng tương thích với các hoạt động khác trong môi trường học thuật ở trường và ở ngoài xã hội, đặc biệt là nó giúp ích hiệu quả như thế nào trong việc năng lực tự học và hội nhập với chương trình quốc tế ở nước ngoài, chứng chỉ và công nhận của nước ngoài…
Với thực trạng của Việt Nam, chúng ta đã thực hiện nhập khẩu chương trình tiên tiến của một số đại học và giảng dạy bằng tiếng Anh [3].
Nhưng khi tổng kết lại, kết quả là gì? Và từ kết quả này để tự tin nhập khẩu giáo trình về dạy thì liệu có quá “tư duy tích cực” về năng lực dạy và học ở đại học Việt Nam hay chưa?
Liệu có cách nào khác để giúp giáo viên và sinh viên Việt Nam học với giáo trình nước ngoài, sử dụng ngoại ngữ trong dạy và học, và theo đó, được công nhận bởi tổ chức kiểm định hoặc các tổ chức công nhận chất lượng chuyên ngành… mà không phải thí điểm mãi về ngoại ngữ, về chương trình tiên tiến nhưng chất lượng không được chính đối tác công nhận, hay không?
Tôi nghĩ đến câu chuyện “Hãy làm bạn với sinh viên Mỹ” như một định hướng nhằm xây dựng tình bạn giữa sinh viên Mỹ và sinh viên quốc tế, và nằm trong một chiến lược về quốc tế giáo dục đại học ở một đại học Mỹ.
Với hy vọng tha thiết rằng, các nhà quản trị lãnh đạo giáo dục Việt Nam, có lẽ nên ứng dụng tư duy “Hãy làm bạn với sinh viên” để hiểu đúng nhu cầu của sinh viên và giúp họ thực sự học để có thể có đủ năng lực làm việc tại Việt Nam và thế giới.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chung-chi-ngoai-ngu-mon-no-kho-tra-20170410080439131.htm; http://www.sggp.org.vn/bao-dong-thi-ho-dung-chung-chi-ngoai-ngu-gia-122640.html;
[2] https://baomoi.com/se-nhap-cac-giao-trinh-dao-tao-tien-tien-ve-nuoc-de-khong-phai-di-du-hoc-nua/c/26311106.epi