Hòa bình kiểu Trung Quốc

22/03/2016 14:22
Hồng Thủy
(GDVN) - Bà Tôn Tiểu Nghênh đang muốn dùng "cử chỉ thiện chí" này của chính phủ nước mình để lấp liếm cho cuộc chiến xâm lược đá Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Ngày 21/3, Thời báo Hoàn Cầu đăng bài bình luận của bà Tôn Tiểu Nghênh, Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Hợp tác và an ninh biển với tiêu đề: "Hãy cho thế giới thấy hòa bình kiểu Trung Quốc".

Bà Nghênh tiếp tục ngụy biện cho yêu sách chủ quyền bành trướng vô lý và phi pháp mà Trung Quốc tuyên bố, thúc đẩy trên Biển Đông, nhưng lại dùng thủ đoạn đánh tráo khái niệm, bôi nhọ Việt Nam.

Bà Tôn Tiểu Nghênh.
Bà Tôn Tiểu Nghênh.

Tôn Tiểu Nghênh viết: "Ngày 14/3 tại Hà Nội, thủ đô của Việt Nam diễn ra một cuộc tuần hành 'chống Trung Quốc', mượn cớ kỷ niệm hải chiến Trường Sa 1988 để chỉ trích lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông.

Cùng ngày truyền thông Việt Nam đưa tin, Việt Nam thông qua kênh ngoại giao kiến nghị Trung Quốc có biện pháp tăng cường xả nước xuống hạ nguồn sông Mê Kông để giúp một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giảm bớt tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn.

Trước yêu cầu của Việt Nam, Trung Quốc đã nhanh chóng đáp ứng, chính thức tăng lượng nước xả xuống hạ du từ đập Cảnh Hồng để cứu hạn hạ nguồn lưu vực sông Mê Kông. So sánh hai sự kiện này, không cần nói thì mọi người đều biết, ai "lấy đức báo oán" và ai "lấy oán báo đức"".

Mặc dù còn nhiều bất đồng và tranh cãi xung quanh việc Trung Quốc xây một loạt đập thủy điện ở thượng nguồn Mê Kông làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dòng chảy, nguồn nước và đời sống, sinh kế của hàng triệu nông - ngư dân các nước hạ nguồn, nhưng việc Trung Quốc xả nước từ đập Cảnh Hồng để hỗ trợ 5 quốc gia hạ nguồn Mê Kông là một việc làm có trách nhiệm, thiện chí.

Tuy nhiên không thể gán ghép việc này với việc người dân Việt Nam tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh dũng ngã xuống trước họng súng lính Trung Quốc xâm lược ngày 14/3/1988, bởi chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm, không thể đánh đổi.

Ám chỉ của bà Nghênh muốn nói Việt Nam "lấy oán báo đức" cho thấy 2 điều. Thứ nhất, chính bà Tôn Tiểu Nghênh đang chứng minh rằng, động thái xả nước hỗ trợ các nước hạ nguồn Mê Kông chống hạn - mặn chưa hẳn đã là thiện chí, mà là một cái bẫy ngoại giao để bịt miệng các nước láng giềng.

Điều này đã được học giả Thái Lan Thitinan Pongsudhirak từ Viện Nghiên cứu An ninh - quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn ở Bangkok chỉ ra trên Nikkei Asian Review ngày 21/3.

Các đập thủy điện trên sông Mê Kông. Nguồn: Michael Buckley / Phương Vũ - Hồng Hạnh / VnExpress.
Các đập thủy điện trên sông Mê Kông. Nguồn: Michael Buckley / Phương Vũ - Hồng Hạnh / VnExpress.

Học giả Thitinan Pongsudhirak tin rằng, thoạt nhìn động thái này có vẻ nhân đạo, nhưng nó báo trước những căng thẳng địa chính trị sẽ bùng phát trong tương lai giữa Trung Quốc với các nước láng giềng hạ nguồn Mê Kông. Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật "ngoại giao nước sông Mê Kông" để thành lập cơ chế mới thay thế Ủy hội sông Mê Kông.

Thứ hai, bà Tôn Tiểu Nghênh đang muốn dùng "cử chỉ thiện chí" này của chính phủ nước mình để lấp liếm cho cuộc chiến xâm lược đá Gạc Ma ngày 14/3/1988 hòng "bịt miệng" người Việt. 

Bà Nghênh viết tiếp: "Trên thực tế, mặc dù Trung Quốc liên tục nhấn mạnh và thực hiện chủ trương phát triển hòa bình, nhưng sự bao vây và đả kích của cái gọi là mối uy hiếp từ Trung Quốc vẫn không dừng lại.

Rất nhiều người còn chưa thấy rõ: Sự lựa chọn của Trung Quốc đối với hòa bình xuất phát từ truyền thống tinh hoa văn hóa, đó là sự lựa chọn một cách tự giác chứ không phải sự lựa chọn bắt buộc của một số quốc gia bại trận trong lịch sử".

Nói rồi, bà Nghênh trích từ Kinh Thi, một trong những bộ kinh điển của Nho giáo 3 đoạn để chứng minh.

Đoạn thứ nhất, bà Nghênh dẫn bài thơ Cây đậu mộc (Mộc qua) trong phần Vệ Phong / Quốc phong thuộc Kinh Thi, người viết trích lại theo bản dịch của tác giả Tạ Quang Phát trên thivien.net:

"Mộc đào người tặng ném sang, 
Quỳnh dao ngọc đẹp mang ra đáp người. 
Phải đâu báo đáp vậy thôi, 
Để cùng tốt đẹp đời đời kết giao."

Tôn Tiểu Nghênh bình luận: "Đó là phong cách nước lớn, từ cổ chí kim không lúc nào khác. Anh em châu Phi cảm nhận điều này sâu sắc nhất, trong khi "ngọc đẹp" (quỳnh dao) của Trung Quốc đem tặng đâu chỉ giới hạn ở châu Phi?

Ví dụ như những người dân cảng Phòng Thành ở Quảng Tây trên 60 tuổi hẳn đều còn nhớ, chuyện Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến như thế nào. Mặc dù lúc đó Trung Quốc rất khó khăn thiếu thốn, nhưng vẫn đem loại gạo tốt nhất viện trợ cho Việt Nam".

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có nhiều giai đoạn thăng trầm, lúc hòa bình hữu nghị, lúc xung đột chiến tranh. Ân oán phân minh và cái nhìn khách quan về lịch sử là điều rất cần thiết để gìn giữ tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước để tránh lặp lại những khúc quanh của lịch sử.

Những lời ngụy biện chụp mũ thô thiển của bà Tôn Tiểu Nghênh không thể che lấp được sự thật Trung Quốc đang quân sự hóa bất hợp pháp trên Biển Đông. Hình ảnh đảo nhân tạo và công trình quân sự Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Gạc Ma, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam.
Những lời ngụy biện chụp mũ thô thiển của bà Tôn Tiểu Nghênh không thể che lấp được sự thật Trung Quốc đang quân sự hóa bất hợp pháp trên Biển Đông. Hình ảnh đảo nhân tạo và công trình quân sự Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Gạc Ma, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam.

Bà Nghênh nhắc đến viện trợ quý báu của nhân dân Trung Quốc cho nhân dân Việt Nam không có gì sai, nhưng bà đã lờ đi một sự thật lịch sử khác đang là mầm mống của những nỗi đau, bất bình từ nhân dân của cả hai nước.

Đó là việc nhà cầm quyền Trung Quốc đã cất quân xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, xâm lược và đánh phá toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam suốt 10 năm từ 1979 đến 1989, rồi cất quân đánh chiếm đá Gạc Ma và chiếm đóng bất hợp pháp 6 thực thể khác ở Trường Sa năm 1988, 1995.

Xương máu của bao nhiêu người dân và chiến sĩ Việt Nam đã đổ xuống để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Xương máu của bao nhiêu thanh niên Trung Quốc đã đổ xuống vì những cuộc chiến phi nghĩa mà chính quyền Trung Quốc phát động.

Nguy cơ này có thể lặp lại trên Biển Đông bất cứ lúc nào, nếu âm mưu và tham vọng bành trướng không bị kìm hãm và ngăn chặn mà lại được những học giả như bà Nghênh tìm mọi lý lẽ cổ súy, dù có phải bê cả thánh nhân như Khổng Tử ra để làm bia.

Do đó, bình luận này của bà Tôn Tiểu Nghênh chẳng những không giúp gì cho việc củng cố quan hệ hợp tác Trung Quốc - Việt Nam mà còn đang kích động chia rẽ và thù hận.

Nói đến đây có lẽ bà Nghênh cũng tự trả lời cho mình thắc mắc bấy lâu, về việc không hiểu sao Trung Quốc "theo đuổi hòa bình" mà đến đâu cũng bị nghi ngại, bị đề phòng, điều mà bà gọi là làn sóng "mối uy hiếp từ Trung Quốc".

Đoạn thứ hai, bà Nghênh trích bài thơ Con chuột to (Thạc thử) trong Ngụy Phong / Quốc phong thuộc Kinh Thi, người viết dẫn lại theo bản dịch của tác giả Tạ Quang Phát:

"Chuột to hỡi! Chuột to kia hỡi! 
Nếp ta, đừng ăn tới nghe mày. 
Ba năm biết thói lâu nay, 
Xót thương chẳng chịu đoái hoài đến ta. 
Nên đành phải đi xa mày đó, 
Đến đất kia thật rõ yên vui. 
Đất an lạc, đất thảnh thơi, 
Chốn kia thích hợp được nơi an nhàn"
.

Tôn Tiểu Nghênh bình luận: "Đó là giới hạn của sự nhẫn nại, nếu đối phương vẫn cứ bất chấp cảm nghĩ của chúng ta mà liên tục đòi hỏi thì sẽ không còn được tha thứ.

Với cách dùng từ "kiến nghị" của truyền thông Việt Nam khi đưa tin về việc xả nước thượng nguồn sông Mê Kông, hay một số tổ chức NGO kêu gọi các quốc gia hạ nguồn Mê Kông phản đối các đập thủy điện Trung Quốc khiến người ta không thể không lo, liệu rồi đây Việt Nam có còn hành động "lấy oán báo đức" với việc Trung Quốc xả nước hay không.

Ở đây tôi xin lưu ý một số tổ chức NGO và một số nước "lấy oán báo đức" rằng, các đập thủy điện trên sông Mê Kông được bắt đầu xây dựng từ năm 1956, ví dụ như đập Tẩy Mã Hà, đập Mạn Phi Long đã bảo đảm được quyền sinh tồn và phát triển cho cư dân trong lưu vực.

Lần xả nước này, nước đầu nguồn có thể căn cứ chiều dài dòng sông có quyền đảm bảo quyền lợi ngang bằng với nghĩa vụ cho các quốc gia "bất lợi về địa lý" theo quy định trong Điều 70 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)."

Đoạn 3, bà Nghênh dẫn bài thơ Thuyền bách (Bách chu) trong Bội phong / Quốc phong của Kinh Thi, người viết xin dẫn lại theo bản dịch của tác giả Tạ Quang Phát:

"Lòng ta chẳng phải đá xanh, 
Cho nên chẳng thể đổi quanh chuyển dời. 
Lòng ta chẳng phải chiếu ngồi, 
Cho nên chẳng thể xếp rồi cuốn quanh. 
Uy nghi thuần thục rành rành, 
Nhưng không được chọn phải đành thế thôi."

Tôn Tiểu Nghênh bình luận: "Đây là sự tôn nghiêm của nước lớn. Hiện tại tất cả những gì Trung Quốc làm ở Biển Đông đều là để bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền quốc gia và tôn nghiêm của mình.

Mặc dù chúng ta trước sau đều mong muốn hữu hảo lâu dài, nhưng ngày nay khi luật rừng vẫn còn phổ biến trong đời sống xã hội quốc tế, Trung Quốc cần phải dụng tâm mới có thể bảo vệ được sự tôn nghiêm của mình, đồng thời làm cho nước khác hiểu thế nào là tính dân tộc và hòa bình kiểu Trung Hoa".

Bức tranh Vòng tròn Bất Tử của họa sĩ Bùi Lệ Trang nhắc nhớ người Việt Nam về những anh hùng đã ngã xuống trước họng súng Trung Quốc xâm lược đá Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Bức tranh Vòng tròn Bất Tử của họa sĩ Bùi Lệ Trang nhắc nhớ người Việt Nam về những anh hùng đã ngã xuống trước họng súng Trung Quốc xâm lược đá Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Có thể hiểu những lời bình luận của bà Tôn Tiểu Nghinh về "hòa bình kiểu Trung Quốc" là một lời đe dọa đối với các quốc gia láng giềng, trong trường hợp này là Việt Nam.

Đồng thời bằng thủ đoạn đánh đồng khải niệm và chủ thể trong các sự kiện lịch sử như việc Trung Quốc xâm lược Gạc Ma ngày 14/3/1988 để bôi nhọ Việt Nam trong mắt người dân Trung Quốc bị bưng bít thông tin, cũng như hòng "bịt miệng" người Việt trước các hành vi leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông.

Thật quá oan uổng cho Đức Khổng Tử, nhà văn hóa giáo dục lỗi lạc bỏ bao công sức san đính thơ ca dân gian Trung Quốc cho hậu thế bộ Kinh Thi, nhưng một số "hậu duệ" của ngài như bà Tôn Tiểu Nghênh đã và đang làm xấu mặt Khổng Tử khi dùng Kinh Thi để che đậy cho những điều bất nghĩa.

Sinh thời Khổng Tử vẫn tâm niệm: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" - điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Nhưng một số "hậu duệ" của ngài ngày nay đang làm ngược lại.

Với tư cách một học giả, bà Nghênh không đưa ra được bất cứ luận cứ khoa học nào chứng minh cho yêu sách "chủ quyền" của Trung Quốc đối với Biển Đông hay 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà nước này nhảy vào tranh chấp, nhưng lại cổ súy dư luận Trung Quốc sống chết bảo vệ yêu sách bành trướng, phi lý ấy.

Người viết thiết nghĩ, việc làm trái đạo lý và pháp lý ấy sẽ không mang lại lợi ích gì, không thể biện minh cho đường lưỡi bò bành trướng mà chỉ làm căng thẳng leo thang, khoét sâu hận thù dân tộc và làm mồi cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà thôi. Bà Nghênh đang làm cái việc xui nguyên giục bị vô nghĩa ấy.

Hồng Thủy