Việc hoàn thiện mô hình giáo dục đại học số được quy định trong Quyết định số 146 ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là “Hoàn thiện mô hình giáo dục đại học số và thí điểm triển khai mô hình tại một số cơ sở giáo dục đại học”. Như vậy, có thể hiểu thuật ngữ “mô hình giáo dục đại học số” hàm ý nói đến mô hình tái cấu trúc cơ sở giáo dục đại học để hình thành cơ sở giáo dục đại học số.
Đây là một tiến trình đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới từ khoảng hai chục năm nay và được thúc đẩy mạnh mẽ trong hai năm gần đây dưới tác động của đại dịch covid-19. Thực tế cho thấy đây là một tiến trình đầy thách thức và việc nhận dạng đúng các thách thức này là yêu cầu đầu tiên cần phải thực hiện khi bắt tay vào việc xác định mô hình giáo dục số cho cơ sở giáo dục đại học.
Ở nước ta hiện chưa có khảo sát cụ thể để nhận dạng các thách thức này. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu trên thế giới về vấn đề này có thể cung cấp cho chúng ta những tham khảo bổ ích.
Thách thức về nhận thức
Trong Quyết định 146, nhiệm vụ đầu tiên cần tổ chức thực hiện là nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Tức là nhiệm vụ này đặt trọng tâm vào việc tạo chuyển biến cơ bản trong nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Xét ở góc độ hoàn thiện mô hình giáo dục đại học số thì thách thức về nhận thức không phải là ở chỗ chưa có nhận thức rõ ràng về vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số mà chính là ở chỗ hiểu thế nào cho đúng về chuyển đổi số và cơ sở giáo dục đại học số.
Ảnh minh họa: VNU |
Có khá nhiều định nghĩa khác nhau về chuyển đổi số. Chẳng hạn trong lĩnh vực kinh doanh, có hàng loạt các định nghĩa về chuyển đổi số do các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế, các công ty tư vấn, các doanh nghiệp đưa ra. Tình hình cũng như vậy trong giáo dục đại học. Các định nghĩa này khác nhau về các thành tố trong chuyển đổi số, các quy trình trong chuyển đổi số và các mục đích của chuyển đổi số.
Tương ứng cũng có nhiều định nghĩa khác nhau về cơ sở giáo dục đại học số. Khác biệt đáng quan tâm nhất là khác biệt trong việc xác định mục tiêu của cơ sở giáo dục đại học số. Hiện có nhiều mục tiêu khác nhau được đặt ra cho một cơ sở giáo dục đại học số, như nâng cao vị thế, nâng cao hiệu quả chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cấu trúc nhà trường, thích ứng với bước tiến của công nghệ, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học …
Trong bức tranh chung về sự phân kỳ nhận thức nêu trên, thách thức đầu tiên trong việc xây dựng mô hình giáo dục đại học số chính là thách thức trong việc đạt được sự đồng thuận trong cách hiểu về chuyển đổi số và cơ sở giáo dục đại học số. Đây là một thách thức đáng kể bởi lẽ nghiên cứu chỉ ra rằng các bên liên quan đến giáo dục đại học có các cách nhìn khác nhau, lợi ích khác nhau, tiếp cận khác nhau đối với chuyển đổi số và cơ sở giáo dục đại học số.
Thách thức về thể chế
Bất kể mục tiêu của cơ sở giáo dục đại học số là gì, có một sự thống nhất chung rằng cơ sở giáo dục đại học số là sự chuyển đổi của cơ sở giáo dục đại học truyền thống cả về tổ chức và hoạt động để thích ứng với các cơ hội và thách thức của kỷ nguyên số. Vì vậy các nghiên cứu đều chỉ ra rằng thể chế hiện tại, vốn thích ứng với giáo dục đại học truyền thống, không còn thích ứng với các yêu cầu của chuyển đổi số và cơ sở giáo dục đại học số. “Để chuyển đổi sang mô hình nhà trường đại học số, cần phải loại bỏ các tập quán đã được thiết lập và hình thành các thể chế mới góp phần sử dụng hiệu quả các công nghệ số”[1].
Chỉ xét riêng về yêu cầu phát triển giáo dục mở trong cơ sở giáo dục đại học số thì ở các nước đang phát triển như Việt Nam đều có sự thiếu hụt đáng kể về chính sách quốc gia trong việc phát triển các tài nguyên giáo dục mở (OER) và các khóa học trực tuyến mở đại chúng (MOOC) như chính sách bản quyền, chính sách tài chính, chính sách phát triển hạ tầng ICT, chính sách nâng cao năng lực và động lực của đội ngũ trong phát triển giáo dục mở.
Thách thức về hạ tầng công nghệ và tài chính
Trong tất cả các thành tố cần thiết cho chuyển đổi số thì thành tố có tính tiên quyết là hạ tầng công nghệ. Hạ tầng này bao gồm hạ tầng số cho dạy và học, hạ tầng dữ liệu và an ninh mạng, hạ tầng phần mềm phục vụ cho việc đổi mới hoạt động dạy và học, công tác nghiên cứu khoa học, quản trị và quản lý. Sự không phát triển, không sẵn sàng, không đồng bộ về hạ tầng là một thách thức lớn cho mọi kế hoạch xây dựng mô hình giáo dục đại học số.
Thách thức này có liên quan đến thách thức về tài chính. Đó là vì dù kế hoạch xây dựng mô hình giáo dục đại học số có khiêm tốn thì việc tổ chức thực hiện đòi hỏi những khoản đầu tư lớn để đổi mới không chỉ hạ tầng công nghệ giáo dục đại học mà cả năng lực cùng những liên kết giữa các chủ thể và các bên liên quan khác nhau trong việc xây dựng mô hình giáo dục đại học số.
Thách thức trong việc xác định phạm vi các công nghệ số đưa vào trong chuyển đổi số
Hiện các công nghệ số có thể đưa vào sử dụng trong cơ sở giáo dục đại học rất đa dạng. Đó không chỉ còn là các công nghệ quen thuộc như web, zoom, điện toán đám mây; cũng không chỉ là hệ thống quản lý học tập LMS, các kho tài nguyên giáo dục mở, internet vạn vật, thực tế ảo, thực tế tăng cường; mà còn là các công nghệ thông minh như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, máy học, learning analytics (tạm dịch là phân hiện học tập, với hàm ý là phân tích các dữ liệu học tập để phát hiện các xu thế, các tương quan), robot, chuỗi khối.
Việc lựa chọn các công nghệ nào để đưa vào tiến trình chuyển đổi số thực sự là một thách thức gắn liền với thách thức về việc xác định mục tiêu của cơ sở giáo dục đại học số.
Thách thức về năng lực
Việc vận dụng công nghệ số để xây dựng cơ sở giáo dục đại học số tuyệt nhiên không phải là việc đưa các công nghệ đó vào trong nhà trường mà phải là và chính là việc vận dụng các công nghệ đó như thế nào. Hiểu một cách cụ thể thì đó là việc vận dụng công nghệ số để không phải chỉ tổ chức các lớp học trực tuyến mà còn là phát triển các OER và MOOC, đổi mới cách dạy, cách học, cách đánh giá, cách quản trị, quản lý và nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên ở đây nảy sinh một thách thức quan trọng, đó là thách thức về năng lực số của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường trên nhiều phương diện. Trước hết, nhìn chung đội ngũ nhà trường thiếu hụt về năng lực số so với yêu cầu vận dụng công nghệ số để chuyển đổi số trong giáo dục đại học.
Tiếp nữa có khoảng cách về năng lực số giữa các vùng miền, giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các khoa phòng, và giữa sinh viên, vốn là cư dân của thế giới số, với giảng viên, chỉ được coi là người di cư vào thế giới số.
Cuối cùng, thực tế ở hầu hết mọi quốc gia chỉ ra rằng năng lực số trong các cơ sở giáo dục đại học bị tụt hậu khá nhiều so với năng lực số của các doanh nghiệp.
Thách thức về gia tăng mất công bằng xã hội trong giáo dục
Đề cập đến lợi ích của giáo dục đại học số, nhiều ý kiến cho rằng việc hoàn thiện mô hình cơ sở giáo dục đại học số sẽ góp phần tích cực trong việc mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học có chất lượng, miễn phí hoặc chi phí thấp.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng giáo dục số nói chung, giáo dục đại học số nói riêng, đều ẩn chứa rủi ro về gia tăng mất công bằng xã hội trong giáo dục do sự tồn tại không tránh khỏi của hiện tượng gọi là khoảng cách số. Đó là khoảng cách trong tiếp cận công nghệ số giữa một bên có các thiết bị, đường truyền và kỹ năng cần thiết và một bên không có.
Khoảng cách này mang tính toàn cầu và tạo nên khoảng cách số giữa các quốc gia; giữa các vùng/miền trong một quốc gia; giữa các nhà trường; giữa các đối tượng người học khác nhau.
Đại dịch covid-19, với việc thúc đẩy giáo dục trực tuyến để bảo đảm việc dạy và học không bị đứt quãng, đã là một trải nghiệm thực tế để cho thấy sự hiện hữu khắc nghiệt của thách thức này khi ở mọi hệ thống giáo dục, đặc biệt ở các nước đang phát triển, học sinh, sinh viên thuộc các nhóm dễ bị tổn thương thiếu các điều kiện cơ bản cho việc học từ xa, bao gồm máy tính, mạng internet, chỗ học yên tĩnh.
Thách thức về sự chưa sẵn sàng trước đổi mới
Đây là thách thức luôn hiện hữu khi tiến hành đổi mới trong bất kỳ lĩnh vực nào. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, thách thức này rất lớn bởi lẽ giáo dục vốn được coi là lĩnh vực mang nặng tính bảo thủ với nhiều tập quán, thói quen đã hình thành qua hàng thế kỷ về cách dạy, cách học, cách quản trị, quản lý.
Dù rằng đại dịch covid-19 đã tạo cú hích phá vỡ sự trì trệ, buộc các nhà trường chuyển nhanh sang giáo dục trực tuyến, nhưng thực sự đây mới chỉ là một bước chuyển mang tính tình thế: các buổi dạy trực tuyến chỉ đơn thuần là việc chuyển từ dạy trên lớp học sang dạy trên mạng. Việc thay đổi cách dạy, cách học, cách đánh giá cho phù hợp với giáo dục trực tuyến hiện là một thách thức nảy sinh từ sự kháng cự tiềm tàng, gắn liền với thói quen lâu đời về cách dạy và học theo kiểu mặt đối mặt.
Nói tóm lại, hoàn thiện mô hình cơ sở giáo dục đại học số không phải là xây dựng một mô hình lý tưởng về cơ sở giáo dục đại học số mà là một mô hình mang tính khát vọng, nhưng thực tế, khả thi, phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước. Nó phải trả lời các câu hỏi “Chúng ta muốn một mô hình cơ sở giáo dục đại học số như thế nào?” và “Làm thế nào có được cơ sở giáo dục đại học số như thế?”. Việc trả lời các câu hỏi đó đòi hỏi trước hết phải làm rõ những thách thức mà giáo dục đại học đang và sẽ đối diện khi bước vào hành trình chuyển đổi số.
Đây là một hành trình mà, trong bất kỳ bối cảnh kinh tế-xã hội nào, cũng phải tư duy lại, cấu trúc lại, phát minh lại, vì chuyển đổi số sẽ đụng chạm đến tính đa mục tiêu, đa quy trình, đa lĩnh vực, đa chủ thể, đa cấp của cơ sở giáo dục đại học [2]. Về bản chất, hành trình này là sự chuyển đổi căn bản và toàn diện của cơ sở giáo dục đại học và vì thế có rất nhiều thách thức sẽ nảy sinh.
Các thách thức nêu trong bài viết này được coi là những thách thức phổ biến từ kinh nghiệm chuyển đổi số của nhiều hệ thống giáo dục đại học trên thế giới. Chúng có giá trị tham khảo để bắt tay vào xây dựng mô hình cơ sở giáo dục đại học số mong muốn của đất nước.
Tài liệu tham khảo
[1] Akhmetshin, E. M. và cộng sự. 2021. Development of Digital University Model in Modern Conditions: Institutional Approach. Digital Education Review - Number 40, 17-32
[2] Benavides, L. M. C., Arias. J. A. T., Serna, M. D. A,, Bedoya, J. W. B. & Burgos, D. 2020. Digital Transformation in Higher Education Institutions: A Systematic Literature Review. Article in Sensors · June 2020, DOI: 10.3390/s20113291