Theo Tổng cục Thống kê, thiên tai xảy ra trong tháng 10 ở một số địa phương chủ yếu là bão, lũ lụt, sạt lở, lốc xoáy làm 153 người chết và mất tích, 222 người bị thương; 111,9 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng.
Công tác giáo dục trong nhà trường là một trong những phương pháp giúp giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, giúp trẻ phản ứng nhanh và ứng phó kịp thời trước những tình huống nguy cấp của thiên tai, thảm họa.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Hồng Ứng, Phó hiệu trưởng Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Hà Tĩnh khẳng định: Nếu thiếu kiến thức liên quan đến thiên tai, thảm họa, học sinh sẽ không thể nhận diện được những mối nguy hiểm cũng như không có khả năng xử lý các tình huống nguy cấp.
Học sinh cần được thực hành những kỹ năng ứng phó với thiên tai. Ảnh: Giáo viên cung cấp. |
Tổ chức đa dạng các hình thức dạy học
Thầy Phạm Hồng Ứng cho biết: “Muốn hoạt động giáo dục kỹ năng ứng phó với thiên tai phát huy hiệu quả, chúng ta phải áp dụng, tổ chức đa dạng các hình thức dạy học khác nhau, vừa truyền đạt kiến thức vừa cho các em trải nghiệm, thực hành xử lý những tình huống cụ thể”.
Tại Trường Hội nhập Quốc tế iSchool, nhiều hình thức dạy học về kỹ năng ứng phó với thiên tai, thảm họa cho học sinh đã được áp dụng như tổ chức dạy học theo chuyên đề, hoạt động thực hành diễn tập và hoạt động trải nghiệm thực tế.
Theo đó, mỗi tuần, học sinh của trường sẽ có 2 tiết học môn Giá trị sống - Kỹ năng sống, nội dung về ứng phó với thảm họa, thiên tai luôn được trường chú trọng tổ chức.
Mục tiêu đầu tiêncủa hoạt động giáo dục này là giúp học sinh nhận diện được những mối nguy hiểm trong tự nhiên và do thiên tai gây ra.
Ví dụ khi các em đi tắm biển, một hiện tượng tự nhiên như dòng chảy xa bờ cũng là cái bẫy đe dọa đến tính mạng con người. Nếu không có kiến thức về hiện tượng này, các em sẽ không thể nhận biết được, dễ bị những dòng chảy này cuốn trôi.
Chính vì vậy, giáo viên sẽ giúp các em tìm hiểu đặc điểm, dấu hiệu nhận biết của dòng chảy xa bờ.
Khi xảy ra bão, lũ, từ những kiến thức được học về kỹ năng ứng phó với thiên tai, học sinh sẽ nhận biết được những khu vực, những mối nguy hiểm có thể xảy ra với mình.
“Sau quá trình học tập, học sinh sẽ hình thành những nhận thức đúng đắn như: Nhận biết được vùng nước lũ nguy hiểm; Cảnh giác với nguồn điện và các thiết bị điện khi xảy ra mưa lớn, nguy cơ xuất hiện lũ; Cảnh giác với những loài vật như rắn, rết cư trú trong thời gian sống chung với lũ và sau lũ.
Việc nhận diện được những mối nguy hiểm đó sẽ giúp các em và gia đình tránh được những rủi ro đáng tiếc khi đối mặt với các loại hình thiên tai”, thầy Ứng phân tích.
Giáo viên là người đồng hành, truyền đạt kiến thức cũng như hỗ trợ học sinh thực hành diễn tập hoạt động ứng phó với thảm họa, thiên tai. Ảnh: Giáo viên cung cấp. |
Mục tiêu thứ 2 là giúp học sinh hình thành và vận dụng kỹ năng cần thiết vào thực tiễn, xử lý tình huống cụ thể qua những tiết học thực hành, diễn tập.
Theo thầy Phạm Hồng Ứng, các loại thiên tai phổ biến nhất tại địa phương là bão, lũ lụt, mưa giông, sấm chớp.
Đối với lũ lụt, giáo viên sẽ giúp các em học các kỹ năng ứng phó trong ba giai đoạn trước, trong và sau lũ.
Trước khi lũ lên, các em sẽ vận dụng những kỹ năng như kỹ năng quan sát, phát hiện, kỹ năng phản ứng nhanh, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tự phục vụ để chuẩn bị cho công tác phòng chống lũ.
Cụ thể, các em sẽ thực hiện các hoạt động như làm túi đựng dụng cụ để bảo quản những đồ vật, tài liệu quan trọng nhất; tự sắp xếp đồ dùng cá nhân cho vào túi đựng dụng cụ, sắp xếp đồ dùng để gác lên cao; tự chuẩn bị đồ ăn, nước uống.
Khoảng thời gian sống chung với lũ, các em sẽ tiếp tục vận dụng kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng hợp tác; kỹ năng sinh tồn để ứng phó và vượt qua trận lũ, học sinh sẽ biết tự giác làm đồ ăn, nấu mì trong hoàn cảnh đặc biệt.
Sau lũ, giáo viên giúp học sinh nâng cao nhận thức về nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm môi trường, giáo dục về vấn đề sử dụng đồ ăn, nước uống đảm bảo vệ sinh, công tác khử khuẩn nguồn nước sau lũ.
Đối với mưa giông, sấm chớp, thầy cô sẽ dạy cho học sinh biết hiện tượng cũng như nguy cơ tiềm ẩn, những việc nên làm và không nên làm.
“Cần phải đặt tình huống giả định các em gặp phải trận mưa giông kèm sấm chớp ở ngoài trời, các em cần tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa những gốc cây lớn, cột điện, tụ điện, khu đất trống,…
Trong trường hợp này, học sinh tuyệt đối không sử dụng bất cứ vật dụng nào có thể dẫn điện, không che ô, không gọi điện thoại. Học sinh cũng được dạy về tư thế an toàn như gập người, cố gắng hạn chế tiếp xúc với mặt đất, nếu có thể nên đứng lên một vật có khả năng cách điện”, thầy Ứng chia sẻ.
Những tiết học thực hành sẽ đặt học sinh vào những tình huống cụ thể, giúp các em có cơ hội diễn tập, ghi nhớ và vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất chính là giáo dục những kỹ năng phù hợp với học sinh ở từng lứa tuổi, từng cấp học.
Mục tiêu thứ ba của chương trình dạy học ứng phó với thảm họa, thiên tai là giúp học sinh tăng cường nhận thức từ thực tiễn.
Học sinh sẽ đi thực tế tại địa phương, các em tìm hiểu những đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình ở địa phương đó, với đặc điểm khu vực đó, học sinh sẽ thảo luận, trao đổi về những loại hình thiên tai có thể xảy ra.
Tiếp đến, giáo viên đặt ra tình huống cụ thể, ở khu vực đó, khi có thiên tai xuất hiện, người dân phải đối mặt với những mối nguy hiểm nào? Hậu quả có thể xảy ra?
Trước những hậu quả có thể xác định trước, học sinh sẽ lên phương án nhiệm vụ của mình để phòng chống thiên tai.
Môn bơi lội là một kỹ năng quan trọng giúp học sinh xử lý tốt những nguy hiểm do thiên tai gây ra. Ảnh: Giáo viên cung cấp. |
Lồng ghép trong nội dung các môn học
Ngoài những buổi học chuyên môn về kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó với thiên tai, thảm họa, giáo viên có thể lồng ghép nội dung này trong các môn học như lịch sử, địa, lý, các môn khoa học tự nhiên, đạo đức, thể dục.
Theo thầy Phạm Hồng Ứng, tùy thuộc vào từng môn học mà nội dung giáo dục kỹ năng ứng phó với thiên tai, thảm họa sẽ khác nhau.
“Đối với các môn khoa học tự nhiên, giáo viên sẽ dạy cho học sinh kiến thức về những hiện tượng tự nhiên, những phản ứng hóa học xảy ra trong tự nhiên, giải thích nguyên nhân hình thành các loại thiên tai như bão, lũ, động đất,…
Giáo viên môn địa lý sẽ cung cấp những thông tin về đặc điểm vùng miền, địa hình, khí hậu liên quan tới việc hình thành và xảy ra thiên tai.
Với các môn Tiếng Việt, Đạo đức, học sinh sẽ được dạy về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên: Biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ là do một phần tác động của con người. Từ đó, thầy cô giáo dục học sinh bài học về bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, hệ sinh thái, đó cũng là cách các em là bảo vệ cuộc sống của chính bản thân mình”, thầy Ứng phân tích.
Bên cạnh đó, giáo dục thể chất là môn học giúp rèn luyện những kỹ năng quan trọng trong ứng phó với thiên tai, thảm họa cho học sinh. Đặc biệt với môn bơi lội, trường học trong điều kiện cho phép có thể tổ chức học bơi, giúp các em có thể phòng tránh được những hậu quả của lũ lụt và tai nạn đuối nước.
Theo chia sẻ của cô Lê Thị Loan, giáo viên môn Giá trị sống - Kỹ năng sống, công tác giáo dục và rèn luyện cho học sinh ứng phó với thiên tai thảm họa cần dựa vào đặc điểm khu vực của từng trường.
“Mỗi ngôi trường thuộc mỗi địa phương, mỗi khu vực sẽ có những đặc điểm khí hậu, địa hình khác nhau. Trước hết, cần xác định những loại hình thiên tai phổ biến ở địa phương mình để xây dựng nội dung, phương án dạy học phù hợp.
Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Hà Tĩnh thuộc khu vực thường xuyên xảy ra bão, lũ thì nội dung chương trình sẽ chú trọng dạy kỹ năng bơi lội; diễn tập cứu nạn khi có lũ, dạy học sinh mặc áo phao, thiết kế túi đựng dụng cụ,...
Với những ngôi trường ở vùng núi chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở thì cần xây dựng nội dung giáo dục riêng, tăng cường kỹ năng nhận diện các mối nguy hiểm, kỹ năng ứng phó, thoát hiểm trong lũ, sạt lở.
Với những loại hình thiên tai khó lường và bất ngờ này, học sinh cần được giáo dục về tinh thần cảnh giác cao độ trước những diễn biến bất thường của thời tiết cũng như địa hình khu vực mình sinh sống”, cô Loan chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô Loan cũng khẳng định: giáo dục kỹ năng phải phù hợp với từng lứa tuổi học trò.
Đối với trẻ mẫu giáo, tiểu học, nội dung bài học sẽ nhẹ nhàng, đơn giản, phù hợp với khả năng, năng lực thực tế của trẻ. Trẻ cần được học bơi, học cách mang áo phao, thực hiện kỹ năng tự phục vụ.
Tuy nhiên, với học sinh ở bậc trung học, các em có thể thực hiện nhiều kỹ năng hơn. Các em có khả năng ứng phó, xử lý tình huống nhanh nhạy, hỗ trợ gia đình trong công tác phòng chống lũ, thậm chí là cả kỹ năng cứu hộ, cứu nạn để áp dụng trong trường hợp cần thiết.