Gạo – Ngũ cốc: Gạo là thành phần chính của mỗi bữa cơm truyền thống của gia đình Việt, cung cấp tinh bột, năng lượng và chất xơ cho cơ thể. Các loại chế phẩm từ ngũ cốc khác như mì, nui, bột mì, bột bắp, bột yến mạch là thành phần chính để chế biến nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng cho cả trẻ con và người lớn. |
Các loại hạt: Luôn được xếp vào những thứ hạng đầu trong bảng xếp hạng giá trị dinh dưỡng, các loại hạt khô như hạt điều, vừng (mè) và lạc (đậu phộng) thường được lựa chọn cho các bữa ăn nhẹ để bổ sung năng lượng và tăng vị thơm bùi cho các món ăn. Các loại hạt còn có tác dụng chống lão hóa, giảm stress, tốt cho hệ tim mạch và bổ sung các vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. |
Các loại đậu hạt: Là nguồn cung cấp chất xơ và folate tốt cho sức khỏe tim mạch, các loại đậu hạt như đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng, đậu nành, đậu xanh được người Việt chúng ta đưa vào nhiều món ăn như xôi, chè, súp… Món chè đậu còn là món giải khát thanh nhiệt thơm ngon cho mùa hè. |
Muối biển: Muối là gia vị quan trọng để tạo vị mặn đậm đà cho món ăn, ngoài ra muối còn là một trong những nguồn cung cấp khoáng chất và i-ốt giúp ngăn ngừa các bệnh do thiếu khoáng chất và bệnh bướu cổ. Muối còn được sử dụng để sát khuẩn trong vệ sinh răng miệng và ngâm rửa các loại rau quả. |
Đường: Tất nhiên là mọi căn bếp của chúng ta đều có ít nhất một lọ đường, vì đường giúp đem lại vị ngọt hấp dẫn cho nhiều món ăn và thức uống, nó cũng bổ sung năng lượng nhanh khi chúng ta mệt mỏi, nhưng ngoài tác dụng đó đường không có giá trị dinh dưỡng gì khác và thậm chí còn có hại cho sức khỏe. |
Việc thu nạp đường vào cơ thể khiến gia tăng lượng insulin trong máu gây ức chế hệ thống miễn dịch và tăng tích lũy chất béo, đây chính là nguyên nhân của bệnh tiểu đường và béo phì; ngoài ra đường còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng của cả trẻ em và người lớn. Vậy nên, đây là một trong những nguyên liệu rất thân quen và cần có chế độ sử dụng hợp lý. |
Tỏi – Hành tím: Đây là hai loại gia vị cực kỳ phổ biến và góp mặt trong hầu hết các món ăn của người Việt. Ngoài công dụng tạo hương vị đậm đà cho món ăn, hành, tỏi còn là vị thuốc quý chống nhiễm độc cho cơ thể, trong đó thường được được biết đến nhất là công dụng ngăn ngừa cảm cúm. |
Bên cạnh đó, tỏi còn giúp loại bỏ dư lượng kim loại độc như chì khỏi cơ thể và chống viêm loét, hành tím giúp điều hòa huyết áp và giảm cholesterone trong máu. |
Ớt – Hạt tiêu: Đây là hai loại gia vì mang lại vị cay nồng cho các món ăn. Ớt có thể không dễ ăn với nhiều người nhưng lại là một loại quả rất giàu vitamin, lượng vitamin C trong ớt cao gấp sáu lần so với cam, ngoài ra còn chứa rất nhiều vitamin A và B; ngoài ra, chất tạo vị cay capsaicin trong ớt còn giúp giảm đau và kích thích lưu thông máu. |
Hạt tiêu có hương thơm nồng và vị cay đặc trưng, là gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn, hạt tiêu có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm ấm bụng, giảm đau và chống nôn. Ngoài ra, tiêu sọ trắng còn là vị thuốc chuyên trị tiêu chảy, thổ tả và có tác dụng diệt khuẩn. |
Bột gia vị: Các loại bột gia vị không chỉ giúp mang lại những mùi vị hết sức đặc trưng cho món ăn mà còn có công dụng riêng mà ít người biết, chẳng hạn bột gừng giúp giữ ấm và tốt cho hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, bột nghệ chữa các bệnh đường ruột, dạ dày và đặc biệt có công dụng làm đẹp da, bột ớt paprika (thường có trong gia vị cà ri) có tác dụng kháng viêm. Tuy nhiên, các bà nội trợ tránh lạm dụng gia vị quá nhiều sẽ khiến mất vị món ăn và tạo mùi cơ thể khó chịu. |
Nước mắm: Là loại nước chấm thông dụng và truyền thống nhất của người Việt, nước mắm đem lại hương vị đậm đà đặc trưng cho các món ăn Việt. Hơn thế, trong nước mắm chứa nhiều đạm và khoáng chất từ cá biển rất tốt cho sức khỏe. |
Nước tương: Là một loại nước chấm được sản xuất bằng cách lên men hạt đậu tương, ngũ cốc rang chín, nước và muối ăn. Nước chấm này có nguồn gốc từ Trung Quốc và đã du nhập sang Việt Nam từ lâu đời, dễ dàng chế biến và được sử dụng phổ biến cho người ăn chay. Tuy nhiên hiện nay nước tương đã trở thành món nước chấm không thể thiếu trong bữa cơm gia đình của người miền Nam. Trong nước tương chứa lượng vitamin B và đạm thực vật phong phú. |
Dầu ăn: Ngày nay, các bà nội trợ thường có tâm lý ngại sử dụng dầu ăn để chế biến món ăn do lo sợ những tác hại từ chất béo và đồ ăn chiên xào, tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc hạn chế hoàn toàn dầu ăn và các chất béo cũng không hẳn là tốt. |
Chất béo chính là nguồn dự trữ năng lượng – chiếm từ 15-30% nhu cầu năng lượng thiết yếu mỗi ngày của cơ thể, cung cấp các acid béo thiết yếu giúp cơ thể tăng trưởng, da dẻ mịn màng, ít viêm nhiễm và hoàn thiện chức năng sinh sản. |
Thay vì nói không với dầu ăn và chất béo, bạn hãy cân nhắc lựa chọn các loại dầu thực vật có lợi cho sức khỏe như dầu ô-liu, dầu nành, dầu lạc, dầu hướng dương, dầu mè… không tái sử dụng dầu đã qua chế biến (chiên rán). |
Thêm một lưu ý ít khi được lưu tâm: dầu ăn khó phân hủy trong nước, vì vậy các bà nội trợ không nên đổ trực tiếp dầu đã qua sử dụng qua đường nước thải vì nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước là rất lớn, hãy cho dầu vào túi hoặc chai lọ và phân loại rác có thể tái chế. |
Giấm ăn: Có tác dụng tạo vị chua nhẹ cho các món nộm, gỏi và làm chín tái thịt sống trong các món ăn sống, giấm ăn cũng là một trong các loại gia vị phổ biến trong bếp ăn Việt. Ngoài ra, giấm còn có nhiều công dụng đáng ngạc nhiên như làm mềm và đẹp da tóc, làm dịu cổ họng, giảm sưng tấy do côn trùng đốt, giảm đau do viêm xoang… bên cạnh đó là tác dụng tẩy ố, làm sạch và giữ màu cho quần áo, vật dụng nhà bếp. Vậy nên, thật không khó hiểu khi giấm là loại nguyên liệu rẻ tiền nhưng rất kỳ diệu mà mọi bà nội trợ đều tin dùng. |
Mật ong: Chứa khoảng 300 vi chất cần thiết cho cơ thể, mật ong là sản vật tuyệt vời của thiên nhiên với rất nhiều công dụng cho sức khỏe con người như trị ho, chữa dạ dày, sát khuẩn nhẹ, làm đẹp da…. Mật ong cũng là một phụ gia để tẩm ướp cho món nướng có màu sắc ngon mắt. Hãy luôn trữ trong nhà một lọ nhỏ mật ong bạn nhé! |
Các loại nấm: Từ lâu, các loại nấm được xem là loại thực phẩm và dược liệu quý, có giá trị dinh dưỡng cao và có những công dụng chữa bệnh tuyệt vời như tăng cường khả năng miễn dịch, kháng virus và ức chế tế bào ung thư phát triển, điều chỉnh mỡ máu, ngăn ngừa và hỗ trợ trị liệu bệnh tim mạch, giúp giải độc và bảo vệ tế bào gan. |
Trong bếp ăn của các gia đình người Việt, nấm được dùng ở hai dạng: nấm tươi (phổ biến là nấm rơm và nấm mỡ) và nấm khô (phổ biến là nấm hương, mộc nhĩ). Các món ăn sử dụng nấm của người Việt cũng rất đa dạng: từ các loại canh, xào, nhân bánh, nhân chả cho đến các món chay và món ngọt. |
Chanh: Chanh là loại trái cây được xem như một loại gia vị tạo vị chua thanh và hương thơm dịu mát cho món ăn. Nước cốt chanh và quất là nguồn vitamin C tự nhiên dồi dào và rẻ tiền, giúp tăng sức đề kháng của cơ thể để ngăn ngừa các bệnh thông thường như cảm mạo, ho… Ngoài ra, vỏ của các loại quả họ cam chanh còn chứa tinh dầu giúp tăng cường chuyển hóa năng lượng, giảm đầy bụng, giảm sưng và thông phổi. |
Rau thơm: Dù rau thơm không phải là thứ bạn có thể trữ trong chạn bếp để dùng dần, nhưng không khó để bạn tự trồng cho gia đình mình một vườn rau thơm nho nhỏ và an toàn. Ngoài tác dụng tạo thêm hương vị đặc trưng cho các món ăn, rau thơm còn là vị thuốc nam tốt cho sức khỏe và chữa một số bệnh thông dụng như cảm cúm, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu… |
Bạn thấy đấy, từ các loại nguyên liệu kể trên, bạn đã có thể chế biến hàng trăm món ăn ngon lành bổ dưỡng với các thực phẩm tươi sống hàng ngày như thịt cá, trứng, rau củ… |
Các nguyên liệu này không chỉ kết hợp để tạo nên mùi vị thơm ngon cho món ăn mà bản thân còn mang một bí mật dinh dưỡng mà không phải ai trong chúng ta cũng biết. Chính vì thế, qua bao thế hệ, chúng vẫn là những người bạn thân quen không thể thiếu trong gian bếp của chúng ta. |
Lê Phương ( Theo WTT)