Không thể để trên 60 triệu nông dân nghèo thêm chỉ vì dùng phân bón giả

17/06/2017 06:59
Quốc Phong
(GDVN) - Việc các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, kém chất lượng sở dĩ còn tồn tại được phải chăng là có sự bảo kê của các cơ quan quản lý nhà nước?

Có một thông tin tôi đọc trên Báo Thanh Niên mà không khỏi giật mình khi biết rằng, hôm 7/6, đoàn giám sát Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa tiến hành giám sát hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 đối với Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không thấy khởi tố một vụ án sản xuất và mua bán hàng giả nào.

Vậy có thể xem đây là thành công hay là điều đáng lo của một địa phương có hàng chục triệu dân, đông nhất nước và cũng là thành phố có nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, sản xuất nhiều nhất nước?

Tôi không tin vào việc một thành phố lớn nhất nước và dân cũng đông nhất nước ấy lại không có chuyện kinh doanh, sản xuất hàng giả trong thời gian qua.

Phân bón giả tràn ngập thị trường nhưng chỉ phạt hành chính, một tiền lệ rất nguy hiểm

Ở một địa phương khác là tỉnh Sóc Trăng, như Báo Tuổi Trẻ thông tin, chiều 9/6, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam ông Châu Hoài Phương, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (thuộc Sở Công thương) Sóc Trăng và ông Ưng Văn Thanh - kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 7 về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể là đã bảo kê cho những sai phạm của doanh nghiệp sản xuất phân bón không đạt chất lượng, đủ cơ sở để xử lý hình sự.

Phân bón giả trôi nổi trên thị trường. (Ảnh minh họa trên vov.vn)
Phân bón giả trôi nổi trên thị trường. (Ảnh minh họa trên vov.vn)

Theo Cơ quan An ninh điều tra Công an Sóc Trăng, tháng 4/2016, địa phương này thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra vật tư nông nghiệp do ông Châu Hoài Phương làm trưởng đoàn.

Đoàn đã kiểm tra doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên (thị xã Ngã Năm - Sóc Trăng) và phát hiện doanh nghiệp chưa có hồ sơ công bố hợp quy của ba loại phân bón và hai loại thuốc bảo vệ thực vật nên lấy mẫu để kiểm nghiệm.

Theo kết quả điều tra ban đầu, trong quá trình thực hiện công vụ, đoàn kiểm tra đã không thực hiện theo quy định của pháp luật.

Qua kết quả kiểm nghiệm hai lần với mẫu phân bón của doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên đều không đạt chất lượng, đủ căn cứ xử lý hành chính hoặc chuyển sang xử lý hình sự đối với sai phạm của chủ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đoàn kiểm tra đã không xử lý mà tiếp tục cho lấy mẫu kiểm nghiệm lần ba, nhưng là theo yêu cầu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ quốc tế Con Cò Vàng - một đơn vị không liên quan đến đối tượng kiểm tra.

Điều đáng nói, lần kiểm tra này thì đạt chất lượng.

Từ đó, đoàn kiểm tra kết luận doanh nghiệp không sai phạm và không xử lý, đồng thời giải tỏa số phân bón kém chất lượng đã niêm phong, giao cho chủ doanh nghiệp toàn quyền tiêu thụ.

Vụ việc đang được Cơ quan Công an Sóc Trăng mở rộng điều tra làm rõ.

Không thể để trên 60 triệu nông dân nghèo thêm chỉ vì dùng phân bón giả ảnh 2

Quy trách nhiệm cụ thể nếu có vi phạm chất lượng vật tư nông nghiệp

Cũng từ thông tin này, tôi càng hiểu ra rằng, tại nhiều địa phương trong cả nước, rất nhiều khả năng cũng có những kết quả giám sát tương tự.

Nhưng có lẽ chúng ta đừng mừng vội kiểu như ở Thành phố Hồ Chí Minh bởi phía sau của nó là vô cùng phức tạp rất cần cảnh báo.

Việc các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, kém chất lượng sở dĩ còn tồn tại được phải chăng là có sự bảo kê của các cơ quan quản lý nhà nước kiểu như ví dụ ở Sóc Trăng mà tôi vừa nêu?

Hẳn mọi người chưa quên vụ Công ty Thuận Phong làm phân bón giả tại Đồng Nai năm trước, nếu so với doanh nghiệp nọ ở Sóc Trăng thì nó chẳng bõ bèn gì so với Thuận Phong về quy mô và doanh số và sự ngang ngược.

Họ sản xuất và tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng giả đã có hệ thống trong một thời gian dài với vỏ bọc tinh vi, thế nhưng mọi việc đều bị địa phương không chịu xử lý, làm nhẹ đi.

Sản xuất phân bón giả, gắn mác ngoại nhìn từ doanh nghiệp điển hình Thuận Phong

Tôi thấy mừng khi mới biết rằng, vào ngày 31/5/2017, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có công văn yêu cầu Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 23/QĐ-PC46 ngày 15/4/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai vì đã có đầy đủ cơ sở để khởi tố ra trước pháp luật.

Hy vọng động thái quyết liệt này sẽ góp phần tăng thêm niềm tin vào pháp luật nghiêm minh của nhà nước chúng ta trước các hành vi gây thiệt hại cho sản xuất và đánh vào người nông dân Việt Nam vốn nghèo khó, nay lại bị thiệt hại ghê gớm về kinh tế chỉ do dùng phân bón giả của những cơ sở bất lương vẫn nhởn nhơ trước pháp luật.

Một vấn đề vừa được đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh tại phiên họp Quốc hội hôm 8/6 là vấn nạn phân bón giả.

Ông Cương cho biết bất cứ một đợt tiếp xúc cử tri nào cũng nghe người dân kêu ca, phẫn nộ khi nói về nạn phân bón giả.

Sau kỳ họp thứ 2, các Bộ trưởng hứa sẽ họp bàn để tìm giải pháp nhưng sau gần 6 tháng trôi qua, việc duy nhất làm được là chuyển quản lý phân bón về một đầu mối là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sản xuất phân bón giả phải coi là tội ác với nông dân. Ấy vậy mà vụ việc sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận phong được 6 Bộ khẳng định mà sau nhiều năm vẫn chưa bị xử lý.

Một vụ việc mà 2 đồng chí Phó Thủ tướng thường trực của 2 nhiệm kỳ Chính phủ phải có nhiều văn bản chỉ đạo, chủ trì nhiều cuộc họp để chỉ đạo, rồi các Bộ có liên quan đều khẳng định Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả nhưng rốt cuộc cho đến nay vẫn không bị khởi tố..."

Không thể để trên 60 triệu nông dân nghèo thêm chỉ vì dùng phân bón giả ảnh 3

Đại biểu sẽ hỏi vì sao nhiều vấn đề bức xúc kéo dài chưa chuyển biến?

Và hôm 13/6, tại Hội trường, một lần nữa đại biểu Sỹ Cương chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông nêu vấn nạn phân bón giả ở nước ta tràn lan, với khoảng 7 ngàn loại tất cả, nhiều nhất thế giới đã khiến nông dân mãi vẫn không tránh được phận nghèo khó.

Ông Cương tỏ ra lo lắng cho số phận người nông dân nếu còn cung cách quản lý như bây giờ.

Tôi được biết, theo Hiệp hội phân bón Việt Nam thì với những loại phân bón mà các chất chính chỉ có dưới 70% thì bị coi là phân bón giả.

Nếu nhà nước ta không ngăn chặn kịp thời thì mỗi năm người nông dân mình bị thiệt hại khoảng trên 2 tỷ đô la.

Đó là một con số thật đáng kinh hoàng và qua đó cũng lý giải vì sao nông dân mình vốn đã nghèo lại vẫn hoàn nghèo mà không thể khá lên được.

Trở lại sự việc ở Công ty Thuận Phong, hẳn chúng ta còn nhớ diễn biến câu chuyện động trời và nhức nhối từ đã 2 năm, vậy mà cách xử lý của pháp luật khiến người dân càng hoang mang, bức xúc, mất niềm tin vào kỷ cương phép nước.

Một nhà báo của VTV24, người từng đeo bám vụ việc này và thực hiện 9 số liền trên sóng đã bức xúc kể cho tôi biết:

“Hơn hai năm đã trôi qua kể từ ngày Công ty Thuận Phong bị bắt quả tang sản xuất phân bón giả, có đến 6 bộ ngành, trong đó có cả Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ… kết luận và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự.

Đã ba lần các đại biểu Quốc hội phải lên tiếng gay gắt trong 3 kỳ họp Quốc hội, vắt sang 2 khoá vẫn bảo lưu quan điểm cần phải xử lý nghiêm minh, nhưng vụ việc vẫn cứ chìm vào im lặng".

Thậm chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó Thủ tướng, kiêm trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đã khẳng định đây là vụ việc bức xúc, dư luận rất quan tâm, phải có kết quả rõ ràng.

Ngày 24/4/2015, Công ty Thuận Phong đã bị bắt quả tang đang sang chiết, sản xuất phân bón giả nguồn gốc, xuất xứ Mỹ, tức nhãn hàng ghi “made in USA” nhưng thực chất ra đời tại Đồng Nai với số lượng lớn.

Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban 389 tỉnh Đồng Nai và cả cơ quan Thanh tra của Bộ Quốc phòng (do Công ty Thuận Phong thuê đất Quốc phòng) đã lập biên bản vi phạm.

Ông Khiếu Mạnh Tường, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong đã ký văn bản thừa nhận toàn bộ tem nhãn mác ghi "phân bón sản xuất tại Mỹ" thực chất đều sản xuất tại Việt Nam.

Không chỉ giả xuất xứ, Công ty Thuận Phong còn giả về chất lượng.

Kết quả giám định chất lượng 29 loại phân bón thì có đến 19 loại không đạt chất lượng như công bố.

Trong đó có loại thành phần chất chính là kẽm công bố trên bao bì là 15.000 ppm, nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ có vỏn vẹn 1.310 ppm.

Tức là, thực tế thành phần kẽm – chất chính trong sản phẩm phân bón vi lượng kẽm chỉ đạt có 8,7%.

Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 185/NĐ-CP, hàng giả là hàng hoá có hàm lượng chất chính chỉ đạt dưới 70% so với quy chuẩn, hoặc so với công bố trên bao bì.

Sản phẩm của Công ty Thuận Phong không chỉ có chất chính dưới 70% công bố trên bao bì mà còn dưới 10%.

(theo DanViet.vn)

Nó liên quan trực tiếp đến sản xuất, đời sống, sức khoẻ con người, thậm chí làm mất uy tín quốc gia.

“Không ai được phép bao che”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ đạo rất rõ ràng, dứt khoát như vậy.

Một nhà nước "của dân, do dân và vì dân" thì không thể để nông dân chịu mãi cảnh nghèo chỉ vì dùng phân bón giả

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình mới đây cũng tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nhận bàn giao cương vị Trưởng ban 389 Quốc gia và gần đây, 6 bộ, ngành cũng đã kết luận Công ty Thuận Phong làm phân bón giả.

Từ đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra văn bản chỉ đạo ngành dọc là Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh yêu cầu Công an Đồng Nai phải hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi của Công ty Thuận Phong mà Công an Đồng Nai lần lữa không chịu đề nghị lên Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh phê chuẩn mà chỉ chuyển hồ sơ cho Quản lý thị trường tỉnh xử phạt hành chính.

Xem ra cung cách làm việc này đã chứng minh họ rất xem thường các cơ quan chuyên môn của Trung ương đã từng kết luận.

Đề nghị các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra xem liệu có ai đã và đang hậu thuẫn cho doanh nghiệp Thuận Phong tác oai tác quái đến như thế?

Việc xử lý như trước đây vài tháng về phân bón giả ở Công ty Thuận Phong của Công an Đồng Nai nếu không được kiên quyết xử lý thì sẽ trở thành một tiền lệ rất xấu cho công tác đấu tranh chống sản xuất hàng giả.

Trong lĩnh vực làm phân bón phục vụ nông nghiệp, nó sẽ gây tai họa cực lớn.

Nông dân sẽ muôn đời không khá lên được vì năng suất luôn thấp, thậm chí trắng tay khi thu hoạch; chất lượng sản phẩm kém, không xuất khẩu được; ảnh hưởng tới đời sống sức khỏe của người dân.

Về luật pháp, nó sẽ khiến nhiều doanh nghiệp muốn làm hàng giả vì họ thấy dù bậy đến thế nào, nếu chạy chọt tốt thì cũng chỉ bị phạt, dù cho là số tiền rất lớn thì cũng vẫn lãi khủng bởi hàng giả có chi phí cực thấp.

Đã đến lúc phải nhìn nhận việc doanh nghiệp làm phân bón giả là hành vi phá hoại nền kinh tế, là tội ác và vô đạo đức cần bị lên án.

Quốc Phong