Sáng nay (11/6), Quốc hội bắt đầu chất vấn 4 Bộ trưởng. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận tâm tư của các Đại biểu trước ngày chất vấn.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP.HCM) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:
Tôi đồng tình với việc lựa chọn 4 Bộ trưởng nói trên trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Tôi nghĩ các Đại biểu sẽ nêu ra nhiều câu hỏi xác đáng, thiết thực dành cho các Bộ trưởng.
Nhưng tôi e ngại một điều là các Bộ trưởng có trả lời đáp ứng các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội không, và quan trọng hơn nữa là có đưa ra ngay được các giải pháp không, và lộ trình thực hiện một cách cụ thể về mặt thời gian, địa chỉ cụ thể thế nào?
Có những vấn đề tôi thấy chất vấn nhiều năm nhưng chưa có chuyển biến nhiều lắm, ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề hàng hóa nông sản vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, được giá lại mất mùa.
Như vậy hiệu quả của chất vấn thực sự chưa được chuyển biến, chưa thực sự đi vào cuộc sống. Quan trọng là thông qua chất vấn thì trách nhiệm của Bộ trưởng và đặc biệt trách nhiệm Chính phủ phải điều hành làm sao đó bằng những giải pháp đột phá mạnh mẽ, có tính cú hích, kể cả của chính quyền địa phương, bởi chính quyền địa phương là nơi tổ chức thực hiện đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt với người đứng đầu địa phương là rất quan trọng, người ta ở đó mới biết được đặc điểm dân cư, lao động, tài nguyên thế mạnh của địa phương là gì. Trong điều kiện mở cửa địa phương đó cũng có điều kiện hợp tác với các nước.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương: "Chất vấn mà trả lời như những kỳ trước thì điệp khúc hỏi đi rồi hỏi lại tiếp tục diễn ra". ảnh: Ngọc Quang. |
Chất vấn mà trả lời như những kỳ trước thì điệp khúc hỏi đi rồi hỏi lại tiếp tục diễn ra.
Cần thay đổi lại trách nhiệm của những Bộ trưởng được chất vấn, sau khi các Đại biểu Quốc hội chất vấn như vậy thì Bộ trưởng hấp thụ tâm tư tình cảm của cử tri và nó gắn nhiệm của mình như thế nào? Vì anh giữ vai trò, cương vị rất quan trọng trong việc điều hành, trong việc đưa ra những chính sách, giải pháp cho lĩnh vực của mình như thế mới là người Bộ trưởng có quyết tâm.
ĐB Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Tại sao trong nông nghiệp không chấp nhận đại gia
Tôi quan tâm để chất vấn về vấn đề nông nghiệp mà câu hỏi lớn là chính sách để thúc đẩy phát triển thế nào?
Hôm Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội nhiều đại biểu nói đến chuyện nông sản, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Theo tôi có vấn đề cơ bản của nó, nhưng không biết một mình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có làm được không.
Đó là trong các Nghị quyết của Đảng đã cho phép, khuyến khích việc tích tụ đất đai để tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp lớn, không phải manh mún, nhưng trong bao nhiêu năm nay vẫn không làm được.
Vậy trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc tham mưu cho Chính phủ thế nào?
Trong công nghiệp, chúng ta chấp nhận những nhà tư sản rất lớn, những đại gia rất lớn nhưng trong nông nghiệp tại sao chúng ta lại không chấp nhận việc đó. Đây là vấn đề thiệt thòi cho nông nghiệp.
Việc rà soát lời hứa của Bộ trưởng thì đúng là các đại biểu khác cũng nói nhiều. Một vấn đề lâu nay chưa được giải quyết triệt để như ở Đồng bằng Sông Cửu Long, cử tri và người dân bức xúc nhất là chuyện phân bón giả. Mặc dù chúng ta có luật, nhưng việc kiểm tra, thanh tra, xử phạt còn hạn chế nên vấn nạn phân bón giả chưa được giải quyết triệt để nên người dân bức xúc.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) - Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Vàng thau lẫn lộn làm sao khuyến khích người dân dùng hàng Việt?”
Tôi sẽ tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương. Cụ thể là giải pháp Bộ trưởng đưa ra để tiêu thụ nông sản cho nông dân, đặc biệt là việc phát động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá cho biết sẽ tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương. ảnh: Ngọc Quang. |
Để thực hiện việc này Bộ trưởng đã đưa ra khá nhiều giải pháp nhưng có mấy vấn quan trọng lại không thấy Bộ trưởng đưa ra giải pháp.
Thứ nhất đó là dư lượng tạp chất trong sản phẩm. Thứ hai là thương hiệu sản phẩm, thứ ba là dẹp hàng nhái, hàng giả đang tràn ngập thị trường.
Phát động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước nhưng chất lượng hàng hóa kiểu "vàng thau lẫn lộn" thì làm sao khuyến khích người dân được.
Vấn đề này có liên quan đến kiểm định chất lượng hàng hóa mà tôi từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương ở kỳ họp Quốc hội trước đó.