Kiến trúc sư Phạm Trung Hiếu tốt nghiệp đại học năm 1997. Sau đó, anh tiếp tục học thạc sĩ và tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế đô thị với Di sản & Phát triển bền vững. Hiện, Thạc sĩ Phạm Trung Hiếu là giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Gần 30 năm gắn bó với ngành Kiến trúc, thầy Hiếu đã cùng các cộng sự giành được rất nhiều giải thưởng Kiến trúc ấn tượng. Trong đó có những công trình mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa vô cùng độc đáo.
Năm 2018, Kiến trúc sư Phạm Trung Hiếu giành giải Nhất cuộc thi thiết kế “Đền thờ liệt sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ”. Năm 2019, thầy Hiếu giành giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi Phục dựng, tôn tạo Nhà ngục Kon Tum. Năm 2020, thầy Hiếu và các cộng sự chính là nhóm tác giả nổi tiếng đoạt giải Nhất Cuộc thi thiết kế xây dựng Cột mốc Km0 tại hồ Hoàn Kiếm với tên gọi “Cổng ánh sáng”.
Không chỉ vậy, thầy Phạm Trung Hiếu còn hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên kiến trúc giành các giải thưởng ấn tượng trong nước và quốc tế như: giải Nhất cuộc thi thiết kế Nhà thờ đạo Tin lành trên mỏm Pulpit Rock tại Na Uy; giải Nhì cuộc thi thiết kế Urban Meal Mine tại London, Anh; giải Xuất sắc của Hội đồng giám khảo và giải Ấn tượng cuộc thi Thiết kế ý tưởng kiến trúc Bệnh viện dã chiến của Hội Kiến trúc sư Việt Nam; giải Nhất cuộc thi thiết kế Công trình sử dụng gỗ hợp pháp do CED & HAU tổ chức.
Kiến trúc sư Phạm Trung Hiếu cũng được nhận bằng khen của Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế UIA cho đồ án dự cuộc thi thiết kế “Kiến trúc và xóa bỏ nghèo nàn” tại Paris (Pháp) năm 1998.
Có thể kể đến một số công trình kiến trúc phục vụ cộng đồng của Kiến trúc sư Phạm Trung Hiếu như: Trường phổ thông cơ sở nội trú Pú Xi (Điện Biên, 2017); cải tạo cảnh quan khu bán đảo di tích Kg Đá Chông (Hà Nội, 2018); Trường trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc (2019); nhà sinh hoạt cộng đồng dân tộc Chứt, bản K.Ai - K.Vàng (Quảng Bình, 2020).
Những thiết kế ấn tượng lấy cảm hứng từ vốn di sản
Chia sẻ với Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam về cơ duyên gắn bó với ngành Kiến trúc, thầy Hiếu cho hay: “Tôi đến với Kiến trúc theo mạch từ năm lớp 10, hồi nhỏ thấy tôi thích vẽ, bố mẹ tôi cho đi học vẽ ở Cung thiếu nhi. Lên cấp 3, vào lớp 10, tôi chuyển sang học vẽ mỹ thuật năng khiếu, việc học vẽ tự nhiên và phù hợp sở thích, giúp tôi thi vào Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng suôn sẻ.
Vào trường, tốt nghiệp và ở lại trường giảng dạy đến nay, tôi đã gắn bó với nghề kiến trúc 27 năm. Đến bây giờ tôi thấy mình còn quá nhiều điều phải học để hiểu thêm về nghề kiến trúc.
Các công việc kiến trúc đầu tiên đến với tôi dưới dạng các bản vẽ và hồ sơ thiết kế, khá xa rời thực tế. Tôi thực tập ở các văn phòng thiết kế khi là sinh viên năm thứ 3 và làm quen với việc bổ chi tiết cấu tạo các hạng mục đơn giản của công trình nhỏ, dần dần hết các chi tiết nhỏ thì được làm đến các hạng mục lớn hơn. Sau đó, tôi mới thực sự được thiết kế cả công trình rồi ra công trường giám sát tác giả. Tôi và người bạn thân may mắn được cô giáo hướng dẫn tốt nghiệp - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục, tin tưởng giao cho một số dự án để nghiên cứu, tôi cùng cậu ấy đã học hỏi qua công việc những bước đi đầu tiên của một người kiến trúc sư như vậy”.
Sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội gắn với 36 phố phường, Kiến trúc sư Phạm Trung Hiếu luôn dành tình cảm đặc biệt với mảnh đất này. Thầy Hiếu cũng đề cao những thiết kế từ vốn di sản. Chính vì thế, khi làm đồ án tốt nghiệp năm 1997, nam kiến trúc sư thực hiện đề tài “Phố Phái xưa và nay” là một đồ án bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội - thông qua ngôn ngữ kiến trúc, đồ án đã giới thiệu, phát huy, kết nối những giá trị vật thể và phi vật thể… những nét đẹp hữu hình và vô hình vẫn còn mãi với thời gian trong những ngôi nhà và con người nơi 36 phố phường.
“Đồ án là tình cảm tôi dành cho nơi chốn đã sinh ra và lớn lên, cho người họa sĩ tài hoa Bùi Xuân Phái - nhờ cảm thụ tranh của ông tôi mới hiểu được phần nào lăng kính của một người nghệ sĩ”, thầy Hiếu nhấn mạnh.
Một kỷ niệm khác trong quá trình làm nghề cũng khiến thầy Hiếu nhớ mãi đó là Đồ án “Đền Thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ”. Thực hiện đồ án này trong thời gian dịch Covid-19, thầy Hiếu và các cộng sự đã trải qua rất nhiều khó khăn. Đây cũng là thiết kế giành được giải Nhất cuộc thi thiết kế “Đền thờ liệt sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ” và được chọn để triển khai hiện thực hóa.
“Từ lúc bắt tay vào thiết kế đến ngày khởi công 13/3/2021 là một khoảng thời gian dài điều chỉnh, hoàn thiện. Tôi không nhớ đã đi bảo vệ, thuyết trình đồ án này bao nhiêu lần trước bao nhiêu Hội đồng thẩm định trong khoảng thời gian 4 năm đó. Chưa bao giờ tôi và nhóm của mình có một phút nề hà hay nản chí trong quá trình này. Slogan trong những năm đó của văn phòng thiết kế là: “Tất cả cho Điện Biên” nghe rất giống khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” năm 1954. Đồ án được ưu tiên số 1 ở văn phòng, mọi nguồn lực tập trung để hồ sơ chất lượng nhất. Tất cả các dự án khác dù ở giai đoạn nào cũng phải nhường bước. Có thời điểm đồ án tưởng như sẽ không được thông qua, phải làm lại từ đầu, nhưng rồi cuối cùng chúng tôi đã may mắn.
Thời gian thi công từ 13/3/2021 đến 18/5/2022 lại vướng dịch Covid 19, quá trình thi công của anh em trên công trường rất vất vả, cả đội thiết kế và phần lớn đội thi công luân phiên nhau dính dịch, nhưng tinh thần Quyết chiến - Quyết thắng năm xưa đã lan tỏa ra cả công trường. Cả lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở, ban quản lý, tư vấn giám sát, nhà thầu xây dựng… đều như những chiến sĩ Điện Biên, vượt mọi khó khăn để hoàn thành công trình đúng tiến độ đảm bảo chất lượng, thời gian sát cánh bên nhau đã để lại cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm.
Công trình “Đền Thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ” thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi dành cho những người anh hùng đã chiến đấu, hy sinh cho đất nước. Chúng tôi ý thức được vinh dự nhiệm vụ của mình và mong mỏi thông qua ngôn ngữ kiến trúc để tỏ lòng tri ân ấy”, thầy Hiếu xúc động chia sẻ.
Thiết kế mang cả giá trị đương đại và giá trị di sản
Điểm đặc biệt trong các công trình thiết kế của Kiến trúc sư Phạm Trung Hiếu là mang cả giá trị đương đại lẫn giá trị di sản. Để gắn các yếu tố lịch sử, di sản vào thiết kế không phải điều dễ dàng. Để hiện thực hóa điều đó, thầy Hiếu cho hay đã lấy cảm hứng từ chính nguồn gốc của di sản.
“Cảm hứng thường được lấy từ chính nguồn gốc của di sản. Với một đôi mắt đầy tò mò và hứng thú hướng nhìn về quá khứ, sẽ có rất nhiều điều thú vị để khơi dậy những ý tưởng sáng tạo, và rồi bằng một giải pháp kiến trúc hay công nghệ phù hợp: quá khứ, hiện tại và tương lai có thể sẽ cùng hiện diện”, thầy Hiếu bày tỏ.
Chia sẻ về một thiết kế gắn với vốn di sản tiêu biểu, thầy Hiếu hào hứng nhắc tới bản thân và cộng sự từng tham gia đề xuất phương án thiết kế công trình KM 0 tại vườn hoa Lý Thái Tổ - Hà Nội. Cột mốc Km 0 đặt tại khu vực di tích quốc gia đặc biệt “Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn“ với nhiệm vụ vượt qua ý nghĩa đánh dấu một địa điểm, để trở thành một biểu tượng văn hóa, vừa hiện đại vừa thể hiện bản sắc của Thăng Long - Hà Nội.
“Dựa vào tài liệu bản đồ qua các thời kỳ tôi đã lựa chọn vị trí công trình nằm ở giao điểm giữa hai tuyến quan trọng. Tuyến thứ nhất nối Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội (Tòa Thị chính cũ thời Pháp thuộc) và Tòa nhà Bưu điện, tuyến thứ hai là trục chính của vườn hoa Lý Thái Tổ đi qua tượng đài nhà vua hướng tới Tháp Rùa. Giao điểm này hàm chứa nhiều câu chuyện lịch sử (hơn 1000 năm Thăng Long, Hà Nội, 132 năm bưu điện Hà Nội ra đời) - một vị trí có chiều sâu văn hóa.
Bằng công nghệ ánh sáng 3D hologram chúng tôi kiến tạo một hình ảnh Cổng Ánh sáng gợi nhắc các giá trị từ sâu dưới lòng đất, các địa tầng văn hóa của Thăng Long - Đông Đô qua các thời đại, thời kỳ. Không gian và thời gian đan xen, hòa hợp trong một công trình vỏn vẹn 4 m2 và cánh cổng kết nối mang nhiều ẩn dụ.
Đồ án được Hội đồng đánh giá có ý tưởng độc đáo, sáng tạo, đơn giản, khả thi, và bền vững, hiện nay đồ án đang trong những giai đoạn hoàn thiện cuối để xây dựng”, thầy Hiếu thông tin.
Xu hướng phát triển và cơ hội việc làm của ngành Kiến trúc trong tương lai
Cũng theo Kiến trúc sư Phạm Trung Hiếu, kiến trúc ngày càng được chuyên môn hóa cao, các xu hướng thiết kế bền vững, thiết kế xanh, thiết kế ứng dụng cao, thiết kế độc đáo, thiết kế vì cộng đồng… luôn là các xu hướng được xã hội ủng hộ và có một tương lai rộng mở.
Chính vì vậy cơ hội việc làm của các kiến trúc sư luôn tùy thuộc vào chính họ có xác định được thế mạnh của mình trong bức tranh tổng thể của cả ngành kiến trúc - xây dựng hay không. Kiến thức chuyên môn và kỹ năng là điều kiện cần, cá tính trong sáng tạo kiến trúc là điều kiện đủ để một kiến trúc sư có thể yên tâm phát triển sự nghiệp của mình.