Thời gian gần đây nhiều bài báo có đăng tải các bài viết về lương, thu nhập của giáo viên và trong đó có một số bài viết chia sẻ lương thực nhận của giáo viên cao nhất gần 30 triệu đồng/tháng.
Nội dung các bài viết chia sẻ khi lương cơ sở tăng 30% từ 1/7 mà không bị cắt phụ cấp, nhà giáo nhận lương khoảng 6,6 đến gần 30 triệu đồng mỗi tháng, tăng 1,5-7 triệu đồng so với trước.
Cụ thể, nhà giáo mầm non từ hạng III nhận gần 6,6-28,2 triệu đồng; từ tiểu học đến trung học phổ thông, hạng III trở lên, lương thực nhận là 7,4-30 triệu đồng. [1]
Thông tin này nhận được rất nhiều sự quan tâm, bình luận trái chiều. Tại trường trung học cơ sở ở vùng nông thôn của một tỉnh phía Nam - nơi người viết công tác, một giáo viên có thâm niên hơn 40 năm vừa được chuyển qua hạng II mới, sắp về hưu nhận tổng thu nhập sau khi trừ các khoản ở mức 21-22 triệu mỗi tháng.
Người viết quan sát bảng lương các giáo viên sắp về hưu tại nhiều đơn vị mầm non đến trung học phổ thông cũng dao động từ 20-22 triệu mỗi tháng.
Trong bài viết cùng nhìn về mức lương thực tế hiện nay của giáo viên, giáo viên sắp về hưu có thể nhận được lương khoảng bao nhiêu?
Đối với giáo viên mầm non
Với mức lương cơ sở là 2,34 triệu thì:
Giáo viên mầm non mới trúng tuyển được bổ nhiệm hạng III mới có hệ số lương 2,1, với phụ cấp ưu đãi bậc mầm non là 35% thì giáo viên mới ra trường nhận khoảng 6 triệu mỗi tháng (sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, công đoàn).
Giáo viên mầm non hạng III kịch khung có hệ số lương 4,89, có phụ cấp ưu đãi 35%, phụ cấp thâm niên 30%,…thực nhận khoảng 17 – 18 triệu mỗi tháng (sau khi trừ các khoản).
Giáo viên nếu được bổ nhiệm hạng II sẽ có hệ số lương 2,34 đến 4,98 thì giáo viên kịch khung 4,98, cộng các khoản phụ cấp ưu đãi, thâm niên cũng khoảng 18-20 triệu mỗi tháng.
Số lượng giáo viên được bổ nhiệm giáo viên mầm non hạng I là rất ít, nếu có thì được bổ nhiệm tối đa cũng chỉ khoảng hệ số lương 5,36 trở lại, hiếm có giáo viên kịch khung hạng I với hệ số lương 6,38.
Giáo viên mầm non đa số hưởng lương hạng III, có một số ít hưởng lương hạng II nên thu nhập giáo viên thấp hơn giáo viên phổ thông.
Giáo viên mầm non hiện nay cao nhất cũng chỉ khoảng 20 triệu mỗi tháng.
Đối với giáo viên tiểu học
Giáo viên tiểu học cũng được hưởng phụ cấp ưu đãi giống như giáo viên mầm non cũng là 35%.
Giáo viên tiểu học mới ra trường được bổ nhiệm hạng III mới có hệ số lương 2,34, thực nhận khoảng 6,5 triệu đồng mỗi tháng (sau khi trừ các khoản).
Giáo viên tiểu học kịch khung hạng III có hệ số lương 4,98, tổng thực nhận khoảng 20 triệu mỗi tháng (sau khi trừ các khoản).
Giáo viên ở cấp tiểu học nếu ở hạng III cũ có hệ số lương 4,98 cộng các hệ số phụ cấp khi chuyển sang hạng II mới cũng chỉ có hệ số lương cao khoảng 5,7, không có giáo viên đụng khung 6,38.
Giáo viên nếu sắp về hưu được chuyển sang hệ số lương 5,7, cộng các khoản phụ cấp, thực nhận khoảng 21-22 triệu.
Ở bậc tiểu học, ít có giáo viên được bổ nhiệm hạng I. Cùng với đó, theo quy định của Bộ Nội vụ, tỷ lệ giáo viên hạng I ở các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4) cũng chỉ tối đa 10%, mà hạng I chênh lệch hạng II cũng không quá cao.
Nên, ở trường tiểu học, giáo viên lãnh lương cao nhất khoảng 21-22 triệu (sau khi trừ các khoản).
Đối với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông
Giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông hưởng phụ cấp ưu đãi 30% thấp hơn giáo viên tiểu học, còn bảng lương hạng I, II, III của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông là như nhau, nên giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông thực nhận sẽ thấp hơn giáo viên tiểu học nếu cùng hệ số lương.
Do đó, giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông sắp về hưu thực nhận cao nhất cũng khoảng 20-21 triệu mỗi tháng (sau khi trừ các khoản).
Thực tế, mức lương, thu nhập của giáo viên hiện nay là không thấp, vẫn có một số giáo viên được đặc cách tăng lương, bổ nhiệm hạng I, II có thu nhập cao hơn.
Những trường hợp giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo, vùng sâu vùng xa hoặc giáo viên có thu nhập đặc thù như Thành phố Hồ Chí Minh có thể thực nhận trên 30 triệu mỗi tháng.
Theo tìm hiểu, so sánh của người viết, thu nhập giáo viên hiện nay là không thấp hơn so với các đơn vị sự nghiệp khác. Tuy nhiên, việc chia hạng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, vẫn còn nhiều trường hợp nhiều giáo viên không giữ nhiệm vụ gì, không có thành tích gì tiêu biểu nhưng vẫn được bổ nhiệm hạng I, II, dẫn đến việc trả lương chưa công bằng, vẫn còn cào bằng, chưa trả theo vị trí việc làm.
Với số lượng giáo viên công lập khoảng 1,5 triệu giáo viên, để tăng lương cao phải gắn với trách nhiệm, tinh giản biên chế, tăng thời gian làm việc,...và sớm nghiên cứu trả lương theo vị trí việc làm và hiệu quả làm việc, khi đó việc cải thiện lương, thu nhập mới đi vào thực chất, công bằng, khoa học.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vnexpress.net/buc-tranh-tien-luong-giao-vien-ca-nuoc-sau-1-7-4764865.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.