TS, KTS Lê Trọng Hải và hành trình gần 40 năm gắn bó với ngành Kiến trúc

17/04/2024 08:59
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Với hơn 38 năm giảng dạy và thiết kế công trình, TS.KTS Lê Trọng Hải có nhiều đóng góp cho chương trình đào tạo của các trường đại học lớn khu vực phía Nam.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Trọng Hải – Trưởng Bộ môn Kiến Trúc, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - là người đóng góp rất nhiều cho quá trình xây dựng chương trình đào tạo ngành Kiến trúc ở nhiều trường đại học lớn tại khu vực phía Nam nước ta, với hơn 38 năm kinh nghiệm liên tục giảng dạy và thiết kế công trình.

Đam mê và trăn trở với kiến trúc Việt Nam

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Trọng Hải từng học nghiên cứu sinh và tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Kiến trúc tại Nga - một đất nước có nhiều công trình kiến trúc mang lịch sử nghệ thuật với phong cách hiện đại. Từ đó, Tiến sĩ Lê Trọng Hải là người sáng lập và xây dựng chương trình đào tạo cho ngành Kiến trúc; đồng thời cũng là người khai mở cho bộ môn Kiến trúc Công trình của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Ngoài ra, thầy Trọng Hải còn có sự đóng góp rất lớn trong việc xây dựng chương trình đào tạo ngành Kiến trúc cho các trường đại học như: Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn.

Song song với công việc dạy học, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Trọng Hải còn là chủ trì thiết kế của nhiều công trình thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, các công trình tượng đài tại những tỉnh, thành phố lân cận như Vũng Tàu, Bình Dương, Cà Mau,... Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lê Trọng Hải còn là cố vấn kỹ thuật, điều chỉnh bản vẽ cho nhiều tập đoàn, công ty nghiên cứu về Kiến trúc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Một số công trình tiêu biểu của Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Trọng Hải có thể kể đến như: chung cư cao tầng Lữ Gia (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh), Trung tâm điều khiển Mobiphone (Khu vực Tây Nam Bộ, Cần Thơ), tái hiện quy hoạch lại khu di tích cách mạng miền Nam tại rừng Bời Lời, Đôn Thuận, Trảng Bàng (Tây Ninh), dự án tượng đài Bác Hồ Bác Tôn (Công viên Thống Nhất, Hà Nội),...

Dành trọn một đời cho sự nghiệp giáo dục và thiết kế kiến trúc, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Trọng Hải đã đạt được rất nhiều giấy khen và thành tích; trong đó tiêu biểu có Huân chương Vì sự nghiệp Giáo dục (do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng), Huân chương về Kiến trúc (do Bộ Xây dựng và Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng).

Chia sẻ về niềm trăn trở của mình, Tiến sĩ Trọng Hải mong muốn đưa nền kiến trúc hiện đại của Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, kiến trúc Việt Nam vẫn phải giữ vững được bản sắc dân tộc. làm sao để tạo ra được sự riêng biệt, độc đáo trên mỗi công trình.

Từ đó, mỗi kiến trúc sư sẽ vừa là nhà nghệ thuật, vừa là nhà kỹ thuật khoa học, để kiến tạo nên những công trình hiện đại mang tính ứng dụng cao, định hình rõ nét bản sắc riêng của nước ta.

hiu-kien-truc-cong-trinh-2.jpg
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Trọng Hải – Trưởng Bộ môn Kiến Trúc, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: NTCC.

Theo Tiến sĩ Lê Trọng Hải, tất cả mọi người trong mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều mong muốn nền kinh tế, văn hóa, xã hội không ngừng phát triển vượt bậc, nhưng đi kèm với đó là sự cân bằng, ổn định và bền vững để đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho con người.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và gia tăng bùng nổ của việc mở rộng dân cư đô thị, chính sách mở cửa và hội nhập vào nền kinh tế thế giới đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng nhau khai thác các không gian xen cấy trong các đô thị. Điều này có thể dẫn đến áp lực nặng nề cho nhiều đô thị Việt Nam hiện nay.

Mặt khác, Tiến sĩ Lê Trọng Hải cho biết, theo Dave Alan Kopec - chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học không gian, Giáo sư tại Trường Kiến trúc và Thiết kế ở San Diego, thông qua những phản ứng của não bộ với môi trường kiến trúc, không gian có tác động trực tiếp đến tiềm thức của con người, góp phần vào việc xây dựng cảm xúc và nhận thức.

Vì vậy, mặc dù không phải là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp, nhưng tâm lý học về không gian là khía cạnh quan trọng mà các kiến trúc sư thiết kế, xây dựng cần tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra những giải pháp cho môi trường sống của con người.

Trong bối cảnh đô thị không ngừng phát triển, con người lựa chọn cuộc sống “xếp chồng lên nhau” trong những tòa nhà cao tầng. Do đó, việc ứng dụng tâm lý học vào không gian quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống con người trong tương lai.

“Việc đưa tâm lý học vào trong kiến trúc là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống, sự an toàn cho hành vi con người, khả năng kết nối xã hội, sự thuận tiện trong di chuyển, sinh hoạt, và những tác động kích thích giác quan, nghệ thuật. Người làm Kiến trúc cần nắm rõ nguyên tắc thiết kế, bao gồm sự cân bằng, tỷ lệ, đối xứng, màu sắc và nhịp điệu để mang lại cảm giác hài hòa”, Tiến sĩ Lê Trọng Hải cho hay.

Ngoài ra, người làm Kiến trúc cũng cần quan tâm đến văn hoá và điều kiện tự nhiên của địa phương. Trong giai đoạn hiện nay, kiến trúc ở khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ chú trọng vào các vấn đề sinh thái, môi trường, yếu tố kỹ thuật và công nghệ. Các thiết kế mang thủ pháp “động” nhiều hơn với quy mô phát triển rộng.

Trong khi đó, trường phái ở Châu Á vẫn dựa theo triết lý phương Đông nên những công trình kiến trúc sẽ lồng ghép nhiều hơn các giá trị tâm linh, giá trị tinh thần. Đó là những thiết kế mang đậm tính chất “thiền” và “tĩnh” trong không gian tiểu cảnh.

Theo kinh nghiệm thực tế của Tiến sĩ Lê Trọng Hải, thiết kế kiến trúc ở Việt Nam còn cần hướng đến các vấn đề về điều kiện khí hậu, thông gió, chiếu sáng tự nhiên và chắn nắng trên mặt đứng công trình. Bởi lẽ, Việt Nam là đất nước có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều nên không thể loại trừ khả năng xây dựng công trình kiến trúc đảm bảo thích ứng với thay đổi của thời tiết theo ngày, theo mùa.

“Đào tạo ngành Kiến trúc cần chú trọng phương pháp tư duy sáng tạo”

Là một Kiến trúc sư nổi tiếng với nhiều công trình lớn, nhưng Tiến sĩ Lê Trọng Hải vẫn dành nhiều tâm huyết cho công việc giảng dạy của mình. Với sự tận tâm theo sát từng hoạt động học tập của sinh viên, có những giai đoạn thầy Trọng Hải lập xưởng thực hành ngay tại nhà để giúp người học thực hành tốt.

Sinh viên vừa đến học tập, vừa ăn uống sinh hoạt cùng thầy là những kỷ niệm đáng quý mà Tiến sĩ Lê Trọng Hải không thể quên. Đó là khoảng thời gian thầy trò cùng nhau gắn bó từng bước trên con đường sự nghiệp xây dựng kiến trúc.

Nhiều cựu sinh viên và thế hệ nối tiếp của thầy hiện nay là những giám đốc, chủ doanh nghiệp của nhiều công ty kiến trúc, xây dựng và thường xuyên quay trở về Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng để trao tặng học bổng cho các em sinh viên nhà trường. Có thể nói, điều này như một sự tri ân “về nguồn” cũng như nuôi dưỡng tài năng của các kiến trúc sư tương lai, dưới sự dìu dắt của người thầy hết mực tận tâm với nghề.

hiu-kien-truc-cong-trinh-3-1024x1024.jpg
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Trọng Hải từng học nghiên cứu sinh và tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Kiến trúc tại Nga. Ảnh: NTCC.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Trọng Hải cho biết: Các giảng viên của Trường Đại học Quốc Tế Hồng Bàng định hướng đào tạo sinh viên theo học ngành Kiến trúc đều hướng tới phương pháp phát huy tư duy sáng tạo. Đồng thời, người học được làm quen với kỹ thuật vẽ sử dụng trên các phần mềm ứng dụng công nghệ.

Các sinh viên ngành Kiến Trúc được đào tạo theo định hướng lấy thực hành làm trọng tâm. Chính vì vậy, chương trình giảng dạy, nội dung kiến thức của nhà trường tăng cường cho người học tham quan thực tế công trình, trang bị nền tảng kiến thức cả về nghệ thuật và kỹ thuật qua các môn học.

Thầy Trọng Hải nêu thông tin, chiến lược phát triển của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đến năm 2020 tầm nhìn 2030 sẽ trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên hùng hậu và tài năng; cán bộ quản lý tận tâm và chuyên nghiệp; cùng sinh viên có kiến thức vững vàng, sáng tạo, tư duy, kỹ năng ứng dụng đáp ứng thị trường lao động, nhu cầu xã hội và hợp tác quốc tế.

Mục tiêu đào tạo người học ngành Kiến trúc là cung cấp kiến thức cơ sở nói chung và kỹ năng thực hành nói riêng như: khả năng tinh tế nghệ thuật và tư duy thẩm mỹ trong việc cảm thụ, xem xét, đánh giá công trình kiến trúc; khả năng sáng tạo về mặt không gian; khả năng nghiên cứu, phân tích, quản lý, thi công dự án quy hoạch kiến trúc; khả năng triển khai và sử dụng kỹ thuật công nghệ hiệu quả cao; khả năng giao tiếp và tư vấn cộng đồng…

101A4990.JPG
Trường Đại học Quốc Tế Hồng Bàng định hướng đào tạo sinh viên theo học ngành Kiến trúc đều hướng tới phương pháp phát huy tư duy sáng tạo. Ảnh: NTCC.

Cũng theo chia sẻ của Tiến sĩ Lê Trọng Hải, hiện nay, xu hướng phát triển bất động sản luôn gắn với giá trị mỹ quan về môi trường cảnh quan, không gian thiên nhiên, hệ sinh thái nghỉ dưỡng, thiết kế chỉnh trang đô thị,... Điều này đòi hỏi khả năng tư duy sáng tạo và sự chủ động linh hoạt rất lớn của người làm kiến trúc.

Theo thống kê của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua, lĩnh vực kiến trúc và xây dựng luôn là một trong 8 ngành có nhu cầu nhân lực rất cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận.

Cụ thể, nhóm ngành này luôn chiếm từ 13-15% tổng nhu cầu lực lượng lao động so với các ngành khác. Hằng năm, khu vực này đòi hỏi số lượng nhân lực là khoảng 300.000 người. Trong đó, lao động có trình độ đại học là 18,3%, tương đương với 54.900 người. Đặc biệt, lĩnh vực nhóm xây dựng – kiến trúc chiếm 13%, tức khoảng 7.100 người.

Lưu Diễm