Chúng tôi đã được nghe ông Lê Minh Nghĩa, cố Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ sinh thời nhiều lần kể về đoạn trao đổi qua điện thoại giữa Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Trưởng ban Biên giới của Chính phủ.
Tổng bí thư Đỗ Mười: "Vì sao Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ không trực tiếp báo cáo Bộ chính trị về tình hình đàm phán biên giới?"
Trưởng ban Ban Biên giới: "Báo cáo Tổng bí thư, Ban Biên giới luôn sẵn sàng. Nhưng thưa Tổng bí thư, có lẽ Chính phủ đã phân công đại diện Bộ Ngoại giao trực tiếp báo cáo Bộ chính trị, để Ban Biên giới có thời gian tập trung vào việc đi khảo sát thực địa."
Tổng bí thư Đỗ Mười: "Không được, Ban Biên giới là cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Các đồng chí phải có mặt trong các cuộc họp bàn về biên giới, lãnh thổ không chỉ ở các cuộc họp của Chính phủ, mà còn phải ở các cuộc họp của Bộ chính trị, Ban bí thư…"
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười (Ảnh: vietnamnet.vn). |
Điều tưởng như nghịch lý là, trước câu hỏi của Tổng bí thư Đỗ Mười, chúng tôi, những cán bộ công tác tại Ban Biên giới của Chính phủ lúc đó (khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước) không thấy băn khoăn, lo lắng mà trái lại chúng tôi cảm thấy tự hào và hạnh phúc.
Bởi vì, người “khai sinh” ra Ban Biên giới của Chính phủ, dù đã đảm đương trọng trách mới với tư cách là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, vẫn luôn luôn theo dõi các hoạt động và đề cao vai trò của những người làm công tác tại một cơ quan của Chính phủ, được giao nhiệm vụ tham mưu cho Lãnh đạo Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ quản lý nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Hơn thế nữa, chúng tôi thật sự cảm phục trước sự sâu sát của Cụ Tổng Bí thư về một lĩnh vực mang tính đa ngành, đa lĩnh vực và nhạy cảm trong bối cảnh quan hệ chính trị, ngoại giao đang có nhiều diễn biến rất phức tạp…
Việc các vị lãnh đạo Chính phủ lúc đó, trong đó có tiếng nói quyết định của Cụ Mười, thành lập Ban Biên giới của Chính phủ đã cho thấy tầm nhìn sáng suốt, nhạy bén và hoàn toàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên giới, lãnh thổ, cả trên đất liền và biển - đảo, được coi là nhiệm vụ hàng đầu của lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Là một quân nhân được điều động biệt phái về công tác tại Ban Biên giới của Chính phủ từ năm 1976, tôi đã từng chứng kiến hoặc vinh dự được tham dự các cuộc họp quan trọng của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ bàn về vấn đề biên giới, lãnh thổ quốc gia; trong đó, có nhiều cuộc họp do Cụ Mười chủ trì.
Những hoạt động nổi bật sinh thời của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười |
Một trong những cuộc họp đã để lại trong tôi nhiều bài học quý giá mà tôi muốn kể lại với bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam với tâm nguyện sẽ là nén nhang thơm tiễn biệt Cụ Đỗ Mười.
Đó là vào đầu năm 1991, sau khi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc được khôi phục, trước khi mở ra các vòng đàm phán về biên giới, lãnh thổ trên đất liền, dưới sự chỉ đạo sát sao của Cụ Mười, chúng tôi đã tổ chức các đoàn khảo sát liên ngành lặn lội trèo đèo lội suối ra các khu vực biên giới để nắm tình hình thực tế có liên quan đến việc quản lý biên giới để xây dựng các phương án trình Lãnh đạo xin chủ trương đàm phán.
Kết quả, hai bên đã ký “Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới”, trong đó hai bên đã thỏa thuận việc quản lý biên giới theo tình hình thực tế, giữ nguyên mốc giới hiện có (nguyên tắc Status-quo).
Trong quá trình đàm phán về biên giới trên bộ, hai bên cũng đã vận dụng nguyên tắc này để xử lý thỏa đáng những khu vực biên giới trên bộ còn có nhận thức khác nhau, nhằm phục vụ cho nhu cầu hợp tác trên một số lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, tạo môi trường chính trị thuận lợi để hai bên tổ chức thành công các cuộc đàm phán hoạch định biên giới trên đất liền…
Thỏa thuận khai thông đường sắt liên vận Đồng Đăng – Bằng Tường và Lào Cai - Sơn Yêu được ký kết nhân chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 26/11 đến ngày 2/12/1995 của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười dẫn đầu, là một minh chứng sinh động, có thể được coi là sự kiên lịch sử chấm dứt tình trạng đối đầu về quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Để thống nhất phương án đàm phán ký kết thỏa thuận này, Cụ Mười đã nhiều lần trực tiếp lắng nghe chúng tôi báo cáo về thực trạng pháp lý và diễn biến của thực trạng quản lý thực tế tại khu vực 249C, là khu khu vực Việt Nam và Trung Quốc có nhận thức khác nhau về mặt pháp lý, từng xảy ra đụng độ đẫm máu.
Lịch sử bảo vệ, quản lý tại thực địa ở đây khiến việc đàm phán không dễ dàng giải quyết một sớm một chiều.
Nhưng, Việt Nam và Trung Quốc cần giải quyết một nhu cầu rất thiết yếu về kinh tế, kỹ thuật. Đó là làm sao khai thông tuyến đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường, nối Lạng Sơn của Việt Nam với khu vực tự trị Choang - Quảng Tây, Trung Quốc.
Đó là nhu cầu khai thông tuyến đường sắt liên vận sau khi hai nước khôi phục quan hệ. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu hợp tác phát triển kinh tế, dân sinh của mỗi nước, mà còn có ý nghĩa về mặt chính trị, xã hội trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia láng giềng vừa trải qua một cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt.
Tổng Bí thư Đỗ Mười: Người học trò xứng đáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Để thực hiện được quyết tâm này, chúng tôi đã đề nghị Lãnh đạo cho chủ trương, trước khi thống nhất được đường biên ở khu vực biên giới còn có nhận thức khác nhau này, hai bên có thể áp dụng“giải pháp tạm thời”.
Cụ thể là Việt Nam và Trung Quốc chấp nhận “đóng băng” khu vực 300 mét này, tức là khi con tàu chạy từ phía Việt Nam đến “điểm nối ray” và từ phía Trung Quốc đến vị trí “nhà mái bằng” thì dừng lại, để các lực lượng quản lý nhà nước của hai bên rời khỏi tàu.
Trên tàu chỉ còn các chuyên gia kỹ thuật, lái tàu và nhân viên phục vụ hàng hóa ở lại làm nhiệm vụ chuyên môn, dịch vụ.
Sau khi nghe kỹ nội dung trình bày của chúng tôi, mặc dù lúc đó nhiều ý kiến đại diện cho các Bộ, Ngành, Địa phương còn băn khoăn, thậm chí phản đối, Cụ Mười đã chấp nhận đề xuất của chúng tôi để đưa ra bàn bạc, thống nhất tại cuộc họp Bộ chính trị.
Bởi vì, đây là một quyết định cực kỳ khó khăn, một quyết định nếu không đúng là có tội với đồng bào, chiến sỹ đã đổ máu xương, nước mắt, trong nhiều lần đụng độ với quân Trung Quốc xâm lược, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 do Trung Quốc phát động tấn công.
Một quyết định chỉ có thể có được ở người lãnh đạo đất nước có “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, có bản lĩnh chính trị cao cường, biết lắng nghe ý kiến của các chuyên viên, chuyên gia và đặc biệt là phải xuất phát từ động cơ trong sáng, lấy lợi ích của đất nước, dân tộc làm lẽ sống của cả đời mình.
Cụ Mười là một trong những vị lãnh tụ của đất nước đã hội đủ những phẩm chất đó, nhất là trên mặt trận bảo vệ, quản lý biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Vì vậy, Cụ Đỗ Mười đã cùng với Bộ chính trị có một quyết định đúng đắn và kịp thời áp dụng “giải pháp tạm thời” có giá trị thực tiễn đó.
Tất nhiên, giải pháp tạm thời này không làm ảnh hưởng đến việc hoạch định hướng đi của đường biên giới mới tại khu vực tranh chấp.
Kết quả là, dưới sự trực tiếp chỉ đạo của Cụ Đỗ Mười, chúng tôi đã đàm phán với Trung Quốc để ký biên bản khai thông đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường và Lào Cai - Sơn Yêu ngay trong dịp Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm hữu nghị Trung Quốc cuối năm 1995.