Làm thế nào để sử dụng thực phẩm chức năng an toàn?

25/11/2014 13:08
QUÁCH HOÀNG (TỔNG HỢP)
(GDVN) - Hiện nay, nhiều người sử dụng thực phẩm chức năng tràn lan như một loại thuốc chữa bệnh. Việc làm này có để lại những hệ lụy?

Trong những năm gần đây, thị trường trong nước xuất hiện rất nhiều sản phẩm có tên gọi là "thực phẩm chức năng".

Nhiều loại được quảng cáo hết sức rầm rộ với một hệ thống phân phối đa cấp có mặt suốt cả ba miền Trung, Nam, Bắc. Trên nhãn mác, loại nào cũng được ghi rõ là "sản phẩm không phải là thuốcvà không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", nhưng kỳ thực cách thuyết trình của không ít diễn giả trong các cuộc "hội thảo" và của nhân viên tiếp thị khi quảng cáo với người tiêu dùng đã khiến nhiều người lầm tưởng rằng thực phẩm chức năng... chữa được bách bệnh. Và rồi, mặc dù giá không hề rẻ nhưng nhiều người cố bỏ tiền ra mua để cuối cùng dẫn đến hậu quả "tiền mất tật mang".

Vậy, nên hiểu như thế nào về thực phẩm chức năng (TPCN), ranh giới TPCN và thuốc chữa bệnh? Dưới đây là chia sẻ của chuyên gia về những thông tin hữu ích liên quan đến TPCN.

TPCN giao thoa giữa thực phẩm và thuốc

- Thưa bác sỹ, nên hiểu thực phẩm chức năng như thế nào?

Thạc sĩ, bác sỹ Hoàng Khánh Toàn, Bệnh viện TW Quân đội 108: Khái niệm TPCN (Functional foods) được người Nhật sử dụng đầu tiên từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX để chỉ những thực phẩm chế biến có chứa những thành phần tuy không có giá trị dinh dưỡng nhưng giúp nâng cao sức khoẻ cho người sử dụng.

Theo Viện Khoa học và Đời sống quốc tế (International Life Science Institute - ILSI) thì "TPCN là thực phẩm có lợi cho một hay nhiều hoạt động của cơ thể như cải thiện tình trạng sức khoẻ và làm giảm nguy cơ mắc bệnh hơn là so với giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại". Theo IFIC, TPCN là những thực phẩm hay thành phần của chế độ ăn có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe nhiều hơn giá trị dinh dưỡng cơ bản.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TPCN có thể là sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc là sản phẩm của quá trình chế biến hoặc là thực phẩm trong quá trình chế biến được bổ sung thêm các chất "chức năng". Cũng như thực phẩm thuốc, TPCN nằm ở nơi giao thoa giữa thực phẩm và thuốc.

- Vậy thực phẩm chức năng được phân loại như thế nào, thưa bác sỹ?

ThS, BS Hoàng Khánh Toàn: TPCN thường được phân loại theo hai cách: dựa trên thành tố của thức ăn và dựa trên loại thức ăn. Dựa trên thành tố của thức ăn có thể chia ra làm 6 loại chính là chất xơ dinh dưỡng; các loại đường đa phân tử (oligosaccarid); acid amin, peptid và protein; vitamin và khoáng chất; vi khuẩn sinh acid lactic; acid béo. Dựa trên loại thức ăn có thể chia làm 2 loại chính là thức ăn có nguồn gốc thực vật như đậu tương, cà chua, tỏi, các loại rau cải, cam quýt, chè, nho... và thức ăn có nguồn gốc động vật  như cá, sữa và chế phẩm của sữa, thịt bò...

Như trên đã nói, TPCN còn có thể phân loại theo nguồn gốc là sản phẩm tự nhiên (ví dụ: đậu tương có chứa genistein, một loại isoflavone có tác dụng chống ung thư; cá biển chứa nhiều acid béo omega-3 có khả năng làm giảm đáng kể nguy cơ mắc và tử vong do bệnh tim mạch...) hoặc là sản phẩm của quá trình chế biến (ví dụ: rượu vang nho, đặc biệt là vang đỏ, có chứa nhiều flavonoid có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch; các chế phẩm lên men của sữa có nhiều vi khuẩn hữu ích có tác dụng bình ổn vi khuẩn chí của ruột...).

TPCN khác thuốc thế nào?

- BS có thể cho biết, thực phẩm chức năng khác thuốc thế nào?

BS Lê Thiện Anh Tuấn - Hội Y học TP.HCM: Khi nói đến thực phẩm, thường chúng ta nghĩ đến những chất dùng trong ăn uống thường ngày (còn gọi là thực phẩm thông thường hay thực phẩm truyền thống), để nuôi dưỡng cơ thể. Nhưng nói đến thực phẩm chức năng, đây là một khái niệm tương đối mới mẻ với nhiều người.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực phẩm chức năng (TPCN) là thực phẩm được chiết xuất 100% từ thảo dược thiên nhiên, động vật. Theo thông tư số 08- TT-BYTngày 23/8/2004 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, đã đưa ra khái niệm về thực phẩm chức năng: “TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, tạo cho cở thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật”.

Tuy nhiên, đã không ít đơn vị lợi dụng thực phẩm chức năng để quảng cáo như những thuốc chữa bệnh. Vì vậy, bạn đọc cần phân biệt giữa thực phẩm chức năng và thuốc.

Tiêu chí về thuốc: Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và khối ASEAN, đối với sản phẩm là thuốc, cần các tiêu chí sau:

- Nguyên liệu: là chất hoặc hợp chất.

- Là thương phẩm: phải có tính thông dụng, phổ biến và theo luật định; được bán và sử dụng theo quy định của Bộ Y tế và được kiểm định rất nghiêm khắc, phải đạt được những tiêu chuẩn rõ ràng: nguyên liệu làm thuốc, hoạt chất gì ? Tác dụng như thế nào? Sựï chuyển hóa trong cơ thể và chúng được đào thải ra sao? Thuốc có tác dụng phụ như thế nào? Hàm lượng bao nhiêu?...

Đối với thực phẩm chức năng: Nguyên liệu là thực phẩm chức năng. Nếu thành phẩm được công nhận là thuốc cũng phải thông qua kiểm nghiệm nghiêm khắùc và tuân thủ theo các tiêu chí về thuốc. Điều khác cơ bản so với thuốc, TPCN là sản phẩm hỗ trợ điều trị và dự phòng bệnh, chỉ dành cho người.

Cần phải tránh sự nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm. Trong quá trình sản xuất của mỗi loại, được áp dụng theo quy trình công nghệ khác nhau (thành phẩm sản xuất theo quy trình thực phẩm thì được xem là thực phẩm chức năng; sản xuất theo quy trình của thuốc điều trị thì chúng được xem là thuốc), và mỗi sản phẩm đều phải tuân theo những luật định của từng loại.

Sử dụng TPCN thế nào là an toàn?

- Thưa PGS, trước tình hình mua bán và sử dụng TPCN như hiện nay, làm thế nào sử dụng TPCN an toàn?

PGS.TS Trương Văn Tuấn - giảng viên bộ môn bào chế ĐH Y dược TP.HCM, chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TP.HCM:

Về nguyên tắc, TPCN không được chứa các hoạt chất, kể cả gốc hóa dược và cây cỏ, với hàm lượng độc, mạnh như thuốc điều trị. Vì vậy, trên lý thuyết có thể dùng mỗi ngày. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thông thường đối với người bệnh, khi dùng TPCN kèm các loại dược phẩm chữa trị sẽ có hai nguy cơ xảy ra. Nếu thuốc và TPCN đó có cùng hoạt chất thì khả năng làm tăng nồng độ hoạt chất ấy lên cao. Nguy cơ thứ hai là sự tương tác bất lợi giữa các hoạt chất dẫn đến sự phá hủy hoạt tính của thuốc điều trị. Cả hai nguy cơ đều cho hậu quả khó lường.

Cách hành xử tốt và an toàn nhất là không biết thì phải hỏi, phải nghe giới chuyên môn tư vấn chứ không nên nghe người này, người nọ rồi mua về sử dụng. Cần xem xét cả ba tiêu chí chất lượng, hiệu quả và an toàn khi quyết định dùng TPCN. Đối với các sản phẩm đã được cấp phép lưu hành, độ tin cậy cũng chỉ dựa vào thông tin Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chứng nhận tiêu chuẩn có ghi trên bao bì sản phẩm (ký hiệu/YT-CNTC). Ít nhất cũng còn hơn hàng xách tay, hàng lậu vì nó cũng đã được một cơ quan y tế xét duyệt và cấp phép dựa trên hồ sơ mà nhà sản xuất, nhà phân phối đã đăng ký.

Thật ra, trong chế độ ăn uống hằng ngày nếu đã có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để duy trì sức khỏe thì không cần thiết phải dùng các loại TPCN.

Tuy nhiên, lời khuyên chân thành của tôi là hãy nhìn xung quanh còn có rất nhiều công cụ giúp chúng ta duy trì sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Bên cạnh thói quen ăn uống, đừng quên thói quen vận động, tập luyện và thay đổi lối sống, đó mới chính là điều kiện đủ để có một sức khỏe sung mãn. Đồng thời tránh được những lạm dụng không cần thiết trong việc dùng thuốc, dùng TPCN.

QUÁCH HOÀNG (TỔNG HỢP)