Theo thống kê, trên thị trường Việt Nam đang có gần 500 dòng sản phẩm sữa. Tuy nhiên, lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và chủ yếu phục vụ cho sản xuất sữa nước. Khoảng 70% còn lại là nhập khẩu, trong đó 50% là sữa nguyên liệu và 20% là sữa thành phẩm. Rõ ràng thị trường sữa ở Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào hàng nhập khẩu, từ số lượng, chủng loại mặt hàng, giá cả đến phương thức mua bán và điều đó đã tạo ra một sự cạnh tranh quyết liệt giữa sữa nội và sữa ngoại trên thị trường.
Hãy là người tiêu dùng thông minh khi lựa chọn sữa cho bé |
Mặc dù được đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, chất lượng sản phẩm không thua kém sữa ngoại, lại có lợi thế về nhân công, vận chuyển và nhiều yếu tố khác nên giá thành hợp lý hơn, sữa lại tươi, mới hơn sản phẩm nhập khẩu, nhưng sữa nội vẫn đang “lép vế”. Nguyên nhân một phần là do các hãng sữa ngoại có chiến lược quảng cáo - tiếp thị tốt hơn, mẫu mã bắt mắt hơn, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tâm lý “sính ngoại” của phần lớn người dân Việt Nam vẫn chưa thay đổi. Lợi dụng điều này, một lượng lớn sữa ngoại không rõ nguồn gốc đã tràn vào Việt Nam dưới hình thức “hàng xách tay” (thực tế là buôn lậu), đặc biệt tai hại hơn là vấn nạn sữa giả, sữa nhái đang xuất hiện nhiều nơi.
Vì sao nhiều NTD thích dùng “hàng xách tay”?
'Abbott, Friso, Mead Johnson... không phải là sữa bột’
Thêm sữa Frezzi dính nghi án mập mờ thông tin như Danlait
Sau vụ Danlait, hàng loạt nhãn sữa ngoại bị nghi ngờ nguồn gốc
Đánh vào tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng quảng cáo rằng “hàng xách tay” là sản phẩm chính hãng, được sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam dưới hình thức “xách tay” trốn thuế nên giá rẻ hơn. Điều đó đã tạo tâm lý cho người mua tin rằng “hàng xách tay” là hàng “xịn”.
Lợi dụng tâm lý này, nhiều cơ sở chuyên làm hàng nhái đã sản xuất các loại hàng “rởm” dán mác các nhãn hiệu nổi tiếng để tung ra thị trường đánh lừa người tiêu dùng dưới chiêu bài “hàng xách tay”. Anh Nguyễn Văn Huy - một tài xế chuyên chạy xe tải tuyến TP.HCM – Lạng Sơn cho biết: “Có rất nhiều sản phẩm được dán mác sữa bột các hãng nổi tiếng nhưng lại được “xách tay” từ Trung Quốc về”.
Thực tế có nhiều sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài có hàm lượng đạm (protein) rất thấp, theo quy chuẩn của Bộ Y tế thì những sản phẩm đó được xếp vào nhóm “thực phẩm bổ sung”, không có đầy đủ chất dinh dưỡng như các sản phẩm sữa, nhưng khi mang về bán ở thị trường Việt Nam lại được quảng cáo là sữa để bán giá cao gấp nhiều lần.
Rõ ràng những người không biết cứ cho con cái sử dụng các sản phẩm như thế để thay thế sữa trong một thời gian dài không những bị móc túi một lượng tiền lớn mà còn ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng và quá trình phát triển của con cái do loại “sửa rởm” này không đủ độ đạm để đáp ứng nhu cầu phát triển của bé dẫn đến suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến trí não.
Lời khuyên chọn sữa cho bé từ chuyên gia
Chị Nguyễn Thị Thanh, nhân viên một cửa hàng trên đường Nguyễn Thái Học – TP.Vinh (Nghệ An) cho biết: Mặc dù các loại sữa bột ngoại giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3, gấp 4 lần so với các dòng sữa nội nhưng phần lớn khách hàng vẫn thích mua sữa ngoại. Đa số người tiêu dùng cho rằng “tiền nào của nấy”, sữa càng đắt tiền càng tốt chứ họ không biết nên dùng loại sữa nào thì phù hợp với thể trạng của con cái mình để có hiệu quả tốt nhất. “Tôi làm ở cửa hàng kinh doanh sữa, ở đây có hàng trăm loại sữa khác nhau, trong đó có những loại sữa ngoại gần 1 triệu đồng/1 hộp, nhưng cả hai bé của tôi từ lúc sinh ra đến bây giờ tôi toàn cho dùng sữa nội, phù hợp với mức thu nhập của tôi mà vẫn tốt”, chị Thanh nói. Chị Võ Thị Thúy (phường Lê Lợi – TP Vinh) cũng chia sẻ: “Tôi mới sinh con gái đầu được 10 tháng. Khi ra đời, bé cân nặng 3,2kg. Bạn bè đến thăm tặng rất nhiều loại sữa ngoại đắt tiền. Tôi ít sữa nên phải cho con dùng thêm sữa bột, nhưng hơn 2 tháng sau vẫn thấy bé chậm lớn, tiêu hóa không bình thường và có hiện tượng vàng da. Đến viện Nhi được bác sĩ tư vấn chỉ nên cho bé dùng một loại sữa phù hợp. Tôi tìm hiểu và được biết có sản phẩm Dielac Alpha của Vinamilk được nhiều người dùng tốt nên mua về cho bé dùng thử một thời gian và nhận thấy bé phát triển rất tốt, trọng lượng cơ thể tăng nhanh, tiêu hóa ổn định và bé ngủ ngon giấc. Từ đó tôi chỉ cho bé dùng duy nhất loại sữa này và đến nay bé của tôi mới tròn 10 tháng đã cân nặng 11,8 kg, cao 0,76m, bé rất năng động và thông minh”. TS Nguyễn Hữu Toản – nguyên Trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đưa ra lời khuyên khi lựa chọn sữa cho con cái nên tìm hiểu kỹ các thông tin. Trước hết sữa phải có nguồn gốc, thông tin rõ ràng; thứ hai là phải lựa chọn sản phẩm phù hợp với thể trạng, nhu cầu dinh dưỡng của bé. Sữa bột cho trẻ em ở mỗi thị trường thường được nhà sản xuất đưa ra mỗi công thức khác nhau để phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của bé sinh sống ở môi trường khí hậu và nhiệt độ ở đó. Cũng theo TS Nguyễn Hữu Toản việc nhiều người cẩn thận nhờ người quen ở nước ngoài mua sữa gửi về cho bé dùng, như thế chưa chắc đã tốt, bởi những sản phẩm đó có thể không phù hợp với trẻ em Việt Nam. Thời gian gần đây, nhiều bà mẹ lựa chọn cho bé sử dụng các sản phẩm được sản xuất trong nước, tôi cho đó là một sự lựa chọn thông minh. Bởi vì nhiều sản phẩm sữa nội hiện nay được đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, thành phần dinh dưỡng phù hợp và chất lượng tương đương sữa ngoại mà giá lại phải chăng hơn rất nhiều.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Hoàng Vi