Chúng ta đều biết thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, đảm bảo sức khỏe con người, nhưng cũng chính là nguồn gây bệnh rất nhanh nếu không đảm bảo an toàn.
Sử dụng các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh trước mắt có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt… nhưng nguy hại hơn là khi sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng thì mỗi ngày đều sẽ bị tích lại một phần độc tố trong cơ thể, các cơ quan nội tạng phải chịu tổn thương… lâu ngày làm suy giảm hệ thống miễn dịch, gây bệnh nặng như ung thư, vô sinh…
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, trong các nguyên nhân dẫn đến ung thư, yếu tố nội sinh và di truyền chỉ chiếm dưới 10%, thậm chí chỉ 1-2% như ung thư vú, 90% còn lại là do môi trường.
Trong đó, nguyên nhân từ thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, vì thực phẩm bẩn có chứa các chất độc hại gây ra sự đột biến tế bào ở cơ thể con người.
"Thực phẩm bẩn là quốc nạn của Việt Nam. Đó chính là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng ung thư gia tăng như hiện nay", Giáo sư Đức chia sẻ.
Những thiệt hại khi không đảm bảo an toàn thực phẩm gây nên nhiều hậu quả khác nhau, từ bệnh cấp tính, mạn tính đến tử vong.
Người tiêu dùng nên lựa chọn các thương hiệu an toàn cho sức khỏe. |
Thiệt hại chính do các bệnh gây ra từ thực phẩm đối với cá nhân là chi phí khám bệnh, phục hồi sức khỏe, chi phí do phải chăm sóc người bệnh, mất thu nhập do phải nghỉ làm … Đối với nhà sản xuất, đó là những chi phí do phải thu hồi, lưu giữ sản phẩm, hủy hoặc loại bỏ sản phẩm, những thiệt hại do mất lợi nhuận, do thông tin quảng cáo… và thiệt hại lớn nhất là mất lòng tin của người tiêu dùng.
Ngoài ra còn có các thiệt hại khác như phải điều tra, khảo sát, phân tích, kiểm tra độc hại, giải quyết hậu quả
Do vậy, bảo đảm an toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, không những ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên đến sức khoẻ nhân dân, đến sự phát triển giống nòi, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hoá, phát triển du lịch, thương mại và uy tín quốc gia.
Đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ tăng cường nguồn lực con người, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và mở rộng quan hệ quốc tế.
Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa. |
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người tiêu dùng nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc, có mùi khó chịu.
Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.
Trong trường hợp phát biểu cơ sở kinh doanh nào bán hàng có biểu hiện kém chất lượng hoặc có nghi ngờ là hàng giả, hàng nhái… người tiêu dùng nên chủ động báo cho Cục An toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm địa phương, quản lý thị trường… để có các biện pháp kiểm tra, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe của cộng đồng.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo vào các dịp lễ tết, thị trường xuất hiện nhiều hơn các loại bánh kẹo kém chất lượng, vì vậy cần lưu ý: Bánh kẹo nằm trong danh mục thực phẩm thường bắt buộc phải đảm bảo đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm, khi lưu thông trên thị trường phải công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại cơ quan y tế có thẩm quyền. Vì vậy, khi lựa chọn sản phẩm, người tiêu dùng cần lưu ý một số vấn đề: + Chọn mua các sản phẩm bánh kẹo đã được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (xem trên nhãn mác có ký hiệu: (số thứ tự)/(năm cấp YT+tên viết tắt tỉnh, thành phố -XNCB). + Lựa chọn bánh kẹo của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua phải hàng nhái kiểu dáng, nhãn hiệu. + Quan sát kỹ thông tin trên bao bì bánh kẹo (nơi sản xuất, ngày sản xuất, ngày hết hạn, thành phần, cách bảo quản sản phẩm). + Mua giỏ quà cần chú ý chất lượng bánh kẹo bên trong, nên tự chọn bánh kẹo rồi nhờ chủ quán xếp thành giỏ quà. |