Cách đây vài ngày, một chiếc container đã suýt gây tai nạn chết người tại Tp.HCM do lái xe ngủ gật. Ít tháng trước, cũng vì lý do này, một chiếc xe hơi với tài xế “thiếp ngủ” sau vô-lăng đã gây tai nạn cướp đi sinh mạng của 7 người ở Bình Định.
Hiện tượng ngủ gật khi đang lái xe không loại trừ bất cứ ai và để chống lại cơn buồn ngủ trong lúc điều khiển xe không hề dễ dàng. |
Trên thực tế, hiện tượng ngủ gật khi đang lái xe không loại trừ bất cứ ai và để chống lại cơn buồn ngủ trong lúc điều khiển xe không dễ một khi bạn đang mệt mỏi, thiếu ngủ hoặc điều khiển xe nhiều giờ liên tục, đặc biệt vào ban đêm.
Mặc dù vậy, nếu tạo được ý thức tốt, người điều khiển xe không khó để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn khi cơn buồn ngủ ập đến trong lúc đang vận hành xe trên đường.
Về trạng thái sinh lý của con người, khi buồn ngủ, các giác quan và phản xạ của người điều khiển xe sẽ chậm lại, độ tỉnh táo giảm, rất dễ căng thẳng làm giảm khả năng xử lý tình huống. Các hiện tượng thường thấy ở một tài xế bị coi là đang “gà gật” gồm nhắm mắt thay vì chớp mắt, đầu lắc lư về phía trước rồi gật gù về phía sau và thay vì đảo mắt quan sát đường đi hay nhìn gương chiếu hậu, ánh mắt thường đờ đẫn và chỉ tập chung hướng về một điểm cố định,...
Nguyên nhân của tình trạng buồn ngủ khi lái xe chủ yếu bởi thiếu ngủ hoặc điều khiển xe khi cơ thể mệt mỏi tự nhiên theo quy luật vận động hằng ngày. Nhiều trường hợp tài xế bị “gật gà gật gù” xuất phát từ việc sử dụng thuốc chồng dị ứng, cảm cúm… trước khi lái xe.
Để luôn có những chuyến đi an toàn thì việc giữ cho tinh thần và cái đầu tỉnh táo mỗi khi ngồi sau vô-lăng là một trong nhiều yếu tố hết sức quan trọng. Nó được tạo nên từ ý thức của từng cá nhân khi tham gia giao thông và từ những quyết định tức thời trong mỗi tình huống cụ thể.
Dưới đây là vài mẹo hay có thể giúp tài xế tự mình chiến thắng cơn buồn ngủ để lái xe an toàn.
Trước hết, khi bất chợt gặp cơn buồn ngủ, hãy đánh giá mức độ chịu đựng của cơ thể, mức độ quan trọng và thời gian của công việc mà bạn đang trên đường đi giải quyết,… để đưa ra quyết định có nên tiếp tục hành trình hay đi tìm chỗ nghỉ ngơi hoặc lập tức dừng xe ngủ luôn dọc đường.
Nếu bạn đã có kế hoạch cho một chuyến đi dài, nên dành thời gian ngủ đủ giấc (từ 6 tiếng trở lên). Tránh tuyệt đối tình trạng làm cật lực rồi lái xe đi đường dài và không nên sử dụng các loại thuốc gây buồn ngủ như thuốc chống dị ứng, thuốc cảm cúm trước và trong khi lái xe. Ngoài ra, nên tranh thủ điều khiển xe vào những lúc tỉnh táo và nghỉ đêm thay vì lái thông cả ngày lẫn đêm.
Nếu chặng đường đi dài và không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, bạn nên tìm cho mình bạn đồng hành có khả năng lái xe. Việc này sẽ giúp bạn có sự chia sẻ sức lực và duy trì sự tỉnh táo trong quá trình điều khiển xe.
Với những người ít có điều kiện lái xe đường dài, nếu công việc không thực sự gấp gáp thì nên lựa chọn thời điểm khởi hành thích hợp, tránh lái xe vào giữa trưa hay lúc gần sáng.
Trường hợp không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và cơ thể vẫn có thể tiếp tục chịu đựng thêm được chặng đường mà bạn chắc chắn sẽ đảm bảo an toàn, thì khi cảm thấy có dấu hiệu buồn ngủ, hãy nhanh chóng dừng và thoát khỏi xe, hít thở sâu cho đến khi cơ thể cảm thấy sẵn sàng để tiếp tục hành trình.
Một số chất kích thích thần kinh như cà phê hoặc trà cũng có tác dụng lấy lại sự tỉnh táo theo thói quen sử dụng của mỗi người. Cũng có người lại thường dùng nước tăng lực để giữ trạng thái minh mẫn, đặc biệt là khi chạy xe vào ban đêm. Tuyệt đối tránh các loại đồ uống có cồn trước và trong quá trình điều khiển xe.
Khi đi đường dài, hãy tạo thói quen dừng nghỉ và vận động sau mỗi hai giờ điều khiển xe, cho dù lúc đó bạn chưa rơi vào trạng thái mệt mỏi. Cột sống của bạn sẽ là bộ phận cảm thấy hài lòng với thói quen này, nhưng trên hết, nó sẽ làm cho bạn kéo dài được sự tỉnh táo trong quá trình chạy xe.
Đừng chủ quan, không ỷ lại vào sức khỏe bản thân, nên giữ gìn trước khi phải dành nhiều thời gian và tiền bạc để hồi phục, bạn nên quyết định thời điểm dừng xe đúng lúc và đừng sợ việc phải khóa cửa xe, mở hé cửa kính trước khi chìm vào giấc ngủ sâu ở một địa điểm an toàn nào đó trên hành trình mà bạn đang trải qua.
Theo VnEconomy