Nghi con bị sởi... đi viện hay ở nhà?

17/04/2014 14:24
Theo Vietnamnet
Người khuyên nên đưa con đi viện khám, người khuyên không nên vì sợ nguy cơ lây nhiễm, nhiều bà mẹ lóng ngóng không biết xử trí thế nào khi con nghi vấn bị sởi...

Nghi con bị sởi... đi viện hay ở nhà?

Hoang mang, lo lắng là tâm lý chung của các bà mẹ đang nuôi con nhỏ trước những con số tử vong ngày một tăng vì sởi. Các bà mẹ theo dõi, cập nhật tin tức liên tục về dịch bệnh, nhưng quá nhiều thông tin cũng khiến họ lóng ngóng, không biết xử lý thế nào khi con có biểu hiện nghi của sởi.

Rất nhiều bà mẹ chọn cách đưa thông tin lên mạng xã hội để xin tư vấn của những người làm cha, làm mẹ khác.

Bà mẹ có nickname Mẹ Cino đưa thông điệp “cầu cứu” trên facebook: “Bé nhà mình bị sốt cao liên tục 3 ngày. 39-40 độ. Đi xét nghiệm thử máu thì kết luận sốt virut. Ngày thứ 4 bắt đầu phát ban. Đi khám thì bác sỹ nói không có triệu chứng rõ rệt của sởi. Có thể chỉ là sốt phát ban. Bác sỹ cũng nói nếu là sởi thì cũng không nên cho vào viện vì dễ lây viêm phổi, sẽ biến chứng rất nặng. Nên chăm sóc tại nhà. Nhưng sáng nay thì ban nổi dày đặc. Mắt mũi con hơi sưng. Mũi hơi khò khè. Mình đã mua vitamin A sẵn từ hôm qua, liều 10.000 IU. Các mẹ coi giúp mình xem có đúng bé bị sởi không ạ?”

Có người khuyên nên đưa con nhập viện ngay, có người khuyên nên tự chăm sóc ở nhà vì “đưa vào viện xét nghiệm bây giờ còn dễ lây nhiễm nhiều bệnh hơn”, người bảo sởi, người bảo không phải sởi, người khuyên tắm lá thuốc nam, người khuyên chỉ nên tránh gió, vệ sinh cho con không cần phải thuốc thang gì cả.

Mỗi người đưa ra một ý khiến bà mẹ này hoang mang không biết nên xử trí thế nào “bị thế này không đưa vào viện thì không biết là bị làm sao mà đưa vào thì khả năng bị lây là rất cao”.

Cũng hoang mang trước các thông tin trái chiều liên quan đến dịch sởi, chị Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) không biết phải xử trí ra sao. Chị đang nuôi 2 con nhỏ, khi nghe tin dịch sởi bùng phát chị cũng theo “phong trào” đi mua hạt mùi về tắm cho các con, nhưng một số tờ báo lại cho rằng hạt mùi không có tác dụng gì với sởi, chị không biết xử trí ra sao.

“Người bảo có tác dụng chống sởi, người bảo không có tác dụng gì, và nếu bị sởi rồi mà tắm hạt mùi thì còn nặng hơn. Chả biết đâu mà lần nữa”, chị Nga chia sẻ.

Một bà mẹ trẻ tên Huyền cũng phân vân không biết nên hay không nên cho con tiêm phòng sởi vào thời điểm này hay không. “Bé mình 16 tháng. Chưa tiêm mũi sởi nào. Vì từ khi 9 tháng, cứ đến lịch đi tiêm bé lại bị ốm. Giờ lại dịch mà có 1 số mẹ nói là không nên cho con đi tiêm. Làm mình thấy băn khoăn”, bà mẹ này chia sẻ.

Lời khuyên của bác sĩ là...


PGS Nguyễn Tiến Dũng trưởng khoa Nhi của BV Bạch Mai cho biết trên Infonet rằng tâm lý nôn nóng với sởi của nhiều bậc phụ huynh khiến con mình có thể nhiễm sởi thật khi đưa con đến những nơi đông người.


Bệnh sởi lành tính, điều trị ngoại trú ở nhà theo thuốc và dặn dò của bác sĩ là bệnh sẽ khỏi. Nhưng bố mẹ lại muốn con được nằm viện và điều này dẫn đến lây chéo. Có trẻ bị suy dinh dưỡng nên khi mắc sởi rất dễ bị biến chứng do sức đề kháng kém.

Nhiều cháu bé chỉ sốt phát ban thông thường nhưng cha mẹ đòi cho con nhập viện bằng được. Khi bác sĩ giải thích họ vẫn không hiểu và cho rằng mất quyền khám chữa bệnh. Chính điều này cũng khiến cho tình hình dịch sởi thêm căng thẳng.

“Cha mẹ cần phân biệt đâu là sởi, đâu là phát ban thông thường. Việc này giúp tích cực làm giảm đáng kể những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi, nhất là biến chứng viêm phổi nặng có thể gây tử vong nhanh chóng ở trẻ bị sởi nặng”, bác sĩ Dũng đưa ra lời khuyên.

PGS Phạm Nhật An -  Phó GĐ Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, một sai lầm của bố mẹ nữa là trong khi con bị sởi đã đưa trẻ ra ngoài gió đến phòng khám hoặc bệnh viện. Trên đường đi trẻ có thể bị bội nhiễm, gió lạnh gây viêm hô hấp...

Bệnh viện Nhi trung ương từng tiếp nhận cháu bé chỉ bị sốt thông thường, khi con hạ sốt nhiều mồ hôi bố mẹ cởi phanh áo con ra sau đó trẻ bị cảm lạnh và viêm hô hấp. Khi viêm hô hấp đưa con đến bệnh viện và bị lây chéo sởi.

Trẻ bị viêm hô hấp trước mà nhiễm thêm sởi vi rút tấn công rất nhanh. Có cháu bé đến bệnh viện khám hôm nay rất khỏe nhưng ngày mai đã suy hô hấp nặng.

Phân biệt sởi và sốt phát ban

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng trưởng khoa Nhi của BV Bạch Mai nguyên nhân gây sốt phát ban hầu hết do nhiễm virus thông thường (70 – 80%), trong đó nhóm virus đường hô hấp luôn chiếm đa số và hầu hết là những virus lành tính.

Còn sởi do virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virus cấp tính. Sốt phát ban và bệnh sởi đều có biểu hiện như sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 – 39 độ C, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao, trẻ đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp, biếng ăn, biếng bú, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy.

Phát ban thông thường là những ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.


Còn sởi thì ban xuất hiện ở sau tai trước, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực, bụng và ra toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban gồ lên mặt da, khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da. Khi trẻ bị sởi có thêm dấu hiệu đặc trưng đi kèm là chảy nước mũi, ho và mắt đỏ.

Không tự ý “chữa bệnh” cho con

PGS Phạm Nhật An -  Phó GĐ Bệnh viện Nhi trung ương cho biết cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc đông y cho con, nếu dùng thuốc kháng sinh thì phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, không sử dụng thuốc có thành phần của corticord vì sởi kị nhất với corticord trong khi thành phần này có ở rất nhiều thuốc.

Nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều… thì lúc đó phải đưa đến bệnh viện điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm.

Tuyệt đối không tắm hạt mùi cho trẻ khi đã nổi ban


Gần đây, các bà mẹ truyền nhau kinh nghiệm về tắm nước lá mùi già hoặc hạt mùi để phòng chống sởi, bác sĩ Nguyễn Văn Thường BV Đa khoa Xanh Pôn cho biết ông chưa đọc tài liệu nào cho biết mùi có thể phòng sởi tuy nhiên về đông y loại cây này có tính sát khuẩn tốt nên người dân dùng thay nước lá tắm.

Tuy nhiên, việc sử dụng lá mùi, hạt mùi như thế nào để các bé an toàn là điều cần thiết. Có ông bố, bà mẹ ngày nào cũng lôi con ra tắm nước lá mùi dù bản thân đứa trẻ đang bị ốm để mong ban nổi nhanh hơn là sai lầm. Trong quá trình nổi ban tuyệt đối không được tắm cho trẻ vì dễ biến chứng.

Tiêm phòng sởi là hữu hiệu nhất


Theo PGS Phạm Nhật An -  Phó GĐ Bệnh viện Nhi trung ương việc tiêm phòng sởi vô cùng hữu ích không chỉ cho đứa trẻ mà tương lai đứa trẻ sẽ được bảo vệ sởi hoàn toàn và thế hệ sau cũng được truyền miễn dịch.

Lý giải điều này, PGS An cho biết bởi khi trẻ dưới 9 tháng tuổi nếu mẹ có miễn dịch sởi, cho con bú thì đứa trẻ vẫn nhận được miễn dịch từ mẹ. Nhưng ở Việt Nam nhiều mẹ không có miễn dịch sởi nên con dưới 9 tháng đã bị mắc sởi.

Theo Vietnamnet