Tiền và quyền vốn là đôi bạn đồng hành từ thủa loài người sáng tạo ra tiền, ngay từ khi ra đời Tiền và Quyền đã tạo nên “Cặp đôi hoàn hảo”, sự kết hợp tiền – quyền tạo nên các vòng xoắn trong bản đồ gen xã hội loài người để rồi càng ngày càng khó giải mã.
Ngày nay vẫn có người nêu câu hỏi “tiền đẻ ra quyền hay quyền đẻ ra tiền”? Một câu trả lời thỏa mãn mọi quan điểm, mọi góc nhìn dường như là không thể, nó cũng giống như câu chuyện con gà-quả trứng. Ở các nước “đặc sệt” tư bản, muốn nắm quyền, muốn trở thành thượng nghị sĩ hoặc tổng thống phải có thật nhiều tiền. Mỗi cuộc vận động trước bầu cử tốn kém có khi lên đến cả tỷ đô la và phần lớn số tiền đó đến từ các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia.
Đổi lại các tập đoàn này sẽ hưởng lợi từ các chính sách mà người đắc cử mang lại. Những người đắc cử thu lợi vật chất không nhiều mà chủ yếu là danh tiếng và sự nghiệp chính trị. Còn ở một số nước, chẳng hạn ở Trung Quốc, bằng quyền lực trong bộ máy lãnh đạo, Chu Vĩnh Khang đã vơ vét một khối tài sản có giá trị lên đến 16 tỷ đô la, hay tướng Pongpat Chayapan, Cục trưởng Cục Điều tra Trung ương Thái Lan với khối tài sản bị tịch thu có thể chất đầy mấy chục xe tải!
Nếu chỉ nhìn vào một số ví dụ nêu trên thì có thể kết luận “quyền đẻ ra tiền”. Nhưng ngược lại muốn có quyền thì phải mua, mua từ chức trưởng thôn trở lên. Chẳng thế mà một cựu tướng lĩnh Trung Quốc đã chở cả một xe vàng đi hối lộ cấp trên, mà nếu đã thế thì lại là “tiền đẻ ra quyền”.
“Săn tham nhũng” – Tìm thợ săn ở đâu?
(GDVN) - Vì sao tham nhũng vẫn không bị đẩy lùi mà lại trở nên nguy hiểm hơn, từ chỗ đơn lẻ nay đã “trở thành bè cánh, bao che cho nhau”?
Dưới góc độ biện chứng, “tinh thần là sản phẩm của vật chất phát triển cao”, nói một cách dân dã thì vật chất là những gì thì có thể cầm, nắm, có thể nhìn thấy, ngửi thấy, còn tinh thần là sản phẩm vô hình không nhìn thấy bằng mắt, không cảm nhận được bằng các giác quan. Nếu thế thì tiền là vật chất còn quyền là tinh thần, và nếu thế thì “quyền là sản phẩm của tiền ở mức phát triển cao” nghĩa là mệnh đề đúng phải là “tiền đẻ ra quyền”?
Có lẽ do nắm bắt được “quy luật biện chứng” này nên không ít người bỏ ra một số tiền không nhỏ chỉ để chạy được một chân “công chức nhà nước” với mức lương tháng cỡ 200-300 USD. Không có tiền, anh sinh viên tốt nghiệp loại ưu vẫn có thể chỉ là anh tiếp thị mỹ phẩm, chị thạc sĩ vẫn có thể chỉ là cô giáo dạy thêm tại gia.
Vấn đề là sau khi “tiền đẻ ra quyền” thì quyền có đẻ ra tiền hay không? Câu trả lời là có, và cũng theo phép biện chứng, quá trình này luôn tuân thủ quy luật phát triển theo đường xoắn ốc, nghĩa là sau mỗi chu kỳ thì lại đạt đến mức độ cao hơn, quyền to hơn thì đẻ ra nhiều tiền hơn. To đến cỡ Chu Vĩnh Khang, ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, thì không “ngán” bất kỳ tỷ phú đô la nào trên thế giới.
Những “học giả vĩ đại” trong lĩnh vực Tiền-Quyền không thể không biết “Nghịch lý tiền-quyền”. Khái niệm “nghịch lý” có nét gì đó giống như “định lý” trong Toán học, Vật lý…, nghĩa là muốn được công nhận thì phải chứng minh.
Nghịch lý Tiền-Quyền phát biểu như sau: “ Với lượng tiền vô cùng lớn, nếu phân phát mãi cuối cùng sẽ hết, với quyền lực vô cùng lớn, nếu đem phân phát quyền sẽ tăng thêm”. Nghịch lý này còn được phát biểu dưới dạng rút gọn như sau: “tiền đem bố thí sẽ cạn, quyền đem bố thí lại đầy”.
Mệnh đề “Với lượng tiền vô cùng lớn, nếu phân phát mãi cuối cùng sẽ hết” giống như một tiên đề toán học luôn luôn đúng, không cần chứng minh.
Mệnh đề “với quyền lực vô cùng lớn, nếu đem phân phát quyền sẽ tăng thêm” là điều mà không phải ai cũng hiểu. Bằng quyền lực sẵn có (và to lớn) của bản thân, ban phát cho con, cháu, đệ tử và chiến hữu chức tước ở các cơ quan công quyền, các tập đoàn kinh tế…, tức là phân phát quyền lực, cũng chính là cách củng cố quyền lực, thâu tóm quyền lực, vì vậy việc ban phát quyền lực không làm mất đi quyền của người ban phát mà ngược lại nó giúp người ban phát có thêm sức mạnh chống lại các đối thủ trước mắt cũng như những kẻ nhăm nhe thọc gậy bánh xe.
Nghịch lý Tiền-Quyền vốn là sản phẩm của xã hội loài người và chỉ áp dụng đúng cho loài người, không thể áp dụng cho các hiện tượng tự nhiên.
Nghịch lý sẽ sinh ra nghịch lý, hệ quả rút ra từ “Nghịch lý Tiền-Quyền” là “Nghịch lý Quyền-Tiền”, đó là: “Quyền lực mang cung phụng cho kẻ khác thì sẽ mất hết, tiền mang cung phụng cho kẻ khác có thể sẽ được bù đắp nhiều hơn”.
Cũng là móc tiền túi đưa cho người khác nhưng không phải là bố thí mà là cung phụng thì dù có vơi song sẽ bù đắp bằng những thứ có giá trị khác, nhưng quyền lực mà mang cung phụng kẻ khác thì sớm muộn sẽ trở thành nô lệ, điều này đúng với từng cá nhân mà cũng đúng với cả quốc gia, dân tộc.
Hiến pháp nhiều nước quy định quyền lực quốc gia thuộc về dân chúng nghĩa là không có chuyện ban phát quyền lực cho dân, càng không thể cung phụng quyền lực cho ngoại bang. Hiểu được điều đó thì vừa giữ được quyền lực, vừa giữ được đất nước, ngược lại thì mất tất cả.
Binh pháp quan trường - Kế thứ năm “Đa ngân đắc tước”
(GDVN) - Bí quyết quan trọng nhất của kế “Đa ngân đắc tước” là đừng chọn tước cao, trèo cao có ngày ngã đau, hãy tập trung nguồn lực để chọn “tước béo” ...
Trên thế giới, những người giàu nhất không phải là những người nắm quyền lực quốc gia mà là các nhà kinh doanh. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là khá nhiều người giàu, người nắm quyền lực hành pháp thường chỉ có con gái. Ở đây không bàn đến chuyện trọng nam khinh nữ mà chỉ nêu một hiện tượng khó giải thích, phải chăng tự nhiên đã vận hành quy luật bù trừ?
Khổng Tử nói “luật của trời là lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu, luật của người là lấy chỗ thiếu bù chỗ thừa”, nếu quả như vậy thì vừa quyền lớn, vừa giàu có lại vừa “có nếp, có tẻ” chưa chắc đã là phù hợp với luật trời. Câu nói “nhân định thắng thiên” thường dễ ru ngủ người ta, giúp cho ai đó có đủ “dũng khí” làm liều hơn là thuận theo lẽ tự nhiên. Chính vì thế mới có câu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, ăn mặn lại kèm theo ăn bẩn thì chắc chắn con cháu sẽ không còn nước để mà uống. Không ít người xem điều đó là duy tâm, là cổ hủ không hợp với xu thế hiện đại.
Nhìn sang nước Nga hôm nay, dù bị Mỹ và cả liên minh châu Âu cấm vận, nước Nga vẫn đứng vững vì cơ cấu quyền lực theo kiểu hình chóp, đỉnh cao quyền lực chỉ có một người là Tổng thống Putin. Con người quyền lực ấy sống độc thân để có thể dành toàn bộ trí tuệ phục vụ đất nước. Ông Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống Putin nhận định: “tình yêu của người dân Nga dành cho Tổng thống Putin là minh chứng cho tình yêu của họ đối với đất nước Nga,…bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Putin cũng là nhằm vào nước Nga”. Putin một mình nhưng không đơn độc, bởi xung quanh ông là một đội ngũ trung thành và đại đa số người Nga ủng hộ .
Nhận thức được điều đó nên Putin không biến mình thành chiếc ô che chở cho dân chúng mà chỉ là người cầm cán, dân chúng là những nan tạo nên bộ khung còn lớp vải che chính là pháp luật. Mất lớp vải che chiếc ô trở nên vô dụng. Cả Tổng thống và người dân đều được pháp luật bảo hộ, đều ở dưới pháp luật. “Quyền lực kiểu ô” cho thấy không có chiếc cán vững chắc thì cả bộ gọng sẽ bị cụp xuống, lớp vải che sẽ nhàu nát, tuy thế chiếc cán không bao giờ được phép nằm trên bộ gọng và bộ gọng không bao giờ nằm trên lớp vải che.
Song hành với “quyền lực kiểu ô” là “quyền lực con quay”, đó là kiểu quyền lực trên to dưới nhỏ, trên nặng dưới nhẹ. Muốn con quay đứng vững thì nó phải luôn chuyển động, nhưng khi cái đầu con quay phình ra quá to, giống như quyền lực ở phía thượng tầng bị chia năm sẻ bảy thì lực cản cũng sẽ tăng theo. Con quay một khi quay chậm thì dễ bị đổ, đó là quy luật vật lý nhưng cũng lại đúng cho vấn đề xã hội.
Ngay cả khi “quyền lực con quay” đang vận hành trơn tru, thì sự co kéo quyền lực ở phía thượng tầng sẽ làm cho con quay mất tính đối xứng, chỗ bị phồng ra, chỗ bị lõm vào, kèm theo đó là sự tích tụ vật chất ở những chỗ “phồng ra” sẽ làm mất trạng thái cân bằng, làm giảm tốc độ quay khiến con quay dễ bị lệch tâm, điều này các nhà khoa học tự nhiên và xã hội đều biết, tuy biết nhưng không phải ai cũng muốn né tránh.
Sự phân tán quyền lực rất dễ dẫn tới tình trạng không có ai chịu trách nhiệm cá nhân. Đây chính là nguyên nhân khiến quyền lực quốc gia suy yếu trước cả hai loại giặc nội xâm và ngoại xâm.
Tập trung quyền lực đi đôi với cơ chế kiểm soát quyền lực là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Một bộ trưởng không thể cách chức thứ trưởng hoặc cấp dưới đồng nghĩa với việc không thể quy trách nhiệm cho người đó. Ngược lại dù bất kỳ chức vụ nào, làm sai thì phải bị xử theo luật pháp nhà nước chứ không phải chỉ bị kỷ luật.
Một quốc gia nghèo về kinh tế, phân tán về quyền lực không bao giờ là quốc gia mạnh, đó chính là điều mà các cặp mắt cú vọ ngày đêm nhòm ngó mong muốn.