Nhân lực ngành y tế Việt Nam đóng vai trò quan trọng phát triển đất nước

25/10/2020 16:19
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực ngành Y tế luôn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Nhân lực ngành Y tế bao gồm bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, dược sĩ… là thành phần vô cùng quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) liên quan đến sức khỏe.

Đội ngũ nhân lực y tế đa chuyên ngành, có chuyên môn tốt có khả năng cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao và lấy người dân làm trung tâm là vô cùng cần thiết để đáp ứng nhu cầu y tế đang thay đổi tại Việt Nam, đặc biệt là sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm và già hóa dân số.

Trong công cuộc cải cách hệ thống Y tế tại Việt Nam, một trong những việc trọng tâm là tập trung xây dựng nhân lực ngành Y tế.

Cụ thể, cần xây dựng đôi ngũ cán bộ y tế có trình độ, đặc biệt ở tuyến cơ sở; có cơ chế chính sách đảm bảo chất lượng chuyên môn y tế và chất lượng đào tạo tại các trường đại học y; và đảm bảo mức lương xứng đáng cho các cán bộ y tế.

Tại Việt nam, số lượng các cơ sở đào tạo y tế và sinh viên y khoa tốt nghiệp đã tăng lên nhanh chóng trong hai thập kỷ qua. Số lượng trường đại học có đào tạo bác sĩ đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 1997, từ 09 trường lên đến tổng số hiện tại là 17 trường. Số lượng bác sĩ mới tốt nghiệp hàng năm đã tăng gần gấp ba lần sau một thập kỷ.

Mục tiêu đến năm 2025 đưa 450 bác sỹ trẻ về công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Mục tiêu đến năm 2025 đưa 450 bác sỹ trẻ về công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Nghề Y là một nghề đặc biệt

Nhân lực ngành y tế phải đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và y đức, vì thế cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.

Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe.

Để thực hiện mục tiêu đó, cần xây dựng hệ thống mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân, được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.

Trong phát triển ngành y tế, bên cạnh việc xây dựng khung khổ pháp lý thống nhất; xây dựng mạng lưới y tế đồng bộ trong toàn quốc; đầu tư nguồn lực tài chính một cách thỏa đáng để ngành y tế có thể làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Nhà nước còn phải xây dựng, đào tạo đủ và phân bổ hợp lý nguồn nhân lực cho cho ngành y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của quần chúng nhân dân.

Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Bởi một trong những yếu tố quyết định đến vai trò của nhà nước đối với quản lý phát triển y tế là đội ngũ nhân lực. Nguồn nhân lực y tế có đủ năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức… có vai trò quan trọng dẫn đến thành công hay thất bại trong việc nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo của mình đối với công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Các chính sách của nhà nước trong lĩnh vực y tế có đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn hay không, việc thực hiện các chính sách ấy có hiệu quả hay không, có phát huy được tác dụng hay không? Phụ thuộc vào năng lực, phẩm chất, đạo đức của nguồn nhân lực y tế.

Mặt khác, nhu cầu về thầy thuốc và cán bộ thuộc nhiều chuyên môn khác nhau cũng đang đòi hỏi phải đào tạo bác sĩ, dược sĩ, y tá, hộ lý với số lượng ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, nắm bắt các kiến thức y học hiện đại, giỏi thực hành, có y đức tốt…

Trong xây dựng đội ngũ cán bộ y tế nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi nhà nước phải có chính sách thích hợp, thể hiện ở tất cả các khâu từ tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ và tôn vinh…

Một số kết quả phát triển nguồn nhân lực Y tế

Nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực y tế đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhà nước đã có rất nhiều chính sách nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế và đã đạt được một số thành tựu đáng kể:

Đa dạng hóa các hình thức đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế. Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách nhằm đa dạng hóa các hình thức đào tạo khác nhau để phát triển nguồn nhân lực cho các tuyến y tế.

Cả nước có 7 trường đại học tham gia đào tạo cử tuyển với số lượng 1.448 bác sĩ và 24 điều dưỡng. Với hình thức đào tạo theo địa chỉ, cả nước có 13 trường đại học tham gia, đáp ứng 71% nhu cầu cử người đi học của các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTG phê duyệt Đề án “Khuyến khích và phát triển nhân lực y tế chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013-2020”, tạo ra sự thu hút trong đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực thuộc các chuyên ngành khó thu hút này.

Các văn bản quy định chính sách ưu đãi nghề, phụ cấp đặc thù đã phát huy hiệu quả, bước đầu giải quyết một phần thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực y tế và tạo bước đột phá, cung cấp đội ngũ nhân lực y tế đông đảo, bao phủ toàn bộ các cơ sở y tế ở các tuyến trên toàn quốc với các trình độ, chuyên ngành đa dạng, tạo sự thay đổi về chất nguồn nhân lực y tế trên cả nước.

Số lượng và chất lượng nhân lực y tế tăng qua các năm. Kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng và tác động của các chính sách khuyến khích góp phần tăng nhanh số lượng và chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực y tế.

Việc bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống y tế trong việc thực hiện tốt vai trò chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Để tăng cường nhân lực cũng như chất lượng nguồn nhân lực cho các địa phương, các vùng kinh tế khó khăn, Nhà nước chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ.

Tác động tích cực của các chính sách ấy là số lượng cán bộ y tế tuyến cơ sở tăng lên, chất lượng được cải thiện.

Riêng Hà Nội, trạm y tế xã có bác sĩ công tác với tỷ lệ là 93,8% và 84,7% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí y tế 2011 - 2020. Bên cạnh đó, số dược sĩ trình độ đại học, điều dưỡng đại học cũng tăng theo các năm đáp ứng phần nào nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Bộ Y tế cũng đã khẳng định năm 2019, ngành y tế đã thực hiện vượt các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao. Cụ thể, số giường bệnh/vạn dân giao 27, ước đạt 27,5.

Số bác sĩ/vạn dân đạt 8,8; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế giao 88,1%, 10 tháng năm 2019 đạt 89,9% dân số; tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế được giao là 76%, ước đạt 76,5%.

Về mạng lưới y tế cơ sở, toàn quốc đã có khoảng 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 95% trạm y tế có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, 99,7% xã có cơ sở trạm, 99% thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Toàn ngành tiếp tục triển khai đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh giai đoạn 2018-2020.

Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cán bộ theo đề án tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019-2025.

Trong công cuộc cải cách hệ thống Y tế tại Việt Nam, một trong những việc trọng tâm là tập trung xây dựng nhân lực ngành Y tế. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Trong công cuộc cải cách hệ thống Y tế tại Việt Nam, một trong những việc trọng tâm là tập trung xây dựng nhân lực ngành Y tế. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Bước đột phá của ngành Y tế

Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Các bác sĩ được đào tạo liên tục trong vòng 24 tháng như bác sĩ nội trú, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, bên cạnh đó trường còn giao mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn 1 học viên và có sự kiểm soát chặt chẽ kết quả đầu ra, bảo đảm khi ra trường họ giỏi tay nghề, có thể “độc lập tác chiến” ở vùng sâu, vùng xa, thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện.

Trong thời gian đào tạo các bác sĩ được hỗ trợ tiền học phí, hưởng lương theo quy định và các chế độ khác của dự án.

Sau khi tốt nghiệp bác sĩ CKI, các bác sĩ sẽ về công tác 03 năm (đối với nam) và 02 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại Bệnh viện, trung tâm y tế huyện nghèo.

Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa

Các bác sĩ lên huyện vùng cao công tác đang phát huy rất tốt, có người làm được 50 thậm chí 70 kỹ thuật thuộc các lĩnh vực ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh…đảm nhận 50% - 60% công việc chuyên môn.

Điển hình như bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu tình nguyện tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Nguyễn Chiến Quyết là bác sĩ trẻ tình nguyện tại Bệnh viện đa khoa Bắc Hà, Lào Cai là một trong 10 gương mặt tiêu biểu được Hội Thầy thuốc Trẻ Việt Nam vinh danh.

Tại Bệnh viện đa khoa Bắc Hà từ khi bác sĩ CKI Nguyễn Chiến Quyết sau 17 tháng lên “cắm chốt” đã tham gia mổ hơn 1.000 trường hợp, tính trung bình cứ mỗi ngày bác sĩ Quyết mổ khoảng 2 ca bệnh.

Sự có mặt của bác sĩ Quyết không chỉ góp phần làm cho Bệnh viện đa khoa Bắc Hà có thêm nguồn nhân lực chuyên môn cao để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân trên địa bàn, mà còn khẳng định thêm tính hiệu quả thiết thực của dự án.

Việc hỗ trợ đào tạo CKI cho bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa... là một bước quan trọng giúp ngành y tế tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn; hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; thu hẹp khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi.

Đến 2025, đưa 450 bác sỹ trẻ về vùng sâu, khó khăn

Quyết định 4359/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 20/10/2020, sửa đổi Quyết định 585/QĐ-BYT về Dự án "Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn".

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 đưa 450 bác sỹ trẻ về công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Trong đó ưu tiên cho 62 huyện nghèo và tương đương huyện được hưởng chính sách như huyện nghèo nhằm giải quyết sự thiếu hụt về nhân lực y tế.

Đối tượng bác sỹ trẻ ở đây bao gồm: Bác sỹ chính quy tốt nghiệp loại khá, giỏi và bác sỹ nội trú tại các trường Đại học Y trong cả nước.

Bác sỹ đã tốt nghiệp các trường đại học y chưa chính thức được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở y tế công lập. Bác sỹ đào tạo chính quy tốt nghiệp loại khá, giỏi đã được tuyển dụng làm việc tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh.

Bác sỹ đào tạo chính quy hoặc hệ liên thông tốt nghiệp loại khá, giỏi đã được tuyển dụng làm việc tại các cơ sở y tế tuyến cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Tùng Dương