Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 452-QĐ/TTg về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này cho thấy rằng, Việt Nam đang có sự đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục đại học, nâng cấp hơn nữa hệ thống các cơ sở giáo dục đại học toàn quốc, trong đó, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong 14 trường đại học chủ chốt đào tạo giáo viên của cả nước.
Trường Đại học Giáo dục cũng là một trong những cơ sở giáo dục đại học đi đầu trong đào tạo về lĩnh vực khoa học giáo dục nói chung, quản trị nhà trường nói riêng.
Theo Nghị quyết số 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, có đưa ra quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.
Quan điểm này chính là động lực, là “đòn bẩy” mạnh mẽ để Trường Đại học Giáo dục quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ trong giáo dục và đào tạo về khoa học giáo dục.


Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lưỡng - Trưởng khoa, Khoa Quản trị chất lượng, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Trước yêu cầu đổi mới ngày càng cao trong lĩnh vực giáo dục, nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo theo hướng toàn diện, cung cấp cho người học hệ thống kiến thức từ nền tảng đến chuyên sâu, phù hợp với đặc thù của khoa học giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực quản trị nhà trường.
Đồng thời, nhà trường tích cực đẩy mạnh việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình đào tạo và nghiên cứu, nhằm nâng cao chất lượng và bắt kịp xu thế phát triển của thời đại số”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lưỡng đánh giá, dưới sự thay đổi và yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, đặc biệt sau khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông 2018, công tác đào tạo nhân lực cũng phải thay đổi theo để đáp ứng mục tiêu và định hướng phát triển chương trình. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo.
Các vị trí lãnh đạo, quản lý cũng cần có sự linh hoạt, nhạy bén, liên tục cập nhật các kiến thức về các quyết định, thông tư mới nhất, cần có sự đổi mới sáng tạo, học hỏi và phát triển để phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại.

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Tôn Quang Cường - Trưởng khoa, Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, định hướng phát triển các nhóm ngành gắn với yếu tố quản trị được nhà trường chú trọng trên cơ sở phân tích đánh giá và dự báo xu thế yêu cầu của xã hội: cần gắn chặt các vấn đề lý luận với thực tiễn, phát triển mạnh các ngành có tính ứng dụng cao và giải quyết trực diện bài toán thực tế.
Có thể nói, sức hút đặc biệt của nhóm ngành quản trị tại Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chính là sự kết hợp độc đáo giữa nền tảng khoa học giáo dục chuyên sâu và năng lực ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo ra những chủ thể quản lý vừa hiểu việc ngành, vừa bắt kịp xu thế, đáp ứng đúng và trúng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Điều này có thể thấy khá rõ khi trường đồng loạt mở các ngành đều gắn yếu tố quản trị với những lĩnh vực trước đây vốn được xem là “sản phẩm đặc hữu” của lĩnh vực nghiên cứu lý luận. Tiếp cận này không chỉ giúp giải quyết bài toán phát triển nguồn nhân lực theo “đà truyền thống”, mà cần đi trước một bước để “thực hiện các chính sách mới, đáp ứng nhu cầu mới”.
Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Tôn Quang Cường cho biết, nhóm ngành quản trị tại Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) có những điểm mạnh rất đặc trưng và khác biệt, tạo nên “chất riêng” nhưng cũng hòa chung vào dòng chảy phát triển sự nghiệp giáo dục:
Thứ nhất, lấy khoa học giáo dục làm trụ cột. Các chương trình có yếu tố quản trị của nhà trường được xây dựng trên nền tảng khoa học giáo dục vững chắc. Người học không chỉ học về quản lý, lãnh đạo nói chung, mà được trang bị kiến thức chuyên sâu về tâm lý học giáo dục, lý luận dạy học, quản lý chất lượng giáo dục, chính sách giáo dục… Bản thân yếu tố quản trị sẽ giúp đội ngũ những “nhà giáo dục” trong tương lai có được nhận thức, kỹ năng phù hợp khi làm việc tại các nhà trường, mà không chỉ là áp dụng máy móc mô hình từ lĩnh vực khác.
Thứ hai, các chương trình đào tạo được thiết kế hiện đại, gắn liền thực tiễn và tiên phong tích hợp công nghệ, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số vào quản trị nhà trường. Chương trình đào tạo thường xuyên được cập nhật, đối sánh với các chương trình tiên tiến trên thế giới, chú trọng cân bằng giữa lý thuyết và thực hành.
Thứ ba, sinh viên được học tập và trải nghiệm tại môi trường học tập đa ngành, đa lĩnh vực, uy tín của Đại học Quốc gia Hà Nội. Là một trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục có lợi thế trong việc tạo dựng môi trường học tập năng động, đa ngành, giúp người học tiếp cận đa dạng tri thức và mở rộng tầm nhìn thông qua giao lưu học thuật với nhiều lĩnh vực khác.
Thứ tư, nhà trường có mạng lưới cơ sở thực tập, rèn nghề phong phú cả về loại hình và chức năng, từ các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý, đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục… Nhờ vậy, sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận sớm với yêu cầu thực tiễn của ngành, từ đó phát triển năng lực nghề nghiệp một cách bền vững và hiệu quả.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hoàng Yến - Trưởng khoa, Khoa Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng khẳng định, thế mạnh của nhà trường trong việc đào tạo nhóm ngành này chính là: “Trường tổ chức kiến tập, thực tập 3-5 tháng tại các trường học công - tư, từ mầm non đến đại học. Mô hình “field trip” - tham quan, trải nghiệm giúp sinh viên trực tiếp quan sát, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quản trị thực tế. Nhờ đó, nhiều sinh viên sau đợt thực tập đã được mời làm việc chính thức, hoặc có hướng nghiên cứu sâu về thực tiễn quản trị nhà trường”.
Thứ năm, cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Trong bối cảnh xã hội hiện đại không ngừng phát triển, nhu cầu về đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên môn cao và được đào tạo bài bản ngày càng gia tăng. Do đó, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã xây dựng các chương trình đào tạo chú trọng yếu tố quản trị, trang bị cho người học nền tảng kiến thức vững chắc và năng lực thực tiễn. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công tác tại các cơ sở giáo dục ở mọi cấp học, các tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục hoặc tham gia vào các dự án phát triển giáo dục đa dạng. Đây là nền tảng quan trọng mở ra con đường nghề nghiệp rộng mở và bền vững cho người học.

Trưởng khoa, Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng nhấn mạnh thêm: “Thực tế, đứng trước áp lực đổi mới giáo dục đang rất lớn, từ chính sách vĩ mô đến yêu cầu cụ thể trong bối cảnh giáo dục hiện đại, công tác đào tạo cũng phải có những chuyển mình căn bản, ít nhất ở 2 phương diện chính: chương trình đào tạo và hình thức triển khai.
Theo đó, các chương trình đào tạo không chỉ tập trung vào kỹ năng vận hành, quản lý quy trình, hồ sơ sổ sách (dù vẫn cần thiết), mà đặt trọng tâm vào việc phát triển năng lực lãnh đạo chiến lược, năng lực quản trị sự thay đổi, năng lực xây dựng văn hóa nhà trường, năng lực truyền cảm hứng và phát triển đội ngũ. Người quản lý phải có tầm nhìn, biết hoạch định tương lai, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đưa nhà trường phát triển.
Chương trình đào tạo cần gắn chặt với định hướng trang bị tư duy hệ thống và năng lực giải quyết vấn đề phức hợp.
Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, năng lực quản trị dựa trên dữ liệu (Data-driven decision making) đã thay thế quản lý dựa trên kinh nghiệm cảm tính. Việc này đòi hỏi chương trình đào tạo phải tích hợp các học phần về thống kê ứng dụng, phân tích dữ liệu trong giáo dục.
Mặt khác, các chương trình đào tạo có yếu tố quản trị của Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) luôn đảm bảo đáp ứng các quy định về vị trí lãnh đạo, quản lý: Chương trình đào tạo được thiết kế bám sát, cập nhật và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này đảm bảo tính pháp lý và sự phù hợp cho người học sau khi tốt nghiệp.
Nhiều năm qua, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã không ngừng đổi mới phương pháp đào tạo, chú trọng ứng dụng công nghệ hội tụ và công nghệ mới nổi, đồng thời triển khai các phương pháp dạy học tích cực dựa trên tư duy thiết kế bài giảng và tối ưu hóa trải nghiệm học tập cho người học.
Việc triển khai đào tạo được thực hiện trên cả 2 mô hình đào tạo truyền thống và “phi truyền thống”: Học tập qua dự án, nghiên cứu tình huống, giải quyết vấn đề thực tiễn, thực tập rèn nghề (từ sớm) tại các trường phổ thông, mời các nhà quản lý giỏi, lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ giáo dục chia sẻ kinh nghiệm “thực chiến”, học tập trên các nền tảng công nghệ... Nhà trường cũng mời các chuyên gia về công nghệ giáo dục, các nhà quản lý đã triển khai thành công chuyển đổi số tại các trường học đến chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức các buổi tham quan, học tập thực tế”.


Đánh giá về những ưu điểm nổi bật của chương trình đào tạo đối với ngành Quản trị chất lượng giáo dục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lưỡng cho biết: “Đó là hệ thống môn học đa dạng (cập nhật để theo kịp nhu cầu thị trường lao động); chương trình mang tính linh hoạt, mở nhằm đáp ứng tốt với công tác kiểm định chất lượng; khảo thí, khoa học dữ liệu trong giáo dục, hình thành năng lực số cho người học (áp dụng AI, công nghệ thông tin trong giảng dạy); tạo kỹ năng mềm cho sinh viên một cách vững vàng và chắc chắn.
Chương trình đào tạo được thiết kế gắn liền với các vị trí việc làm thực tế trong ngành. Ngay từ những học phần đầu tiên, sinh viên đã được tiếp cận kiến thức thông qua các buổi giảng dạy và hướng dẫn trực tiếp từ các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đang công tác trong lĩnh vực kiểm định, khảo thí và quản lý giáo dục tại Việt Nam.
Bắt đầu từ năm thứ hai, sinh viên có cơ hội kiến tập tại các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu và trung tâm thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Đến đầu năm thứ tư, sinh viên sẽ tham gia đợt thực tập chuyên sâu tại chính những đơn vị này, tạo nền tảng vững chắc để phát triển nghề nghiệp sau tốt nghiệp”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lưỡng, để theo học ngành Quản trị chất lượng giáo dục, người học cần có khả năng tự định hướng, thích nghi với môi trường làm việc đa dạng, cần có tinh thần tự học tập và tích lũy kiến thức, năng lực tự chịu trách nhiệm. Người học cũng cần trang bị thêm kỹ năng về phân tích và xử lý dữ liệu, sử dụng thành thạo các kỹ năng tin học văn phòng cơ bản. Ngoài ra, thành thạo ngoại ngữ cũng rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới.
Theo ghi nhận, ngành Quản trị chất lượng giáo dục đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ thí sinh, phản ánh xu hướng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của công tác đảm bảo và nâng cao chất lượng trong giáo dục.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hoàng Yến cho biết, chương trình đào tạo ngành Quản trị trường học tại Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) sở hữu nhiều điểm nổi bật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển hiện đại của giáo dục.
Theo đó, chương trình kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và thực hành chất lượng cao; nội dung và thời lượng thực tập thực tế được thiết kế phong phú, tạo điều kiện để người học trải nghiệm sâu sát với môi trường làm việc thực tiễn.
Sinh viên còn có nhiều cơ hội tiếp xúc với chuyên gia đầu ngành, từ đó mở rộng mạng lưới nghề nghiệp. Ngoài ra, người học được khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học và có lộ trình rõ ràng để học tiếp lên bậc thạc sĩ, tiến sĩ.

Về đầu ra, sinh viên ngành Quản trị trường học được trang bị những năng lực và phẩm chất vượt trội như tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề trong quản trị giáo dục, năng lực lãnh đạo chuyên môn, kết nối hiệu quả, tư vấn và tổ chức quản trị nhà trường theo định hướng phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, khả năng tự học và thích ứng với các mô hình quản trị hiện đại cũng là một điểm nhấn trong chương trình đào tạo.

Đối với ngành Quản trị công nghệ giáo dục, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Tôn Quang Cường chia sẻ: “Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) xây dựng chương trình đào tạo ngành này với quan điểm dựa trên sự tích hợp 3 trụ cột: Khoa học giáo dục, Công nghệ và Quản trị. Đây chính là điểm cốt lõi làm nên sự khác biệt hướng đến việc đào tạo những chuyên gia “3 trong 1”: vừa hiểu sâu về giáo dục, vừa làm chủ công nghệ, lại vừa có năng lực quản trị hiện đại, sẵn sàng dẫn dắt sự thay đổi và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức giáo dục trong kỷ nguyên số.
Khi tham gia chương trình này, người học được trang bị kiến thức gốc rễ về khoa học giáo dục, tâm lý học sư phạm, các vấn đề dạy học, thiết kế chương trình, đo lường đánh giá... trong bối cảnh xuất hiện các hình thái giáo dục “phi truyền thống”, dựa trên nền tảng công nghệ; sử dụng công nghệ phục vụ mục tiêu giáo dục như một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng không vì thế mà các yếu tố gắn với công nghệ bị xem nhẹ. Năng lực công nghệ của người học luôn được cập nhật thông qua việc trang bị các kiến thức, kỹ năng công nghệ thiết yếu trong giáo dục hiện đại: từ quản trị hệ thống học tập trực tuyến (LMS, eLearning, MOOC), phát triển học liệu số đa phương tiện, phân tích dữ liệu giáo dục (educational data analytics), đến hiểu biết về các xu hướng mới như AI trong giáo dục, học tập thích ứng (adaptive learning)...
Chính sự kết hợp giữa công nghệ và giáo dục, người học dần dần hình thành tư duy và kỹ năng quản trị hiện đại. Người học được đào tạo về quản trị chiến lược, quản lý dự án, quản trị hệ thống thông tin ở các cấp độ khác nhau... trong bối cảnh đặc thù của tổ chức giáo dục và có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ.
Có thể nói, chương trình được thiết kế để đào tạo ra những nhà quản trị dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trong các nhà trường và tổ chức giáo dục, chứ không chỉ là người sử dụng công nghệ đơn thuần…
Một trong những điểm mạnh trong triển khai chương trình đào tạo này chính là định hướng ứng dụng và giải quyết vấn đề thực tiễn theo phương châm “Học thông qua hành động và trải nghiệm bằng hành động”. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, chương trình đặc biệt chú trọng phát triển các kỹ năng mềm cần thiết cho nhà quản trị thế kỷ XXI (kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, giao tiếp, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề…), đặc biệt là khả năng tự học, thích ứng nhanh với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ.
Với mạng lưới kết nối sâu rộng, chặt chẽ với các EdTech hiện nay, chương trình đã tạo cơ hội để người học được “nhúng” sớm, “nhúng” sâu và toàn diện vào các dự án thực tế, giải quyết các bài toán quản trị bằng công nghệ tại các trường phổ thông, các trung tâm giáo dục, thậm chí là các doanh nghiệp EdTech (xây dựng hệ thống quản lý học liệu, hệ thống phân tích dữ liệu học tập để đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng, phát triển học liệu số, tích hợp nền tảng thông minh…)”.
Dù là một ngành học còn khá mới, song, Quản trị công nghệ giáo dục đang ngày càng nhận được sự quan tâm của thí sinh và phụ huynh nhờ tính thời sự cao và triển vọng phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục. Những năm gần đây, điểm chuẩn đầu vào của ngành duy trì ở mức khá, cho thấy mức độ cạnh tranh tăng và chất lượng thí sinh trúng tuyển được đảm bảo.
Theo Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Tôn Quang Cường, hiện nay, nhu cầu nhân lực có khả năng kết hợp giữa hiểu biết về giáo dục, làm chủ công nghệ và năng lực quản trị đang ngày càng cao trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục diễn ra mạnh mẽ. Cơ hội việc làm cho cử nhân ngành Quản trị công nghệ giáo dục là vô cùng rộng mở và đa dạng, bởi, ở đâu có giáo dục, ở đó cần công nghệ và cần người quản trị hiệu quả việc ứng dụng công nghệ đó.

“Chúng tôi cho rằng, định hướng phát triển các ngành quản trị gắn liền với công nghệ và chuyển đổi số là con đường tất yếu và đúng đắn, đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của hiện tại và tương lai của giáo dục.
Môi trường đào tạo các ngành có yếu tố quản trị tại Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) không chỉ dạy người học “biết” về công nghệ, mà quan trọng hơn là dạy cách “tư duy bằng công nghệ” và “lãnh đạo bằng công nghệ” trong quản trị nhà trường, biến công nghệ thành công cụ đắc lực để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất” - Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Tôn Quang Cường nhấn mạnh.