Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có các bài viết ghi nhận tâm tư của giáo viên hợp đồng tại thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) về việc bị giảm hệ số lương. Sau các bài viết, Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết đã có động thái tích cực là ra văn bản khẳng định không có chủ trương giảm mức lương hiện hưởng của giáo viên hợp đồng trên địa bàn, đồng thời đã phê bình một số hiệu trưởng.
Sau đó, Tòa soạn tiếp tục nhận được rất nhiều phản ánh của độc giả là giáo viên, nhân viên hợp đồng tại một số địa phương khác của tỉnh Bình Thuận cho biết, nhiều trường học đang thực hiện chính sách tương tự. Điều này đang khiến các giáo viên nơi đây vừa buồn bã vừa lo lắng.
Theo đó, nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng tại huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) cho hay, trường học nơi họ công tác cũng đang thực hiện hạ lương xuống bậc 1. Rất nhiều người trong đó có thời gian công tác lâu năm, có người sắp đến tuổi về hưu cũng không tránh khỏi bị tác động.
Đang hưởng lương bậc 5/9 nay bị hạ xuống bậc 1/9
Trao đổi với phóng viên nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng trong các nhà trường tại đây bày tỏ sự hụt hẫng, kèm sự thất vọng vì tổng lương họ nhận được vào các tháng đầu năm 2025 bị giảm so với trước, có người bị giảm đến 2 triệu đồng.
"Chúng tôi là nhân viên hợp đồng làm việc trong các nhà trường. Tính đến nay có người từ 15 đến 20 năm làm việc nhưng vẫn chưa được vào biên chế. Tôi đã công tác đến nay là gần 15 năm nhưng tôi theo dõi huyện Hàm Thuận Nam chưa tổ chức đợt thi nào cho nhân viên kế toán, văn thư...vào biên chế, cũng không xét tuyển đặc cách để tuyển dụng.
Trước năm 2025, những đối tượng này có hợp đồng lao động từ 10 đến 15 năm công tác sẽ được hưởng bậc 5/9, tương ứng hưởng mức lương 3.66 và 3 năm được nâng 1 bậc lương định kỳ theo quy định.
Đầu năm 2025 khi Công văn số 16/TC- KH của Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Hàm Thuận Nam được ban hành, những đối tượng thuộc diện hợp đồng lâu năm như tôi không khỏi bất ngờ khi bị hạ bậc lương.
Trong đó có người công tác gần 20 năm nay bỗng dưng bị hạ lương xuống bậc 1/9 với hệ số 2.34 giống như người mới vào ngành và không cho nâng bậc lương định kỳ 3 năm/lần", một nhân viên kế toán hợp đồng tại huyện Hàm Thuận Nam cho biết.

Đáng chú ý, nhiều giáo viên và nhân viên hợp đồng tại địa phương này cũng cho biết, vì các trường học đang căn cứ theo công văn của Phòng Tài chính - Kế hoạch để thực hiện. Tuy nhiên, nội dung chỉ đạo trong công văn không rõ ràng khiến cho mỗi trường hiểu một kiểu.
Vì thế, trong cùng một huyện nhưng có trường áp dụng việc hạ bậc lương nhưng cũng có trường không thực hiện việc này. Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi về quyền lợi của các đối tượng bị ảnh hưởng tại những nơi áp dụng và không áp dụng việc hạ bậc lương.
Ngoài ra theo độc giả, cũng có trường thực hiện hạ bậc lương của giáo viên, nhân viên hợp đồng vào những tháng đầu năm 2025 nhưng sau đó lại chi trả lại theo mức cũ. Những trường hợp này chính Hiệu trưởng nhà trường cũng đã phải "thỏa thuận" bằng miệng với các giáo viên, nhân viên hợp đồng của mình rằng, nếu sau này cấp trên có truy thu thì họ phải "chấp nhận" trả lại số tiền đã nhận.
Nhà trường nói gì?
Nhằm có thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ đến một số nhà trường và đơn vị liên quan tại địa phương này để tìm hiểu.
Về việc này, qua trao đổi thầy Võ Quốc Duy - Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Hàm Thạnh cho biết, hiện nhà trường đang thực hiện hạ bậc lương với giáo viên và nhân viên hợp đồng trong trường. Việc thực hiện được nhà trường căn cứ theo Công văn số 16/TC- KH của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hàm Thuận Nam
"Theo hướng dẫn trong công văn của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện nêu thì tất cả các giáo viên, nhân viên hợp đồng trong trường đều phải quay về mức lương theo bậc 1 bằng với mức lương khởi điểm.
Tuy nhiên trong công văn này có một số điểm chưa cụ thể nên các trường cũng đang thấy bối rối khi triển khai. Trong đó, điều quan tâm lớn nhất là nếu tính quay về mức lương bậc 1 thì sẽ phải tính hệ số sao cho phù hợp với từng đối tượng để không gây ra tranh cãi.
Cụ thể, trong công văn nêu việc bố trí quỹ lương trên cơ sở 2.340.000 đồng/ tháng. Nếu là đối tượng có trình độ đại học thì không sao, nhưng với đối tượng có trình độ cao đẳng, trung cấp thì phải là mức thấp hơn. Trong trường vẫn có nhiều người có trình độ cao đẳng, trung cấp nhưng có người đã cống hiến nhiều năm, nếu giờ áp theo mức tính này có thể những người làm việc lâu năm sẽ có mức lương còn thấp hơn so với người mới vào.
Về việc này, một số trường cũng đã hỏi Phòng Tài chính - Kế hoạch và Phòng Nội vụ huyện nhưng trên đó họ cũng nói là tùy theo kinh tế của từng trường để tự cân đối", thầy Duy cho hay.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Trường tiểu học & trung học cơ sở Hàm Thạnh, qua nắm bắt tâm tư của các đối tượng bị áp dụng hạ bậc lương cho thấy đa phần đều rất buồn và hụt hẫng.
Qua đó vị này cho rằng, nếu cấp trên đã cho các trường tự cân đối tài chính để chi trả lương cho giáo viên, nhân viên trong trường thì rất mong được hưởng cơ chế như trước đây để đảm bảo nguồn thu nhập đối với giáo viên, nhân viên hợp đồng để họ yên tâm công tác.
"Nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng họ chia sẻ, tuy mức lương khởi điểm vào ngành là thấp. Có thể là họ không được vào biên chế nhưng như cơ chế cũ, sau 3 năm họ lại được tăng lương 1 lần, đó là động lực phấn đấu của họ. Có người hiện tại phải qua nhiều năm phấn đấu nay họ mới lên mức lương hơn 3.0, giờ đột ngột giảm bậc lương của những người này xuống bằng mức lương khởi điểm thì đúng là cũng thiệt thòi cho họ", thầy Duy bày tỏ.

Cùng trao đổi về nội dung này, hiệu trưởng một trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam (đề nghị không nêu tên) cho biết, việc này không có văn bản chỉ đạo cụ thể của cấp trên đến từng trường mà các trường căn cứ vào công văn của Phòng Tài chính - Kế hoạch để làm hợp đồng, từ đó đưa ra bậc lương đối với từng đối tượng.
"Việc này cả huyện Hàm Thuận Nam đều làm thế. Các giáo viên, nhân viên hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ bất kể hợp đồng đã bao nhiêu năm, mức lương đang hưởng bao nhiêu, phòng tài chính cấp kinh phí năm 2025 tối đa 2.34", vị hiệu trưởng này cho biết thêm.
Còn hiệu trưởng một trường mầm non tại huyện Hàm Thuận Nam khi trao đổi với phóng viên cũng cho hay, nhà trường cũng đã thực hiện việc hạ bậc lương đối với giáo viên, nhân viên hợp đồng trong trường trong tháng 1, 2 của năm 2025. Tuy nhiên các tháng sau đó nhà trường đã khôi phục lại lương cho giáo viên, nhân viên hợp đồng lại như mức cũ.
"Thực tế việc hạ bậc lương đối với giáo viên, nhân viên hợp đồng trong trường tôi cũng đã nghe được từ lãnh đạo của một số trường khác trên địa bàn và biết trước sắp tới nhà trường cũng sẽ phải thực hiện. Tuy nhiên tôi không dám thông tin trước cho các giáo viên, nhân viên hợp đồng trong trường vì sợ họ buồn. Sau đó đến tháng 1/2025, Công văn số 16/TC- KH của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hàm Thuận Nam được ban hành thì các cô mới biết.
Trường tôi có 8 người thuộc diện hợp đồng nhưng chỉ có 2 người bị ảnh hưởng, còn các giáo viên hợp đồng khác thì công tác chưa đủ 3 năm nên chưa được tăng lương nên không chịu tác động.
Những người này trong tháng 1, 2 năm 2025 thì tôi vẫn cho hạ lương về bậc 1 bằng với mức lương của các giáo viên mới ký hợp đồng. Nhưng các tháng sau đó đến nay, nhà trường đã lấy kinh phí từ nguồn chi cho hoạt động của nhà trường để bù vào phần bị trừ để các cô được hưởng mức lương như trước đó. Việc này là bởi toàn trường có ít người bị hạ bậc lương, trong khi các cô đó công tác lâu năm, bị giảm lương như vậy thì tội cho các cô ấy quá.
Nhà trường hỗ trợ cho các cô để họ có thêm động lực làm việc chứ thực tế chúng tôi cũng rất lo lắng vì mình đang "làm liều" khi cấp trên chưa có công văn chỉ đạo chung là đúng hay sai.
Chúng tôi cũng đã nói rõ với các giáo viên, nhân viên hợp đồng. Đây là nhà trường đang làm vì thương các cô, còn không biết là có đang làm đúng với chủ trương của cấp trên hay không. Nếu sau này cấp trên nói việc làm này của nhà trường là sai thì các cô ấy phải chấp nhận hoàn trả lại khoản tiền đã nhận", lãnh đạo trường mầm non này bày tỏ.
Ngoài ra, hiệu trưởng trường mầm non này cũng cho rằng, việc hạ bậc lương của các giáo viên, nhân viên hợp đồng lâu năm như vậy là không công bằng vì họ cũng có đóng góp, cống hiến không khác gì các đối tượng thuộc diện biên chế.
Qua đó vị này hy vọng địa phương sẽ có phương án điều chỉnh thích hợp để không làm ảnh hưởng đến thu nhập của các giáo viên, nhân viên hợp đồng. Đặc biệt là giữ nguyên quy định về lộ trình tăng lương, bỏ chủ trương không nâng bậc lương cho giáo viên, nhân viên hợp đồng như chỉ đạo của Phòng Nội vụ huyện trong thời gian vừa qua.
Theo ghi nhận của phóng viên, cũng tại huyện Hàm Thuận Nam nhưng có trường học không thực hiện việc hạ bậc lương đối với giáo viên, nhân viên hợp đồng từ đầu năm 2025. Theo chia sẻ của lãnh đạo nhà trường, việc có áp dụng hạ bậc lương đối với giáo viên, nhân viên hợp đồng hay không là do cách hiểu của từng trường đối với nội dung trong văn bản mà Phòng Tài chính - Kế hoạch ban hành.
Về việc này, thầy Bùi Văn Khiêm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Kiệm 1 cho hay: "Có thể nội dung trong văn bản chỉ đạo chưa thực sự cụ thể, đồng nhất nên khiến cho mỗi trường hiểu theo một cách khác nhau, từ đó việc triển khai cũng khác nhau.
Trong khi chế độ chính sách đối với các giáo viên nó liên quan đến nhiều thứ khác. Đặc biệt là động lực phấn đấu và tâm huyết của người lao động nó chịu tác động rất lớn từ quyền lợi mà họ được hưởng. Để không làm xáo trộn tâm lý của người lao động, nhà trường cũng "mạnh dạn" giữ nguyên chế độ cho họ. Hơn nữa trong văn bản của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cũng không nói rõ là hiệu trưởng các trường phải hạ bậc lương đối với các giáo viên, nhân viên hợp đồng".
Chia sẻ thêm về nguồn kinh phí để có thể đáp ứng chi trả khi nguồn kinh phí từ cấp trên bị cắt giảm, thầy Khiêm cho biết, nhà trường đang "cố" cân đối tài chính. Nếu đến lúc không thể cân đối được nữa thì chấp nhận phải giảm lương của giáo viên, nhân viên hợp đồng.
"Việc chi trả lương đã được nhà trường dự toán ngân sách theo hằng năm. Nhà trường cũng mới được bố trí ngân sách cho năm 2025, vì thế nguồn chi cho tháng 1, 2, 3 năm 2025 vẫn còn. Còn đến giai đoạn ngân sách nhà trường bị "đuối" chúng tôi sẽ đề xuất xin thêm.
Trong trường hợp nếu xin thêm mà không được thì chúng tôi sẽ tính phương án khác. Hoặc đến lúc đó cấp trên nói nhà trường đang chi sai thì nhà trường sẽ yêu cầu các giáo viên, nhân viên đó trả lại số tiền đã được nhận", Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Kiệm 1 bày tỏ.
Phòng Nội vụ huyện Hàm Thuận Nam nói do Phòng Tài chính - Kế hoạch trực tiếp tham mưu
Liên quan đến việc này, khi chia sẻ phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc tại sao trên cùng địa bàn nhưng việc thực hiện hạ bậc lương lại không đồng nhất, ông Lê Hoàng Nhã - Trưởng phòng Nội vụ huyện Hàm Thuận Nam cho rằng: "Đối tượng hợp đồng mình xác định là do hiệu trưởng nhà trường ký kết hợp đồng lao động, còn lương thì theo Luật Lao động. Từ đó không nhất thiết là trường nào cũng phải giống nhau.
Có thể hiểu nôm na là có đơn vị trả lương cho người lao động theo mức này nhưng cũng có đơn vị trả lương theo mức khác, điều đó phụ thuộc vào kinh phí hoạt động của từng đơn vị".

Ngoài ra, theo lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Hàm Thuận Nam, đơn vị này chỉ chịu trách nhiệm phân bổ biên chế, còn Phòng Tài chính - Kế hoạch mới là đơn vị trực tiếp tham mưu Ủy ban nhân dân huyện và cấp kinh phí về cho các nhà trường.
Phóng viên đề cập đến quan điểm của Phòng Nội vụ huyện Hàm Thuận Nam trong việc các đơn vị đang xếp bậc lương của giáo viên, nhân viên hợp đồng trên địa bàn theo Nghị định 111 đối với các đối tượng công tác lâu năm liệu có phù hợp và ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động hay không? Về việc này ông Nhã cho rằng, tại địa phương này mới có hướng dẫn lại việc thực hiện theo Nghị định 111.
"Về chế độ tiền lương, theo tôi tìm hiểu trong Nghị định 111 không có chỗ nói đến việc cho bậc lương của của những lao động hợp đồng lâu năm quay về bậc 1 hay bậc 2. Việc này là của Phòng Tài chính - Kế hoạch xem xét và tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện.
Phòng Nội vụ chỉ đảm nhiệm việc xem xét những trường học nào mình phân bố biên chế và những trường chưa có tổ chức tuyển dụng được thì chúng tôi sẽ tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện cho chủ trương ký hợp đồng.
Đối với các trường hợp là giáo viên, nhân viên hợp đồng lâu năm đang bị ảnh hưởng đến tiền lương nếu bị hạ xuống bậc 1 thì có thể làm đơn kiến nghị gửi về Ủy ban nhân dân huyện. Nếu Ủy ban nhân dân huyện giao cho Phòng Nội vụ thì chúng tôi sẽ nghiên cứu", ông Nhã bày tỏ.
Để có thêm thông tin khách quan, phóng viên cũng đã nhiều lần liên hệ và để lại tin nhắn qua điện thoại với ông Trần Ngọc Diệp - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam và bà Trần Thị Kim Loan - Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hàm Thuận Nam (người ký Công văn số 16/TC- KH) nhưng không nhận được phản hồi.