Cần chặt chẽ, tránh hiểu cấm báo chí đăng tải về nhà giáo đang bị thanh tra

12/05/2025 06:48
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo luật sư, cần diễn đạt chặt chẽ hơn, để tránh bị hiểu theo hướng cấm hoàn toàn báo chí đưa tin về vụ việc đang bị thanh tra.

Tại điểm b, khoản 3, điều 11 Dự thảo Luật Nhà giáo có nêu, những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo: Đăng tải, phát tán thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin không chính xác về nhà giáo.

Về nội dung nêu trên, trong Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, có ý kiến đồng tình quy định các tổ chức, cá nhân không được lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo.

Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc quy định không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo, để tránh mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật liên quan.

Trả lời về kiến nghị trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định này là cần thiết nhằm bảo vệ uy tín, hình ảnh nhà giáo trước việc lạm dụng, suy diễn và phát tán các thông tin khi chưa được kiểm chứng, chưa có ý kiến, kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với những sự việc chưa được thanh tra, kiểm tra, vẫn có thể phản ánh thông tin nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm, biểu hiện tiêu cực.

Đối với vụ việc đang được tiến hành thanh tra, kiểm tra khi chưa có kết luận của cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, việc công bố thông tin là không được phép, vì có thể ảnh hưởng tới tính khách quan của quá trình thanh tra, kiểm tra.

Quy định này không mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin, quyền, nghĩa vụ và những hành vi bị cấm trong Luật Báo chí, Luật An toàn thông tin mạng, Bộ luật Dân sự. Vì vậy, xin được giữ quy định như trong dự thảo Luật.

Liên quan đến những nội dung nêu trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với một số luật sư, để tìm hiểu, đánh giá về pháp lý sự việc.

Đưa tin sai sự thật về nhà giáo đã có hành lang xử lý có cần đưa vào Luật Nhà giáo?

Luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) đánh giá, trên các nền tảng mạng xã hội, tình trạng lan truyền thông tin sai sự thật, hình ảnh bôi nhọ danh dự nhà giáo diễn ra khá phổ biến.

Những thông tin này thường không qua kiểm chứng, mang tính công kích cá nhân, có thể xuất phát từ sự hiểu lầm, định kiến hoặc động cơ xấu.

"Điều này tác động nặng nề đến tâm lý, uy tín và môi trường làm việc của giáo viên, đặc biệt là ở vùng nông thôn, nơi thông tin lan truyền theo tâm lý đám đông rất nhanh", luật sư Tùng nhận định.

luat-su-hoang-tung.jpeg
Luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.

Luật sư Tùng cho rằng, hiện nay, việc xử lý hành vi phát tán thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự nhà giáo hay bất cứ cá nhân, tổ chức nào đã có luật Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự và các quy định liên quan.

Còn luật sư Phạm Quang Biên - Hãng luật IMC, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhận định, trong lịch sử của dân tộc, vai trò vị trí của người thầy luôn được đề cao và được khẳng định rõ nét qua kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam như: “Tôn sư trọng đạo”, “Không thầy đố mày làm nên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhấn mạnh: “Nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý – vì đó là những kỹ sư tâm hồn”.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, dù xã hội có nhiều biến đổi nhưng người thầy vẫn luôn giữ được vai trò là người trực tiếp đào tạo, truyền đạt cho người học tri thức khoa học, kỹ năng; cũng như định hướng tư tưởng, đạo đức chân chính, các giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc và thời đại cho thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, trong thời đại số hóa và bùng nổ mạng xã hội hiện nay, hình ảnh nhà giáo đôi khi bị tổn hại nghiêm trọng bởi những thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng lan truyền nhanh chóng trên không gian mạng.

"Những nội dung này không chỉ xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân nhà giáo mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của cả ngành giáo dục. Niềm tin của học sinh, phụ huynh và xã hội vào đội ngũ giáo viên – vốn được vun đắp qua bao thế hệ – có thể bị lung lay bởi một vài thông tin sai sự thật.

Không dừng lại ở đó, việc bịa đặt thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, sức khỏe tinh thần của giáo viên. Họ có thể cảm thấy bị cô lập, bất lực trong việc kiểm soát thông tin và dần dần khiến họ bị tổn thương tâm lý, mất động lực trong công việc làm giảm hiệu suất giảng dạy, chất lượng trong giáo dục", luật sư Biên nói.

Phản ánh dấu hiệu sai phạm của nhà giáo là phù hợp với quyền tự do báo chí

Theo luật sư Hoàng Tùng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận, có thể phản ánh thông tin khi phát hiện dấu hiệu sai phạm, biểu hiện tiêu cực là hợp lý và phù hợp với quyền tự do báo chí, quyền phản ánh của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và các luật chuyên ngành như Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tố cáo.

Tuy nhiên, nội dung giải trình cần làm rõ hơn phạm vi cho phép báo chí phản ánh, để tránh bị hiểu lầm rằng việc đăng tải thông tin chỉ dừng lại ở "phản ánh" một cách mơ hồ. Trong khi thực tế báo chí có thể thực hiện điều tra độc lập, đăng tải thông tin có cơ sở, đồng thời bảo đảm nguyên tắc khách quan, không kết luận sai phạm thay cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Minh bạch cũng là cách để khẳng định cam kết của ngành giáo dục đối với những giá trị cốt lõi như trung thực, công bằng và trách nhiệm. Bởi bên cạnh cái được, quy định này có thể vô tình tạo ra lớp bảo vệ che đậy cho một số cá nhân có hành vi, đạo đức không tốt trong môi trường giáo dục.

Luật sư Hoàng Tùng cũng có những lưu ý đối với báo chí, truyền thông khi đăng tải sự vụ việc chưa được thanh tra, kiểm tra.

Cụ thể, báo chí, truyền thông không đưa ra khẳng định hay quy kết sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Không đăng tải thông tin nhận dạng cá nhân rõ ràng như họ tên đầy đủ, hình ảnh, địa chỉ... nếu chưa thực sự cần thiết hoặc chưa được xác minh tính chính xác. Sử dụng ngôn ngữ trung lập, không mang tính suy diễn, cảm tính. Dẫn nguồn rõ ràng, bảo đảm thông tin được kiểm chứng từ nhiều phía.

Cân nhắc đối chiếu các nguyên tắc đạo đức nghề báo, đặc biệt Luật Báo chí (về trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực, khách quan, có kiểm chứng).

Đưa tin sai sự thật có thể bị phạt 10-20 triệu đồng, thậm chí bị xử lý hình sự

Phân tích ở góc độ pháp lý, luật sư Phạm Quang Biên cho biết, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, căn cứ Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP) có quy định hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng” và buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật.

luat-su-pham-quang-bien.jpg
Luật sư Phạm Quang Biên - Hãng luật IMC.

Tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào thực hiện hành vi “bịa đặt hoặc lan truyền nhưng điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” thì phạm tội vu khống. Nếu người đó “sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” thì sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Vì vậy, các cá nhân hoặc tổ chức khi phản ánh các thông tin có dấu hiệu sai phạm, biểu hiện tiêu cực cần chú ý những vấn đề sau.

"Kiểm tra tính xác thực của thông tin từ nhiều nguồn, chỉ phản ánh dựa trên các sự kiện, bằng chứng cụ thể (văn bản, hình ảnh, video, nhân chứng,...) thay vì dựa trên cảm xúc chủ quan hoặc tin đồn.

Trình bày vấn đề một cách rõ ràng, không sử dụng ngôn từ mang tính xúc phạm, công kích, tránh đưa ra kết luận mà không có bằng chứng cụ thể và tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân/tổ chức. Từ đó, giảm nguy cơ gây tổn hại đến danh dự, uy tín đến người bị phản ánh, và tránh việc người phản ánh bị tố ngược lại vì có hành vi vu khống hoặc tránh các rủi ro pháp lý khác.

Lựa chọn kênh phản ánh phù hợp. Sử dụng các kênh liên lạc chính thức của Nhà trường hoặc Cơ quan quản lý giáo dục,... để phản ánh thông tin thay vì chia sẻ công khai trên mạng xã hội", luật sư Biên chia sẻ.

Cần quy định chặt chẽ, tránh hiểu cấm báo chí đưa tin vụ việc đang bị thanh, kiểm tra

Luật sư Hoàng Tùng cho hay, quy định không đăng tải thông tin trong quá trình đang thanh tra, kiểm tra và chưa có kết luận của cơ quan chức năng là có cơ sở, nhằm bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội và tính khách quan của quy trình thanh tra.

"Tuy nhiên, quy định này cần được diễn đạt chặt chẽ hơn, để tránh bị hiểu theo hướng cấm hoàn toàn báo chí đưa tin về vụ việc đang bị thanh tra, dẫn tới hạn chế quyền tiếp cận thông tin và vai trò giám sát của công luận.

Nội dung này vẫn cần quy định cụ thể hơn và cần cân nhắc nguyên tắc minh bạch, quyền giám sát của người dân, nhất là khi nhà giáo có dấu hiệu vi phạm.

Trên thực tế, nhiều trường hợp sai phạm đã được phát hiện và xử lý nhờ sự giám sát của phụ huynh và báo chí", luật sư Hoàng Tùng nhận định.

Kiến nghị về nội dung nêu trên, luật sư Hoàng Tùng cho hay, cần phân biệt rõ giữa việc phản ánh thông tin có dấu hiệu sai phạm (được phép) với hành vi phát tán thông tin không chính xác, quy chụp sai phạm (bị cấm).

Không cấm báo chí đưa tin về vụ việc đang được thanh tra, kiểm tra, với điều kiện đưa tin khách quan, không kết luận, không xâm phạm quyền nhân thân, không ảnh hưởng đến tính khách quan của hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Trong trường hợp kết luận thanh tra, kiểm tra không khách quan, cần khẳng định vai trò phản biện xã hội của báo chí. Báo chí có thể sử dụng quyền tiếp cận thông tin, phản ánh ý kiến nhiều chiều để góp phần làm rõ sự thật khách quan.

Nhà trường cần tăng cường công tác quản lý để tránh việc giáo viên vi phạm

Theo luật sư Phạm Quang Biên, để tăng cường công tác quản lý giáo viên, học sinh và ngăn chặn tình trạng bao che sai phạm, nhà trường cần thiết lập và vận hành hiệu quả các kênh phản ánh minh bạch, khách quan và dễ tiếp cận sau đây.

Đó là, cần có hộp thư góp ý ẩn danh, đường dây nóng hoặc kênh phản ánh trực tuyến tới Nhà trường và các tổ chức đoàn thể. Nhà trường có thể đặt hộp thư góp ý tại các khu vực dễ tiếp cận trong trường hoặc tạo hộp thư điện tử ẩn danh. Ngoài ra, Nhà trường thiết lập số điện thoại đường dây nóng hoặc ứng dụng tiếp nhận phản ánh 24/7 để học sinh, phụ huynh và giáo viên gửi ý kiến. Học sinh, phụ huynh hoặc giáo viên có thể phản ánh qua các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Công đoàn hoặc Hội phụ huynh vì đây là các tổ chức có vai trò trung gian.

Hội đồng phản biện hoặc ban giám sát độc lập: Nhà trường thành lập hội đồng hoặc ban giám sát độc lập, không chịu sự chi phối trực tiếp của Nhà trường. Thành phần có thể bao gồm đại diện ban giám hiệu, công đoàn, phụ huynh, học sinh.

Tích cực có các cuộc họp định kỳ với học sinh và phụ huynh: Việc tổ chức các buổi họp lớp, họp phụ huynh định kỳ hoặc mở diễn đàn để lắng nghe trực tiếp ý kiến từ học sinh và phụ huynh cũng là kênh kiểm soát hiệu quả, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề.

Nhà trường công khai thông tin liên lạc của Cơ quan quản lý giáo dục (Phòng/Sở Giáo dục) để học sinh, phụ huynh và giáo viên có thể gửi phản ánh trực tiếp. Đồng thời, Cơ quan quản lý giáo dục cần tổ chức các buổi kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà trường.

Mạnh Đoàn