Năm 2020 là một năm nhiều khó khăn khi Việt Nam phải đối đầu với những thiệt hại do thiên tai gây ra, cùng với sự xuất hiện của dịch Covid-19.
Trong khi cả thế giới lao đao vì dịch bệnh, thiên tai, thế nhưng một Việt Nam nhỏ bé khiến cả thế giới ngưỡng mộ bởi sự kiên cường chống chọi với dịch bệnh và thiên tai.
Chúng ta chứng kiến được cả một dân tộc đồng sức, đồng lòng. Một dân tộc Việt Nam biết hy sinh, chia sẻ, chung chí hướng và nghe theo lời chỉ đạo, chủ trương dẫn dắt của Đảng và Chính phủ.
Việt Nam vượt lên nỗi đau, mất mát để lại những lời khen ngợi không ngớt cả thế giới dành tặng cho một đất nước bé nhỏ mà hùng cường như thế.
Một trong những dấu ấn đất nước năm 2020 chính là những thành công của ngành Y tế Việt Nam.
Việt Nam vào cuộc sớm trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19. Ảnh: dangcongsan.vn |
1. Vào cuộc sớm, nghiêm túc phòng, chống đại dịch Covid-19
Việt Nam là một trong những nước vào cuộc sớm nhất trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19.
Ngành Y tế đi đầu, dẫn dắt người dân phòng, chống dịch đúng cách, theo đúng chuyên môn, đúng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.
Những “người hùng” áo trắng hy sinh bản thân trước đại dịch. Những hình ảnh các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch căng thẳng, kiệt sức… không còn xa lạ với người dân. Những bữa cơm nhanh, những giấc ngủ vội ở hành lang, những lần gục mặt xuống vì mệt mỏi… những hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ đã góp phần không nhỏ mang đến cuộc sống bình yên cho nhân dân.
2. Một trong bốn nước đầu tiên phân lập thành công Virus Sars-CoV-2
Ngày 7/2/2020, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phân lập thành công virus corona chủng mới gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, đưa Việt Nam trở thành một trong bốn quốc gia phân lập thành công chủng virus này.
Với các nghiên cứu về virus SARS-CoV-2, Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất mồi chuẩn thực hiện các xét nghiệm chính xác khẳng định ca bệnh Covid-19, cho kết quả xét nghiệm sớm hơn với số lượng lớn mẫu bệnh phẩm.
3. Sản xuất và xuất khẩu bộ sinh phẩm RT-PCR
Ngày 5/3/2020, bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của virus corona 2019 do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, nghiên cứu chế tạo đươc công bố thành công.
Quá trình nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất có quy trình hết sức nghiêm ngặt, bộ kít Real-Time RT-PCR one step phát hiện virus SARS-Cov-2 được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 13485, phòng thí nghiệm (Labo) thực hiện nghiên cứu đạt tiêu chuẩn ISO Class 8.
Đây là thành công đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa vô cùng to lớn trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn ra căng thẳng trên toàn thế giới. Điều này khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam, cũng như sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nói chung và Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ nói riêng thể hiện qua đại dịch.
4. Chính thức thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19
Từ ngày 10/12/2020, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược NANOGEN phối hợp với Học viện Quân Y (Bộ Quốc Phòng) chính thức được cấp phép thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19 trên người. Những tình nguyện viên đầu tiên tham gia thử nghiệm có sức khỏe tốt, không có phản ứng sau tiêm.
Ưu điểm lớn nhất của vaccine NANO COVAX là tạo được đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và có điều kiện bảo quản thuận lợi hơi so với các loại vaccine khác (2 độ C- 8 độ C). Thành công này đưa Việt Nam trở thành một trong 40 nước trên thế giới có vaccine thử nghiệm lâm sàng phòng Covid-19.
5. Kỳ tích cứu sống bệnh nhân phi công người Anh – bệnh nhân 91
Đây là một ca bệnh rất đặc biệt, bệnh nhân mắc Covid-19, nguy cơ lây bệnh rất cao cho nhân viên y tế. Đây còn là một bệnh nhân người nước ngoài với diễn biến bệnh vô cùng phức tạp, chưa từng có trong y văn thế giới.
Bằng những chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cùng sự nỗ lực hết mình của đội ngũ y bác sỹ trong thời kỳ dịch bệnh căng thẳng nhất, 100 ngày với sự cứu sống thành công bệnh nhân người Anh khi trước đó hy vọng sống của ông chỉ có 1% do mắc Covid-19.
6. Ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống
Tháng 1/2020, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 công bố ghép thành công chi thể cho một người đàn ông đã bị mất cánh tay bốn năm. Cánh tay được ghép từ một người cho sống. Đây là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.
Tháng 10/2020, bệnh viện này tiếp tục ghi dấu ấn là cơ sở y tế đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á thực hiện thành công ca ghép cùng lúc hai cánh tay cho một bệnh nhân bị tai nạn lao động.
7. Cuộc đại phẫu cho Trúc Nhi – Diệu Nhi
Sau hơn 12 giờ đồng hồ thực hiện phẫu thuật, tạo hình cho 2 bé song sinh dính liền vùng bụng chậu Trúc Nhi – Diệu Nhi, ngày 15/7/2020, cuộc đại phẫu thuật đã thành công tốt đẹp do tập thể bác sĩ bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Đây là cuộc phẫu thuật tách dính thành công cặp song sinh dính liền phức tạp cực kỳ hiếm gặp trên thế giới, đánh dấu bước tiến về kỹ thuận của y tế Việt Nam, đánh dấu vị trí của Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới.
Ca mổ Trúc Nhi – Diệu Nhi được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng kỷ lục “Ca đại phẫu thuật phức tạp với đội ngũ y, bác sĩ tham gia nhiều nhất Việt Nam để mổ tách dính vùng bụng chậu cho cặp song sinh”.
Ca mổ Trúc Nhi – Diệu Nhi được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng kỷ lục “Ca đại phẫu thuật phức tạp với đội ngũ y, bác sĩ tham gia nhiều nhất Việt Nam để mổ tách dính vùng bụng chậu cho cặp song sinh”. Ảnh: Báo Nhân dân. |
8. Thực hiện ca ghép ruột đầu tiên từ người cho sống
Tháng 10/2020, Việt Nam thực hiện hai ca ghép ruột thành công đầu tiên tại Bệnh viện Quân y 103.
Hai bệnh nhân được ghép ruột tại Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y đều là những trường hợp ruột đã mất hoàn toàn chức năng tiêu hóa và phải nuôi sống bằng cách truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch. Nếu không được ghép ruột, các bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao bị biến chứng liên quan đến nuôi dưỡng tĩnh mạch và có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Hiện thế giới chỉ có 61 trung tâm ghép ruột ở 19 quốc gia với khoảng 1.000 ca được triển khai. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 20 ghép ruột thành công.
9. Cứu sống thai nhi trường hợp sản phụ có lỗ thủng trên tử cung dị dạng
Nhờ kỹ thuật truyền ối bào thai, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiếp tục giữ được thai nhi 5 tuần trong bụng mẹ dù sản phụ được chẩn đoán vỡ tử cung và cạn ối.
Đây là dấu ấn đặc biệt trong lĩnh vực y học bào thai khi cứu sống mẹ vỡ tử cung ở tuần 26, thai nhi mới nặng 800gr. Đây là trường hợp sản phụ có lỗ thủng trên tử cung dị dạng.
Vào tuần thai 31, bé trai nặng 1,5kg được quyết định mổ lấy thai sau thời gian thực hiện nuôi thai bằng kỹ thuật truyền ối và chăm sóc sản phụ, bào thai phát triển bằng các loại thuốc tốt nhất hiện có.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, đây là trường hợp đặc biệt đầu tiên trên thế giới về kỹ thuật truyền ối. Y văn thế giới chưa tiếp nhận trường hợp nào tương tự.
Trước đây, mỗi năm, hàng nghìn thai nhi mắc bênh lý đều không có cơ hội cứu chữa. Đến nay, với can thiệp bào thai, các bé có cơ hội được cứu sống từ trong bụng mẹ.