Những lưu ý khi điều trị bệnh viêm lợi ở trẻ em

25/08/2019 06:00
Vương Thủy
(GDVN) - Trẻ em là đối tượng thường hay mắc các bệnh lý về răng miệng như sâu răng, viêm lợi hay còn gọi là viêm nướu, nha chu...

Bệnh viêm lợi (viêm nướu) là một trong những bệnh lý rất phổ biến mà nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn ẩn trú trong các mảng bám vôi răng gây nên.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh viêm lợi sẽ gây ra những tác động nguy hiểm cho hàm răng và sức khỏe của trẻ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm lợi

Bệnh viêm lợi là một căn bệnh phát triển chậm và không biểu hiện rõ rệt ngay từ đầu.

Các dấu hiệu có thể quan sát bằng mắt thường: Lợi bị sưng nhẹ và có dấu hiệu chuyển từ màu hồng sang màu đỏ.

Bố mẹ cũng có thể nhận biết bệnh viêm lợi ở trẻ em thông qua hiện tượng lở loét ở bên trong má, lợi (nướu) răng, hơi thở hôi, sưng lợi, đau nhức, chảy máu chân răng khi đánh răng.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng chảy máu lợi là do các vi khuẩn sản sinh các độc tố, khiến cho lợi của bé trở nên nhạy cảm và dễ chảy máu. 

Nếu viêm lợi kéo dài lâu hoặc bệnh trở nên nghiêm trọng hơn sẽ có những dấu hiệu như: Những vết lở loét ngày một lõm xuống, sưng đỏ; chân răng dần bị lộ ra; lợi và xương hàm gần như bị “hủy hoại” (giống như sâu răng); răng lỏng lẻo và dần dần bị rụng ra.

Bên cạnh đó, khi bị bệnh lý này, con sẽ quấy khóc, không chịu ăn uống hoặc ăn uống không ngon do những cơn đau âm ỉ từ sâu trong răng. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ.

Ảnh minh họa. Nguồn: sonriadentalclinic.co.uk
Ảnh minh họa. Nguồn: sonriadentalclinic.co.uk

Trẻ bị viêm lợi thường phải trải qua 2 giai đoạn:

Viêm lợi cục bộ: Bệnh viêm lợi ở trẻ em trong giai đoạn cục bộ không gây nhiều đau đớn. Lợi sẽ bị sưng đỏ, phồng lên và có thể cháy máu khi có tác động, nhất là khi đánh răng.

Ở giai đoạn này chưa ảnh hưởng đến chân răng và các tổ chức quanh răng, bệnh chữa trị rất dễ nhưng khi tái phát thì cũng rất dễ dàng.

Viêm cận răng: Ở giai đoạn này, mức độ bệnh nặng hơn và khó điều trị hơn. Khi trẻ bị viêm lợi mà không được chữa trị và chăm sóc đúng cách, lớp lợi bên trong cùng với xương hàm bị đẩy lùi ra phía sau, tạo thành những lỗ hổng quanh răng.

Những khoảng trống nhỏ giữa răng và lợi là nơi tích tụ các mảnh vụn thức ăn bị giắt vào và có thể gây nhiễm khuẩn.

Những mảng bám tích tụ ngày càng nhiều và chắc dưới vòm lợi thì hệ thống miễn dịch của cơ thể lại càng phải gắng sức chiến đấu để chống lại vi khuẩn.

Lúc này, các độc tố kháng vi khuẩn và các enzyme trong cơ thể được sản sinh ra sẽ dần phá hủy hàm và các mô liên kết, những mô này có chức năng rất quan trọng là định vị và giữ cho răng chắc ở trên cung hàm. 

Lưu ý trong việc điều trị bệnh viêm lợi ở trẻ em

Bí quyết chăm sóc răng miệng cho trẻ nhỏ ở trường Thực nghiệm
Bí quyết chăm sóc răng miệng cho trẻ nhỏ ở trường Thực nghiệm

Theo bác sĩ Hoàng Văn Thái chia sẻ trên Báo Sức khỏe và Đời sống, khi viêm nướu không điều trị sớm thì mô nâng đỡ răng sẽ bị phá hủy làm nướu bị tụt, xương ổ răng bị tiêu làm răng lung lay.

Điều trị bệnh viêm nướu sẽ rất hiệu quả nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm.

Tùy vào tình hình bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng điều trị tại chỗ bằng các loại dung dịch sát khuẩn vùng miệng hay có thể phối hợp thêm thuốc kháng sinh uống, vitamin PP và vitamin C.

Kết hợp chùi sạch răng nhiều lần trong ngày bằng bàn chải đánh răng mềm.

Đối với trẻ dưới 3 tuổi, nên dùng gạc quấn vào ngón tay trỏ của mình nhúng vào nước đun sôi để nguội, chà răng và lợi của bé.

Để phòng ngừa viêm nướu cho trẻ, quan trọng nhất là vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng. Cần đưa trẻ đi khám răng định kỳ 3-6 tháng/lần để kiểm tra các vấn đề răng miệng.

Đặc biệt, bố mẹ tuyệt đối không để trẻ ăn kẹo hay đồ ngọt vào buổi tối bởi vì sẽ kích thích vi khuẩn gây hại cho răng hoạt động mạnh mẽ hơn.

Đồng thời, các bậc phụ huynh nên chú ý nhiều hơn đến việc hướng dẫn trẻ có thói quen chăm sóc răng miệng khoa học, bởi đó sẽ là tiền đề cho một hàm răng khỏe đẹp về sau.

Tài liệu tham khảo:

https://suckhoedoisong.vn/phong-viem-nuou-o-tre-nho-n134034.html

Vương Thủy