Những lưu ý không thể bỏ qua khi đưa trẻ đi tiêm phòng

15/05/2013 06:57
Bài và ảnh: Hải Hồng
(GDVN) - Thay vì phó thác toàn bộ cho nhân viên y tế, nhiều bậc phụ huynh đã chọn cách trao đổi với nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe của trẻ, cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ trước và sau tiêm chủng.
Theo các chuyên gia y tế, cách làm này sẽ giúp trẻ ngăn ngừa được những phản ứng không mong muốn sau khi tiêm tiêm chủng.

Chị Trần Thị Kim Vân (Đại La – Hai Bà Trưng – Hà Nội) cho biết: “Mình không yên tâm lắm khi mấy lần trước đi tiêm về thấy con sốt và quấy khóc. Nhưng nếu không tiêm, ngộ nhỡ sau này con bị làm sao thì sẽ áy náy lắm. Nên tốt nhất là hỏi thật kỹ nhân viên y tế cho chắc chắn”.

Thay vì phó thác toàn bộ cho nhân viên y tế, nhiều bậc phụ huynh đã chọn cách trao đổi với nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe của trẻ, cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ trước và sau tiêm chủng.
Thay vì phó thác toàn bộ cho nhân viên y tế, nhiều bậc phụ huynh đã chọn cách trao đổi với nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe của trẻ, cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ trước và sau tiêm chủng.

Vắc-xin là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh. Khi tiêm vacxin vào cơ thể trẻ, có thể có những phản ứng không mong muốn như: sốc phản vệ, sốt, mưng mủ, nhiễm trùng,... Một số trường hợp có thể bị viêm cơ tim, thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, theo BSCK II Nguyễn Hồng Hà (PGĐ Bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương), tỷ lệ rủi ro tử vong này là rất thấp, chưa đến 1/1 triệu.

BSCK II Nguyễn Hồng Hà cho biết: “Chúng ta có thể giảm thiểu được những phản ứng không mong muốn cũng như ngăn chặn được những rủi ro cho trẻ khi tiêm chủng bằng cách trao đổi với các nhân viên y tế tại phòng tiêm về tình trạng sức khỏe của trẻ trước và sau tiêm chủng, xem trẻ bị dị ứng với những gì hay có bị làm sao không,… Điều này vừa giúp các y tá, bác sỹ tiết kiệm được thời gian trong quá trình khám sàng lọc, vừa giúp cha mẹ chủ động hơn trong việc theo dõi sức khỏe trẻ”.

BSCK II Nguyễn Hồng Hà cũng nhấn mạnh một số lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng như sau:

Trước khi tiêm:


- Không nên cho trẻ ăn quá no hoặc quá đói.
- Vệ sinh thân thể trẻ sạch sẽ để hạn chế nhiễm trùng, cho trẻ mặc trang phục đơn giản để bác sỹ và y tá dễ thao tác trong quá trình khám, không mặc quần áo quá bó.
- Chuẩn bị hồ sơ sức khỏe cho trẻ, đặc biệt là sổ tiêm chủng trước đó.
- Trao đổi với bác sỹ tiền sử bệnh tật của trẻ trước khi tiêm để giảm đi những phản ứng bất lợi sau đó.

Sau khi tiêm:


- Cha mẹ nên ngồi lại theo dõi sức khỏe trẻ từ 15 đến 30 phút, xem trẻ có bị dị ứng hay không?
- Chỉ nên chườm mát nơi tiêm cho trẻ, không chườm nóng hoặc đắp các loại củ, quả,…
- Cho trẻ uống nhiều nước, bú mẹ nhiều hơn, mặc đồ thoáng,…
- Nếu trẻ sốt có thể dùng các biện pháp hạ sốt như: làm mát cơ thể, dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn, uống thuốc hạ sốt,…
- Trẻ đang mắc bệnh cấp tính thì tạm thời chưa nên tiêm vacxin. Những trẻ mắc các bệnh liên quan đến dị ứng, miễn dịch cũng nên thận trọng khi tiêm vacxin.
- Sau khi tiêm vacxin, chỗ tiêm của trẻ có thể bị sưng, đau. Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện bất thường sau tiêm như: sốt cao trên 39 độ C, co giật, chân tay lạnh, tím tái, khó thở, quấy khóc, bỏ bú, chỗ tiêm sưng to, đỏ,… cha mẹ cần mau chóng đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.

“Những phản ứng không mong muốn là điều không thể tránh khỏi khi đưa trẻ đi tiêm chủng. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức được vai trò quan trọng của tiêm chủng trong việc phòng tránh các loại bệnh tật như: ho gà, uốn ván, sởi, rubella,…” – BSCK II Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Hải Hồng