Nô lệ của mặt trời, khu vườn thượng uyển thơm ngát hương và rộn tiếng chim

10/10/2017 07:07
Xuân Dương
(GDVN) - Không có gì ngạc nhiên khi những bộ óc kiệt xuất nhất của nhân loại khẳng định: “Tất cả chúng ta đều là nô lệ của mặt trời”.

Giải Nobel về Y khoa năm 2017 được trao cho 3 nhà khoa học người Mỹ: Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young vì những cống hiến của họ trong việc khám phá cơ chế phân tử kiểm soát nhịp sinh học - còn gọi là đồng hồ sinh học.

Nhịp sinh học trong các cơ thể sống, cả động vật lẫn thực vật, chi phối quá trình sinh sôi, phát triển và suy vong.

Trong đêm tối, cây cối hút Oxy và thải ra CO2, ngược lại dưới ánh sáng mặt trời cây lại hút CO2 và nhả ra Oxy.

Nhịp sinh học của con người phụ thuộc vào chuyển động tự quay và quay quanh mặt trời của trái đất, vào chu kỳ quay của mặt trăng, nghĩa là phụ thuộc vào chu kỳ sáng tối trên bề mặt địa cầu.

Vạn vật không chỉ cần ánh sáng mà cũng cần bóng tối.

Vạn vật không chỉ cần ánh sáng mà cũng cần bóng tối. (Ảnh minh họa: nasa.gov)
Vạn vật không chỉ cần ánh sáng mà cũng cần bóng tối. (Ảnh minh họa: nasa.gov)

Với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay, nếu không được mặt trời cung cấp năng lượng, sự sống trên Trái đất sẽ bị tiêu diệt, thực tế đó khiến con người, đặc biệt là các nhà khoa học luôn trăn trở câu hỏi:

Nếu mặt trời ngừng tỏa sáng, loài người sẽ tồn tại như thế nào?

Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi những bộ óc kiệt xuất nhất của nhân loại khẳng định: “Tất cả chúng ta đều là nô lệ của mặt trời”.

Nhân loại chỉ có một mặt trời nhưng mỗi người có thể có những mặt trời của riêng mình.

Câu thơ của Tố Hữu: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ; Mặt trời chân lý chói qua tim…” cho thấy ông có nắng hạ, có hoa lá đậm hương và rộn tiếng chim là nhờ mặt trời khác, không phải vừng dương tạo nên bình minh mỗi sáng và hoàng hôn mỗi chiều.

Nô lệ của mặt trời, khu vườn thượng uyển thơm ngát hương và rộn tiếng chim ảnh 2

Mặt trời, Thần chết và Trí tuệ

Dẫu có là như thế, dẫu có mặt trời của riêng mình thì nhận định “chúng ta đều là nô lệ của mặt trời” vẫn là chân lý không dễ bắt bẻ.

Khác với thời kỳ của nhà thơ Tố Hữu, “mặt trời” của một bộ phận không nhỏ người Việt ngày nay là gì, quyền lực hay tiền bạc, hay vẫn là “mặt trời chân lý” như nhà thơ Tố Hữu?

Một vài minh họa sau đây có thể không phải là phổ biến nhưng chắc cũng không phải là cá biệt.

Ông Nguyễn Xuân Anh trở thành Ủy viên Trung ương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khi còn khá trẻ.

Con đường phía trước của vị nguyên Bí thư Thành ủy này rộng mở hơn hàng triệu người cùng trang lứa.

Có thể ông chưa giàu nhưng chắc chắn không nghèo, vậy tại sao phải ở nhờ cái nhà, đi nhờ cái xe của người khác trong khi đã có nhà của bố để lại, có xe phục vụ riêng theo tiêu chuẩn Ủy viên Trung ương Đảng?

Được học hành cẩn thận ở bên Tây, vào một ngày nắng đẹp ở bên Đông, bỗng nhiên được bầu vào Trung ương, bỗng nhiên trở thành lãnh đạo cao cấp.

Thật tiếc là ông Xuân Anh mới bước vào tuổi 40, thêm vài năm nữa, khi vững vàng “tứ thập nhi bất hoặc”, có lẽ ông sẽ đủ lý trí để nhận thức được cái gì là đúng, cái gì là sai, biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm.

Khi vị lãnh đạo cao nhất của Đảng nói rằng có những người xem mình là “vua con” ở địa phương thì hiện tượng Xuân Anh rõ ràng không phải là cá biệt.

Đó chỉ là sản phẩm của một thời kỳ rất nhiều sai phạm đều “đúng quy trình” và hình thức kỷ luật chẳng qua cũng chỉ là “gãi từ vai trở xuống”.

Được cổ vũ bởi “quy trình”, được khích lệ bởi “sợi dây kinh nghiệm dài nhất thế giới” không ít người trở nên “hùng dũng” hơn, họ thậm chí không muốn làm “vua con”, họ cần phải là mặt trời.

“Vua con” hay “vua bố” cuối cùng cũng chỉ là “vua mả”, chỉ khi là “mặt trời” thì người ta mới không ngán chuyện sẽ có ngày xấu trời, sẽ có lúc mây che, bão nổi!

Chí ít thì trong trái tim những người đó không phải là “mặt trời chân lý” mà là vừng mặt trời tỏa ra hào quang quyền lực và danh vọng!

Nô lệ của mặt trời, khu vườn thượng uyển thơm ngát hương và rộn tiếng chim ảnh 3

Ai thua trong cuộc chiến “Cán bộ - Quy trình”?

Trường hợp của doanh nhân Châu Thị Thu Nga có khác ông Xuân Anh.

Bị cáo này khai trước tòa dùng tới 1,5 triệu đô la Mỹ để chạy chức Đại biểu Quốc hội.

Nếu đem so sánh uy tín và học vấn bà này với một vị Tiến sĩ chuyên ngành truyền hình thì thật khó để cho rằng bà xứng đáng vào Quốc hội hơn ông kia.

1,5 triệu đô la Mỹ tương đương gần 35 tỷ đồng tiền Việt, đem gửi tiết kiệm với lãi suất 7,5% một năm, ngồi chơi cũng có hơn 2,6 tỷ đồng tiêu sài.

Vấn đề với người phụ nữ này bên cạnh tiền bạc có thể còn là cái gì đó theo kiểu “trâu buộc - trâu ăn”. Sao cái bà doanh nhân ấy trở thành Đại biểu được mà mình lại không thể?

Chiếc ghế Đại biểu Quốc hội có thể là nhịp cầu nối đến ông nọ, bà kia, là sự đảm bảo hơn cả vàng bạc cho “tiếng thơm” trước công chúng (mà biết đâu cũng có thể ngược lại).

Có thể bà Thu Nga chưa đến mức coi mình là mặt trời, mới chỉ ở giai đoạn mon men đến gần mặt trời, nhưng cũng như ông Xuân Anh, họ không biết (hay biết mà bỏ qua) lời dạy của cổ nhân: “Tham quá hóa rồ”?

Nô lệ của mặt trời, khu vườn thượng uyển thơm ngát hương và rộn tiếng chim ảnh 4

"Chỉ sau một cuộc bỏ phiếu, có người bỗng khệnh khạng, oai vệ và bề trên hơn”

Có điều người dân không hiểu chuyện gì xảy ra tại phiên tòa khiến báo Vietnamnet.vn tường thuật:

Tại tòa, bị cáo Châu Thị Thu Nga bày tỏ mong muốn được trả lời câu hỏi của luật sư, cũng là để giải tỏa những thắc mắc của dư luận, nhưng vị thẩm phán nhắc: "Bị cáo về chỗ đi". [1]

Liệu việc thẩm phán yêu cầu bị cáo “về chỗ đi” có đồng nghĩa với việc không cho phép bị cáo “trả lời câu hỏi của luật sư”?

Nếu vị quan tòa nắm rõ trong các điều luật hiện hành, có điều luật cho phép thẩm phán cấm bị cáo khai báo tại tòa thì có nên giải thích cho dân chúng biết?

Trên mạng xã hội không thiếu số liệu về số tiền bỏ ra trong quá trình vận động tranh cử tổng thống, thượng nghị sĩ tại Hoa Kỳ. Chỉ có điều người ta công khai, minh bạch số tiền đó chi cho ai và chi vào việc gì.

Ở thang bậc thấp hơn, khá nhiều người thuộc hàng “ngũ ệ” xem việc có được một chân công chức là lý tưởng sống, dưới bóng mát chiếc ô mà các đấng bề trên giăng sẵn, họ cứ thế “băng băng trên con đường quan lộ”. [2]

Họ cần bóng râm chứ không cần mặt trời, cả đời “cắp ô” cũng không sao miễn là khi hết giờ công sở, họ quay về biệt phủ với khu vườn thượng uyển “thơm ngát hương và rộn tiếng chim”!

Nô lệ của mặt trời, khu vườn thượng uyển thơm ngát hương và rộn tiếng chim ảnh 5

Quan, lá đa và quy trình

Nói thế không có nghĩa họ không phải là nô lệ của mặt trời bởi một chân lý hiển nhiên, không có mặt trời thì làm gì có bóng râm.

Tuy nhiên, cứ cho là có ai đó đạt đến “đẳng cấp mặt trời”, chẳng lẽ họ không sợ bất kỳ thứ gì? Trả lời câu hỏi này trước hết phải tìm đến các nhà Vật lý hiện đại.

Các nhà khoa học đã nhận thấy hiện tượng khi một lượng vật chất với khối lượng đủ lớn bị dồn nén trong phạm vi đủ nhỏ thì lực hấp hẫn của nó sẽ làm biến dạng không – thời gian xung quanh và trở thành “Hố đen” (Black Hole).

Hố đen chính chính là “thiên địch” của mặt trời, những Hố đen lớn có thể nuốt chửng cả hệ mặt trời.

Hiện tượng tự nhiên ấy cũng đúng cho xã hội loài người. Nếu một “mặt trời bé con” tự nguyện tiếp xúc với một “Hố đen”, thật khó để nó có thể tồn tại nguyên vẹn.

Hố đen trong vũ trụ làm biến dạng không-thời gian xung quanh nó, còn “Hố đen” trong xã hội loài người làm biến dạng nhân cách cả “vua con” lẫn “mặt trời bé con” tiếp xúc với nó.

Lấy ví dụ trường hợp lãnh đạo Đà Nẵng mới bị kỷ luật, Báo điện tử Dantri.com.vn dẫn lời cử tri Đà Nẵng chất vấn: “Vũ "Nhôm" là ai mà người ta đặt ra biệt danh mafia của Đà Nẵng?

Tại sao để Vũ "Nhôm" tác động nhiều đến Đà Nẵng như thế? Vũ "Nhôm" không chỉ thao túng kinh tế mà còn thao túng cả chính quyền Đà Nẵng? Nếu đúng như vậy thì xử lý như thế nào?”. [3]

Đà Nẵng xét về diện tích, dân số không phải là địa phương lớn, vậy ở những nơi khác với quy mô lớn hơn liệu có tồn tại các “Vũ thuốc”, “Vũ BOT”, “Vũ quy trình” hay “Vũ tổ”?

Nhờ “Vũ tổ” mới có chuyện Vụ phó không làm việc ngày nào ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhảy về Cần Thơ làm phó phòng, con ông cựu Bộ trưởng “bụp” một cái về làm phó gì đó ở Công ty Bia Sài Gòn,…

Chợt nhớ lời một bài hát có câu: “sao không là mặt trời, gieo hạt nắng vô tư”. Sẽ thế nào nếu những “hạt nắng” được gieo “vô tư” ấy nảy mầm tươi tốt, khiến khắp đất nước đâu đâu cũng đầy rẫy “hậu duệ mặt trời”?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/chau-thi-thu-nga-xin-khai-chi-tien-chay-dai-bieu-qh-402847.html

[2]http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Con-trai-con-re-Bi-thu-Tinh-uy-Hai-Duong-bang-bang-tren-duong-quan-lo-post135344.gd

[3]http://dantri.com.vn/xa-hoi/cu-tri-da-nang-vu-nhom-la-ai-ma-tac-dong-nhieu-den-thanh-pho-nhu-the-2017100418130897.htm

Xuân Dương