Phấp phỏng nỗi lo suất ăn trường học

11/10/2020 07:18
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bên cạnh những trường làm tốt, thì vẫn còn nhiều đơn vị thiếu ý thức trách nhiệm, do đó suất ăn trong trường học vẫn phấp phỏng những nỗi lo.

Năm học mới 2020-2021 vừa bắt đầu, nhưng tại nhiều địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các trường học khiến phụ huynh lo lắng về bữa ăn bán trú của con ở trường.

Những sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng bữa ăn học đường và đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa từ cơ quan chức năng.

Ngày 13/9, có 98 em ở trường tiểu học Bình Trưng Đông (Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) có biểu hiện bất thường, 20 em đã nhập viện, nghi do ngộ độc bữa ăn ở trường.

Trước đó, trưa thứ Sáu 11/9 các em ở trường tiểu học Bình Trưng Đông ăn trưa là bánh canh tôm, ăn chiều là bánh su kem.

Nhưng thứ Bảy 12/9, chiều tối có 8 em nhập viện Bệnh viện Quận 2. Đến sáng 13/9, có 12 em nhập viện chung một biểu hiện nôn ói, sốt, đi ngoài. Hiện phòng Y tế, phòng Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp để lấy mẫu thức ăn kiểm tra trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Trước đó, tại huyện Đông Anh (Hà Nội) ngày 09 và 10/9/2020 tại Trường Tiểu học Tiên Dương do hộ kinh doanh Vũ Quỳnh và Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu do hộ kinh doanh Lê Tuấn Mạnh cung cấp thực phẩm, suất ăn, khiến hàng chục học sinh bị ngộ độc và nhiều học sinh có triệu trứng đau bụng, nôn mửa, chóng mặt...

Sau khi lấy mẫu kiểm nghiệm, cơ quan chức năng xác định, do thực phẩm của hai hộ cung cấp nhiễm nhiễm Coliform, Staphyloccus aureus có trong mẫu thịt kho tầu, trứng cút chiên vượt ngưỡng theo quy định tại Quyết định số 46/2007/QĐ – BYT ngày 19/12/2007 của Bộ Y tế; phát hiện vi khuẩn Coliform, Staphyloccus, Escherchia coli trong mẫu canh rau cải, su su xào cà rốt, đậu trắng sốt cà chua và giò lụa rim đã vượt ngưỡng tại Quyết định số 46/2007/QĐ – BYT ngày 19/12/2007 của Bộ Y tế.

Nhiều cơ sở giáo dục chăm sóc bữa ăn rất tốt cho học sinh.

Nhiều cơ sở giáo dục chăm sóc bữa ăn rất tốt cho học sinh.

Cơ quan chức năng kết luận, học sinh ngộ độc thực phẩm, căn nguyên gây ngộ độc là do vi khuẩn tại bữa ăn trưa ngày 9 tại Trường Tiểu học Tiên Dương do hộ kinh doanh Vũ Quỳnh và 10/9/2020 trong nhà trường Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu của hộ kinh doanh Lê Tuấn Mạnh.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, nguyên nhân của sự cố an toàn thực phẩm này bước đầu được xác định là do nhiễm vi sinh.

Qua vụ việc này, Chi cục đề nghị tất cả trường học trên địa bàn Hà Nội quan tâm và tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong trường học, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng đầy đủ yêu cầu chuyên môn, nhằm bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho các em học sinh.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, biểu hiện ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng điển hình, như: Nôn, đau bụng, tiêu chảy... Bệnh nhân có thể uống dung dịch oresol (uống thay nước, cho hết khát và uống tiếp chừng nào còn tiêu chảy) hoặc nước khoáng, nước rau luộc pha muối.

Trường hợp ngộ độc nặng, phức tạp sẽ có các biểu hiện tiêu hóa nhiễm trùng ở mức độ nặng hơn, như: Nôn liên tục nhiều lần, tiêu chảy liên tục nhiều lần, đau bụng dữ dội liên tục, sốt cao 39 độ C..., kèm thêm một số dấu hiệu liên quan đến thần kinh hoặc tim mạch, hô hấp,... gia đình cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm cần có sự phối hợp giữa phụ huynh, nhà trường và đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn.

Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm cần có sự phối hợp giữa phụ huynh, nhà trường và đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn.

Nói về an toàn thực phẩm trong trường học, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: "An toàn bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn trường học đã sớm được cảnh báo và có những chế tài nhằm kiểm soát chất lượng. Để hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc tại bếp ăn tập thể, trong đó có các trường học cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Cụ thể, các đơn vị yêu cầu hiệu trưởng hoặc người chịu trách nhiệm bếp ăn phải có cam kết bảo đảm An toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh. Các đơn vị làm việc và có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương về công tác giám sát An toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học”.

Như vậy để hạn chế ngộ độc thực phẩm trong trường học không chỉ yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp suất ăn đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật mà hơn hết cần sự giám sát kịp thời của phụ huynh học sinh và nhà trường mới có thể đảm bảo sức khỏe bữa ăn cho các con.

Trần Phương