Phát triển Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên và mục tiêu lớn hơn

16/10/2020 18:39
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- BHYT cho người dân, trong đó có nhóm đối tượng HSSV, là quy định bắt buộc trong Luật BHYT. Đây là bước đi quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân.

Bước đi quan trọng

Chính sách BHYT cho người dân nói chung, trong đó có nhóm đối tượng HSSV, là quy định bắt buộc trong Luật BHYT. Đây cũng là bước đi quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta.

BHYT học sinh sinh viên là chính sách BHYT mang tính xã hội, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện theo quy định tại Luật BHYT và được thực hiện theo nguyên tắc: Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.

Tỷ lệ bao phủ BHYT học sinh, sinh viên đã phát triển ổn định và tăng dần qua các năm. Năm học 2019-2020, số HSSV tham gia BHYT trên cả nước đạt 18,16 triệu người, ước đạt tỷ lệ 95,2% tổng số học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề. Con số này tăng 1% so với năm học 2018-2019.

Những năm qua, việc thực hiện tốt chính sách BHYT không chỉ bảo đảm cho học sinh, sinh viên được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu, mà còn giảm rủi ro khi các em không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo.

Hướng tới mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT trong năm học 2020-2021, nhất là trong tình hình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các ngành: Giáo dục và đào tạo, BHXH, các đơn vị liên quan cùng các địa phương đã và đang có nhiều hoạt động nhằm triển khai hiệu quả mục tiêu này.

Với mong muốn đóng góp thêm tiếng nói truyền thông về chính sách BHYT học sinh sinh viên, chương trình cung cấp thêm cho độc giả, nhất là học sinh sinh viên và gia đình của các em, những nội dung mới nhất trong quy định về chính sách BHYT.

Sự vào cuộc của các ngành: Giáo dục đào tạo, BHXH và các cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai chính sách này. Vai trò đó đã được phát huy như thế nào trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn bệnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Đến thời điểm hiện tại, theo con số thống kê của BHXH Việt Nam, có 18.117.769 học sinh, sinh viên đang tham gia BHYT. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Đến thời điểm hiện tại, theo con số thống kê của BHXH Việt Nam, có 18.117.769 học sinh, sinh viên đang tham gia BHYT. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Hơn 18 triệu học sinh, sinh viên đang tham gia BHYT

Theo bà Đinh Mai Hạnh - Phó Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết. Tính đến thời điểm 30/9/2020, cả nước có 86,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số. Kết thúc năm học 2019-2020, tỷ lệ tham gia BHYT trên cả nước đạt 95,2%, tăng 1% so với năm học 2018-2019.

Trong đó, khối học sinh phổ thông có tỷ lệ tham gia cao nhất (97,7%). Tiếp đến là khối đại học (91,4%), khối cao đẳng và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tỷ lệ tham gia thấp hơn, đặc biệt là đối với những sinh viên từ năm thứ 2 trở đi.

Đến thời điểm hiện tại, theo con số thống kê của BHXH Việt Nam, có 18.117.769 học sinh, sinh viên đang tham gia BHYT, trong đó có 13.202.677 học sinh, sinh viên tham gia BHYT tại nhà trường, tức là do nhà trường lập danh sách và thu tiền của học sinh, sinh viên nộp cho cơ quan BHXH, và 4.915.092 học sinh, sinh viên tham gia theo đối tượng khác. Đó là các đối tượng như: thuộc hộ nghèo, thân nhân của quân nhân, công an được ngân sách nhà nước đóng 100%, người thuộc hộ cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70%....

Đánh giá ra sao về con số, tỷ lệ tham gia BHYT, Tiến sĩ Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng học sinh, sinh viên là nhóm có tỷ lệ tham gia BHYT cao và đã đạt được tỷ lệ cơ bản.

Điều này cho thấy, ngành giáo dục luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng ở trung ương, địa phương trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHYT, đặc biệt là Luật BHYT và các văn bản liên quan.

Đáng chú ý, cần phải kể đến các hội nghị tập huấn, đối thoại chính sách được ngành giáo dục phối hợp BHXH Việt Nam tổ chức.

Thông qua các sự kiện này, các nhân viên y tế trường học đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nắm rõ về quyền và nghĩa vụ của việc tham gia BHYT của học sinh, sinh viên, đặc biệt là tính ưu việt, quyền lợi khi khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại nhà trường.

“Tuy chưa đạt đến kỳ vọng 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT nhưng tỷ lệ trên cũng cho thấy sự nỗ lực, cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cấp liên quan, trực tiếp là ngành giáo dục và BHXH Việt Nam”, Tiến sĩ Huy nói.

Nỗ lực để 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, học sinh, sinh viên tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT.

Với mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2020-2021, nhất là trong tình hình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bà Đinh Mai Hạnh cho biết. Ngành BHXH đang nỗ lực nhằm triển khai hiệu quả mục tiêu này.

Hằng năm, trước thềm năm học mới, BHXH Việt Nam đều có công văn chỉ đạo thực hiện BHYT học sinh, sinh viên đối với BHXH địa phương và với mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT năm học 2020-2021, nhất là trong tình hình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ảnh hưởng đến đời sống, việc học hành của học sinh, sinh viên nên việc tham gia BHYT đầy đủ là hết sức cần thiết. Đây chính là “tấm thẻ” để bảo vệ sức khỏe cho các em.

BHXH Việt Nam đã có các văn bản chỉ đạo xuống BHXH các tỉnh nhằm triển khai một số giải pháp. Năm nay, BHXH Việt Nam dành quyết tâm vận động nhóm đối tượng HSSV phải tham gia đầy đủ, đạt tỷ lệ 100%.

Chúng ta cần phát triển các nhóm như: Nhóm dùng ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ... Theo đó BHXH các tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện các nội dung như:

Thứ nhất, tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác BHYT học sinh, sinh viên năm học 2020-2021 trên địa bàn, giao chỉ tiêu thực hiện cho từng cơ sở giáo dục, phấn đấu 100% về tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên.

Thứ hai, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác BHYT học sinh, sinh viên, tổ chức khen thưởng đối với tập thể nhà trường, cá nhân thực hiện tốt công tác BHYT học sinh, sinh viên năm học 2019-2020.

Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện BHYT học sinh, sinh viên năm học 2020-2021, tập trung các giải pháp bao phủ BHYT cho 100% học sinh, sinh viên năm học 2020-2021; thực hiện cấp thẻ BHYT học sinh, sinh viên năm học 2020-2021 kịp thời, đúng quy định.

Thứ ba, tổ chức lễ ra quân, các hoạt động truyền thông về BHYT học sinh, sinh viên trước thềm năm học mới 2020-2021 bằng các hình thức phù hợp đến tất cả các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến học sinh, sinh viên để động viên, đôn đốc học sinh, sinh viên tham gia BHYT đầy đủ.

Thứ tư, tích cực phối hợp các sở, ngành có liên quan đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ; huy động các nguồn tài trợ hợp pháp khác để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên trên địa bàn, nhất là những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Thứ năm, phối hợp Sở Y tế triển khai ký kết Quy chế phối hợp giữa hai ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật BHYT; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn bảo đảm kịp thời quyền lợi về khám, chữa bệnh cho tất cả người dân và học sinh, sinh viên trên địa bàn.

Khối học sinh phổ thông có tỷ lệ tham gia cao nhất (97,7%). Tiếp đến là khối đại học (91,4%), khối cao đẳng và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tỷ lệ tham gia thấp hơn. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Khối học sinh phổ thông có tỷ lệ tham gia cao nhất (97,7%). Tiếp đến là khối đại học (91,4%), khối cao đẳng và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tỷ lệ tham gia thấp hơn. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Để đạt được mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, theo Tiến sĩ Nguyễn Nho Huy: Cần nhiều giải pháp đồng bộ, phối hợp các ngành, các cấp. Nòng cốt ở đây vẫn là ngành giáo dục, BHXH Việt Nam, ngành y tế để thực hiện mục tiêu kỳ vọng này.

Trong đó, cần chú trọng một số giải pháp chính như: Hoàn thiện về cơ chế chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống y tế trong trường học…

Thực hiện tốt công tác giáo dục tuyên truyền chính sách pháp luật về BHYT, trong đó đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền đúng đối tượng.

Ngành Giáo dục và BHXH Việt Nam cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá công tác thực hiện BHYT ở các cơ sở và vai trò phối hợp ở các ngành địa phương trong thực hiện chính sách BHYT.

Chính phủ đã ban hành nghị định trong đó có quy định xử phạt hành chính đối với đối tượng cố tình không đóng BHYT. Với học sinh, sinh viên, chúng tôi coi trọng giải pháp thuyết phục vận động là chính.

Nhưng có đối tượng có điều kiện cố tình chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ đóng BHYT, thì ngoài việc thực hiện chế tài giáo dục, chúng tôi kiến nghị dùng chế tài mạnh hơn để nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT trong thời gian tới đây.

Có một thực tế là nhiều học sinh, sinh viên vẫn còn băn khoăn về việc có nên mua BHYT hay không. Vì thế khi triển khai BHYT, cần đưa ra các giải pháp, thông tin kịp thời về BHYT đến với học sinh, sinh viên.

Cần phải tuyên truyền để học sinh, sinh viên nắm được những quyền lợi của mình khi tham gia BHYT như được khám chữa bệnh, có thể mua BHYT ở đâu, trong thời gian bao lâu…

Cùng với đó, cần phải thông tin tới gia đình để thống nhất với nhà trường việc mua BHYT để bảo đảm sức khỏe cho các em trong quá trình học tập.

Tùng Dương