Mười năm
Tại Đà Nẵng, trong gần 10 năm, từ 2006 đến 2014, hai cựu chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, giúp Vũ "Nhôm" thâu tóm nhà đất, gây thiệt hại hơn ngân sách khoảng 20 nghìn tỷ đồng.
Hai người này đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố cùng gần 20 bị can khác.
Chia bình quân mỗi năm đội ngũ cán bộ đã bị kỷ luật tại thành phố này gây thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng.
Con số này tương đương 1/3 GDP Đà Nẵng năm 2006 (6.225 tỷ đồng – số liệu trong Nghị quyết số 28/2005/NQ Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng). [1]
Ông Vũ Huy Hoàng từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương từ tháng 8/2007.
Cho đến khi ông Hoàng bị kỷ luật (2016), bị xóa tư cách Bộ trưởng Bộ Công Thương là khoảng 10 năm.
Bộ trưởng… mời cơm! |
Ông Nguyễn Bắc Son trở thành Ủy viên Trung ương năm 2007, ngày 04/10/2018, Trung ương kỷ luật ông Nguyễn Bắc Son bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016.
Ông Son có khoảng 10 năm làm lãnh đạo cấp trung ương không kể thời gian công tác tại địa phương.
Sáng 14/11/2019, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Thế Toàn, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố các quyết định kỷ luật của Ban Bí thư đối với tập thể và các cá nhân là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh này.
Quyết định nêu rõ:
“Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Khánh Hoà nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2011 - 2016, nhiệm kỳ 2016 - 2021 vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc;
Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra rất nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí rất lớn tài nguyên đất đai, tài sản và ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng”. [2]
Vụ việc tại Khánh Hòa đã diễn ra từ năm 2010 đến năm 2019 là khoảng 10 năm.
Tham nhũng làm tha hóa biến chất cán bộ công chức. (Ảnh minh họa: thoibaokinhdoanh.vn) |
Hai mươi năm
Những sai phạm trong hoạt động chỉ đạo, thực thi pháp luật tại khu đô thị Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài khoảng 20 năm.
Đối tượng gây sai phạm không chỉ là nhiều sở, ban, ngành mà còn là lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố qua các thời kỳ (trước nhiệm kỳ hiện tại), trong đó có những cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Cho đến nay mới chỉ một số cá nhân bị kỷ luật, chưa thấy công bố các quyết định kỷ luật tập thể và người đứng đầu.
Bốn mươi năm
Tại tỉnh Đồng Nai, vào những năm 1978 – 1979, nguyên đại tá Nguyễn Hữu Giộc tức Mười Vân, cựu Giám đốc công an Đồng Nai phạm tội vô cùng nghiêm trọng đã bị tuyên án tử hình.
Từ năm 1996 đến năm 2017, “Hơn 20 năm “treo” quyền lợi của hàng chục hộ dân” là nội dung trong bài báo đăng trên Nhandan.org.vn. [3]
Năm 2003, vụ mãi lộ của cảnh sát giao thông trạm Dầu Giây bị phát hiện, “11 cảnh sát giao thông tại trạm Dầu Giây bị sa thải”. [4]
Năm 2013 Ngô Văn Vinh (nguyên đại úy công an) vì mâu thuẫn cá nhân dùng súng bắn chết thiếu tá Thiếu tá Trần Ngọc Sơn, nguyên Phó trưởng trạm tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre.
Năm 2018, Nguyễn Tấn Phước, cựu trung úy Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai dùng súng được cấp trái phép bắn chết một người dân tên là Hải.
Cho đến năm 2019 này, Giám đốc công an tỉnh Huỳnh Tiến Mạnh bị cách tất cả chức vụ trong đảng.
Ba vị đại tá Phó Giám đốc công an Đồng Nai (Lý Quang Dũng, Trần Thị Ngọc Thuận, Nguyễn Văn Kim) bị kỷ luật cảnh cáo hoặc giáng chức.
Khoảng thời gian từ vụ Mười Vân đến vụ kỷ luật ban lãnh đạo công an Đồng Nai năm 2019 là khoảng 40 năm.
Sáu mươi năm
Quyền lực chỉ có thể kiểm soát bằng thể chế |
Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo…” được ban hành năm 2013. Tính từ khi hòa bình lập lại (1954) đến khi ban hành Nghị quyết này là tròn 60 năm.
Trong suốt thời gian đó, nhiều giáo viên được đào tạo từ nguồn “chuột chạy cùng sào”.
Nhiều nhà giáo khi nghỉ hưu, ngân sách phải bù thêm tiền để lương hưu bằng mức lương tối thiểu. Tình trạng này cho đến nay chưa phải là đã được cải thiện triệt để.
Bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có cuộc “Trường kỳ thí điểm” kéo dài tới 40 năm tại 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đến nay bộ sách này tạm thời bị Hội đồng thẩm định loại khỏi danh sách áp dụng.
Và trường hợp ngoại lệ
Có một ngoại lệ về con số 10, đó là chuyện kê khai tài sản của cán bộ, công chức (thuộc diện phải kê khai theo quy định).
Trong những năm qua, số lượng người phải kê khai sấp xỉ 1 triệu nhưng kết quả xác minh chưa bao giờ vượt quá 10 trường hợp sai phạm?
Năm 2018 chỉ phát hiện 06 trường hợp sai phạm khi kê khai tài sản.
Cũng trong năm 2018, đã thi hành kỷ luật hơn 650 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái trong đó có 38 cán bộ, đảng viên diện trung ương quản lý.
Trừ 06 trường hợp đã phát hiện sai phạm kê khai tài sản, 644 người còn lại (trong số 650 người bị thi hành kỷ luật) không có ai sai phạm về kê khai tài sản?
Số liệu trong bài viết trên báo Nhân Dân điện tử cho biết:
“Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, trong thời gian từ năm 2007 đến nay (10/07/2018 – NV), các cơ quan chức năng tiến hành xác minh 4.859 trường hợp kê khai tài sản và chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai không trung thực”. [5]
Cày ải… tư duy |
Hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương, chính sách luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, chẳng hạn “Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới” diễn ra tại Nam Định vào ngày 19/10/2019; Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới; Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39 của Ban Bí thư;…
Đưa ra từng ấy vụ việc liệu đã đủ nhiều để kết luận về tính quy luật liên quan đến con số 10 hoặc bội số của 10?
10 năm là khoảng thời gian tương đương hai nhiệm kỳ với mỗi chức danh lãnh đạo đoàn thể và chính quyền, bên cạnh tổng kết thành tích, rút kinh nghiệm, liệu có tổ chức, cá nhân nào “băn khoăn” tại sao lại để tới 10 năm (hoặc bội số của 10) mới phát hiện và xử lý sai phạm?
Với một số cá nhân như Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son, phải chăng 05 năm đầu tại vị, “anh em” còn bận PR hình ảnh, bận “gia cố” chỗ ngồi nên chưa kịp “thu hồi vốn”, thế nên cần phải thông cảm, phải thêm 05 năm nữa để “anh em” khỏi … lỗ!
Lướt qua thông tin trên mạng (ngày nay, chẳng mấy ai mua báo giấy) có thể thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật thuộc Chính phủ, các ngành Tổ chức, Nội chính, Kiểm tra bên Đảng,… thường xuyên tổng kết, đánh giá thành tích đã đạt và tồn tại cần khắc phục, đặc biệt là kỷ niệm 10 năm một sự kiện nào đó.
Vì sao với rất nhiều hoạt động “nhân dịp 10 năm” mà tình trạng tham nhũng, lãng phí, hối lộ, mua quan, bán chức, lợi ích nhóm,… vẫn diễn ra và chưa có chiều hướng thuyên giảm?
Có ý kiến cho rằng đất nước phát triển chậm so với khu vực và thế giới như hiện nay là do hậu quả của chiến tranh, của dân trí chưa cao chứ không phải từ tầm nhìn vĩ mô, càng không phải do trình độ và đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bởi số người bị kỷ luật chỉ chiếm một tỷ lệ vô cùng nhỏ so với gần 5 triệu đảng viên hiện tại.
Vậy có phải mọi lỗi lầm đều do con số 10 mà ra, nếu đúng thì xử lý nó thế nào?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thuong-mai/Nghi-quyet-28-2005-NQ-HDND-thuc-hien-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-Da-Nang-2006-174491.aspx
[2] http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/cong-bo-quyet-dinh-ky-luat-cua-ban-bi-thu-doi-voi-lanh-dao-tinh-khanh-hoa-542824.html
[3]https://nhandan.org.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/baothoinay-xahoi-phongsu/item/33935602-nhung-du-an-%E2%80%9Ctai-tieng%E2%80%9D-o-dong-nai.html
[4] https://vnexpress.net/phap-luat/11-canh-sat-giao-thong-tai-tram-dau-giay-bi-sa-thai-2045102.html
[5] https://nhandan.com.vn/chinhtri/item/36959202-kiem-soat-ke-khai-tai-san-gop-phan-phong-chong-tham-nhung.html