"Tổ y tế từ xa", nâng cao hiệu quả điều trị F0 tại nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh

04/09/2021 06:10
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp, với những trường hợp F0 có bệnh lý nền thì sẽ được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn trực tiếp, theo dõi sát sao bệnh nhân.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến 6h ngày 3/9, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 232 nghìn trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện nhiễm trong cộng đồng tại thành phố, trong đó có một số lượng rất lớn F0 được cách ly tại nhà.

Tổ y tế từ xa chăm sóc F0 tại nhà

Nhằm thực hiện tốt, nâng cao hiệu quả điều trị cho các F0 đang được cách ly tại nhà, nâng cao hiệu quả điều trị của mô hình đa tầng theo dõi và điều trị bệnh nhân Covid-19 của thành phố, hạn chế thấp nhất tỷ lệ F0 nhẹ chuyển sang có triệu chứng hay bệnh năng, Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch vừa đưa vào hoạt động mô hình “Tổ y tế từ xa”.

Đội ngũ tham gia là các giảng viên của nhiều chuyên khoa khác nhau, nên với những trường hợp F0 có các bệnh lý nền sẽ được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn trực tiếp, hướng dẫn, theo dõi sát sao quá trình điều trị bệnh của bệnh nhân.

Các chuyên gia của Tổ y tế từ xa đang tư vấn cho các F0 tại nhà (ảnh: NTCC)

Các chuyên gia của Tổ y tế từ xa đang tư vấn cho các F0 tại nhà (ảnh: NTCC)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, “Tổ y tế từ xa” của nhà trường được thực hiện rất bài bản, có xây dựng phần mềm quản lý để các tình nguyện viên có thể cập nhật tình hình F0, tình trạng của các bệnh nhân liên tục lên hệ thống, như một hồ sơ bệnh án thông thường tại bệnh viện.

Các tình nguyện viên sẽ làm việc theo ca, mỗi ca có một nhóm, chia theo từng khu vực cụ thể để có thể kết nối với đội y tế lưu động tại địa phương, hỗ trợ kịp thời mọi diễn biến của F0.

Như vậy, mỗi tình nguyện viên có thể phụ trách, theo dõi đến vài chục F0 khi đang cách ly tại nhà. Với các bệnh nhân nhẹ, tổ tư vấn sẽ có hướng dẫn các biện pháp cần thiết khi thực hiện việc tự cách ly tại nhà.

Trong trường hợp bệnh nhân nặng, cần can thiệp hoặc phải chuyển viện, tổ tư vấn sẽ liên hệ với Đội cấp cứu 115, các đội phản ứng nhanh của địa phương để kịp thời hỗ trợ cho bệnh nhân.

Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp, cho đến nay, “Tổ y tế từ xa” đã hỗ trợ, theo dõi từ xa cho hơn 2.000 bệnh nhân F0. Các giảng viên tư vấn sẽ cùng đồng hành cho đến khi bệnh nhân khỏi bệnh, hoặc chuyển lên tuyến trên, chứ không phải chỉ giải đáp các thắc mắc của bệnh nhân ở tại thời điểm đó.

Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh: Trong thời gian tới, trường sẽ kết nối với các địa phương, để nhân rộng mô hình này.

Cụ thể: Sẽ cử 22 giảng viên đến với 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, phối hợp với Sở và Bộ Y tế, tiểu ban chống dịch ở các địa phương để thực hiện việc phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và chặt chẽ hơn.

Tổ sẽ thực hiện theo mô hình với nguyên tắc là lồng ghép vào những hoạt động đang được triển khai tại địa phương, chứ không thực hiện việc tác nghiệp đơn lẻ hay song song, tránh trùng lặp những phương án khác đã được triển khai tại địa phương.

Thầy Nguyễn Thanh Hiệp nêu quan điểm: Ngay lúc khó khăn này, chúng ta có thể biến “nguy thành cơ”, tạo ra cơ hội để tăng cường chức năng của hệ thống y tế ở cơ sở, tăng thêm nguồn lực, tăng cách thức để phối hợp cùng nhau.

Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp nhấn mạnh: Nếu số F0 được quản lý chặt ở cộng đồng, thì sẽ giảm bớt tỷ lệ bệnh nhân lên tầng 2,3, hạn chế đi tỷ lệ tử vong của người bệnh.

Liên hệ bằng cách nào?

F0 hoặc các người thân của F0 có thể liên hệ với “Tổ y tế từ xa” để được tư vấn qua số điện thoại 028.9999.115, 0912620120 hay qua các số zalo 0926466337 hoặc 0926416833.

Dịp này, Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp cũng kêu gọi các bác sĩ thuộc hệ thống bác sĩ gia đình trên địa bàn thành phố, các bác sĩ của hệ thống y tế tư nhân và các bác sĩ đã nghỉ hưu cùng chung tay với nhà trường tham gia đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Thành viên của tổ y tế từ xa đang tư vấn qua điện thoại (Ảnh: NTCC)

Thành viên của tổ y tế từ xa đang tư vấn qua điện thoại (Ảnh: NTCC)

Ngoài “Tổ y tế từ xa”, hiện trường còn huy động rất đông lực lượng giảng viên, sinh viên tham gia vào công tác chống dịch trên nhiều mặt trận như:

Đội hình “Tổng đài viên và mô hình “Taxi cấp cứu chuyển bệnh” phối hợp cùng Trung tâm Cấp cứu 115 triển khai.

Tổng đài tư vấn sức khỏe đa chuyên khoa (Thuộc Phòng Khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch).

Đội hình lấy mẫu xét nghiệm và hỗ trợ đội tiêm chủng vắc xin.

Trường cũng có khu lưu trú tạm thời, phục hồi sức khỏe sau công tác cho đội ngũ phòng chống dịch của nhà trường với số lượng 172 người.

Tại đây, các nhân sự sẽ được các y bác sĩ của Phòng Khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch theo dõi sức khỏe liên tục, xét nghiệm định kỳ và cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Việt Dũng