Ngày 2/5/2019, Bộ Y tế tổ chức họp tổng kết thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019; triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền dân tộc.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế cho biết, từ ngày 15/12/2018- 15/4/2019, Bộ Y tế đã triển khai các đoàn thanh, kiểm tra về dược-mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và đã xử phạt 26 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng.
Trong đó riêng lĩnh vực thực phẩm, qua thanh kiểm tra đã xử phạt hành chính 15 cơ sở với tổng số tiền gần 912 triệu đồng các lỗi vi phạm về quảng cáo, chất lượng không phù hợp với công bố…
Cùng với xử phạt bằng tiền, Bộ Y tế đã buộc các cơ sở thu hồi, tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo, cải chính thông tin.
Đội quản lý thị trường số 15 kiểm tra và thu giữ lượng lớn hàng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc tại số nhà 5, ngõ 125 thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN) |
Đại diện Thanh tra Bộ Y tế cho biết, trong năm 2018, đặc biệt thực hiện Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tại 18 tỉnh thành phố.
Theo đó, báo cáo việc lấy mẫu, kiểm tra, giám sát chất lượng của 18 Sở Y tế với các đoàn kiểm tra cho thấy, về lĩnh vực dược mỹ phẩm, dược liệu, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền đã lấy hơn 13.000 mẫu, trong đó có 332 mẫu không đạt chất lượng, 605 phiếu công bố mỹ phẩm bị thu hồi.
Trong năm 2018, các tỉnh này đã thực hiện được 75 đoàn thanh tra về dược mỹ phẩm, kiểm tra gần 7200 cơ sở, phát hiện gần 1.090 cơ sở vi phạm và xử lý 719 cơ sở.
Về lĩnh vực an toàn thực phẩm đã tiến hành 3.318 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 94.082 cơ sở, phát hiện gần 8.000 cơ sở vi phạm, xử lý 1.408 cơ sở.
Cùng với đó, các đoàn kiểm tra đã xử phạt hành chính 2.127 cơ sở với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng…
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị của Bộ Y tế cũng cho biết trong công tác đấu tranh phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng của Bộ Y tế vẫn gặp không ít khó khăn.
Do nhóm mặt hàng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền thuộc ngành, lĩnh vực kinh tế được Bộ Y tế quản lý và phối hợp quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân và an ninh, an toàn xã hội và là ngành kinh tế tăng trưởng cao, lợi nhuận lớn nên hành vi vi phạm đối với nhóm hàng này ngày càng tinh vi và phức tạp.
Mặt khác lực lượng thanh tra y tế đã được củng cố và kiện toàn song vẫn còn quá mỏng so với yêu cầu khối lượng công việc thực tế quá lớn. Sự vào cuộc của chính quyền tại một số địa phương còn chưa kịp thời; công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động thanh tra tại một số nơi chưa được chặt chẽ.
Việc xử lý vi phạm tại một số địa phương chưa nghiêm, đặc biệt là tại tuyến cơ sở ít xử phạt hành chính mà chủ yếu nhắc nhở.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, qua kiểm tra, giám sát chất lượng dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng và qua phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan quản lý, kiểm tra chất lượng đã phát hiện nhiều vi phạm như cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sản phẩm thực phẩm chức năng chứa các thành phần không được công bố trên nhãn và không đúng với hồ sơ công bố sản phẩm; quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh khiến người bệnh mất cơ hội chữa bệnh.
Đặc biệt, đã phát hiện tình trạng pha trộn tân dược một cách trái phép vào sản phẩm để lưu hành trên thị trường hoặc sử dụng điều trị ngay tại các cơ sở chẩn trị y học cổ truyền.
Thực trạng này tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng; đã có một số trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng, thậm chí đã gây tử vong cho người sử dụng.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh thời gian tới ngành Y tế sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm tại một số cơ sở liên quan trên địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở có đơn hàng nhập khẩu từ ngày 01/01/2017.
Thanh tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lĩnh vực dược, mỹ phẩm, thuốc y học cổ truyền (pha trộn tân dược).
Đối với thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu y học cổ truyền, theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, cơ quan này sẽ tập trung hậu kiểm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên Internet và môi trường mạng. Đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan thanh kiểm tra Dược liệu “lậu” qua đường tiểu ngạch ở khu vực biên giới.