Tân Hoa xã: Chiến lược sinh tồn của Australia dựa vào cường quốc

31/05/2012 07:56
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)
(GDVN) - Australia phụ thuộc rất lớn vào các tuyến đường hàng hải, vì vậy khả năng thuyết phục nước lớn cam kết bảo vệ lợi ích của mình rất quan trọng.
Binh sĩ hải quân Australia huấn luyện bắn súng trường.
Binh sĩ hải quân Australia huấn luyện bắn súng trường.

Tân Hoa xã loan tin ngày 22/5, mạng dự báo chiến lược Mỹ có bài viết nhan đề “Chiến lược của Australia” của George Friedmann, Giám đốc Công ty Dự báo Chiến lược Mỹ. Dưới đây là nội dung bài báo đã được truyền thông Trung Quốc biên tập và đăng tải:

Bài viết cho rằng, từ năm 1900 đến nay, Australia đã tham gia vài cuộc chiến tranh và một số hành động quân sự hoặc can dự an ninh (bao gồm Chiến tranh Boer, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh Afghanistan và Chiến tranh Iraq), tổng cộng kéo dài khoảng 40 năm. Nói cách khác, từ khi thành lập Liên bang Australia năm 1901 đến nay, có 1/3 thời gian Australia nằm trong trạng thái chiến tranh.

Vì vậy, chúng ta không khỏi hoài nghi, một đất nước giàu có và có vẻ như rất an toàn này tại sao lại phải tham gia vào nhiều cuộc xung đột như vậy?

Bảo đảm các tuyến đường hàng hải

Muốn hiểu được Australia, trước hết phải thấy được, sự đoạn tuyệt với bên ngoài tuyệt đối không nhất định sẽ giúp họ an toàn, không phải lo lắng. Xuất khẩu hàng hóa, nhất là hàng hóa sơ cấp rất quan trọng đối với Australia.

Từ năm 1901 xuất khẩu lông cừu cho Anh đến hiện nay xuất khẩu quặng sắt cho Trung Quốc, Australia buộc phải xuất khẩu hàng nông sản để có ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa công nghiệp và dịch vụ mà người dân nước này không thể tự sản xuất.

Không có hoạt động thương mại như vậy, Australia không thể duy trì phát triển kinh tế và đạt được mức sống cao.

Tàu ngầm lớp Collins của Hải quân Australia.
Tàu ngầm lớp Collins của Hải quân Australia.

Điều này đã gây khó cho chiến lược của Australia. Để phát triển kinh tế, họ phải triển khai thương mại, mà vị trí địa lý buộc thương mại của họ phải đi qua các tuyến đường hàng hải.

Do quy mô dân số và vị trí địa lý, Australia dựa vào bản thân sẽ không thể bảo đảm được an toàn các tuyến đường hàng hải của họ. Vì vậy, Australia gặp phải 2 trở ngại.

Thứ nhất, họ phải duy trì khả năng cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của mình. Thứ hai, họ phải bảo đảm cho các hàng hóa của mình được vận chuyển tới các thị trường.

Nếu như các tuyến đường hàng hải của họ bị cắt đứt hoặc gây phiền phức, nền tảng của kinh tế Australia sẽ đối mặt với nguy cơ.

Australia giống như một sinh vật có hệ thống tuần hoàn chủ yếu ở ngoài cơ thể, một loại sinh vật rất yếu ớt, không thể có được cơ chế phòng thủ đặc biệt, thách thức này đang dẫn dắt chiến lược của Australia.

Trước hết, Australia phải liên minh với lực lượng trên biển lớn nhất toàn cầu, hoặc ít nhất không đối đầu. Nửa phần trước trong lịch sử Australia, lực lượng trên biển lớn nhất này là Anh, đến thời cận đại là Mỹ.

Sự phụ thuộc của Australia vào thương mại đường biển có nghĩa là họ tuyệt đối không thể phản đối những nước đang kiểm soát tuyến đường hàng hải hoặc bảo đảm an toàn tuyến đường hàng hải mà họ phụ thuộc, họ không thể để các cường quốc biển trên thế giới có bất cứ lý do gì can thiệp họ sử dụng tuyến đường hàng hải.

Thứ hai, điều khó khăn hơn là, Australia cần tìm kiếm các cường quốc biển tích cực hơn bảo vệ lợi ích của Australia.

Chẳng hạn, nếu như tuyến đường giao hàng cho khách hàng của Australia có cửa “yết hầu” vượt qua khả năng của Australia, hơn nữa nếu như cửa “yết hầu” này không có quan hệ lợi hại trực tiếp với cường quốc biển.

Australia chắc chắn có thể sẽ thuyết phục cường quốc biển tin rằng cần thiết phải duy trì sự thông suốt của tuyến đường này.

Chỉ có quan hệ thân thiết, hữu nghị sẽ không làm được điều này. Australia phải để cho cường quốc đó phụ thuộc vào họ.

Bắt đầu từ năm 2013, Mỹ sẽ triển khai luân phiên 4 tàu chiến đấu duyên hải ở Singapore, cửa ngõ eo biển Malacca, nối liền với biển Đông và Ấn Độ Dương.
Bắt đầu từ năm 2013, Mỹ sẽ triển khai luân phiên 4 tàu chiến đấu duyên hải ở Singapore, cửa ngõ eo biển Malacca, nối liền với biển Đông và Ấn Độ Dương.

Tạo chỗ dựa cho cường quốc

Các cường quốc biển không ngừng rơi vào xung đột – thường là mang tính khu vực, có khi mang tính toàn cầu. Luôn có một nước có ý đồ thay đổi cán cân sức mạnh khu vực, hoặc là để bảo vệ mình, hoặc là để buộc cường quốc toàn cầu phải nhượng bộ.

Một đặc điểm khác của cường quốc mang tính toàn cầu là, họ luôn tìm kiếm đồng minh. Điều này một phần xuất phát từ lý do chính trị, mục đích là xây dựng cấu trúc quản lý lợi ích của họ một cách hòa bình. Điều này cũng có lý do quân sự.

Do nước lớn dễ bị cuốn vào chiến tranh, họ luôn muốn có quân đội, căn cứ và nguồn lực nổi trội. Những nước có thể đóng góp cho cuộc chiến của cường quốc mang tính toàn cầu chắc chắn cũng có thể được nhượng bộ và bảo vệ.

Đối với Australia, một nước phụ thuộc vào các tuyến đường hàng hải để sinh tồn, khả năng làm cho một nước lớn cam kết bảo vệ lợi ích cho mình rất quan trọng.

Cử lực lượng tham gia Chiến tranh Boer (Boer War) một phần dựa trên quan điểm tư tưởng Australia là thuộc địa của Anh, nhưng trên thực tế, kết cục của chiến tranh không có quan hệ lợi hại trực tiếp với Australia.

Tình hình các cuộc chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, Iraq và Afghanistan cũng như vậy. Sự tham gia của Australia trong những cuộc chiến tranh này đã thúc đẩy Mỹ phụ thuộc nhất định vào Australia, mà sự phụ thuộc này lại thúc đẩy Mỹ bảo đảm cho lợi ích của Australia.

Năm 2011, Australia tập trận chung với Mỹ, Nhật Bản ở vùng biển gần biển Đông.
Năm 2011, Australia tập trận chung với Mỹ, Nhật Bản ở vùng biển gần biển Đông.

Còn có một số cuộc chiến tranh vốn có thể dẫn đến sự thay đổi hệ thống toàn cầu. Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai đều là một số nước muốn lật đổ trật tự toàn cầu khi đó và thay thế vào đó một trật tự khác.

Australia đến từ trật tự chính trị cũ, họ cho rằng, trật tự mới vừa khó mà đoán trước được vừa tiềm ẩn mối nguy hiểm. Australia tham gia hai cuộc chiến tranh này vẫn một phần là để cho nước khác phụ thuộc vào họ, nhưng cũng có liên quan đến việc bảo vệ hệ thống quốc tế có lợi cho Australia.

Australia thường không cam lòng muốn xa lánh cường quốc mang tính toàn cầu để thân cận với khách hàng của họ.

Tư tưởng này rất mạnh sau khi Mỹ thay thế Anh trở thành cường quốc biển toàn cầu. Trong thời gian sau Chiến tranh Lạnh, cùng với sự gia tăng hoạt động kinh tế của châu Á, nhu cầu nguyên liệu từ nông sản đến khoảng sản công nghiệp từ Australia của các nước châu Á tăng mạnh. Trước hết là Nhật Bản, sau đó là Trung Quốc trở thành khách hàng lớn của Australia.

Chiến lược thay thế của Australia chính là cắt đứt hoặc hạn chế liên hệ giữa họ với Mỹ, từng bước đưa nền tảng an ninh quốc gia của họ hướng tới Nhật Bản hoặc tương lai hướng tới Trung Quốc.

Lý do làm như vậy là, Trung Quốc là nước lớn đang trỗi dậy, bởi vì hàng hóa nhập khẩu của họ có thể có được từ nước khác, số lượng lớn và không thể thiếu với Australia. Việc trả giá cho mối quan hệ với Mỹ (tức bị cuốn vào xung đột của Mỹ) quá cao.

Vì vậy, chiến lược thay thế này có thế làm cho Australia ít nghe lời Mỹ mà tăng cường quan hệ với khách hàng chính Trung Quốc.

Tàu đổ bộ trực thăng lớp Canberra của Hải quân Australia.
Tàu đổ bộ trực thăng lớp Canberra của Hải quân Australia.

Chiến lược này bề ngoài xem rất có đạo lý, nhưng có 2 lý do làm Australia mặc dù từng xem xét nhưng cuối cùng không thực hiện. Một là vết xe đổ của Nhật Bản.

Nhật từng giống như một cường quốc kinh tế mãi mãi đầy sức sống. Nhưng, vào thập niên 1990, Nhật Bản thay đổi hành vi, nhu cầu đối với hàng hóa Australia ngưng trệ.

Nếu như Trung Quốc đang nằm trong quá trình trượt dốc về kinh tế, thì xây dựng quan hệ chiến lược với Trung Quốc cũng sẽ là một sai lầm, hoặc ít nhất là một canh bạc.

Lý do thứ hai Australia không thay đổi chiến lược là, mặc dù quan hệ giữa họ và Trung Quốc hoặc Nhật Bản như thế nào, các tuyến đường hàng hải vẫn bị Mỹ kiểm soát. Một khi xảy ra xung đột với Trung Quốc, Mỹ sẽ không bảo đảm các tuyến đường hàng hải cho Australia, ngược lại có thể phong tỏa các tuyến đường hàng hải.

Australia bề ngoài xem ra an toàn không phải lo lắng, trên thực tế có tình cảnh nguy hiểm. Họ hoặc liên minh với Mỹ và chấp nhận gánh nặng quân sự kéo theo, hoặc dính dáng đến châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Trừ phi có một cường quốc châu Á có thể bảo đảm cho các tuyến đường hàng hải không bị Mỹ can thiệp – đó là một việc xa vời – nếu không việc lựa chọn đối tượng sau (châu Á, Trung Quốc) sẽ làm tăng mạnh rủi ro. Australia quyết định sử dụng sách lược có rủi ro tương đối thấp.

Biên đội tàu chiến Australia, trong đó bên trái là tàu tiếp tế "Thành Công".
Biên đội tàu chiến Australia, trong đó bên trái là tàu tiếp tế "Thành Công".

Sách lược này có 3 nội dung. Một là tăng cường quan hệ kinh tế với Mỹ để cân bằng sự phụ thuộc kinh tế của họ vào châu Á. Hai là tham gia các cuộc chiến của Mỹ để tranh thủ Mỹ bảo đảm các tuyến đường hàng hải.

Cuối cùng xây dựng một lực lượng mang tính khu vực có thể xử lý những vấn đề khu vực xung quanh Australia, từ quần đảo Solomon đến quần đảo Indonesia.

Vì vậy, chiến lược của Australia chính là liên minh với các cường quốc biển mạnh nhất – trước hết là Anh, sau này là Mỹ, và tham gia các cuộc chiến tranh của họ. Rõ ràng, sự giàu có của họ không có nghĩa là họ an toàn.

Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)