Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế; Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng - Phó Chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng; Đại tá Nguyễn Vân Giang - Phó Cục trưởng Cục Quân y.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, với mục tiêu chiến lược “Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành Y tế, cả quân y và dân y vào việc phục vụ sức khoẻ nhân dân và lực lượng vũ trang trong thời bình; chuẩn bị sẵn sàng và đối phó có hiệu quả khi có chiến tranh và các tình huống cần thiết khác”, qua 30 năm triển khai thực hiện, chương trình kết hợp quân dân y đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần bảo đảm y tế cho sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khoẻ nhân dân.
Hoạt động kết hợp quân - dân y được triển khai ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, hải đảo, các khu vực trọng điểm quốc phòng - an ninh, nơi điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Vì vậy, kết quả hoạt động Kết hợp quân dân y không chỉ đơn thuần góp phần giữ vững và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân và bộ đội mà còn là chủ trương đúng đắn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc đối quân và dân thực hiện công tác dân vận, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, chúng ta vừa đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vừa tăng cường giữ vững an ninh quốc phòng, luôn sẵn sàng đối phó có hiệu quả với mọi tình huống.
Kết hợp quân - dân được xác định là một trong những quan điểm chỉ đạo cơ bản trong các nghị quyết của Đảng, chủ trương và chính sách của Nhà nước về chiến lược phát triển sự nghiệp y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Với sự nỗ lực cố gắng của Ban quân dân y các cấp, lực lượng quân và dân y trên toàn quốc đã sát cánh bên nhau thực hiện mục tiêu của dự án giai đoạn 2016 – 2020, nhằm đạt tới mục tiêu “Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bộ đội và góp phần củng cố quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ; đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo”.
Giai đoạn 2016-2020, công tác kết hợp quân dân y được triển khai trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi; một loạt chính sách xã hội, trong đó công tác bảo đảm y tế đã được Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/7/2017 của Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục khẳng định, trong đó, có hoạt động kết hợp quân dân y chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm quốc phòng an ninh.
Tuy nhiên, giai đoạn này cũng có nhiều khó khăn, cơ chế chính sách thay đổi ảnh hưởng đến việc triển khai công tác kết hợp quân dân y tại địa phương, cơ sở, nhất là tại cơ sở khám, chữa bệnh quân dân y.
Hội nghị cũng đã tiến hành thảo luận tập trung vào 5 nhóm vấn đề:
Một là, cơ chế chính sách hiện nay có gì khó khăn cho việc phối hợp hoạt động tại Trung ương và cơ sở;
Hai là, việc triển khai công tác kết hợp quân dân y trong bảo đảm y tế khu vực phòng thủ có gì khó khăn, vướng mắc. Để làm tốt công tác này cần có giải pháp gì để triển khai có hiệu quả tại các địa phương, đơn vị;
Ba là, những giải pháp triển khai tại cơ quan, đơn vị để không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn, xứng đáng với sự tin cậy và tôn vinh của xã hội, thực hiện thật tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền”.
Bốn là, trên cơ sở những thành tựu đạt được, những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình triển khai; khả năng ngân sách, mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của Chương trình, cần nghiên cứu, đề xuất kế hoạch, nội dung hoạt động Kết hợp quân dân y tập trung vào các nội dung lớn, tạo được các bước đột phá, tháo gỡ được những vấn đề khó khăn, bức xúc của Ngành trước mắt cũng như lâu dài.
Năm là, để giải quyết, khắc phục các hậu quả về mặt y tế trong những tình huống khẩn cấp như cháy nổ, sập nhà, sập cầu, thiên tai... một cách nhanh nhất, có hiệu quả nhất ngay tại cơ sở cần phải chú trọng đến công tác tổ chức, điều hành, xây dựng lực lượng ứng cứu, bảo đảm phương tiện, vật chất y tế; đặc biệt là phương án phối hợp liên ngành trong việc đảm bảo y tế, tham gia xử lý những tình huống khẩn cấp trên biển, đảo, theo từng cấp độ, từng khu vực.
Đánh giá về công tác kết hợp quân dân y giai đoạn 2016-2020, Đại tá Nguyễn Vân Giang - Phó Cục trưởng Cục Quân y cho biết, các đơn vị quân y đã phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực chuyên môn các bệnh xá quân dân y, trạm y tế xã ATK, vùng sâu, vùng xa, bộ đội Biên phòng, phối hợp lồng ghép hoạt động của phòng khám quân dân y với trạm y tế xã thành Trạm y tế quân dân y.
Về các mô hình quân dân y trong khám chữa bệnh, hiện nay, cả nước có 10 bệnh viện quân dân y, 5 trung tâm y tế quân dân y huyện đảo, 33 bệnh xá quân dân y đang hoạt động. Về kết hợp quân dân y trong khắc phục hậu quả thiên tai, các đơn vị đã chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ, phối hợp với y tế địa phương khắc phục hậu quả các đợt lũ lụt, sạt lở đất ở Tây Bắc, Tây Nguyên, khu vực các tỉnh miền Trung.
Theo Đại tá Nguyễn Vân Giang, hiện nay, Thường vụ Quân ủy Trung ương đang xem xét phê duyệt đề án quy hoạch hệ thống bệnh viện, bệnh xá toàn quân, về tổ chức, biên chế, chức năng nhiệm vụ của các cơ sở y tế trong Bộ Quốc phòng có tính đặc thù, đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật tạo điều kiện cho Cục Quân y quản lý ngành thuận lợi.
Về phương hướng giai đoạn 2021-2025, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động ban quân dân y các cấp; tăng cường năng lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh tuyến cơ sở trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, khu vực trọng điểm quốc phòng an ninh; hỗ trợ một số trang thiết bị y tế cơ bản, kinh phí huấn luyện cho các đơn vị cơ động quân dân y khi Bộ Quốc phòng phê duyệt tổ chức biên chế. Đồng thời, các bên hỗ trợ đào tạo liên tục về chuyên môn cho các y bác sĩ, điều dưỡng tại cơ sở; đào tạo tại chỗ cho lực lượng quân dân y tại các cơ sở quân dân y…