Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Đa Chiều, tờ báo của người Hoa hải ngoại ngày 11/12 bình luận, nửa đêm rạng sáng ngày 6/12 Bắc Kinh công bố thông tin khai trừ đảng tịch, chuyển cơ quan điều tra cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, người được dư luận ví von là "Chính pháp vương" đã gây chấn động dư luận trong và ngoài đại lục. Mức độ tham quan liên đới nhiều chưa từng có, phạm vi rộng từ trước đến nay và tác động nguy hai đến xã hội đều ở mức hiếm thấy trong hơn 30 năm qua, phá vỡ luật bất thành văn "không truy tố Thường vụ Bộ chính trị".
Trong lúc người dân Trung Quốc đang chú ý dõi theo và "thưởng thức đại tiệc chống tham nhũng", theo Đa Chiều phải chăng họ cũng nên dừng lại suy nghĩ xem tại sao một nhân vật như Chu Vĩnh Khang lại có được địa vị cao như vậy? Trong cùng một hệ thống, tại sao có thể xuất hiện một Tập Cận Bình đốn ngã được Chu Vĩnh Khang? Tờ báo bình luận, chính vì xuất hiện "bạo chúa Chu Vĩnh Khang" nên người Trung Quốc mới nảy sinh mong muốn có một "minh quân" để trừng trị Khang, Tập Cận Bình liệu có đảm nhiệm được vai trò này để xây dựng một bộ máy cầm quyền trong sạch?
Tờ báo cho rằng với lịch sử hơn 2000 năm chế độ quan trường phong kiến Trung Quốc khiến cả xã hội đều tin tưởng rằng "minh quân" là hy vọng của quốc gia xã tắc. Từ khi Hán Vũ Đế tôn sùng Nho học, Trung Quốc đã dần hình thành một chế độ chính trị tương đối ổn định, truyền thống "nhân trị", "ngoại Nho nội Pháp" (hình thức theo Nho giáo, thực chất bên trong theo Pháp gia) đã trở thành tư duy nhất quán trong chế độ quan trường Trung Hoa, đời sau hoàn thiện hơn đời trước và trở thành một văn hóa trong đời sống chính trị muôn màu của Trung Quốc.
Trong xã hội phong kiến, "minh quân" có vai trò tích cực thúc đẩy lịch sử xã hội Trung Quốc phát triển. Nhưng mặt trái lớn nhất của "nhân trị" chính là yếu tố không xác định và thiếu ổn định. "Nhân trị" vừa có thể sản sinh ra những minh quân như Đường Thái Tông hay Khang Hy và những hiền thần như Ngụy Trưng hay Trương Cư Chính, nhưng đồng thời cũng đẻ ra những hôn quân bạo chúa như Tần Nhị Thế, Tùy Dượng Đế, gian thần như Lai Tuấn Thần cùng vô số tham quan. Điều đáng nói là "minh quân" chỉ có may thì gặp chứ không phải cầu là được.
Lịch sử cho thấy, không may gặp phải hôn quân bạo chúa thì cả xã hội phải hứng chịu những tai họa và tổn thất không thể tưởng tượng nổi, thậm chí có thể dẫn đến cả một nền văn minh chính trị bị sụp đổ. Khi cả xã hội còn đặt mọi hy vọng lên những "minh quân" vốn chỉ xuất hiện lưa thưa như sao buổi sớm mà bản thân không biết sắp đặt thì khó giữ được lâu dài.
Đa Chiều cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc ngày nay vẫn còn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của tư duy và văn hóa quan trường phong kiến, đến hiện tại vẫn còn mang màu sắc "nhân trị" rõ nét. Bởi vậy mới xuất hiện những hôn quan như Chu Vĩnh Khang, đồng thời mới có Tập Cận Bình đối trị. Có thể thấy Tập Cận Bình hợp tiêu chuẩn của một "minh quân" theo truyền thống Trung Quốc, nhưng cần nhớ rằng nếu người dân Trung Quốc cứ say sưa với tư tưởng tìm kiếm minh quân mà cản trở việc thiết lập một cơ chế quản trị hiệu quả, thì cái được chưa chắc bù nổi cái mất.
Vì vậy tờ báo cho rằng, nhân vụ xử lý Chu Vĩnh Khang, đảng Cộng sản Trung Quốc cần nghiên cứu sâu sắc và triệt để, những hò reo thành quả chống tham nhũng chỉ là nhất thời, khó có thể ngăn tham nhũng lặp lại. Đa Chiều cho rằng, những năm đầu có thể xem Mao Trạch Đông như một "minh quân" của Trung Hoa, nhưng về cuối đời cũng vì thiếu một cơ chế khiến ông ta phạm những sai lầm lớn gây ra nhiều biến động, tai vạ cho xã hội mà Cách mạng Văn hóa là một ví dụ.
Tờ báo dẫn lời Đặng Tiểu Bình đại ý, một chế độ quản lý tốt có thể khiến kẻ xấu không thể tung hoành, nhưng một chế độ quản lý không tốt có thể làm cho người tốt không cách nào làm tốt công việc, thậm chí người tốt biến thành kẻ xấu. Hoàn thiện thể chế mới có thể ngăn chặn những sai lầm ngớ ngẩn của con người, phòng ngừa tính tùy tiện và bất ổn định của chính trị, ngăn chặn hôn quân bạo chúa xuất hiện.