“Ai vì xã tắc, ai vì cái ghế của mình, dân biết cả đấy"

19/06/2014 06:42
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Cán bộ trong diện lấy phiếu tín nhiệm nên công bố bản kê khai tài sản, đó là tiêu chí rất quan trọng để nhân dân đánh giá về phẩm chất đạo đức...

LTS: Với những nhận định gần đây, trong tương lai gần, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ có một số điều chỉnh. Theo ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, những ai thực sự chân thành và thẳng thắn sẽ được nhân dân ủng hộ.

Lấy phiếu không thể làm qua loa, đại khái

Ông đánh giá thế nào về việc dự thảo sửa đổi Nghị quyết 35 điều chỉnh lấy phiếu tín nhiệm?

Ông Vũ Mão: Tôi thấy đấy là một việc đúng đắn, chứng tỏ những ý kiến của ĐBQH đã được tiếp thu.

Thứ nhất, thời gian lấy phiếu như các ĐBQH đề nghị hai lần trong một nhiệm kỳ là chính xác, vì nếu chỉ lấy phiếu một lần thì quá ít và không đánh giá được đầy đủ và không giải quyết được thực chất của vấn đề.

Thứ hai, Quốc hội nên lưu ý để điều chỉnh lại các mức lấy phiếu cho phù hợp hơn. Quốc hội phê chuẩn các chức danh này, và trước khi được đề bạt vào những vị trí quan trọng ấy, họ cũng đã trải qua cả một quá trình rèn luyện. Khi đã ngồi vào các vị trí quan trọng thì họ phải phấn đấu làm tốt, còn nếu sau một hai năm liền làm không tốt thì phải tự rút lui để nhường cơ hội cho người khác.

Nếu anh không thể hiện được gì mà lại tham quyền cố vị thì ĐBQH, cử tri người ta sẽ đánh giá anh thôi. Ai vì xã tắc, ai chỉ vì cái ghế của mình, dân biết cả đấy chứ không giấu được đâu, nhất là trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay.

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang.
Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang.

Nhưng thưa ông, việc đánh giá một cách chính xác để bỏ phiếu sao cho công bằng cũng là điều không dễ với ĐBQH?

Ông Vũ Mão: Nếu chỉ căn cứ vào duy nhất một bản trình bày về quá trình hoạt động của người được lấy phiếu, tôi cho rằng như vậy chưa đủ và đúng là rất khó để ĐBQH đánh giá chính xác.

Theo tôi, cần phải có thêm những căn cứ khác nữa như: Đánh giá của cơ quan, của ban cán sự Đảng nơi các đồng chí đó công tác. Bản đánh giá này rất quan trọng, nó thể hiện ý chí tập thể nơi đồng chí đó công tác. Nếu là Bộ trưởng thì cần có đánh giá của Thủ tướng hoặc tập thể Chính phủ, vì suy cho cùng thì phiếu tín nhiệm của Bộ trưởng cao hay thấp cũng phản ánh một phần nào đó hoạt động của Chính phủ.

Bên cạnh đó, cần phải có đánh giá của tổ dân phố nơi đồng chí đó sinh sống và đánh giá của cử tri nơi đồng chí đó ứng cử ĐBQH.

“Ai vì xã tắc, ai vì cái ghế của mình, dân biết cả đấy" ảnh 2Đừng để xấu hổ vì một thời làm quan!

(GDVN) - Trước áp lực của tiền bạc và công việc thì mới bộc lộ ai thực sự có năng lực, ai thực sự vì dân vì nước, thực sự vì công việc, vì xã tắc.

Ngoài ra, người được lấy phiếu tín nhiệm phải công khai bản kê tài sản của mình với sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Đây là một nội dung quan trọng, bởi chúng ta đều biết, chọn lựa cán bộ vào những vị trí quan trọng phải hội tủ cả hai yếu tố đức và tài. Nhiều đồng chí trong suốt cuộc đời hoạt động luôn giữ vững phẩm chất trong sáng, nhưng cũng không ít người khi đã có chức vụ rồi thì không còn giữ mình, dính đến tham nhũng và đời sống cũng có cả bê bối.

Bấy lâu nay chúng ta đã nói nhiều về chuyện kê khai tài sản, nhưng nhân dân chưa hài lòng đâu, người ta sẽ đặt ra câu hỏi: Cán bộ ấy lương bao nhiêu mà mua nhà to, xe ô tô đẹp cho vợ con? Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, cuộc chiến chống tham nhũng dù đã có chuyển biến nhưng kết quả đạt được chưa đúng với kỳ vọng của nhân dân, vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, mà Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã thẳng thắn nhìn nhận trong phiên trả lời chất vấn vừa qua.

Vì vậy, tôi nghĩ các đồng chí trong diện được lấy phiếu tín nhiệm nên chủ động công khai tài sản, nếu trong sáng thì không có gì phải giấu. Tôi tin rằng, thẳng thắn và chân thành thì sẽ được nhân dân ủng hộ.

Lấy phiếu không nhằm hạ bệ ai

Có một vấn đề đặt ra là, khi lấy phiếu tín nhiệm trong nội bộ cơ quan có thể đạt kết quả cao, nhưng khi ra Quốc hội thì thấp. Trường hợp này theo ông phải giải quyết thế nào?

Ông Vũ Mão: Vậy thì phải xem xét lại cơ quan - nơi đồng chí ấy là thủ trưởng, có thực sự dân chủ không, hay là có chuyện dùng quyền lực một cách tinh vi để bỏ phiếu cho mình?

Theo ông, cần có cải tiến gì về thủ tục để việc lấy phiếu tín nhiệm đi vào thực chất?

Ông Vũ Mão: Tôi đề nghị cần phải tạo điều kiện để các ĐBQH có thể trao đổi rộng rãi với những người trong diện lấy phiếu, nhằm làm rõ những gì còn uẩn khúc. Trong công tác điều hành, nhất là những vị trí trực tiếp có va chạm với đời sống của dân ắt hẳn khó tránh khỏi thiếu sót, gây ra bức xúc trong nhân dân; hoặc là có những việc đang giải quyết nhưng còn vướng chỗ này chỗ kia thì cũng cần phải trao đổi rõ để ĐBQH nắm được.

Vừa qua, tôi thấy mới chỉ trao đổi trong phạm vi ở tổ đại biểu thôi thì chưa thể rõ được. Đại biểu có thắc mắc hoặc nêu lên các vấn đề cần làm rõ thì chưa được trả lời thoả đáng. Ngược lại, Bộ trưởng cũng không được trình bày ý kiến của mình, dễ dẫn đến những sự hiểu lầm không cần thiết. Đó là vấn đề cần phải giải quyết trước khi lấy phiếu tín nhiệm, chỉ có minh bạch thì mới giải quyết dứt điểm được mọi vấn đề.

Tôi nghĩ rằng, nên bổ sung vào quy trình, thủ tục làm việc ở Quốc hội để làm tốt hơn.

Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm tìm ra những điểm hạn chế của những người giữ các chức danh ấy, giúp cho họ vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất, chứ không phải là lấy phiếu xong rồi để đấy, vì như vậy không giải quyết được bản chất của vấn đề. Ý nghĩa tốt đẹp của việc này là để đánh giá cán bộ, lựa chọn cán bộ phù hợp với từng vị trí, quan trọng hơn nữa là giúp cho công tác chuẩn bị nhân sự ở những nhiệm kỳ kế tiếp, chứ không phải nhằm hạ bệ ai.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)