Ấn Độ chưa bao giờ "dạy cho nước khác 1 bài học" như Trung Quốc đã làm

12/06/2013 13:00
Hồng Thủy (Nguồn: Eurasia Reviews)
(GDVN) - Ấn Độ có mối quan hệ lịch sử với hầu hết các nước Đông Nam Á trên nền tảng văn hóa và thương mại, không có chiến tranh. Ấn Độ chưa bao giờ cố gắng để "dạy cho bất cứ một nước nào một bài học" như Trung Quốc đã từng làm.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh
Ấn Độ cần phải theo dõi cẩn thận chính sách "ngoại giao thời kỳ mới" của  Trung Quốc đang được thúc đẩy hăng hái bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc thế hệ mới Tập Cận Bình - Lý Khắc Cường, học giả Bhaskar Roy chuyên phân tích các vấn đề đối ngoại - chiến lược từ New Delhi viết trên tờ Eurasia Reviews.
Trong cuốn sách xanh mới được xuất bản của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc - cơ quan nghiên cứu chủ lực của Bắc Kinh đã tập trung phân tích chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Giới học giả Trung Quốc tỏ ra lo ngại rằng Trung Quốc đang tụt lại phía sau Mỹ và Ấn Độ tại Ấn Độ Dương. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đang tỏ ra khó chịu khi đề cập đến một số "quan ngại" của Bắc Kinh đối với chính sách hướng Đông của New Delhi, đặc biệt kể từ sau chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Một học giả thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải đã viết trên Thời báo Hoàn Cầu hôm 31/5 rằng biểu hiện rõ nhất trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ là việc New Delhi đã tăng cường hợp tác kinh tế - an ninh với Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Chiến hạm Ấn Độ ghé thăm Malaysia cũng khiến giới học giả Trung Quốc lo ngại và cho rằng New Delhi đang "nhúng tay vào Biển Đông" khiến Bắc Kinh khó chịu
Chiến hạm Ấn Độ ghé thăm Malaysia cũng khiến giới học giả Trung Quốc lo ngại và cho rằng New Delhi đang "nhúng tay vào Biển Đông" khiến Bắc Kinh khó chịu
Đặc biệt, học giả này cáo buộc Ấn Độ "can thiệp vào tranh chấp Biển Đông ở cấp độ cao trong bối cảnh Mỹ điều chỉnh chiến lược sang châu Á".
Trước khi ông Lý Khắc Cường, tân Thủ tướng Trung Quốc thực hiện "chuyến thăm lịch sử" tới Ấn Độ tờ Nhân Dân nhật báo hôm 14/5 khẳng định lập trường ngoại giao của Trung Quốc trong các vấn đề "lợi ích cốt lõi" đã trở nên "mạnh mẽ và táo bạo". Sở dĩ gọi là "chuyến thăm lịch sử" là vì một nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc chọn New Delhi làm điểm dừng chân đầu tiên công du nước ngoài khi vừa nhậm chức. Chuyến thăm Ấn Độ của ông Cường không mang lại bất kỳ kết quả ngoạn mục nào như kỳ vọng bởi nó bị che phủ bởi những căng thẳng gia tăng sau khi quân đội Trung Quốc phái một trung đội tiến sâu vào lãnh thổ Ấn Độ 19 km hôm 15/4.
Ông Lý Khắc Cường trong chuyến công du Ấn Độ
Ông Lý Khắc Cường trong chuyến công du Ấn Độ
Động thái này nhắc lại chuyến thăm Trung Quốc năm 2003 của Thủ tướng Ấn Độ Vajpayee, một toán quân Trung Quốc đã bao vây một nhóm nhân viên Ấn Độ đang kiểm soát tại khu vực Đông Sector và tước vũ khí của họ. Trong nhiều thập kỷ Trung Quốc đã cố gắng và thành công trong việc kìm chân Ấn Độ tại Nam Á thông qua việc "sử dụng" các nước láng giềng của New Delhi như Pakistan và Sri Lanka để giảm bớt ảnh hưởng của Ấn Độ.Bài viết trên Nhân Dân nhật báo đã xếp vấn đề an ninh hàng hải trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc đã trở nên "đặc biệt liên tục" trong việc bảo vệ "lợi ích hàng hải" của mình mà tham chiếu rõ nét nhất là tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông và Hoa Đông.
Lý Khắc Cường muốn Ấn Độ ủng hộ tuyên bố về cái gọi là "chủ quyền" của  Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng đây là một gợi ý vô lý - Bhaskar Roy nhận định - Ấn Độ không thể tiếp tay cho Trung Quốc đóng cửa một trong những tuyến hàng hải quốc tế tấp nập nhất.
Chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh khiến giới học giả, truyền thông Trung Quốc có cảm giác "lo ngại" bị bao vây
Chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh khiến giới học giả, truyền thông Trung Quốc có cảm giác "lo ngại" bị bao vây
Việc Trung Quốc ép các công ty dầu khí Ấn Độ ngừng hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác trong thềm lục địa của Việt Nam là hành động chống lại tất cả các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Bhaskar Roy nói thêm.
Ấn Độ có mối quan hệ lịch sử với hầu hết các nước Đông Nam Á trên nền tảng văn hóa và thương mại, không có chiến tranh. Ấn Độ chưa bao giờ cố gắng để "dạy cho bất cứ một nước nào một bài học" như Trung Quốc đã từng làm. Ấn Độ, Nhật Bản cũng như các quốc gia khác cần nhau để cùng phát triển tự nhiên, vấn đề chỉ là Trung Quốc luôn muốn thống trị châu Á chứ không ai (tự nhiên) muốn kiềm chế Trung Quốc. Một Trung Quốc sụp đổ sẽ là một mối đe dọa lớn hơn nhiều so với một Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, nhưng nếu sức mạnh này được dùng vào mục đích thống trị (khu vực, châu Á) thì sẽ nảy sinh rắc rối. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là quốc gia lớn ở châu Á, hai bên nên làm việc cùng nhau. Nếu Trung Quốc cố gắng tìm cách kiềm chế Ấn Độ nó chỉ chuốc thêm những rắc rối nghiêm trọng, Trung Quốc phải chấm dứt trò vạch ra chiến lược chiến tranh lạnh, hội chứng "tôi, là tôi và của tôi" đã qua từ lâu rồi.

Hồng Thủy (Nguồn: Eurasia Reviews)