Ba mô hình phòng chống mại dâm hiệu quả tại Khánh Hoà

20/04/2015 08:11
THỤY MIÊN
(GDVN) - Để giảm tác hại của tệ nạn mại dâm, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai hiệu quả 3 mô hình phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh.

Theo Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, trong những năm qua, để giảm tác hại của tệ nạn mại dâm, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai hiệu quả 3 mô hình phòng, chống mại dâm trên địa bàn gồm: Mô hình chuyển đổi giáo dục, chữa trị và hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng; Mô hình giảm hại và phòng, chống lây nhiễm HIV; Mô hình hỗ trợ sinh kế, tái hòa nhập cộng đồng.

Mô hình chuyển đổi giáo dục, chữa trị và hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng được tỉnh Khánh Hoà thực hiện từ năm 2011.

Đến nay đã có 04 câu lạc bộ Niềm tin được thành lập tại phường Phước Long, Vĩnh Hòa, thị trấn Diên Khánh, xã Diên Toàn. Mỗi câu lạc bộ có từ 15-20 thành viên tham gia, gồm đại diện của các tổ chức đoàn thể như: Hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, người bán dâm hoàn lương với nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống mại dâm, giới thiệu dịch vụ khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục, các dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý, kỹ năng sống, hỗ trợ học nghề....

Qua 4 năm thực hiện mô hình, Khánh Hoà đã hỗ trợ học nghề, chuyển đổi công việc cho 22 người bán dâm tại thị trấn Diên Khánh, phường Phước Long thành phố Nha Trang; hỗ trợ 160 người có nguy cơ cao tại các địa phương; khám sức khỏe cho 21 người bán dâm và người hoàn lương trên địa bàn. Các câu lạc bộ đã in ấn và cấp phát 4.000 tời rơi,  1.000 cuốn sổ tay hỗ trợ công tác phòng, chống mại dâm tại cộng đồng nhằm tuyên truyền hỗ trợ sinh hoạt cho câu lạc bộ Niềm tin.

Hỗ trợ phụ nữ mại dâm học nghề. Ảnh Nhật Thy.
Hỗ trợ phụ nữ mại dâm học nghề. Ảnh Nhật Thy.

Mô hình giảm hại và phòng, chống lây nhiễm HIV tỉnh Khánh Hoà hoạt động dựa trên sự hỗ trợ của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội từ năm 2013.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hỗ trợ can thiệp giảm hại và sinh kế cho người bán dâm thông qua mạng lưới kết nối dịch vụ với những địa chỉ cụ thể, Khánh Hoà đã xây dựng mạng lưới kết nối dịch vụ và hỗ trợ chuyển gửi dịch vụ gồm Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Nha Trang, Trung tâm dịch vụ việc làm Khánh Hòa, Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa), Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Khánh Hòa.

Đến nay, mô hình đã vận động tư vấn cho 50 người bán dâm khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục, tư vấn tâm lý, pháp lý, học nghề và các chính sách pháp luật cho hơn 150 người bán dâm, người có nguy cơ cao và gia đình họ.

Về việc hỗ trợ sinh kế, đến nay, mô hình hỗ trợ sinh kế, tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ 21 người bán dâm hoàn lương được vay vốn (386 triệu đồng) từ ngân hàng chính sách xã hội địa phương. Qua 3 đợt khảo sát cho thấy, 95% số đối tượng đã sử dụng vốn vay đúng mục đích như kinh doanh cà phê, quán ăn, chăn nuôi, nghề thủ công. Sau 5 năm, thu nhập kinh tế gia đình của người sử dụng vốn vay đã ổn định và họ vững tin vào tương lai của mình.

Việc thực hiện các mô hình đã góp phần ngăn ngừa việc tái phạm trong nhóm bán dâm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng; cung cấp thêm các kiến thức về chăm sóc sức khỏe bản thân, bảo vệ cộng đồng cho người bán dâm; các câu lạc bộ, nhóm trở thành nơi sinh hoạt và chia sẻ tâm tư nguyện vọng giúp họ có đủ nghị lực, sức mạnh vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, các mô hình đã hỗ trợ vốn, học nghề giúp nhiều chị em có việc làm, tạo thu nhập và hòa nhập cộng đồng bền vững.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng mô hình hỗ trợ cho người bán dâm tại tỉnh Khánh Hòa cũng gặp phải một số khó khăn, hạn chế nhất định, như: các dịch vụ cung cấp cho người bán dâm trong công tác giảm tác hại và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng còn thiếu và chưa rộng rãi nên việc tiếp cận với các dịch vụ này với nhiều người bán dâm còn khó khăn.

Mô hình chỉ mới triển khai thí điểm tại thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh, chưa có điều kiện để nhân rộng trong tỉnh nên mức độ bao phủ chưa rộng. Người bán dâm còn tự kỳ thị, mặc cảm nên không tự tin tìm đến các dịch vụ để được hỗ trợ.

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ đánh giá hiệu quả của các mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh và đề xuất áp dụng những giải pháp, cách làm mới để nâng cao hiệu quả nhằm hỗ trợ tốt giúp người bán dâm hòa nhập cộng đồng.

THỤY MIÊN