Bắc Kinh lo sợ nhất là lập trường của bà Thái Anh Văn đối với Biển Đông

02/02/2016 14:48
Hồng Thủy
(GDVN) - Với Trung Quốc, kể cả vấn đề Senkaku/Điếu Ngư hay Biển Đông đều "nhạy cảm", liên quan đến chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) và (cái gọi là) lòng yêu nước.
Tiến sĩ Thái Anh Văn, tân lãnh đạo tối cao Đài Loan. Ảnh: Chinapost.com.tw.
Tiến sĩ Thái Anh Văn, tân lãnh đạo tối cao Đài Loan. Ảnh: Chinapost.com.tw.

China Times Đài Loan ngày 2/1 có bài xã luận khuyên Tiến sĩ Thái Anh Văn, tân lãnh đạo tối cao đảo Đài Loan rằng, trong quan hệ với Bắc Kinh bà Thái Anh Văn nên khiêm tốn, khiêm tốn và khiêm tốn hơn nữa.

Kể từ khi bà giành chiến thẳng trong cuộc bầu cử đầu tháng này, tranh cãi giữa Dân Tiến đảng ở Đài Loan với các nhà cầm quyền Trung Quốc về "nhận thức chung 1992" vẫn cứ liên miền không dứt.

Do thiếu kênh liên lạc, đối thoại giữa hai bên nên Dân Tiến đảng cầm quyền ở Đài Loan với Trung Quốc đều tự suy diễn ý đồ của đối phương xung quanh nguyên tắc "một Trung Quốc, tùy cách hiểu mỗi bên", tức là Trung Hoa Dân quốc đối với Đài Loan và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với Trung Quốc.

Thời gian tới, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan vẫn bị chi phối bởi nhiều nhân tố bên trong lẫn bên ngoài, mức độ bất ổn khá cao.

Trong bối cảnh đó, vấn đề Biển Đông lại dậy sóng. Trước khi loại bỏ các tranh cãi về "nhận thức chung 1992", vấn đề Biển Đông là một rủi ro lớn trong quan hệ giữa đảng Dân Tiến với Bắc Kinh.

Philippines đang đề nghị Tòa Trọng tài Thường trực PCA ra phán quyết đảo Ba Bình, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) hiện đang do Đài Loan chiếm đóng (bất hợp pháp) không phải một đảo (island) theo định nghĩa trong Điều 181 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), do đó nó không có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế.

Ông Mã Anh Cửu, người sắp mãn nhiệm đã tức tốc bay ra đảo Đài Loan để khẳng định (cái gọi là) chủ quyền đối với Trường Sa và Biển Đông, đồng thời tìm cách chứng minh Ba Bình là một đảo (Island), chứ không phải đảo đá (rock), theo Điều 181 UNCLOS.

Thời báo Hoàn Cầu lập tức có bài xã luận ca ngợi (cái gọi là) tinh thần dân tộc bảo vệ chủ quyền của Mã Anh Cửu, tiếp tục bày tỏ thiện chí với lập trường "nhận thức chung 1992" của Quốc Dân đảng, sau cuộc gặp Tập Cận Bình - Mã Anh Cửu tại Singapore tháng 11 năm ngoái.

Tuy nhiên, Dân Tiến đảng đã từ chối phái người đi cùng Mã Anh Cửu, tiếp đó còn lên án hành động này. Bản thân Tiến sĩ Thái Anh Văn nhắc lại yêu sách của Đài Loan về "chủ quyền" với Biển Đông, nhưng đồng thời nhấn mạnh các bên cần tôn trọng tự do hàng hải, mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

China Times bình luận, đối với Trung Quốc, kể cả vấn đề Senkaku/Điếu Ngư hay Biển Đông đều "nhạy cảm", liên quan đến chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) và (cái gọi là) lòng yêu nước.

Mặt khác dưới áp lực của "phe diều hâu" trong quân đội và một bộ phận dư luận cộng đồng mạng, lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không cách nào có thể rút lui, thay đổi được.

Trong khi đó Bắc Kinh vẫn chưa chấp nhận lập trường của Tiến sĩ Thái Anh Văn về "nhận thức chung 1992". Nếu chính quyền của bà Thái Anh Văn tiếp tục theo đuổi mục tiêu "không gian riêng cho Đài Loan", Bắc Kinh sẽ khó tránh khỏi việc đình chỉ hợp tác kinh tế hai bờ cũng như các kênh tiếp xúc giữa hai bên.

Vì thế để cải thiện quan hệ hai bờ, China Times khuyên Tiến sĩ Thái Anh Văn, với Bắc Kinh phải biết "khiêm tốn, khiêm tốn và khiêm tốn hơn nữa".

Hồng Thủy