"Bấm lỗ biển số, bắt đổi biển, phạt nặng sẽ hết ùn tắc giao thông"

08/04/2012 13:00
Độc giả Trường Sơn
(GDVN) - "Thu phí không giảm ùn tắc mà thay vào đó nên cho CSGT bấm lỗ biển số, lập biên bản phạt thật nặng và bắt đổi biển với các xe cố tình vi phạm gây ùn tắc...như vậy sẽ cơ bản giải quyết được nạn ùn tắc giao thông"_Độc giả Trường Sơn bày tỏ quan điểm.
Xung quanh câu chuyện đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam để bày tỏ ý kiến về đề nghị thu phí “lưu hành phương tiện cá nhân” hay nói cách khác là “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” mà Bộ Giao thông vận tải mới đề nghị đổi tên. 
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải một bài viết của một bạn đọc Trường Sơn với nội dung hiến kế cho Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc thu phí giao thông. Mời bạn đọc cùng theo dõi: Câu chuyện ùn tắc đường và đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân (dù Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trả lời cho biết sẽ chưa thu trong năm nay) là vấn đề mà tôi thấy rất nhiều người dân, các chuyên gia, nhà quản lý đang cùng "nóng" lên để bàn thảo trong những ngày qua. Trên các tờ báo rất nhiều các ý kiến trái chiều nhau của các chuyên gia, độc giả liên tục xuất hiện. Người ủng hộ thì cho rằng đây là phương án mạnh mẽ, táo bạo, dám nghĩ, dám làm còn người phản đối thì cho rằng nó đã tạo sức ép lớn đến người dân về mặt kinh tế, không tạo được hiệu quả thực sự...
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Với tôi, một người chỉ mới có đủ tiền sắm được một chiếc xe máy ở tầm trung để phục vụ mục đích công việc của mình thì việc đã phải trả một số loại thuế, phí khi mua xe, sử dụng xe rồi nay lại chuẩn bị phải đóng thêm từ 500.000 - 1.000.000 đồng/ năm tiền phí nữa thì thực sự là điều khá bất ngờ, khó chịu, thậm chí nhiều khi gặp ai đó cùng quan điểm là chia sẻ với thái độ rất bức xúc.

Dẫu biết rằng, khi tham gia lưu thông trên đường, tôi cũng phải thừa nhận một điều, rõ ràng tắc đường là một phần nguyên nhân do xe máy gây ra. Thực tế, cứ mỗi lần xảy ra sự cố phía trước, đường bị ùn ứ lại là xe máy sẵn sàng lao lên, sẵn sàng lấn tuyến, len vào tất cả các khoảng trống, hỗn độn, không hề có bất cứ hàng lối nào cả.

Nhưng có phải thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân như đề án mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra thì ùn tắc giao thông sẽ giảm (?). Tôi nghĩ là cho dù có đưa vào áp dụng thu thật đi nữa thì cũng chẳng thể giải quyết được nạn ùn tắc này. Bởi nói vui như nhiều người, cái xe nó chỉ là phương tiện vô chi, vô giác, còn cái người ngồi trên xe, điều khiển nó mới là quan trọng. Với mức phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân được Bộ GTVT đưa ra, rất nhiều chủ phương tiện, họ sẵn sàng mang tiền đi nộp, rất đầy đủ, thậm chí trước cả vài năm... nhưng ý thức chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông của họ vẫn kém như cũ thì chắc chắn ùn tắc vẫn cứ xảy ra. Thêm vào đó, như nhiều người đã nói, trong khi hạ tầng, qui hoạch, kết cấu giao thông vẫn hạn chế về tầm nhìn, chất lượng như hiện nay thì dù có thu phí 1 năm, 10 năm hay lâu hơn thế thì việc ùn tắc vẫn là bài toán khó giải. Từ những gì nói ở trên và thực tế tham gia lưu thông trên đường, tôi xin được có một vài đề xuất nhỏ xin được góp ý với không chỉ Bộ trưởng Đinh La Thăng mà với các ban, ngành khác bởi lẽ chống ùn tắc giao thông đâu phải chỉ là trách nhiệm của một Bộ GTVT mà còn là trách nhiệm của nhiều cơ quan, bộ ngành khác.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng, trong thời gian vừa qua, ùn tắc giao thông xảy ra như tôi đã nói ở trên cũng một phần do các xe tham gia giao thông cố tình vi phạm lấn tuyến, lấn đường gây ra, đặc biệt là các phương tiện ôtô. Vì vậy, theo tôi, thay vì thu phí, Bộ GTVT cần phối hợp với Bộ công an đề xuất Chính Phủ gấp rút thực hiện ngay việc trang bị và tăng quyền cho cảnh sát giao thông. Cụ thể, mỗi cảnh sát giao thông khi tham gia điều tiết, hướng dẫn trên đường sẽ được cấp một chiếc kìm có khả năng bấm thủng lỗ ở biển số xe vi phạm gây tắc đường. Nếu không thì có thể cắt một miếng nhỏ ở biển số xe vi phạm hoặc tạo ra dấu vết gì đó để chứng tỏ rằng chiếc xe này đã từng vi phạm gây tắc đường. Cũng xin nói rõ ràng, việc thực hiện cách này, áp dụng với cả xe ôtô và xe máy để đảm bảo sự công bằng khi tham gia giao thông gây ra ùn tắc. Đồng thời với việc tạo dấu vết ở biển số những xe vi phạm thì cảnh sát giao thông cũng cấp một biên bản ghi rõ lỗi bị phạt của họ và yêu cầu trong thời hạn nhất định họ phải đến nộp. Sau thời hạn đó, nếu chủ phương tiện không đến thì sẽ tăng mức phạt lên gấp 2, 3 lần trong biên bản đồng thời sẽ tạm giữ phương tiện nếu phát hiện vẫn cố tình lưu thông trên đường.  Ngoài ra, chúng ta cũng phải qui định rõ, với những xe vi phạm lấn làn, lấn tuyến gây ra ùn tắc giao thông thì sau khi bị bấm lỗ sẽ phải đổi biển số xe. Bởi lẽ, bình thường khi lấn tuyến, lấn làn họ đã bị phạt nay nếu còn gây ra ùn tắc thì ngoài việc bị phạt họ phải trả thêm phí cấp đổi biển số xe là điều đương nhiên. Tôi còn nhớ rằng, vài năm trước đây, chúng ta cũng đã từng đưa ra và thực hiện trong một thời gian khá dài việc bấm lỗ bằng lái của các lái xe gắn máy, ôtô vi phạm nhưng sau đó đã bị bỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc nhiều lái xe ôtô phải đối mặt với mất việc, sử dụng bằng giả... thì với việc bấm lỗ biển số này sẽ không có chuyện lái xe ôtô mất việc nhưng chắc chắn sự răn đe và ý thức chấp hành nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông của các chủ điều khiển phương tiện là rất khả quan. Với cách làm quyết liệt, mạnh tay trong việc xử phạt những phương tiện vi phạm: bấm lỗ, phạt, bắt đổi biển như vậy, thưa Bộ trưởng Đinh La Thăng, tôi nghĩ rằng, chắc chắn nhiều người điều khiển các phương tiện giao thông sẽ tự nâng cao ý thức của mình trong việc tham gia giao thông, không còn dám lấn tuyến, lấn làn, từ đó từng bước giảm dần ùn tắc giao thông.
Độc giả Trường Sơn