Bí mật về các đoàn tàu mang tên lửa hạt nhân của Liên Xô

20/11/2011 21:43
Theo ANTG/Military
Đây được coi là một giải pháp đảm bảo an toàn và ngụy trang hữu hiệu cho các vũ khí chiến lược của Liên Xô.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, những đoàn tàu bọc thép mang tên lửa này từng là nỗi đau đầu thường xuyên của người Mỹ. Để theo dõi chúng, Lầu Năm Góc đã phải chi rất nhiều tiền, thậm chí hơn cả số tiền Liên Xô đã dùng để chế tạo ra những đoàn tàu này. Có tổng cộng 12 vệ tinh gián điệp của Mỹ thay nhau từng phút giám sát khắp nơi trên lãnh thổ Liên Xô, nhưng cho dù ngay cả từ trên vũ trụ, chúng  vẫn không thể xác định sự khác biệt giữa những đoàn tàu chứa tên lửa và những toa làm lạnh thông thường...
Tháng 10/1961, Liên Xô chính thức tuyên bố thử nghiệm thành công bom khinh khí có công suất tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ. Sự kiện này cũng đồng nghĩa với việc, Liên Xô hầu như đã loại bỏ được những lợi thế về vũ khí hạt nhân của Mỹ, cho dù vào thời điểm đó lượng đầu đạn hạt nhân của Washington vẫn nhiều hơn gấp cả chục lần. Thành công về việc chế tạo loại vũ khí này cũng đặt ra những yêu cầu bức thiết mới về các giải pháp kỹ thuật, trong đó việc chế tạo các bệ phóng tên lửa di động đã được đặt ra từ đầu. Đây được coi là một giải pháp đảm bảo an toàn và ngụy trang hữu hiệu cho các vũ khí chiến lược của Liên Xô. Năm 1979, Bộ trưởng Chế tạo máy Sergey Afanasev đã giao nhiệm vụ cho công trình sư Utkin và các đồng nghiệp: “Nhiệm vụ mà chính phủ đặt ra cho chúng ta là rất lớn, có nhiều vấn đề hóc búa mà trong nước cũng như trên thế giới chưa từng gặp phải. Chúng ta cần phải bố trí tên lửa đạn đạo liên lục địa trên một toa xe đường sắt, có trọng lượng tổng cộng cùng bệ phóng hơn 150 tấn. Điều quan trọng là phải đảm bảo cho khả năng vận hành trơn tru của đoàn tàu trên hệ thống đường sắt quốc gia – đoàn tàu phải bảo đảm an toàn tuyệt đối khi vận hành, đồng thời có thể đạt tốc độ tối đa 120 km/giờ”.   Với những yêu cầu trên, động cơ của đầu tàu được quyết định chế tạo để có thể dùng được nhiên liệu dạng rắn, một thực tế chưa từng gặp trước đây trong lịch sử ngành chế tạo máy. Bất chấp những khó khăn chồng chất, một loại động cơ đặc biệt như trên dành cho đoàn tàu đã được hoàn tất. Nhưng vẫn còn đó không ít những thách thức đối với các nhà thiết kế. Vấn đề là cả tên lửa với bệ phóng đã có trọng lượng tổng cộng hơn 130 tấn, một con số vượt qua trọng tải của hệ thống đường sắt thông thường. Cần phải tìm ra những loại nguyên liệu chế tạo mới nhẹ hơn, trong khi kích thước của tên lửa cũng không được vượt quá chiều dài một toa xe lửa có buồng lạnh thông thường. Còn phải kể đến một loạt những bài toán phức tạp nữa mà Aleksey Utkin và các đồng nghiệp phải đương đầu: cách kết nối của các hệ thống điện, làm sao nâng tên lửa theo chiều thẳng đứng chỉ trong vài giây, làm sao để đảm bảo phóng tên lửa tối đa là 2 phút sau khi đoàn tàu dừng bánh? v.v...   Nhưng cuối cùng, với tài năng và sự quyết tâm, các kỹ sư Xôviết đã hoàn tất nhiệm vụ một cách xuất sắc. Đoàn tàu tên lửa đầu tiên được trang bị cho quân đội vào năm 1987. Đến năm 1992, đã có tổng cộng 12 đoàn tàu như trên được triển khai trên khắp đất nước. Về cơ bản, những toa tàu được lắp ráp hệ thống tên lửa PC-22 (phương Tây gọi là Skalpel) cùng một khoang điều khiển tác chiến. PC-22 có trọng lượng khoảng hơn 100 tấn và tầm bắn khoảng 10 ngàn km. Đây là loại tên lửa có ba tầng dùng nhiên liệu rắn có lắp các đầu đạn hạt nhân tự dẫn đường. Mỗi đoàn tàu đặc biệt này trung bình có 3 bệ phóng, kèm theo 12 tên lửa và khoảng 120 đầu đạn hạt nhân. Thông tin về sự xuất hiện của những đoàn tàu trên đã khiến người Mỹ hết sức lo lắng. Với nỗ lực theo dõi và phát hiện chúng, Lầu Năm Góc đã chi rất nhiều tiền đầu tư vào hệ thống vệ tinh do thám, tính ra còn vượt trội so với khoản kinh phí Liên Xô đã bỏ ra để chế tạo những đoàn tàu này. Có điều cả 12 vệ tinh của Mỹ dù lùng sục suốt ngày đêm trên từng mét đất của lãnh thổ Liên Xô cũng không thể phát hiện và phân biệt những bệ phóng di động này với các đoàn tàu có toa lạnh thông thường. Cần nói thêm là từ những năm 60 của thế kỷ XX, người Mỹ đã từng nghiên cứu chế tạo những đoàn tàu tên lửa tương tự, nhưng họ đã không thành công. Khi các vệ tinh do thám không giải quyết được vấn đề, người Mỹ lại bắt tay vào một nỗ lực mới. Dưới vỏ bọc là chuyến tàu hàng thương mại gửi sang Liên Xô, phía Mỹ đã bí mật lắp ráp vào một số côngtenơ những hệ thống theo dõi đặc biệt bao gồm cả máy thu tín hiệu vô tuyến, phân tích mức độ phóng xạ và camera có thể chụp xuyên qua lớp vỏ tàu v.v...
Tất cả chỉ để nhằm phát hiện ra những toa tàu chứa tên lửa hạt nhân của Liên Xô. Tuy nhiên, âm mưu này đã bị các chiến sĩ phản gián Xôviết chặn đứng, ngay khi con tàu vừa ra khỏi địa phận Vladivostok. Vào thời điểm hiện nay, trước những thay đổi về tình hình thế giới cũng như chi phí cao về vận hành, Chính phủ Nga đã quyết định loại bỏ khỏi trang bị những đoàn tàu mang tên lửa hạt nhân kiểu trên. Những toa tàu bọc thép bí mật - từng là mối đe dọa khó lường đối với người Mỹ - đã được gỡ bỏ và lưu giữ trong hệ thống kho cố định.
Theo ANTG/Military