Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói về việc phạt xe không chính chủ

19/08/2013 07:25
Ngọc Quang (ghi)
(GDVN) - "Dù đã ban hành Nghị định trước một tháng rưỡi, thế nhưng do hướng dẫn không đầy đủ nên người dân bị bất ngờ. Tôi đã có chỉ đạo đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp cần xem xét lại việc phổ biến như thế nào. Tất nhiên trách nhiệm chính không thuộc về Bộ Tư pháp mà là Bộ Giao thông Vận tải".

Những năm qua, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tuy đã được thực hiện nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu bức thiết của tình hình mới. Ngay chính Bộ Tư pháp cũng phải thừa nhận một thực tế là việc phổ biến giáo dục pháp luật ở nhiều nơi vẫn còn mang tính phong trào, chưa đi được vào những nội dung pháp luật mà người dân cần.

Trong chuyên mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tối 18/8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời về những vấn đề về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân.

Ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

PV: Thưa Bộ trưởng, nhiều người khá bức xúc khi khi bị phạt vì thiếu thông tin pháp luật, đơn cử như trong một bức thư mới đây, có độc giả đã phản ứng khá gay gắt về quy định phạt xe không chính chủ. Người dân này cũng có biết về quy định mới nhưng không rõ là bao giờ thì áp dụng và chế tài thì như thế nào, trong khi vô tình bị rơi vào trường hợp bị phạt thì cảm thấy vô cùng bức xúc. Bộ trưởng nhận định như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Vấn đề này liên quan đến Nghị định 71/2012 của Chính phủ, sửa đổi bổ sung Nghị định 34 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ. Đúng vào ngày có hiệu lực, bản thân tôi cũng nhận được phản hồi của người dân, thậm chí là Đại biểu Quốc hội về quy định đó và tỏ ra bức xúc vì bất ngờ, khi chưa chuẩn bị đủ tiền cho mức xử phạt cao như vậy nên bị giữ xe lại, phải chờ đợi…

Cho nên cũng xin nói thêm, đây không phải là quy định mới mà phải bất ngờ, bởi trong Nghị định 34 năm 2010 của Chính phủ đã quy định về xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu đối với phương tiện là mô tô và ô tô. Tôi xin nhắc lại là chuyển quyền sở hữu chứ không phải là xe không chính chủ.

Tuy nhiên, Nghị định 34 của Chính phủ đã được áp dụng trước đó 2 năm thì mức phạt thấp. Đối với mô tô là từ 100 - 200.000 đồng và ô tô là 1 triệu đến 1,2 triệu đồng. Theo Nghị định 71 năm 2012 thì mức phạt tăng lên gấp 5 - 8 lần. Cụ thể là 800.000 đến 1,2 triệu đồng đối với mô tô và 6 triệu cho đến 10 triệu đồng với ô tô cao hơn nhiều.

Khi xử phạt cao thì người dân mới chú ý và sự hợp lý của biện pháp xử phạt, nên đây không phải là quy định mới, đây chỉ là vấn đề về mức xử phạt cao hay thấp thôi. Ở đây xin chưa bàn về sự hợp lý cao hay thấp, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Nghị định mới để có sự hợp lý hơn, bởi vì 800.000 – 1,2 triệu đồng với xe mô tô không phải nhỏ đối với hộ nghèo, nhất là ở khu vực nông thôn. Nhưng ở đây có sự phổ biến quán triệt, làm cho người dân biết quy định mới và với mức xử phạt cao như vậy thì vấn đề chính là do công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Trong trường hợp cụ thể này, tôi đã có chỉ đạo đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp cần xem xét lại việc phổ biến như thế nào. Tất nhiên trách nhiệm chính không thuộc về Bộ Tư pháp mà là Bộ Giao thông Vận tải. Dù đã ban hành Nghị định trước một tháng rưỡi, thế nhưng do hướng dẫn không đầy đủ nên người dân bị bất ngờ.

Chúng ta có sự đầu tư từ trước tới nay nhưng chưa quan tâm đầy đủ, xây dựng chính sách mất nhiều công sức và thể chế thành pháp luật cũng mất rất nhiều công sức nhưng việc thực thi pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật thì chưa được đầu tư thỏa đáng.

PV: Thông tin về pháp luật rất quan trọng và quyền được thông tin về pháp luật, cũng như vấn đề về Nhà nước đảm bảo được việc thực thi cho công dân có quyền được thông tin về pháp luật, đã được hiện thực hóa trong Luật phổ biến giáo dục pháp luật. Thế nhưng người dân tỏ ý băn khoăn là với vai trò là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng sẽ làm gì để Luật sớm đi vào thực tiễn, đạt hiệu quả cao nhất?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Đúng là tháng 6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật phổ biến pháp luật và có hiệu lực từ 1/1 năm nay. Tôi cũng nói thêm chỉ có Việt Nam có Luật phổ biến giáo dục pháp luật, điều này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tăng cường, thúc đẩy ý thức chấp hành pháp luật của công chức, viên chức, người dân làm sao cho có sự chuyển biến cơ bản.

Luật cũng lần đầu tiên quy định Chính phủ có trách nhiệm quản lý Nhà nước về quy định này và giao cho Bộ Tư pháp. Từ khi Luật được thông qua cho đến nay, Bộ tư pháp với trách nhiệm này đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quyền hạn của mình có thể đồng bộ các giải pháp để làm sao đưa Luật này vào cuộc sống, đó thực thi được quyền tiếp cận pháp luật của công dân.

Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này. Thủ tướng cũng ban hành về thành phần, chức năng nhiệm vụ của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật từ Trung ương cho đến cấp huyện. Hiện Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đã soạn thảo xong và đang hoàn thiện thông tư và thông tư liên tịch để quy định những biện pháp bảo đảm Luật này và quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Về kiện toàn Hội đồng phổ biến pháp luật các cấp, Thủ tướng đã có quyết định với Hội đồng ở Trung ương. Theo quyết định của Thủ tướng thì Hội đồng gồm 30 thành viên, có đủ các cơ quan Nhà nước, các mặt trận, đoàn thể.

Lần này mới chỉ có quyết định ở cấp Trung ương và đối với cấp tỉnh, huyện và thành phần theo hướng dẫn của Chính phủ phải có đủ các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể có thẩm quyền liên quan, cùng chung sức để phổ biến pháp luật. Riêng cấp xã, lần này dù có tới 83% xã trong cả nước trước đây đã có Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật nhưng Quốc hội thảo luận thấy rằng cấp xã là cấp thực thi pháp luật nên cấp xã không tổ chức Hội đồng. Nên chỉ có sự chỉ đạo của Hội đồng từ Trung ương đến cấp huyện và cấp huyện phải có trách nhiệm hướng dẫn cho cấp xã phải thực hiện.

Hội đồng có trách nhiệm tư vấn cho chính quyền của cấp đó chứ không có trách nhiệm là cung cấp thông tin. Và thông tin phải được đặt ở một cửa của cấp huyện, tại phòng tư pháp của cấp huyện, ở các tổ chức đoàn thể. Nếu như một tầng lớp nhân dân nào đó như phụ nữ, thanh niên hay học sinh thiếu điều kiện tiếp cận đến pháp luật, thì chính những thành viên của Hội đồng đó phải có trách nhiệm tư vấn cho chính quyền của cấp đó phải bổ sung cho đối tượng cụ thể.

Một vấn đề nữa liên quan đến Ngày pháp luật đầu tiên của nước ta là ngày 9/11 tới. Chúng tôi đã dự thảo cùng với các Bộ, ngành và lấy ý kiến của Hội đồng phổ biến pháp luật của Trung ương mới được thành lập lại, mới ra mắt khoảng 2 - 3 tuần và tới đây chúng tôi sẽ có ý kiến cho Ngày pháp luật đó.

PV: Như Bộ trưởng vừa nói, trong Luật phổ biến, giáo dục pháp luật quy định ngày 9/11 hàng năm sẽ trở thành Ngày pháp luật Việt Nam. Vậy tại sao chúng ta lại chọn ngày 9/11 là Ngày pháp luật và 364 ngày còn lại của năm sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng? 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Về Ngày pháp luật 9/11, đây là ý tưởng của các địa phương. Cụ thể là của tỉnh Hà Tây cũ, sau có thêm Long An, Tiền Giang… tổ chức Ngày pháp luật cho các cơ quan Nhà nước. Vào ngày này, các cán bộ công chức, viên chức tập trung nghe phổ biến, nghe quán triệt những văn bản nào được ban hành có liên quan đến lĩnh vực của họ để làm sao biết pháp luật và thực thi công cụ.

Chính phủ đã đề xuất đến Quốc hội có Ngày pháp luật và đã được chấp nhận, đồng thời có quy định trong luật Ngày pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chọn ngày 9/11 bởi vì là đây là ngày trong năm 1946, Quốc hội thông qua Hiến pháp đầu tiên của đất nước. Còn mục đích tổ chức để làm sao đó để tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, làm sao giáo dục được ý thức thượng tôn của pháp luật của cán bộ công chức, viên chức và người dân.

Trong một Nhà nước pháp quyền thì ngày nào cũng là ngày pháp luật. Vừa qua trong giao ban trực tuyến với các sở tư pháp, có sáng kiến khá hay là nên tổ chức Ngày pháp luật như trước đây ở các cơ quan Nhà nước. Tôi cho rằng điều rất quan trọng hiện nay là đối với các cán bộ công chức, viên chức thực thi thế nào đó công vụ của mình đúng pháp luật thì đây là tấm gương rất tốt để người dân chấp hành.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Ngọc Quang (ghi)