Bộ Tư pháp quản lý trại giam, bất cập và thông lệ quốc tế

16/08/2014 16:59
TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Mọi cố gắng để chấm dứt hành động bức cung, nhục hình hãy bắt đầu từ những người thực thi công vụ.

Chuyện bức cung, nhục hình đối với nghi phạm không phải là chuyện mới ở nước ta cũng như trên toàn thế giới. Bức cung, nhục hình khi tạm giam nghi phạm là hành vi tước đoạt quyền con người của công dân khi tòa chưa đưa ra kết luận về tội trạng (hoặc vô tội) của người bị tạm giam.

Ở Mỹ, Cục điều tra liên bang FBI (Federal Bureau of Investigation)  là một lực lượng vũ trang trực thuộc Bộ Tư Pháp, nhân viên của cục này được trang bị vũ khí khi thừa hành công vụ.

Tại Liên bang Nga, tổng cục An ninh Liên bang  (Федеральная служба безопасности Российской Федерации - ФСБ) cũng trực thuộc Bộ Tư pháp theo sắc lệnh  số 314 do tổng thống ký năm 2004.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có thể thấy qua hai dẫn chứng nêu trên, Bộ Tư pháp giữ vị trí vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm thực thi pháp luật, giữ gìn an ninh quốc gia. Nhân viên hai cơ quan FBI và ФСБ đều  được trang bị vũ khí mặc dù trực thuộc Bộ Tư pháp – một cơ quan dân sự. Một số nước còn có lực lượng vũ trang trực thuộc Bộ Nội vụ hoặc Cảnh sát thuế… 

Tại Việt Nam, ngoài Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, còn có các lực lượng dân sự như Kiểm lâm, Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng được luật pháp quy định trang bị vũ khí.

Trong khi Bộ Tư pháp của các nước đảm nhận những trách nhiệm to lớn như thế thì phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp Việt Nam lại khá “gọn nhẹ”, chủ yếu gồm: quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ…

Bộ Tư pháp quản lý trại giam, bất cập và thông lệ quốc tế ảnh 2Tướng Thước: “Tôi ủng hộ đề xuất để Bộ Tư pháp quản lý các trại giam”

(GDVN) - Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nếu có một cơ quan khác quản lý nghi phạm, bị can không phải là công an thì chắc chắn rằng sẽ hạn chế được nạn bức cung.

Trở lại vấn đề bức cung, nhục hình trong trại tạm giam, một số ý kiến gần đây cho rằng các trại tạm giam nên chuyển về Bộ Tư pháp quản lý. Có hai luồng dư luận trái chiều mà người nghe không thể thấy hết những phức tạp bên trong, chẳng hạn ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết “phía công an không đồng ý chuyển trại tạm giam sang Bộ Tư pháp”. Còn Tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho biết: “cách đây khoảng hơn 15 năm cũng đã có nhiều ý kiến nêu ra như vậy nhưng không thực hiện được, lí do là vì phía Bộ Tư pháp ngại nhận việc này”.

Vấn đề bây giờ không phải là muốn hay không muốn, ngại hay không ngại mà nên theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm ngăn ngừa tối đa các hành động có thể dẫn tới xâm phạm quyền công dân, quyền con người.

Cần phải khẳng định, một người bị tạm giam chưa phải là tội phạm bởi thế mới gọi họ là “nghi phạm”, chỉ khi nào tòa tuyên án người đó phạm tội thì họ mới là tội phạm. Dù là nghi phạm hay tội phạm, đương sự có thể mất quyền công dân nhưng không thể mất quyền con người. Bức cung, ép cung, tra tấn nghi phạm trong bất kỳ trường hợp nào cũng là một tội đã được quy định tại các điều 298, 299 bộ Luật Hình sự.

Giảm nhẹ, tiến tới triệt tiêu hiện tượng bức cung, nhục hình cần được tiến hành theo hai hướng: 

Thứ nhất: Nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức cán bộ điều tra. Những người yếu kém chuyên môn, thoái hóa đạo đức, dưới áp lực phải tìm ra tội phạm, phải phá án trong thời gian ngắn nhất thì bức cung, nhục hình là công cụ tốt nhất mà họ ưa thích sử dụng. Những điều xảy ra tại Bắc Giang đã khiến dư luận gọi tình trạng bức cung, nhục hình là đặc sản nổi bật của tỉnh này thay vì vải thiều Lục Ngạn hay gà đồi Yên Thế. 

Một vài ý kiến cho rằng, có sự ưu tiên tuyển chọn con em trong ngành vào học các trường đào tạo nghiệp vụ và đó chính là một trong những nguyên nhân của tình trạng yếu kém năng lực chuyên môn. Có thể nhận định này không chính xác nhưng cũng là một sự lo lắng không sai trong công tác tuyển chọn cán bộ, đào tạo đội ngũ, nên được lưu tâm đúng mức.

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của sĩ quan, chiến sĩ liên quan đến quá trình đào tạo và khả năng tiếp thu của học viên. Điều này, như một luật bất thành văn, người ngoài cuộc không thể lạm bàn. Tư cách, đạo đức của điều tra viên thì lại là chuyện khác, ép cung, nhục hình như vụ án Nguyễn Thanh Chấn để nghi phạm buộc phải nhận tội dẫn tới án tử hình thì đó không phải việc làm của một con người đúng nghĩa. Đó là hành động giết người gián tiếp vì kẻ sát nhân hoàn toàn nhận thức được rằng, nếu nhận tội chắc chắn Nguyễn Thanh Chấn sẽ phải nhận án tử. 

Giáo dục đạo đức cho điều tra viên là chưa đủ, còn phải làm sao để họ không có điều kiện và không thể phạm sai lầm trong quá trình điều tra, đây là một vấn đề mang tính nhân văn sâu sắc. Không có gì vui nếu không muốn nói là một sự chua sót khi một công an lại phải áp giải đồng đội vào tù vì phạm pháp. Cách ly chiến sĩ của mình khỏi các yếu tố có thể khiến họ phạm sai lầm là một trong các biện pháp giữ gìn sự trong sạch và uy tín của ngành công an, nhưng làm thế nào để cách ly hiệu quả khi toàn bộ quá trình điều tra bị khép kín?

Thứ hai: Chuyển các trại tạm giam sang Bộ Tư pháp quản lý.

Nhiều vấn đề nảy sinh nếu điều này thành hiện thực. Việc đầu tiên là phải chuyển Cảnh sát tư pháp sang Bộ Tư pháp. Từ năm 2005 ông Uông Chu Lưu khi đó còn là Bộ trưởng Tư pháp đã đề xuất chuyện này, quan điểm này đã vấp phải sự phản đối từ nhiều phía, đặc biệt là từ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Đại diện Uỷ ban pháp luật của Quốc hội cho rằng: ”Việc chuyển cảnh sát tư pháp từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp quản lý về bản chất là chuyển một nửa lực lượng vũ trang sang một cơ quan nhà nước có tính chất quản lý dân sự". [1]

Thậm chí còn nhiều câu hỏi nghi ngờ khả năng quản lý của Bộ Tư pháp như: “Bộ Tư pháp có “ôm” nổi trại giam và cảnh sát tư pháp?”. [2]

Những suy nghĩ gần mười năm trước không còn đúng trong thời điểm hiện nay. Tại Hoa Kỳ và Liên Bang Nga hai cơ quan FBI và ФСБ đều do Bộ Tư pháp quản lý, lực lượng này được tranh bị vũ khí rất hiện đại, thậm chí ФСБ còn quản lý toàn bộ lực lượng bộ đội biên phòng Nga với quân số ước tính khoảng 200.000 người.

Bộ Tư pháp “ôm” nổi hoặc không “ôm” nổi trại giam và cảnh sát tư pháp không phải là chuyện riêng của bộ này mà là chuyện của Bộ Chính trị, của Quốc hội. Chính phủ. Cần phải có sự thống nhất chỉ đạo để soạn thảo và  ban hành luật hoặc các văn bản quy phạm pháp luật quy định quyền hạn của Bộ Tư pháp.

Một điều cần được nhận thức thông suốt là lực lượng vũ trang không phải là lực lượng duy nhất bảo vệ tổ quốc, cũng không phải là lực lượng duy nhất được trang bị vũ khí. Còn nhớ thời chiến tranh chống Mỹ, dân quân tự vệ còn được trang bị cả súng phòng không và pháo bờ biển, vậy sao bây giờ lại sợ một cơ quan dân sự (Bộ Tư pháp) quản lý một phần lực lượng vũ trang? 

Đồng thời với việc chuyển Cảnh sát tư pháp, cũng cần chuyển Cục Quản lý trại giam và hệ thống trại giam hiện nay từ Bộ Công an sang cho Tổng cục Thi hành án quản lý. Việc trang bị công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí hạng nhẹ cho các lực lượng này cũng cần được luật hóa cụ thể, tránh tình trạng lạm dụng nhưng cũng không được làm suy yếu sức mạnh của lực lượng.

Mong muốn sống trong một xã hội dân sự thì bắt buộc phải đổi mới tư duy, không thể cứ bo bo ôm mãi cái cũ. Vai trò của lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được đặt ngang hàng, không thể có chuyện như lâu nay, tư pháp luôn ở dưới hành pháp một bậc.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, chuyển đi hay không chuyển vẫn chỉ là yếu tố đứng thứ hai sau yếu tố quan trọng nhất là con người. Nếu điều tra viên có quyền ký nhận rồi dẫn giải nghi phạm đến trụ sở cơ quan điều tra thì ai dám bảo không có chuyện “ngựa theo đường cũ”? Nếu lắp kính ở phòng tạm giam và đặt camera theo dõi mà người ta lại dẫn nghi phạm tới phòng không có camera thì sao? Nếu điều tra viên không ra tay mà để cho đầu gấu thực hiện nhục hình nghi phạm thì thế nào?

Mọi cố gắng để chấm dứt hành động bức cung, nhục hình hãy bắt đầu từ những người thực thi công vụ, dẫu sao người viết cũng đồng tình quan điểm tách các cơ sở giam giữ nghi phạm, phạm nhân khỏi Bộ Công an, giao cho Bộ Tư pháp quản lý./.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Bo-Tu-phap-muon-thau-tom-canh-sat-tu-phap/10929216/218/

[2] http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Bo-Tu-phap-co-om-noi-trai-giam-va-canh-sat-tu-phap/40102042/218/

TS. Dương Xuân Thành