Kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

"Cảm xúc dâng trào khi tiến vào Dinh Độc lập trong ngày lịch sử 30/4"

30/04/2013 06:15
Tuệ Minh
(GDVN) - Nhà báo Ngọc Đản: “Có người nói rằng: “Giải phóng Sài Gòn không vỡ một cửa kính” nhưng nói như vậy là nói thế trận chung nhưng thực tế, sự hy sinh của người lính kéo dài cho đến giây phút cuối cùng”.
LTS: Trong câu chuyên vào một buổi chiều cuối tháng 4, tại một góc quán cà phê trên đường Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhà báo Đậu Ngọc Đản nguyên là phóng viên chiến trường của Tổng cục Chính trị và của Thông tấn xã Việt Nam, một nhà báo từng qua nhiều chiến trường, từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử và những hy sinh, mất mát đã kể cho chúng tôi câu chuyện về  cái cảm xúc dâng trào khi tiến vào Dinh Độc lập trong ngày lịch sử 30/4/1975...


Xe của quân đoàn 3 tiến vào Bộ Tổng Tham mưu của Nguỵ quân Sài Gòn (Ảnh: Ngọc Đản)
Xe của quân đoàn 3 tiến vào Bộ Tổng Tham mưu của Nguỵ quân Sài Gòn (Ảnh: Ngọc Đản)

Những sự hy sinh ngay trước giờ Độc lập

Kể về những sự hy sinh ngay trước giờ chiến thắng ngày 30/4/1975, nhà báo Ngọc Đản rưng rưng chia sẻ: “Buổi sáng ngày 30/4, tôi đi theo Lữ đoàn xe tăng 203 vào Sài Gòn. Phối hợp với Lữ đoàn 203 là Tiểu đoàn Thông tin 18 của Sư đoàn 304 mà trước đó họ vừa đánh chiếm được căn cứ Nước Trong (căn cứ thiết giáp của quân Nguỵ). Nhiều lính Nguỵ đã bỏ chạy nhưng còn một số phần tử ngoan cố tụ tập lại và nấp hai bên đường 15. Lúc bộ đội ta đang thừa thắng xông lên thì bất ngờ bị những phần tử này tập kích. Có những tiểu đội của ta gần như dã hy sinh hết trên đường tiến vào Sài Gòn.

Tôi đã được chứng kiến tận mắt hình ảnh khi bộ đội ta hy sinh anh dũng, những người lính của địch ở căn cứ thiết giáp biết là không chống được nữa nên đã cố lấy những ba lô của các chiến sỹ đã hy sinh đeo lên vai rồi bỏ trốn. Những người lính Nguỵ thất trận khi đó đã cởi quân phục và vứt súng ống của mình đi. Chúng tôi chỉ phân biệt được họ qua đôi giày của lính Nguỵ.

Sáng hôm đó, khi phát hiện ra sự việc như vậy, quân ta đã vô cùng tức giận và tôi có thể cảm nhận được, sự căm tức của chiến sỹ ta đã lên đến tột độ. Có chiến sỹ đã giương lưỡi lê lên định đâm vào người lính thất trận kia nhưng các cán bộ chỉ huy của ta đã ngăn lại. Những chiến sỹ kia đã vô cùng tức giận nhưng vẫn phải hạ lưỡi lê xuống trước người đã giết đồng đội của mình bởi trước chiến dịch Hồ Chí Minh, quân ta được giáo dục tính nhân đạo và ý thức khhi vào vùng giải phóng.

Những chiến sỹ khi đó đã phải nén đau thương lại để thực hiện lòng nhân đạo và chính sách hoà hợp dân tộc – một lợi ích lớn hơn của đất nước. Đến nay, giá trị nhân ái đó đã tạo nền tảng cho sự hào hợp của dân tộc của đất nước.

Ngay trước của ngõ Sài Gòn tôi cũng đã được chứng kiến nhiều chiến sỹ xe tăng của ta đã hy sinh khi xe tăng cháy. Đó là những sự hy sinh ngay trước giờ toàn thắng. Có người nói rằng: “Giải phóng Sài Gòn không vỡ một cửa kính” nhưng nói như vậy là nói thế trận chung nhưng thực tế, sự hy sinh của người lính kéo dài cho đến giây phút cuối cùng”.

Chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên (tức Cao Thị Nhíp, quê Tiền Giang) dẫn đường cho các chiến sĩ Sư đoàn 10 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30 - 4 - 1975 (Ảnh: Ngọc Đản)
Chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên (tức Cao Thị Nhíp, quê Tiền Giang) dẫn đường cho các chiến sĩ Sư đoàn 10 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30 - 4 - 1975 (Ảnh: Ngọc Đản)

“Một chiến thắng như được chuẩn bị từ trước”

PV: Thưa ông cảm xúc khi tiến vào Dinh Độc lập của ông lúc đó như thế nào?

Nhà báo Ngọc Đản: Khi thế trận đi vào những giờ phút chiến thắng thì tất cả chỉ mừng vui, sung sướng, bất chấp lửa đạn, không sợ bất kỳ sự hy sinh nào nữa. Số phận đã cho tôi một sự may mắn. Trân xa lộ ngã ba đường 15 vào Sài Gòn cũng như khi giáp vào cầu Thị Nghè rồi, phía quân Nguỵ vẫn bắn. Lúc đó, tôi là phóng viên đã nhô đầu lên nắp cửa ở tháp pháo của xe tăng để ghi nhận tình hình thực tế. Đó thực sự là một tình huống nguy hiểm bởi chỉ cần một viên đạn lạc thôi thì mình đã hy sinh rồi. Nhưng lúc đó tôi không hề nghĩ đến sự hy sinh bởi tinh thần chiến thắng chung đã khiến mình như vậy.

Khi gặp hình ảnh đồng bào ta cầm cờ đón chào chúng tôi thì chúng tôi cảm thấy như chiến thắng đã được chuẩn bị từ trước. Lúc đó tôi như một chiến sỹ mà quên mất mình là một nhà báo. Sau này cuộc đời đi làm báo thì lúc nào cũng tỉnh táo nhưng mà vào thời điểm đó không phải lúc nào chúng ta cũng tỉnh táo được. 

Trong tinh thần chiến thắng, đối với tôi, những người lính Nguỵ không còn là kẻ thù nữa bởi đó cũng là người Việt Nam. Thực sự là như vậy.

PV: Trong không khí chiến thắng như vậy, ông có khóc….

Nhà báo Ngọc Đản: Trong tinh thần chiến thắng như thế tôi cười chứ không khóc. Dù đã chứng kiến nhiều sự hy sinh nhưng tôi cũng không khóc bởi tất cả khi đó đều trong một tinh thần chiến đấu để đất nước được thống nhất.

Nhưng tôi đã khóc khi vào các bệnh xá để lấy thông tin hình ảnh về sự khó khăn và thương vong. Ở đó, có những người chiến sỹ lúc chưa bị thương thì to cao là thế mà khi bị thương rồi trị thương, vì thiếu ăn mà rất gầy. Nhìn những vết thương các chiến sỹ phải chịu, tôi đã khóc. 

Sau này nền y học của thế giới cũng không thể hiểu được là chúng ta đã chưa cho các thương binh như thế nào trong hoàn cảnh khó khăn như thế…

Cảm xúc dâng trào

PV: Trong ngày 30/4/1975, cảm xúc lần đầu tiên khi ông gặp Dương Văn Minh như thế nào?

Nhà báo Ngọc Đản: Đó là lần đầu tiên tôi gặp Dương Văn Minh. Ông ta lúc đó trong tư thế của một người thất trận. Ông Minh lúc nào cũng cúi đầu, im lặng. Tôi có cảm giác ông Dương Văn Minh đã hiểu được sự thất bại của mình và chấp nhận sự thất bại đó… 

PV: Trong quá trình tiến vào Sài Gòn, khoảnh khắc nào khiến cảm xúc của ông dâng trào nhất?

Nhà báo Ngọc Đản: Khó có thể phân chia ra là thời điểm nào. Tôi theo Lữ đoàn xe tăng đánh chiếm căn cứ Nước Trong tối 29/4/1975 và rạng sáng ngày 30/4/1975, chúng tôi vượt qua xa lộ 15 để tiến vào Dinh Độc lập.

Anh hùng Phạm Xuân Thệ dẫn Nội các Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng (Ảnh: Ngọc Đản)
Anh hùng Phạm Xuân Thệ dẫn Nội các Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng (Ảnh: Ngọc Đản)

Chứng kiến những người lính Nguỵ thất trận thì khi đó niềm vui rạo rực nhất, cảm xúc trào dâng nhất dù trước đó, chúng tôi đã có mấy ngày không ăn, không ngủ. Khi bắt gặp hình ảnh bà con đứng hai bên đường đón chào đoàn xe tăng dù lúc đó chưa tiến vào Dinh Độc lập nhưng chúng tôi đã cảm nhận ta đã hoàn toàn chiến thắng và đất nước đã hoàn toàn thống nhất.

Tôi còn nhớ như in biểu tượng chiến thắng của quân ta khi tôi chụp anh Thệ (Đại uý Phạm Xuân Thệ và nay là Trung tướng Phạm Xuân Thệ) đưa Nội các Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng. Trong ống kính của tôi, vì cận cảnh nên hình ảnh của anh Thệ cao. Đó là tư thế của người chiến thắng và phía sau là hình ảnh Nội các Dương Văn Mình nhỏ hơn. Đó là hình ảnh tôi không bao giờ quên được…

Xin trân trọng cảm ơn Nhà báo Ngọc Đản đã chia sẻ!
Tuệ Minh