Chính phủ tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính

25/07/2016 18:08
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ giữ ổn định 22 bộ và cơ quan ngang bộ.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiệm kỳ 2011-2016, ngay sau khi có nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương triển khai thực hiện việc sắp xếp, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ; đồng thời xây dựng quy chế làm việc của Chính phủ, phân công nhiệm vụ công tác của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ.

Cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 tiếp tục được duy trì, tổ chức hoạt động bộ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực như nhiệm kỳ 2007-2011, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi đối tượng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.

Đồng thời thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ đã từng bước rà soát, hoàn thiện theo quy định của pháp luật.

Qua đó, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực, bảo đảm giảm tối đa việc chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.

Cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, thống suốt trong các lĩnh vực và đối tượng quản lý nhà nước.

Chính phủ đã ban hành nghị định khung, trong đó ban hành nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội cơ cấu tổ chức Chính phủ. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội cơ cấu tổ chức Chính phủ. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trên các lĩnh vực cần phải tiếp tục hoàn thiện như về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, quy chế làm việc, nâng cao trách nhiệm của từng bộ, cơ quan ngang bộ, đội ngũ cán bộ công chức để thực hiện thực năng, nhiệm vụ mà đảng, nhà nước, nhân dân giao phó.

Phương án tổ chức nhiệm kỳ 2016-2021, xây dựng cơ cấu tổ chức Chính phủ phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thưc hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, đáp ứng vai trò quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Thực hiện mô hình tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong quá trình sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ, các bộ, cơ quan bộ, cơ quan hành chính các cấp phù hợp với quy mô, phạm vi, đối tượng quản lý ngành, lĩnh vực.

Chính phủ tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính ảnh 2

Thủ trưởng cơ quan phải hoàn thành nhiệm vụ, nếu không sẽ phải thay

Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng tinh gọn, hợp lý, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Thực hiện nhất quan nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính những việc cơ liên quan.

Xác định rõ các cơ quan có liên quan phối hợp, khắc phục tình trạng chồng chéo, chia cắt, bỏ trống trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.

Chính phủ đề nghị, Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV ổn định như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, gồm có 22 bộ và cơ quan ngang bộ.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.   

Thủ tướng cho biết, sau khi Quốc hội có nghị quyết về việc tổ chức của Chính phủ, sẽ tập trung vào các nhiệm vụ:

Chính phủ sẽ ban hành nghị định khung, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ; kiện toàn tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan nganh bộ bảo đảm giảm các cấp trung gian.

Chính phủ sẽ sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ và các văn bản pháp luật khác có liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phân định rõ trách nhiệm, phạm vi và cách thức quản lý công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ.

Đổi mới phướng thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quy trình quản lý của Chính phủ, Thủ tướng trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Việc thực hiện cơ cấu của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua vẫn còn những công việc phân công chưa phù hợp, chưa rõ về thẩm quyền và trách nhiệm.

Việc phối hợp trong tổ chức thực hiện chưa hợp lý nên khi xảy ra hậu quả xấu khó xác định được cơ quan chịu trách nhiệm chính.

Việc ban hành nghị định về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các bộ còn chậm, mô hình tổ chức các cơ quan bên trong các bộ còn thiếu thống nhất.

Việc sắp xếp, sáp nhập một số bộ thành bộ quản lý đa ngành chưa kết hợp có hiệu quả việc điều chỉnh chức năng, lồng ghép nhiệm vụ, khối lượng công việc, tổ chức bộ máy, phạm vi lĩnh vực quản lý của một số bộ quá lớn.

Chủ trương tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế kết quả thực hiện còn hạn chế…

Về phương án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ sẽ tạo điều kiện để Chính phủ tiếp tục thực hiện bao quát các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, phù hợp với tình hình thực tế.

Ủy ban Pháp luật nhất trí với cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa  XIV như trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ bám sát chức năng nhiệm vụ đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Chính phủ, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý điều hành phát triển kinh tế xã hội.

Phát huy vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển. Sớm ban hành quy chế làm việc mới của Chính phủ và ban hành quy chế làm việc mới của Chính phủ.

Khẩn trương sửa đổi, ban hành nghị định quy định nhiệm vụ, quyền hạn,cơ cấu tổ chức  bộ máy của từng bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó phân rõ mô hình , chức năng,nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ, cơ cấu bên trong bộ, xây dựng bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, khắc phục chồng chéo, trùng dẫm hoặc bỏ sót nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Xác lập cơ cấu bộ máy hợp lý để làm tốt công tác xây dựng thể chế, là đầu mối tăng cường quản lý một số lĩnh vực mà thực tiễn đang đặt ra những nhiệm vụ mới như ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý biển đảo, năng lượng, quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước trong các doanh nghiệp. Tăng tính chủ động hơn cho chính quyền địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát của Trung ương

Ngọc Quang