Chosun: Trung Quốc nồng nhiệt, Triều Tiên vẫn lạnh lùng

21/07/2015 14:12
Nguyễn Hường
(GDVN) - Trung Quốc rõ ràng đang muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên thông qua hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn tỏ ra hờn dỗi từ chối các đề nghị.

Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc hôm 21/7 nhận định, Trung Quốc đã nới lỏng quan hệ với Triều Tiên trong năm qua thông qua các chính quyền các tỉnh biên giới Liêu Ninh và Cát Lâm,  nhưng Triều Tiên vẫn tỏ ra "lạnh lùng". 

Quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã trở nên lạnh nhạt sau khi chính quyền Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba vào tháng 2/2013 bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh và sau vụ thanh trừng Jang Song-taek, người có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm khu vực biên giới với Triều Tiên tại tỉnh Cát Lâm ngày 16/7/2015.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm khu vực biên giới với Triều Tiên tại tỉnh Cát Lâm ngày 16/7/2015. 

Có thời điểm Trung Quốc thậm chí còn ngừng tất cả các chuyến hàng cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng khiến quốc gia này rơi vào tình trạng thiếu nhiên liệu nghiêm trọng.

Theo Chosun, hiện nay Trung Quốc đang cố gắng cải thiện mối quan hệ với Triều Tiên thông qua chính quyền các tỉnh biên giới, nhưng vẫn muốn giữ phản ứng nghiêm khắc với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia này.

Chính quyền tỉnh Cát Lâm và Liêu Ninh gần đây đã lên kế hoạch thúc đẩy một loạt dự án hợp tác kinh tế chung ở dọc biên giới với Triều Tiên. 

Riêng Cát Lâm gần đây đã mở dịch vụ tàu container thường xuyên kết nối đặc khu kinh tế Hồn Xuân của nước này với Rajin-Sonbong của Triều Tiên và phát triển các tour du lịch chung với Triều Tiên dẫn khách tới thăm khu di tích Baekdu.

Hồn Xuân nằm giữa Rajin-Sonbong và Hassan của Nga. Thị trấn này từ lâu đã được Trung Quốc ưu tiên đầu tư phát triển nhằm phục vụ kế hoạch lâu năm là kiểm soát được cửa ngõ quan trọng ở Đông Bắc. 

Trong khi đó, chính quyền Liêu Ninh dự kiến sẽ mở một khu thương mại ở Đan Đông cho phép mỗi người dân Triều Tiên được mua 8.000 tệ hàng hóa miễn thuế trong một ngày.

Kim Han-kwon, chuyên gia tại Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc cho biết, những động thái trên cho thấy Trung Quốc rõ ràng đang muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên thông qua hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn tỏ ra hờn dỗi từ chối các đề nghị của phía Trung Quốc. Theo ông, việc Bình Nhưỡng tỏ ra lạnh nhạt dường như muốn làm tăng giá trị của những lời đề nghị hoặc muốn làm đa dạng hóa bạn bè. 

Biểu hiện của sự lạnh nhạt này có thể thấy ở chỗ Đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên Lý Tiến Quân cho đến giờ dường như vẫn chưa được nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tiếp kiến. Thậm chí ông Quân cũng vẫn chưa được gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ri Su-yong. 

Ngoài ra, các quan chức Triều Tiên cũng không tham gia một số sự kiện tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Bình Nhưỡng như thông lệ. 

Một số quan chức cấp cao Trung Quốc đến thăm Triều Tiên kể từ sau khi lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền. Sự kiện gần nhất là chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân hồi tháng Hai năm 2014. 

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm lên nắm quyền, ông Kim Jong-un vẫn chưa tổ chức chuyến công du nước ngoài tới Trung Quốc đầu tiên như ông nội và cha mình.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-yong đã ở lại Bắc Kinh ba ngày trên đường tới châu Phi hồi tháng trước cũng không chính thức gặp gỡ với bất kỳ quan chức Trung Quốc nào. 

Trung Quốc đã gửi thư mời ông Kim Jong-un tới tham dự lễ kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2 vào ngày 3/9 từ lâu tại Bắc Kinh, nhưng Bình Nhưỡng vẫn chưa trả lời.  

Thay vào đó, Triều Tiên đã cử một loạt quan chức cấp cao tích cực tới thăm một số quốc gia khác như Việt Nam và Lào.  

Triều Tiên gần đây còn tăng lệ phí sử dụng đất trong đặc khu kinh tế Rajin-Sonbong đối với các đối tác nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc, và tiếp tục giảm kinh ngạch thương mại với Trung Quốc. Xuất khẩu từ Triều Tiên tới Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 14,3%. 

Tờ Chosun dẫn một nguồn tin ở  tỉnh Cát Lâm cho biết, sự sụt giảm kim ngạch thương mại giữa hai nước là do nhu cầu ở Trung Quốc đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Triều Tiên như than và quặng sắt giảm. Ngoài ra cũng do đồng tiền của Triều Tiên sụt giảm mạnh về giá trị.

Nhưng Trung Quốc cũng thừa nhận rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là yếu tố có ảnh hưởng then chốt tới quan hệ giữa hai nước. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng tuyên bố rằng, việc đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran là ví dụ rõ ràng cho thấy có thể đối phó được với vấn đề này của Triều Tiên. 

Dẫu vậy, các chuyên gia tin rằng sẽ không có nhiều tiến bộ do Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ chấp thuận nhượng bộ. Chính quyền Triều Tiên tin rằng hạt nhân là sự đảm bảo duy nhất đối với sự tồn vong của mình./.

Nguyễn Hường