Dân Hà Nội rầm rộ đi kiện, phản đối dịch vụ chung cư

09/12/2011 07:17
Nguyễn Nga/Vef.vn
Cùng lúc, Hà Nội có 4, 5 vụ khiếu nại, kiện tụng liên quan đến chất lượng, phí dịch vụ tại các chung cư.

Đây có thể coi là đỉnh điểm bức xúc của người dân trước những yếu kém, thiếu chuyên nghiệp trong quan lý chung cư

Xưa nay người mua căn hộ chỉ để tâm đến "phần cứng" như vị trí đắc địa, thiết kế đẹp, chất lượng xây dựng tốt, công trình đẳng cấp, hiện đại... mà ít lường được rằng khi đi vào hoạt động, vận hành thì "phần mềm" là công tác quản lý, dịch vụ, thực hiện đúng cam kết của chủ đầu tư - cái chưa nhìn thấy ngay, mới tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt.

Cắt dịch vụ để dằn mặt dân

Sau nhiều năm tập trung cho tạo lập, phát triển các dự án nhà ở, cho đến nay rất nhiều công trình chung cư đã được đưa vào sử dụng, vận hành. Nhưng thời điểm này cũng là lúc nảy sinh nhiều yếu kém, mâu thuẫn, đấu tranh liên quan đến khâu dịch vụ, quản lý, điều hành nhà chung cư giữa cư dân và chủ đầu tư, đơn vị quản lý.

Dân cư tòa Chealsea Park "biểu tình" phản đối dịch vụ chung cư đắt đỏ.
Dân cư tòa Chealsea Park "biểu tình" phản đối dịch vụ chung cư đắt đỏ.

Hiện tại, có thể coi là đỉnh điểm của phong trào công khai đấu tranh với những yếu kém, tùy tiện trong hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ; nhập nhằng trong quản lý, tính phí; thiếu chuyên nghiệp trong điều hành tòa nhà, khi cùng lúc Hà Nội có ít nhất 4, 5 vụ khiếu nại, kiện tụng lớn, thu hút sự chú ý của dư luận.

Tháng 11 vừa qua, 17 hộ dân đang sinh sống đầu tiên tại chung cư 6 tầng (gồm 40 căn hộ) CT2 Mễ Trì Thượng, huyện Từ Liêm đã cùng gửi đơn tố cáo chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội số 68 (Công ty 68) có các sai phạm và bất nhất. Các hộ dân đặc biệt nhấn mạnh việc chiếm dụng sân chơi, nhà sinh hoạt cộng đồng, tầng 1 đỗ xe để kinh doanh thương mại, làm văn phòng, sai với thiết kế và cam kết ban đầu.

Công trình chậm bàn giao đến 3 năm, khi bàn giao, các hộ dân chuyển đến sinh sống thì không gian, hạ tầng và dịch vụ còn thiếu thốn, ngổn ngang. Lúc đầu người dân phải tự đi mua điện, nước, tự bảo quản phương tiện. Đến nay mới khoảng 1 năm sử dụng mà chất lượng công trình đã xuống cấp tệ hại.

Thực tế, ngay sau khi nhận được phản ánh của dân cư cho thấy, tường, cửa gỗ, cầu thang của nhiều căn hộ bị nứt vỡ, thấm nước, lô gia han gỉ, có căn hộ chưa ở đã mất cửa... hệ thống phòng cháy chữa cháy không đủ thiết bị để hoạt động; gạch cát, dây điện ngổn ngang, chắp vá, đánh đống bên lối đi... Một chi tiết khác nữa cũng khiến dân cư bất bình là phí dịch vụ tạm thu cao so với chất lượng phục vụ và thiếu minh bạch trong cơ sở tính toán, thậm chí phí trông giữ xe máy lên đến 100.000 đồng/xe/tháng - cao hơn cả quy định của thành phố Hà Nội mà không một lời giải thích.

Về cáo buộc chủ đầu tư chiếm dụng tầng 1 nhà CT2 vì theo quy định và thiết kế thì tầng 1 của tòa nhà chung cư phải được phục vụ cho dân cư vào mục đích dịch vụ, sinh hoạt cộng đồng, nhà để xe. Tuy nhiên ông Thành cho rằng, vào thời điểm năm 2007, công ty thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp. Theo phương án cổ phần hóa, thì toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất của diện tích tầng 1 nhà chung cư, trong đó có CT2 là 103 tỷ đồng đã được tính vào phần vốn nhà nước khi doanh nghiệp cổ phần hóa. Để bảo toàn, phát triển vốn, công ty phải quản lý và khai thác tầng 1 nhà CT2. "Điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành" - ông Thành khẳng định thêm.

Điều đáng nói là dù trong hoàn cảnh nào, doanh nghiệp cũng luôn có cái lý của mình. Tuy nhiên, khi mua chung cư, khách hàng lại không hề được thông tin, giải thích rõ ràng các vấn đề có liên quan, được họp bàn, lấy ý kiến thống nhất. Từ chỗ không được sự đối xử tôn trọng, bị dồn vào chỗ bí khi chủ đầu tư và công ty quản lý được lập ra tiếp tục bỏ bê, chậm chạp trong hoàn thiện công trình, tất cả đã khiến các cư dân dần mất lòng tin.

Trường hợp của CT2 Mễ Trì Thượng không phải là cá biệt. Trước đó, chủ đầu tư khu chung cư số 93 Lò Đúc là Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô cũng bị các hộ dân khiếu kiện nhiều tháng trời vì tự ý xây dựng, cơi nới thêm diện tích kinh doanh tại khu vực thuộc quyền sở hữu chung (sân thượng) nằm ngoài giấy phép xây dựng và cũng không được sự đồng ý của bất kỳ hộ dân nào.

Vụ việc đấu tranh căng thẳng đến mức cuối tháng 11, các cư dân đã đâm đơn kiện cả UBND phường Phạm Đình Hổ ra tòa án quận Hai Bà Trưng vì xử lý bất nhất, trái quy định của pháp luật. Lý do là dù đã xác định việc xây dựng, cải tạo tầng áp mái của Công ty Khách sạn Kinh Đô là chưa có giấy phép xây dựng nhưng thay vì xử lý cưỡng chế, phá dỡ, phường lại chỉ yêu cầu công ty này khắc phục vi phạm bằng cách làm thủ tục xin cấp phép xây dựng trong vòng 24 giờ.

Vin vào vấn đề sở hữu chung, riêng, nhiều chủ đầu tư đưa ra những áp chế, quy định bắt bí đối với cư dân. Trung tuần tháng 10, cư dân tòa nhà Chelsea Park (khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy) lại có đơn phản ánh tình trạng dự án đã chậm tiến độ bàn giao hơn 3 năm, dù hiện đã có hộ dân vào ở nhưng nhiều các hạng mục thiết yếu của dự án vẫn không được hoàn thiện, phí bảo trì, phí trông giữ xe quá cao so với quy định...

Đặc biệt, phản ứng của chủ đầu tư sau khi có phản ánh, theo cư dân là không tích cực hơn, mà ngược lại họ đã yêu cầu đóng cửa tầng hầm, không cho các hộ để ôtô, xe máy, không bố trí bảo vệ trông giữ vì lý do chưa đảm bảo an toàn...; áp chế cả người mua nhà bằng cách, bắt ký cam kết không khiếu kiện mới giao nhà, phải rút tên khỏi ủy quyền luật sư khiếu nại thì mới thu tiền 10% đợt cuối.

Sau hơn một năm trời lên tiếng đấu tranh các vấn đề dịch vụ và mức phí, kết quả là cuối tháng 11, một số hộ dân tại khu chung cư "5 sao" Golden Westlake (Thụy Khuê, Tây Hồ) lại tiếp tục đâm đơn kiến nghị lên UBND thành phố về việc chủ đầu tư tiếp tục "ép" cư dân mua chỗ đỗ xe tiền tỷ. Những người trả tiền đỗ xe ngắn hạn theo tháng thì chỉ được đỗ xe tại tầng hầm thứ 2 trong điều kiện chật hẹp và bị đối xử phân biệt...

Mới đây nhất ngày 3/12, dư luận nóng lên khi hàng trăm hộ dân sống tại hai tòa tháp căn hộ Keangnam tụ tập phản đối chủ đầu tư Hàn Quốc vì quyết định cắt quyền sử

Chỉ lo thu tiền

Điểm chung của các dự án gặp rắc rối khiếu kiện nói trên là hầu hết đều xây dựng, hoàn thiện trong bối cảnh thị trường chung cư tại Hà Nội đang lên, người bán làm chủ.

Dân ở tòa nhà 88 Láng Hạ tụ căng biểu ngữ phản đối giá trông xe quá cao.
Dân ở tòa nhà 88 Láng Hạ tụ căng biểu ngữ phản đối giá trông xe quá cao.
Vài năm về trước, nguồn cung ít, để được quyền mua căn hộ tại các vị trí này, người mua phải tiếp cận lòng vòng; ngoài giá gốc, họ còn phải mất một khoản tiền chênh đáng kể, chưa nói đến việc nghiên cứu kỹ, tham gia thương thảo điều khoản hợp đồng với bên bán. Vì thế nếu giở hợp đồng mua bán theo thỏa thuận dân sự thì ở những điều khoản về diện tích chung, riêng, các cư dân thường đuối lý hơn.

Đến nay, tâm lý "bề trên" của người bán có phần giảm bớt thì vấn đề lại nằm ở năng lực quản lý điều hành của chủ đầu tư cũng như khả năng đáp ứng, sự chuyên nghiệp của nhà cung cấp dịch vụ. Một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý bất động sản chia sẻ, nguyên nhân chính ở đây là doanh nghiệp thì chỉ chăm chăm bán hàng, người mua và nhà đầu tư chỉ nhìn số tiền trên mét vuông, không ai nhìn về dài hạn, quan tâm về quản lý, dịch vụ.

Việc quản lý tòa nhà ở nước ta đang trong cảnh manh mún, mỗi bên cung cấp một tý, từ bảo vệ, lễ tân, quét dọn nhưng trên tất cả là quản trị hệ thống kém. Quy chuẩn quản lý trong lĩnh vực này cũng chưa có.

Độ sòng phẳng và nghiêm túc của chủ đầu tư là chưa cao. Việc kiện cáo vẫn được xem là cái gì rất nghiêm trọng nhưng thực chất là chuyện tìm ra điểm chung nhất giữa hai thái cực. Khi người tiêu dùng lên tiếng, đó là cơ hội để doanh nghiệp lắng nghe.

"Tiền của doanh nghiệp còn phải bỏ ra để đi mua nghiên cứu thị trường trong khi khách hàng của mình đang ở, đang kêu thì anh lại coi thường, phó mặc. Doanh nghiệp bất động sản thời gian qua đa phần là nhỏ, chỉ có 1-2 dự án như kiểu tiện tay kiếm thêm một tý chứ không nghĩ lâu dài. Doanh nghiệp lớn trong nghề mà làm như vậy, để khách hàng kiện thì ngày mai đừng bảo bán được dự án khác" - vị này chia sẻ thẳng.

Nguyễn Nga/Vef.vn