"Đảng cương quyết loại bỏ một bộ phận cán bộ biến chất, tham nhũng"

05/02/2013 06:41
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Đảng phải cương quyết loại bỏ ra khỏi Đảng một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái tư tưởng, thoái hoá biến chất, tham nhũng. Đây là thử thách cuối cùng và nếu cơ quan phòng chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí thư mà còn không làm được việc này thì không cơ quan nào có thể chống tham nhũng được nữa...”.
Đó là những đánh giá, khẳng định của ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội khi trả lời phỏng vấn của báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Ngày 4/2, tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Đối với những vụ án lớn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng không sa vào xử lý từng vụ án cụ thể, không làm thay chức năng của cơ quan nhà nước; chỉ giám sát việc xử lý các vụ việc; phối hợp với các ngành, các cấp, đôn đốc làm đúng chức năng nhiệm vụ, theo quy định của pháp luật; cho định hướng chỉ đạo đối với một số vụ trọng điểm, phức tạp, để kéo dài, hoặc có ý kiến khác nhau...

Ông Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: C.M)
Ông Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: C.M)

Đánh giá cao những định hướng này, ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội nói: “Xét về chức năng nhiệm vụ dưới góc độ Đảng thì rõ ràng Đảng không thể thay thế cho các cơ quan nhà nước cũng như các cơ quan tư pháp được. Đó là một cách thể hiện để đảm bảo chức năng nhiệm vụ của các cơ quan không bị trùng lặp. Đảng chỉ đạo cho các cơ quan khác thực hiện theo Nghị quyết đã đề ra, giám sát xem việc đã chỉ đạo có được làm tốt hay không, nếu không làm tốt thì phải làm lại”.

Lý giải vì sao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trước đây không cao, ông Thuận cho biết: “Theo định kỳ thì Ban này cũng họp và đôn đốc, nhắc nhở. Trong bộ máy của Ban này có các cơ quan tư pháp như Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Toà án Nhân dân tối cao là những cơ quan hoạt động độc lập. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cơ quan này với bên Đảng không có sự nhịp nhàng.

Đó cũng là lý do tại sao Trung ương Đảng quyết định chuyển nhiệm vụ này sang bên Đảng. Bây giờ, Đảng ra Nghị quyết và Đảng tự thực hiện, nhắc nhở các cơ quan khác hoạt động thì trước nhất đó là một việc có tính chất tương tự như giảm thủ tục hành chính. Tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 thì sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn”.

Ông Trần Quốc Thuận nói tiếp: “Đảng phải cương quyết loại bỏ ra khỏi Đảng một bộ phận không nhỏ suy thoái tư tưởng, thoái hoá biến chất, tham nhũng. Đây là cơ hội cho Đảng và nếu không sớm loại bỏ thì bộ phận không nhỏ đó lây lan ra rất rộng, dẫn đến nhiều nguy cơ như Nghị quyết Trung ương 4 đã bàn.

 Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sự sinh tồn của Đảng mà còn ảnh hưởng đến độc lập dân tộc. Đây là thử thách cuối cùng và nếu cơ quan phòng chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí thư mà còn không làm được việc này thì không cơ quan nào có thể chống tham nhũng được nữa”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng và Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Minh Thăng)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng và Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Minh Thăng)

Khi được hỏi về những điều cần chú ý để Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có thể hoạt động một cách hiệu quả, ông Thuận chia sẻ: “Thứ nhất là phải bắt đầu thực hiện như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu tức là "đánh" vào những vụ án lớn, đánh từ trên xuống dưới. Theo Nghị quyết Trung ương 4 là phải kiểm điểm từ trên xuống, phải chọn trọng tâm, trọng điểm để “đánh””.

Ông Thuận kể: “Hôm ra họp ở Đà Nẵng cách đây gần 1 tháng, một số anh em trong đoàn TP. Hồ Chí Minh có gặp ông Nguyễn Bá Thanh. Anh em phát biểu nhiều kỳ vọng trong đó tôi có nói ý rằng: Ban Nội chính với sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư mà không chỉ đạo được cho Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tiến hành khởi tố, truy tố, đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng cho ra ngô ra khoai (một số vụ như Vinashin, Vinalines phải làm lại chứ không đơn thuần chỉ là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) thì Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hoạt động cũng chẳng để làm gì. Xử lý tham nhũng cũng như chặt cái dây leo, nếu chặt ở phía trên thì tự khác cái dây leo đó bị tụt xuống thôi”.

“Thứ hai là phải kiên trì làm và thứ ba là phải công khai minh bạch. Trong công tác chống tham nhũng, báo chí phải đi đầu. Trước đây, chúng ta làm vụ Năm Cam, báo chí vào rất sâu và hiệu quả. Đồng thời chúng ta cũng phải để cho nhân dân tham gia tích cực. Chúng ta phải vừa đánh, vừa hô thì mới tạo ra sức mạnh như quân lính của Quang Trung vậy. Hồ Chủ tịch đã từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, ông Thuận hiến kế.
Hồng Chính Quang