ĐBQH Đỗ Văn Đương:

"Đề nghị Bộ Công an vào điều tra, xử lý hình sự vụ xả lũ ở miền Trung"

19/11/2013 13:23
Ngọc Quang
(GDVN) - ĐBQH Đỗ Văn Đương: “Cố ý làm trái vì động cơ vụ lợi thế nào? Đã có quy trình chưa? Trước khi bão lũ đến đã có xả lũ chưa? Làm trái quy định của pháp luật mà gây thiệt hại thì đương nhiên phải cấu thành hình sự, không phải bàn gì ở chỗ này cả”.
ĐBQH Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh, cần phải điều tra làm rõ việc xả lũ gây hậu quả để xử lý trách nhiệm hình sự.
ĐBQH Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh, cần phải điều tra làm rõ việc xả lũ gây hậu quả để xử lý trách nhiệm hình sự.

Cơn lũ vượt đỉnh lịch sử hoành hành các tỉnh miền Trung vừa rút thì chiều 17/11 một cơn lũ mới lại ập về đã gây nên tình trạng “lũ chồng lũ”, uy hiếp trực tiếp các khu dân cư ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn hai địa phương này, chiều tối 17 đến sáng 18/11, nước lũ tiếp tục dâng cao trở lại do các huyện vùng cao có lượng mưa lớn kéo dài.

Do mưa lớn kéo dài khiến 22/59 hồ chứa thủy lợi miền Trung - Tây nguyên xả tràn, các hồ khác đạt 60-85% dung tích. Chỉ tính đến 6h ngày 16/11 đã có 15 hồ thủy điện xả lũ, trong đó 9 hồ xả lũ với lưu lượng lớn hơn 400 m3/s như Bình Điền (Thừa Thiên-Huế) 654 m3/s; Sông Tranh 2 (Quảng Nam) 2.352 m3/s.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Khắc Xuyên, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, khoảng 10h ngày 15/11, ông có nhận được thông báo thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ. Tuy nhiên, đến 14h cùng ngày, thì nước lũ đổ về dữ dội khiến chính quyền địa phương không kịp trở tay.
Trước những bức xúc của nhân dân các tỉnh miền Trung, bên lề kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13, ĐBQH Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh, cần phải điều tra làm rõ việc xả lũ gây hậu quả để xử lý trách nhiệm hình sự.
PV: Thưa ông, câu chuyện xả lũ không phải bây giờ mới được đề cập, nhưng dường như công tác giám sát chưa thật sự hiệu quả?
Ông Đỗ Văn Đương: Theo tôi phải giao cụ thể cho Bộ Công an và các cơ quan tư pháp, các cơ quan chức năng khác nữa cùng phối hợp đi kiểm tra ngay dịp này, tính cụ thể hành vi và trách nhiệm để xử lý luôn. Phải làm rõ: Cố ý làm trái vì động cơ vụ lợi thế nào? Đã có quy trình chưa? Trước khi bão lũ đến đã có xả lũ chưa? Làm trái quy định của pháp luật mà gây thiệt hại thì đương nhiên phải cấu thành hình sự, không phải bàn gì ở chỗ này cả.
PV: Nhưng thưa ông, có ý kiến cho rằng cứ phải có đơn kiện của dân thì cơ quan chức năng mới vào cuộc?
Ông Đỗ Văn Đương: Theo tôi không cần phải như thế, bởi trong điều tra tội phạm các cơ quan chức năng có đủ quyền và công cụ hỗ trợ.
PV: Trong trường hợp các nhà máy thủy điện nói rằng họ làm đúng quy định thì sao, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Đương: Các cơ quan chức năng đủ sức để chứng minh có sai hay không và sai ở điểm nào, khi đã điều tra và đưa ra đầy đủ chứng cứ thì anh muốn cãi cũng không được. Nhưng hiện tại chưa có biện pháp cưỡng chế, cũng chưa xem xét quy trình đó xem có sai gì không để quy trách nhiệm, nói là đúng hay sai đều là võ đoán, cho nên bây giờ dứt khoát phải điều tra.
Cái có thể nhìn thấy ngay là hậu quả đã xảy ra rồi, thời điểm xả lũ thì đúng vào lúc đang mưa lớn, quy trình vận hành đã có thông báo rồi… vậy thì bây giờ xét trách nhiệm, làm sai đến đâu phải căn cứ vào văn bản pháp luật, thời điểm xả lũ, hậu quả thiệt hại do xả lũ, ai chỉ đạo điều hành… vậy là ra kết quả.
PV: Theo ông trách nhiệm chính trong công tác điều tra thiệt hại do xả lũ nên để trung ương hay địa phương làm?


Thuỷ điện Đăk Mi 4 xả lũ ngày 2/10 .
Thuỷ điện Đăk Mi 4 xả lũ ngày 2/10 .
Ông Đỗ Văn Đương: Theo tôi trước hết phải là cơ quan điều tra của Bộ Công an vào cuộc, còn các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp, làm như vậy để khỏi phải vướng mắc ở địa phương. Trong vấn đề này không chỉ xét trách nhiệm của địa phương mà phải xem cả trách nhiệm của Bộ Công thương. 
PV: Thưa ông, quy trình mà sai thì người ra quy trình có bị xử lý trách nhiệm hình sự không?
Ông Đỗ Văn Đương: Đương nhiên nếu ra quy trình sai thì người ra quy trình có liên đới trách nhiệm. Nhưng tôi tin rằng quy trình đã có quy định rồi, chỉ có điều là chưa cụ thể. Theo tôi, phải quy định chi tiết hơn, thí dụ khi nghe dự báo thời tiết trong vòng 1-2 ngày có bão, mưa lớn… thì lập tức phải xả lũ để tăng dung tích chứa ở hồ chứa, như vậy sẽ tránh được tình trạng hiện nay là “lũ chồng lũ”. 
PV: Trong những sai phạm có liên quan tới xả lũ ở các đập thủy điện trách nhiệm chính thuộc về Bộ Công thương hay Bộ Nông nghiệp, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Đương: Chắc chắn với lĩnh vực thủy điện trách nhiệm chính phải thuộc về Bộ Công thương, còn Bộ Nông nghiệp thì chỉ là gián tiếp có liên quan. Chúng ta phải phân biệt rất rõ trách nhiệm cụ thể của bộ chủ quản và những đơn vị có liên quan, chứ không thể nhập nhằng đánh tráo. Theo tôi bây giờ các bộ đùn đẩy trách nhiệm là không được, mà phải cùng hợp lại để giải quyết hậu quả đã xảy ra với người dân, phải hy sinh lợi ích nhỏ để bảo vệ lợi ích toàn cục. 
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Quang