Đừng để trẻ đi thang cuốn một mình!

05/02/2012 15:21
Mới đây, một bé trai 9 tuổi người Trung Quốc đã bị thang cuốn tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh kẹp chết.
Ở Việt Nam cũng đã từng xảy ra một số tai nạn trên thang cuốn khi trẻ em đi mà không có người lớn đi cùng.

Do sự vô tâm của người lớn?

Rảo quanh một số trung tâm mua sắm và siêu thị ở TP.HCM, chúng tôi dễ dàng bắt gặp cảnh không ít trẻ em đi trên thang cuốn mà không có người lớn đi cùng.

Theo quan sát, các buổi tối tại các siêu thị là thời điểm thu hút rất nhiều phụ huynh đưa con nhỏ đi mua sắm.

Đa phần các em rất thích bố mẹ đưa đi thang cuốn dù không có nhu cầu mua sắm. Bên cạnh một số trẻ được phụ huynh hướng dẫn đi trên thang cuốn, cũng có không ít em nhỏ tự do lên xuống thang một mình, trong lúc bố mẹ đang bận mua đồ.

 Đừng để trẻ đi thang cuốn một mình! ảnh 1
Nhiều trẻ tự do đi lại trên thang cuốn mà không có người lớn đi cùng. Ảnh chụp tại một siêu thị ở Q.1 (TP.HCM) lúc 20 giờ 30 phút tối 31.1 - Ảnh: Trí Quang

Theo các chuyên gia, việc cho trẻ đi thang cuốn một mình là không an toàn.

Ông Hoàng Việt Dũng - Trưởng phòng Kinh doanh kỹ thuật, Tập đoàn thang máy Thăng Long (Hà Nội), cho biết các sự cố mắc kẹt vào thang cuốn sẽ xảy ra nếu nạn nhân (đặc biệt là trẻ em đi một mình) cố ý nghịch do tò mò và một vài trường hợp do thang máy đảo chiều đột ngột.

Theo ông Dũng, các loại sự cố thường gặp ở thang cuốn tại Việt Nam trong thời gian qua là mắc kẹt dây giày, tay, chân vào khe bậc thang, khe bên hông gần tay vịn hai bên, hoặc bị té ngã do thang đảo chiều hay dừng đột ngột.

 Đừng để trẻ đi thang cuốn một mình! ảnh 2
Các khuyến cáo được dán ở đầu thang cuốn tại một siêu thị - Ảnh: Trí Quang

“Có những dòng thang cuốn loại tốt chống đảo pha, đảo chiều rất tốt. Còn những dòng thang bình thường thì có thể xảy ra nạn đảo chiều đột ngột gây nguy hiểm cho khách đi thang”, ông Dũng lưu ý.

Đứng ở góc độ là chuyên gia về thang máy, thang cuốn, ông Dũng khuyến cáo trẻ em nên có người lớn đi cùng khi sử dụng thang cuốn, trẻ không được nghịch ngợm cho đồ vật vào khe thang cuốn.

“Trường hợp bị mắc kẹt dây giày chẳng hạn, người sử dụng cứ bình tĩnh. Thông thường ở bên phải chân vách đỉnh thang có nút tắt thang khẩn cấp. Nạn nhân có thể nhờ người xung quanh hoặc tự mình dùng chân đá mạnh vào nút này thì thang tự động ngưng hoạt động”, ông Dũng cho biết thêm.

Tai nạn đáng tiếc

Qua tổng hợp báo chí (chưa đầy đủ) cho thấy đã xảy ra một số vụ tai nạn thang cuốn tại một số siêu thị, trung tâm mua sắm ở TP.HCM, phần lớn nạn nhân là trẻ em.

Tháng 5.2011, một bé gái 2 tuổi đã bị đứt gân 4 ngón tay do bị kẹt vào bậc thang cuốn tại một siêu thị. Sau đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết gân giữa điều khiển chức năng gập duỗi ở các ngón tay của bé đã bị nghiến đứt.

Cuối năm 2010, bé trai 5 tuổi bị gãy chân do sự cố thang cuốn tại một trung tâm thương mại ở Q.1.

Năm 2008, một bé trai 3 tuổi khác cũng bị kẹt 2 ngón chân ở một trung tâm thương mại tại Q.Tân Bình.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công ở Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM), người dân khi sử dụng thang cuốn và gặp tai nạn là một sự kiện pháp lý. Xét thấy cần bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình thì họ có thể khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (theo khoản 6, điều 25, Bộ luật Tố tụng dân sự).

Tuy nhiên, theo luật sư Công, khi khởi kiện nạn nhân phải chứng minh được tai nạn xảy ra có lỗi của bên chủ thang cuốn như: có sự cố kỹ thuật của thang cuốn xảy ra, không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người sử dụng, không có bảng hướng dẫn an toàn, các khe rãnh của cầu thang không được che chắn cẩn thận…

"Tất cả các dấu hiệu này là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn, gây thiệt hại cho người sử dụng thì mới có thể đi kiện và thắng kiện”, luật sư Công nói.

 Đừng để trẻ đi thang cuốn một mình! ảnh 3
Phụ huynh không nên để con trẻ đi thang cuốn một mình - Ảnh: Trí Quang

Luật sư Công cho biết thêm, đã có một số tai nạn liên quan đến thang cuốn ở Việt Nam nhưng chưa thấy vụ nào nạn nhân kiện đòi bồi thường.

"Có thể do hai bên đã giải quyết tốt với nhau hoặc nạn nhân xác định rõ do lỗi chủ quan của mình”, luật sư Công lý giải.

Trao đổi với phóng viên về công tác đảm bảo an toàn cho khách hàng sử dụng thang cuốn, đại diện hệ thống siêu thị Co.opMart khẳng định: Tại các thang cuốn, Co.opMart đã trang bị các biển báo, quy định và bảng hướng dẫn cụ thể, đồng thời các nhân viên siêu thị cũng thường xuyên có mặt tại đây để hướng dẫn khách hàng hoặc xử lý các sự cố có thể xảy ra.

Đại diện siêu thị trên cũng khẳng định chưa có vụ tai nạn thang cuốn nào xảy ra ở hệ thống siêu thị Co.opMart trong thời gian qua.

Tương tự, đại diện siêu thị Lotte Mart cũng nói chưa có vụ tai nạn thang cuốn nào xảy ra tại hệ thống siêu thị này.
 
Đại diện siêu thị Lotte Mart chia sẻ một cách làm hiệu quả để đảm bảo an toàn cho khách sử dụng thang cuốn: Tại vị trí mỗi thang đều có trang bị loa phát thông báo cho khách hàng cách di chuyển trên băng chuyền tự động sao cho an toàn. Loa này phát liên tục từ lúc siêu thị hoạt động đến lúc siêu thị đóng cửa bằng tiếng Việt và tiếng Hàn.

Tai nạn thang cuốn phổ biến ở nhiều nước

Tháng 7.2011, Tân Hoa xã đưa tin một bé trai 7 tuổi thiệt mạng, 28 người khác bị thương sau khi thang cuốn tại một nhà ga ngầm ở Bắc Kinh (Trung Quốc) bất ngờ đảo chiều, gây ra cảnh đè chết người khủng khiếp.

Và mới đây nhất, một bé trai 9 tuổi cũng đã bị thang cuốn tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh kẹp chết.

Tờ Daily Mail (Anh), năm 2009 đưa tin về một cậu bé 4 tuổi bị mắc kẹt giữa khe hai cầu thang cuốn đang chạy ngược chiều nhau, tại một trung tâm mua sắm ở London (Anh).

Khuôn mặt cậu bé đáng thương đã bị biến dạng nghiêm trọng.

Trong một bản tin năm 2009, hãng CBS News cho biết mỗi năm ở Mỹ có gần 10.000 người phải nhập viện cấp cứu vì tai nạn thang cuốn. Phần lớn trong số đó là trẻ em.

Trích dẫn số liệu từ Cục Thống kê lao động và Ủy ban An toàn sản phẩm người tiêu dùng của Mỹ, trang quellerfisher.com (Mỹ) cho hay tai nạn thang máy và thang cuốn cướp đi sinh mạng của 30 người và làm 17.000 người khác bị thương mỗi năm trên toàn nước Mỹ.

Tai nạn liên quan đến thang cuốn ở Mỹ phổ biến đến mức rất nhiều đơn vị tư vấn pháp lý dành riêng cho những người gặp tai nạn với thang cuốn đã được thành lập, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong việc kiện cáo đòi quyền lợi thỏa đáng của nạn nhân.

Trí Quang/Thanh niên